Hôm 22-11, một ngày hai người văn ra đi. Một nhà thơ - Nguyễn Xuân Sanh và một dịch giả - Đoàn Tử Huyến. Cả hai ông tôi đều quen, mặc dù họ hơn tôi rất nhiều tuổi.
Cuối những năm 80 đầu những năm 90 thế kỷ trước, tôi về Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân và gặp anh Đoàn Tử Huyến thường đến chơi ở đó (hình như khi đó anh làm bên NXB Lao Động). Khi đó anh đã là một dịch giả nổi tiếng và đang chuyển hướng sang làm sách: Tổ chức bản thảo và xuất bản (nói thô thiển là đầu nậu).
Đến lúc đó anh đã dịch nhiều, trong đó có một cuốn tiểu thuyết tôi thích là “Tiếng gọi vĩnh cửu” của nhà văn Liên Xô Anatoly Ivanov bởi tôi đã đọc nguyên bản bằng tiếng Nga. Ngôn ngữ và cấu trúc câu của tác giả này không đơn giản, người dịch phải giỏi.
Ít lâu sau thì anh dịch “Nghệ nhân và Margarita” của Bulgakov tạo nên một hiện tượng trong đời sống văn học khi đó.
Đoàn Tử Huyến góp phần thúc đẩy tôi dịch và tham gia dịch đến 12 cuốn sách trong có 4 năm. Số là cuốn sách đầu tiên anh Lê Huy Hoà – biên tập viên mảng văn học dịch NXB QĐND đưa về bảo tôi thử dịch là tiểu thuyết trinh thám Pháp “Thang máy lên đoạn đầu đài”, bản tiếng Nga.
Tôi hồi đó vừa ở Liên Xô về, tiếng Nga khá khoẻ, vốn tiếng Việt cũng ổn, sách lại đã dịch một lần từ Pháp sang Nga, câu chữ đã đơn giản đi nên thực chất đại để là đêm đêm tôi ngồi nhìn trang sách tiếng Nga và viết ra giấy bằng tiếng Việt, hoàn thành việc dịch trong chưa đầy tháng trong điều kiện vẫn làm việc cơ quan bình thường.
Sách được in ngay, anh Hoà đưa cho tôi cuốn sách mới tinh nói “anh Huyến bảo chú dịch bay lắm”.
Được người như anh Huyến khen, tôi tự tin hăm hở dịch liên tiếp, trong đó có những cuốn như “Trở về Eden”, “Vườn thú Hollywood”, “Sói cái”, mấy cuốn của tác giả trinh thám James Hadley Chase… “Trở về Eden” tôi dịch cùng chị Nguyễn Thị Kim Hiền, giờ vẫn bên Nga làm cho một hãng tin. Cuốn sách ra lần đầu năm 1993 bán rất chạy một thời và cho đến giờ vẫn bán được gần như chưa bao giờ vắng trên các giá hiệu sách.
Hồi đó tôi làm việc điên đến mức sau 4 năm viết báo và dịch sách, tôi tích cóp đủ tiền mua một căn hộ tập thể ở khu Nghĩa Tân. Gần như hoàn toàn bằng tiền nhuận bút.
Lời khen của anh Huyến góp một phần quan trọng vào “kỳ tích” đó của tôi.
Sau này, có một khoá, tôi cùng Hội đồng Văn học dịch của Hội Nhà văn Hà Nội với anh Huyến. Một năm, chúng tôi họp để phân nhau đọc các cuốn sách dịch dự tranh giải thưởng năm của Hội. Sách nhiều, Hội đồng chia sách phân nhau đọc, chính xác là ai nhận cuốn nào thì giao cuốn đó. Tôi sĩ diện nhận cuốn “Siêu lý tình yêu” của nhà văn - nhà triết học Nga Vladimir Solovyov dày cộp do Phạm Vĩnh Cư dịch. Anh Huyến cười nói cuốn này đọc thế nào được! (Hình như chính anh là người chủ trì xuất bản tác phẩm này!). Quả thật, cho đến bây giờ sau khoảng hơn 10 năm tôi vẫn chưa đọc hết cuốn sách dày này. Không phải do quá lười đọc, nhưng quá bận và quá nhiều cái phải đọc để phục vụ công việc hàng ngày.
Nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh thì tôi gặp khi đã chuyển sang Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam, làm tạp chí Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam do anh Bằng Việt làm tổng biên tập khoảng năm 1991 - 1994.
Rất nhiều văn nghệ sĩ lừng danh xưa và ở thời điểm đó đã rẽ vào cái phòng con con ở tạp chí trong sân 51 Trần Hưng Đạo, Hà Nội.
Nguyễn Xuân Sanh là một trong số đó.
Khi đó ông đã già và hưu. Người dong dỏng cao, cử chỉ chậm rãi, đôi mắt như ngưng đọng, nói năng nhỏ nhẹ, rủ rỉ.
Ông là người có vẻ cô độc. Tôi thấy ông đến sân 51 nhưng ít người vồn vã nói chuyện với ông. Tôi là thằng vừa nhập vào làng báo mới có đôi ba năm, ngồi túc trực ở phòng của tạp chí (vì vừa là phóng viên, vừa là biên tập rồi kiêm luôn cả thư ký toà soạn bất đắc dĩ, có lúc làm cả trình bày báo, rồi chạy luôn nhà in…) có lẽ là người chịu ngồi nghe ông nhất.
Tôi nhớ hồi ấy tôi vẫn ngượng là ông cứ nói với tôi “anh em mình” phải thế này thế kia vì nền văn nghệ như tôi là người bằng vai phải lứa với ông. Ông là thành viên nhóm Xuân Thu Nhã tập thời Thơ Mới, tác giả của câu thơ còn truyền mãi “Đáy đĩa mùa đi nhịp hải hà” cơ mà!
Người ta cứ nói ông đau cả đời vì không được các tác giả của “Thi nhân Việt Nam” đưa vào cuốn sách trứ danh đó. Tuy nhiên, tôi đã đọc cuốn đó vài lần, thấy nhiều tác giả trong đó không để lại được câu nào gây nhớ như câu “đáy đĩa…” của Nguyễn Xuân Sanh.
Chuyện ít người nói chuyện với Nguyễn Xuân Sanh tôi nghe người ta giải thích rằng do ông làm quan chức văn nghệ lâu, có ân oán với nhiều người. Tôi là thứ hậu sinh, nghe vậy thì biết vậy chứ chẳng thực hư thế nào.
Nguyễn Xuân Sanh (thời trẻ) và đoạn cảm nghĩ của ông về Thơ Mới đăng trên tạp chí Diễn Đàn Văn nghệ Việt Nam năm 1992.
Năm 1992, nhân kỷ niệm 60 năm bắt đầu phong trào Thơ Mới (1932 – 1992), tôi trực tiếp tổ chức được trên Diễn đàn văn Nghệ Việt Nam số 3 + 4/1992 một chuyên đề mang tên “Nhìn lại mình và Thơ Mới” bằng hình thức tôi cho là độc đáo. Tôi tìm gặp những người còn lại của phong trào Thơ Mới ở Hà Nội khi đó gồm Vũ Đình Liên, Phan Khắc Khoan, Huy Cận, Tế Hanh, Anh Thơ, Xuân Tâm và Nguyễn Xuân Sanh (thực ra cũng là gần hết những tác giả của Thơ Mới còn sống ở thời điểm đó; ngoài những người trên tôi biết chắc lúc đó ở ngoài Hà Nội chỉ còn 3 tác giả Thơ Mới còn sống là Đoàn Văn Cừ - Nam Định, Yến Lan – Quy Nhơn và Mộng Tuyết – Hà Tiên; Mãi năm 2001 tôi mới đến Hà Tiên và tìm gặp bà Mộng Tuyết ở đó).
Tôi đã đề nghị mỗi tác giả Thơ Mới đó phát biểu một đoạn cảm nghĩ ngắn về Thơ Mới, chép tay một bài thơ để chụp in lên tạp chí cùng với ảnh chân dung mỗi người.
Vũ Đình Liên chép bài “Hối hận”; Phan Khắc Khoan chép “Chùm nhỏ tư duy” chưa đăng bao giờ gồm 5 bài tứ tuyệt, nhưng đến lúc in vì khuôn khổ có hạn chỉ đưa vào được hai bài “Lẽ sống” và “Niềm tin”; Huy Cận chép bài “Mơ cho đã”; Tế Hanh mắt đã loà nên chỉ chép mò được 4 câu trong bài “Lời con đường quê” (bài thơ ông tiết lộ là “viết xa nhất” trong các bài thơ được dư luận nhắc tới của ông); Anh Thơ chép bài “Đêm trăng xuân”. Chỉ có Xuân Tâm là vui vẻ tiếp chuyện nhưng chỉ thích nói về bóng đá (mà đội Âu Em - OM tức Olympic Marseille lúc đó vô địch cup C1 là ông mê nhất) vì rời xa văn giới đã quá lâu, không muốn khới lại nữa.
Nguyễn Xuân Sanh khi đó trang trọng và nắn nót chép ra đoạn cảm nghĩ về Thơ Mới như sau:
“Cần cù, trân trọng, hết lòng tiếp thu sáng tạo của cha ông ta là Thơ Mới. Biết nhận làm của mình cái đẹp, cái cao sâu cổ điển và hiện đại của thơ thế giới nhiều thời đại cũng là Thơ Mới.
Cái phần nhân văn đất nước ta trong thế kỷ ta đang sống và sự phát triển tiền đồ ngôn ngữ Việt Nam ngày càng giàu có, trong sáng, mạch lạc một phần cũng có nhờ sự này nở của phong trào Thơ Mới. Chức năng truyền cảm, thông tin của tiếng nói quê ta ít có lúc nào mang được nhiều sắc thái cuộc đời và sắc thái văn hoá, văn hiến bằng thời kỳ Phong trào Thơ Mới, để các thập kỷ sau đó được nâng cao lên nhiều hơn nữa. Tâm hồn Thơ Mới làm tươi tắn thêm cho nhiều giá trị của tiếng nói, nhiều tinh vi lỗi lạc của tiếng nói, cho nhiều sự mới lạ từng ngày xuất hiện trên quê hương ta”.
Nguyễn Xuân Sanh chép tay bài “Nhạc rừng Việt Bắc” ông làm ở căn cứ địa Thái Nguyên năm 1947, bài thơ mà ông cho rằng tiếp tục mang văn phong của ông và chút màu sắc tâm hồn ông những năm tháng của phong trào Thơ Mới và của Xuân Thu Nhã Tập.
Từ khi rời tạp chí Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam cuối năm 1994, tôi tập trung vào làm báo, rồi bị nhấn chìm vào sự bận rộn của một tờ báo ra hằng ngày, rồi báo điện tử, ngày càng bị cuốn vào công việc chuyên môn và quản lý, xa dần môi trường các văn nghệ sĩ. Và ít gặp anh Đoàn Tử Huyến dù một thời thỉnh thoảng có nhận được giấy mời tham gia các hoạt động của Trung tâm Văn hoá Ngôn ngữ Đông Tây và cà phê sách của anh (cơ bản là không đến dự được). Nguyễn Xuân Sanh thì ngoài một lần nhìn thấy ông đi thẫn thờ trên vỉa hè đường Bà Triệu tôi không còn được gặp ông lần nào nữa.