Nằm tiếp giáp với sườn Đông của dãy Tam Đảo, huyện Đại Từ được thiên nhiên ưu đãi ban tặng những nét cảnh quan độc đáo với những dãy núi cao hùng vĩ, những hồ nước, thác nước tự nhiên đẹp hoang sơ làm say đắm lòng người... Phát huy tiềm năng, lợi thế đó, những năm gần đây, huyện Đại Từ đã quan tâm đầu tư, phát triển các loại hình du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa - tín ngưỡng và du lịch trải nghiệm nhằm biến mảnh đất bên sườn Đông Tam Đảo này trở thành điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách thập phương.
Một trong những địa điểm nổi tiếng thu hút đông đảo du khách đến với Đại Từ trong những năm gần đây đó là suối Kẹm, xã La Bằng. Bắt nguồn từ đỉnh non xanh Tam Đảo, dòng suối Kẹm uốn lượn, len lỏi qua những ghềnh đá đủ kích cỡ và hình thù khác nhau trông rất hấp dẫn và đẹp mắt. Hai bên bờ suối là những thảm cỏ xen lẫn bãi đá và hoa dại đủ màu sắc. Đến với suối Kẹm, du khách sẽ được thỏa thích lội suối, cảm nhận sự mơn man của làn nước trong vắt, chạm tay vào những viên sỏi, đá kết tinh trắng bóng.
Không gian yên tĩnh, thanh tịnh của Thiền viện Trúc lâm Tây Trúc, tại xã Quân Chu (Đại Từ).
Nằm ngay dưới chân dòng suối Kẹm là vùng chè đặc sản La Bằng nổi tiếng. Tại đây, du khách không chỉ được đắm mình trong vẻ đẹp của những nương chè xanh mướt nơi triền núi, mà còn được gặp gỡ, giao lưu với những người làm chè đôn hậu, mến khách, được thưởng thức những chén chè xanh với mùi hương và dư vị không ở nơi nào có được.
Du khách tham quan, trải nghiệm tại suối Kẹm, xã La Bằng (Đại Từ)
Với những nét độc đáo đó, trung bình mỗi năm, suối Kẹm thu hút khoảng 20.000 lượt du khách đến tham quan và trải nghiệm. Đặc biệt, vào những ngày cao điểm mùa Hè, Suối Kẹm đón trên 500 lượt khách mỗi ngày. Để phục vụ tốt hơn nhu cầu tham quan, trải nghiệm của du khách, năm 2017, UBND huyện Đại Từ đã đầu tư xây dựng tuyến đường bê tông dài gần 10km, rộng 5,5 mét từ trung tâm xã vào điểm du lịch suối Kẹm. Cùng với đó, Trung tâm Du lịch sinh thái suối Kẹm (thuộc Vườn Quốc gia Tam Đảo) cũng đã được thành lập nhằm quản lý, khai thác hiệu quả điểm du lịch sinh thái này. Khoảng 2 năm trở lại đây, các nhà hàng, quán ăn, địa điểm vui chơi giải trí cũng mọc lên ngày càng nhiều để phục vụ du khách.
Không chỉ có suối Kẹm, trên địa bàn huyện Đại Từ còn rất nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng khác cũng thu hút đông đảo du khách thập phương đến tham quan, chiêm ngưỡng và trải nghiệm, nổi bật như: Thác Đát Ngao (xã Quân Chu), hồ Vai Miếu (xã Ký Phú), thác Bom Bom (xã Mỹ Yên), suối Cửa Tử (xã Hoàng Nông), thác Ba Dội (xã Phú Xuyên)... Những địa điểm này đều nằm ở sườn Đông của dãy Tam Đảo, nơi hứng hầu hết các cơn mưa của tự nhiên và do kiến tạo của địa hình đã hình thành nên những con suối, thác nước, vực sâu với cảnh đẹp hoang sơ, kỳ vĩ… Bên cạnh đó, sườn Đông Tam Đảo còn có khí hậu quanh năm mét mẻ, nhiệt độ trung bình chỉ từ 18-20 độ C, rất phù hợp với loại hình du lịch nghỉ dưỡng, trải nghiệm.
Du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng tại homestay Hoàng Nông Farm nằm trong khu du lịch suối Cửa Tử, xã Hoàng Nông (Đại Từ).
Cùng với những thắng cảnh thiên nhiên vô cùng hấp dẫn, mảnh đất bên sườn Đông Tam Đảo thuộc huyện Đại Từ còn là nơi ghi đậm những dấu ấn lịch sử qua các thời kỳ. Nơi đây có 49 di tích lịch sử, văn hóa - tín ngưỡng đã được xếp hạng, trong đó, 9 di tích cấp Quốc gia; 40 di tích cấp tỉnh. Những di tích tiêu biểu có thể kể đến như: Núi Văn - Núi Võ gắn liền với danh tướng Lưu Nhân Chú tại xã Ký Phú, Văn Yên; Di tích nơi ra đời Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh tại xã La Bằng; Di tích 27-7 nơi ra đời Ngày thương binh, liệt sĩ tại thị trấn Hùng Sơn; Di tích nơi thành lập Trung đoàn 246 tại xã Na Mao; Di tích Chùa Thiên Tây Trúc (Thiền viện Trúc lâm Tây Trúc) tại xã Quân Chu…
* Huyện Đại Từ có 10/30 xã, thị trấn nằm ở sườn Đông Tam Đảo, bao gồm: Phú Xuyên, La Bằng, Hoàng Nông, Văn Yên, Mỹ Yên, Ký Phú, Cát Nê, Yên Lãng, Quân Chu và thị trấn Quân Chu.
*Theo thống kê chưa đầy đủ của huyện Đại Từ, từ đầu năm đến nay, các điểm du lịch tại sườn Đông Tam Đảo đã thu hút trên 150.000 lượt du khách, tăng gần 40% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó: Suối Kẹm, xã La Bằng đón khoảng 20.000 du khách/năm; Núi Văn - Núi Võ, xã Ký Phú, Văn Yên đón khoảng 10.000 du khách/năm; suối Cửa Tử, xã Hoàng Nông đón trên 15.000 lượt du khách/năm; thác Bom Bom, xã Mỹ Yên đón trên 12.000 lượt du khách/năm; Chùa Thiên Tây Trúc (Thiền viện Trúc lâm Tây Trúc), xã Quân Chu đón trên 50.000 lượt du khách/năm…
|
Để khai thác hiệu quả những tiềm năng, lợi thế về du lịch, huyện Đại Từ đã xây dựng Đề án “Bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn huyện với phát triển du lịch”.Thực hiện Đề án, từ năm 2016 đến nay, huyện đã huy động được trên 100 tỷ đồng để trùng tu, tôn tạo, sửa chữa và nâng cấp 17 di tích lịch sử, văn hóa. Bên cạnh đó, huyện cũng đã quan tâm đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển du lịch, đặc biệt là hạ tầng giao thông. Chỉ tính riêng trong 5 năm gần đây, huyện đã đầu tư hàng chục tỷ đồng để thực hiện các Dự án xây dựng đường giao thông vào các khu di tích, điểm du lịch, như: tuyến đường vào khu du lịch Suối Kẹm, xã La Bằng; đường vào Di tích Núi Văn - Núi Võ, xã Văn Yên; đường vào Khu di tích Chùa Thiên Tây Trúc, xã Quân Chu…
Đến nay, huyện đã cơ bản hoàn thiện hệ thống đường giao thông đến các điểm du lịch, khu di tích lịch sử, văn hóa - tín ngưỡng trên địa bàn, tạo điều kiện thuận lợi cho du khách đi lại, thăm quan. Nhờ đó, việc kết nối hình thành các tour du lịch sinh thái kết hợp với tham quan di tích lịch sử, văn hóa đã bước đầu được hình thành như: Hồ Núi Cốc - Di tích 27/7 - Thiền viện Trúc Lâm Tây Trúc; Hồ Núi Cốc - Di tích 27/7 - Nơi thành lập cơ sở đảng đầu tiên của Đảng bộ tỉnh - Không gian văn hóa trà La Bằng - Suối Kẹm…
Đồng chí Phạm Quang Anh, Chủ tịch UBND huyện Đại Từ cho biết: Mặc dù, thời gian gần đây, lượng khách du lịch đến với huyện ngày càng tăng mạnh, tuy nhiên, việc giữ chân du khách đang là điểm yếu của các điểm du lịch trên địa bàn huyện. Để giải quyết vấn đề này, thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa, thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển hạ tầng du lịch, đặc biệt là hệ thống cơ sở lưu trú, khách sạn, nhà hàng, dịch vụ ăn uống… Bên cạnh đó, hàng năm, huyện sẽ xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao nhằm bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và tạo ra nhiều sản phẩm du lịch tính mang tính đặc thù của địa phương để thu hút và giữ chân du khách.