Sau thời gian phát động, Cuộc thi “Sáng tác kịch bản phim truyện điện ảnh năm 2020” đã nhận được rất nhiều tác phẩm của các tác giả tham gia dự thi, Ban Tổ chức đã lựa chọn và giải thưởng cho 8 kịch bản xuất sắc gồm 2 giải Nhì, 3 giải Ba và 3 giải Khuyến khích.
Ngày 31/12, tại Hà Nội, Cục Điện ảnh (Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) tổ chức Lễ trao giải Cuộc thi “Sáng tác kịch bản phim truyện điện ảnh năm 2020”.
Cuộc thi “Sáng tác kịch bản phim truyện điện ảnh năm 2020” được phát động ngày 14/9, nhằm tìm kiếm các kịch bản điện ảnh để sản xuất phim, đồng thời tìm kiếm tài năng, tạo môi trường sáng tác và khích lệ những dự án điện ảnh có cơ hội được đến với khán giả. Sau thời gian phát động, Ban Tổ chức đã nhận được một số lượng kịch bản lớn, chứng tỏ lĩnh vực sáng tác kịch bản điện ảnh vẫn nhận được sự quan tâm của nhiều đối tượng trong xã hội.
Cụ thể, Ban Tổ chức đã nhận được tổng số 226 kịch bản dự thi của 152 tác giả từ 32 tỉnh, thành; trong đó, có 186 kịch bản hợp lệ. Từ đây, Ban tổ chức đã chấm, chọn và trao giải thưởng cho 8 kịch bản xuất sắc gồm 2 giải Nhì, 3 giải Ba và 3 giải Khuyến khích.
Cụ thể, 2 giải Nhì (mỗi giải trị giá 50 triệu đồng) được trao cho cho kịch bản “Culi không bao giờ khóc” của tác giả Phạm Ngọc Lân, Nghiêm Quỳnh Trang và kịch bản “Thiên mạc hùng ca” của tác giả Nguyễn Thị Mai Phương.
3 giải Ba (mỗi giải trị giá 30 triệu đồng) được trao cho các kịch bản: “Anh hùng tình báo Phạm Xuân Ẩn” của tác giả Phạm Thuỳ Nhân; “Nổi loạn” của Nhiếp Thị Hải Anh và “Vầng trăng thơ ấu” của tác giả Đặng Thị Thanh Bình.
3 giải Khuyến khích (mỗi giải trị giá 10 triệu đồng) được trao cho các kịch bản: “Đêm ả đào” của tác giả Đặng Thu Hà, “Kiếm gỗ và kiếm thép” của tác giả Nguyễn Anh Tuấn (Mai An) và “Mẹ Tư Hồng” của tác giả Huỳnh Bá Long.
Đánh giá về chất lượng giải thưởng năm nay, Ban tổ chức cho biết, kịch bản đoạt giải đều là các tác phẩm có nội dung tư tưởng hướng đến giá trị nhân văn, hướng thiện, giàu bản sắc văn hóa Việt. Nhiều kịch bản thể hiện sự đầu tư, tìm tòi kỹ lưỡng của tác giả về các vấn đề của lịch sử hoặc đời sống; thể hiện sự chuyên nghiệp; hướng tới xây dựng thị hiếu lành mạnh cho công chúng, đặc biệt là khán giả trẻ tuổi; có triển vọng để sản xuất phim. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều kịch bản chưa đạt chất lượng, chưa phù hợp với yêu cầu của một kịch bản phim truyện điện ảnh; cách thể hiện còn cũ…
Kịch bản tham dự Cuộc thi phong phú về đề tài, trong đó, có những kịch bản cập nhật, phản ánh các vấn đề "nóng", đang diễn ra trong đời sống như cuộc chiến chống đại dịch COVID-19; phòng, chống tham nhũng… Thể loại của kịch bản dự thi cũng rất đa dạng, gồm có tâm lý xã hội; tâm lý hài; hình sự, điều tra, phá án; viễn tưởng; dòng phim tác giả, phim độc lập...
Cục Điện ảnh cũng sẽ lựa chọn các kịch bản có nội dung phù hợp với tiêu chí đặt hàng từ ngân sách Nhà nước để sản xuất phim những năm tới./.