Dịp Tết đến Xuân về, mỗi đồng bào dân tộc Việt Nam lại có những phong tục độc đáo, đặc trưng để đón Tết cổ truyền mừng năm mới. Một trong số đó phải kể đến phong tục đón Tết cổ truyền của đồng bào dân tộc Sán Dìu, ở xã Nam Hòa (Đồng Hỷ) - xã có tới gần 70% số dân là đồng bào dân tộc Sán Dìu.
Khi biết chúng tôi muốn tìm hiểu về phong tục đón Tết của người dân tộc Sán Dìu, ông Lý Văn Lâm, Chủ tịch UBND xã Nam Hòa - một người con của dân tộc Sán Dìu rất phấn khởi. Ông Lâm cho biết: Trong quá trình hội nhập và phát triển, việc chung sống, lao động, học tập giữa người Sán Dìu với các dân tộc khác đã dẫn đến nhiều thay đổi, nhưng nét văn hóa, phong tục ngày Tết của người dân tộc Sán Dìu vẫn có bản sắc riêng.
Để giới thiệu về những nét độc đáo trong phong tục đón Tết cổ truyền của dân tộc mình, ông Lâm dẫn chúng tôi đến gia đình bà Lục Thị Năm và ông Lý Văn Chân, ở xóm Cầu Đất. Đây là một trong những gia đình còn duy trì và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của người dân tộc Sán Dìu.
Bên ấm trà nóng, bà Năm cho biết: Khác với người Kinh, người Sán Dìu không cúng ông Công, ông Táo vào ngày 23 tháng Chạp, mà bắt đầu dọn dẹp, tổng vệ sinh nhà cửa sạch sẽ để đón Tết. Nhà nào cũng chuẩn bị giấy đỏ, cắt thành từng mảnh nhỏ dán lên các vị trí như: Ban thờ tổ tiên, trước cửa ra vào, ngoài cổng, chuồng trâu, chuồng lợn, cây cối hoặc các vật dụng như cuốc, xẻng…
Theo quan niệm của đồng bào, dán giấy đỏ để báo hiệu mùa Xuân đã về và đánh dấu những đồ, vật dụng là của gia đình mình. Thường là từ ngày 28 tháng Chạp, các gia đình tổ chức thịt lợn, gói bánh chưng. Chiều 30 Tết làm cơm cúng Tất niên. Trên ban thờ tổ tiên, ngoài bánh chưng, thịt lợn, thịt gà, rượu trắng, bánh kẹo, hoa quả, không thể thiếu bánh chấy hay còn gọi là bánh chay. Từ chiều 30 đến hết ngày mùng 2 Tết, người Sán Dìu không quét nhà với quan niệm là để giúp cho những vong linh không nhà, không cửa được ăn Tết. Đến ngày mùng 3 Tết mới quét nhà để tiễn ma nghèo, ma đói.
Trong phong tục đón Tết của người dân tộc Sán Dìu còn lưu giữ một điều thú vị, đó là tục “giữ lửa, gọi lợn”. Ngay từ chiều 30 Tết, chủ nhà chuẩn bị một cây củi thật to, chắc mang về, vừa đi vừa gọi lợn sau đó mang vào bếp đun. Cây củi này sẽ cháy suốt đêm sang mùng 1 Tết với mong muốn cả năm sẽ may mắn, thuận lợi. Trong đêm Giao thừa, người Sán Dìu còn có tục “gõ toang trâu gọi nghé”. Ông Lý Văn Chân, xóm Cầu Đất, chia sẻ: Khi bắt đầu Giao thừa, người Sán Dìu đi ra chuồng trâu, mở toang trâu và gọi 3 tiếng “nghé, nghé, nghé” với mong muốn năm mới đàn trâu sẽ sinh sôi.
Ngày mùng 1 Tết, người Sán Dìu không cúng mặn mà cúng chay hay còn gọi là cúng Phật. Đồ chay là 6-7 bát cháo chè được nấu trong đêm Giao thừa. Ngày mùng 2 mới được coi là Tết chính của người Sán Dìu. Bởi từ ngày mùng 2, các thành viên trong gia đình đều tụ họp đông đủ. Từng gia đình, dòng họ làm cỗ mời anh em, họ hàng, người thân. Đây là dịp để người cao tuổi và con cháu cùng ôn lại truyền thống, bản sắc văn hóa của dân tộc mình, chia sẻ những kinh nghiệm trong lao động, sản xuất, chăn nuôi và chúc nhau những điều tốt đẹp nhất trong năm mới.
Tục xông nhà của người Sán Dìu cũng khá đặc sắc. Họ không xem tuổi, xem ngày hay lựa chọn những người hợp mệnh để xông nhà. Với họ, xông nhà là việc tự nhiên chứ không nhờ cậy, sắp đặt... Một món ăn tinh thần cũng không thể thiếu trong ngày Tết của người Sán Dìu, đó là hát Sọong cô. Trong ngày mùng 1 Tết, tại sân đình, đền hay nhà văn hóa, các xóm thường tổ chức hát giao lưu. Làn điệu Sọong cô khi cất lên đều mang theo hơi thở của mùa Xuân, tình yêu quê hương, đất nước, con người, cuộc sống, yêu lao động…
Xuân đến khiến đất trời dịu êm, tiếp thêm nhựa sống cho vạn vật. Sắc Xuân tràn ngập khắp các tuyến đường bê tông trải rộng, những ngôi nhà kiên cố, đường làng, ngõ xóm sạch, đẹp góp phần để không khí Tết của người Sán Dìu nói riêng, người dân của Nam Hòa nói chung thêm tươi vui, an lành.