Xuân của 50 năm trước, nhà thơ, nhà lãnh đạo tư tưởng lớn Tố Hữu trong bài Bài ca Xuân 71 đã viết: “Cuộc sống lớn có đôi mắt Đảng/Mỗi bước đi gần, nâng ước mơ xa/”… Và, nghĩ về tiền đồ đất nước là: “Ta sẽ khai những mỏ dầu, mỏ sắt/Đóng những con tầu đi khắp đại dương/ Nhưng phải luyện những con người đẹp nhất/Biết căm thù và biết yêu thương”… Vâng! Trước năm 1975, chúng ta căm thù đế quốc, thực dân xâm lược; yêu thương Tổ quốc, đồng bào… Trong hòa bình, chúng ta căm thù đặc quyền, tham nhũng, đói nghèo và yêu thương, trân quý những con người, những vùng đất đã làm lên những giá trị cao đẹp của cuộc sống… và tôi viết về:
Tổ quốc tôi đang hối hả vào xuân
Đất nước của chúng tôi vừa đi qua năm 2020 với những thử thách vô cùng to lớn. Dịch COVID-19, không muốn nhắc nó vẫn cứ đeo bám. Đeo bám không chỉ đất nước chúng tôi mà cả trái đất này. Bão lũ miền Trung khủng khiếp và mất mát đến mức không ai muốn nhắc đến. Vậy đấy, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự nỗ lực của cả dân tộc, chúng ta vẫn vượt qua tất cả. Tăng trưởng kinh tế vẫn đạt ngót 3%, ở tốp dẫn đầu thế giới làm nức lòng nhân dân và các nước bạn thêm một lần khâm phục bản lĩnh Việt Nam.
Phiên họp báo Chính phủ cuối năm 2020 thật vui. Thủ tướng không đến được để chỉ thị cho báo chí nhiệm vụ năm mới nhưng qua Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng thì thông điệp cho năm 2021 của Chính phủ là mạnh mẽ hơn. Phóng viên hỏi: Xin đại diện Chính phủ cho biết những mục tiêu cụ thể? Bộ trưởng trả lời, có 12 mục tiêu lớn: Tốc độ tăng trưởng GDP là 6,5% (Nghị quyết Quốc hội là 6%); GDP bình quân đầu người là 3.700 USD; Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng là 4%;...
Đi cùng với 12 mục tiêu là 11 nhiệm vụ và giải pháp, đó là: Thực hiện linh hoạt, hiệu quả mục tiêu kép (Chống COVID-19 và phục hồi, phát triển kinh tế: Ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát); Đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, tạo niềm tin, đồng thuận xã hội; Bảo vệ nền tảng chính trị, báo chí góp sức mạnh hơn trong chống tiêu cực... Vâng! Ngay Nghị quyết đầu năm, Nghị quyết 01/NQ-CP, Chính phủ đã xác định phương châm hành động của năm 2021 là “Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới, sáng tạo, khát vọng phát triển”.
Đầu năm mới, trước thềm Đại hội lần thứ XIII của Đảng, tin vui liên tiếp dội về: Ta khai mở thêm nhiều công trình to lớn, kỳ vĩ mang dấu ấn thời đại như khởi công Cảng hàng không Long Thành mà không sao nhãng việc vui Tết, đón Xuân của 100 triệu đồng bào ta. Đảng, Nhà nước và nhân dân ta kiểm điểm lại 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, gần hơn là 5 năm vừa qua là để có những bước đi, quyết liệt, táo bạo hơn để hai chữ thịnh vượng nhanh chóng thành hiện thực… Tôi chợt thấy mấy câu thơ chan chứa tình yêu quê hương, đất nước của nhà thơ Tạ Hữu Yên đang tìm về: Tôi lại nhìn như đôi mắt trẻ thơ/Tổ quốc tôi chưa đẹp thế bao giờ/ Xanh núi, xanh sông, xanh đồng, xanh biển/Xanh trời xanh, xanh cả những ước mơ…
Mùa Xuân quê hương tôi và sự kỳ vọng vào lớp cán bộ 7X hôm nay
190 năm Danh xưng tỉnh Thái Nguyên (4/11/1831) cũng là một dấu ấn đáng nhớ của mỗi người dân của xứ sở chè. Khai mỏ, luyện sắt, luyện đồng có cả mấy trăm năm trên đất Thái Nguyên. Sách Đại Nam thực lục ghi: Năm 1831, Chiếu chỉ vua Minh Mạng phân bổ cho mỏ sắt Linh Nham (Đồng Hỷ bây giờ) mỗi năm nộp về triều đình 1.200 cân sắt. Năm 1905, một sơn tràng người Cao Lan theo những đá cuội, đá tảng dưới lòng suối tìm bắt cá, ba ba. Anh vớ được một tảng như đá hình con ba ba óng ánh dưới lòng suối, liền đem về báo quan, quan đưa về báo cáo Toàn quyền tại Hà Nội… Thế là người Pháp cho lập sở mỏ, khai thác vàng đen ở Sơn Cẩm (Núi Đen), ở Phấn Mễ…
Thế là Thái Nguyên cùng Hồng Quảng (Quảng Ninh bây giờ) thành vùng mỏ, có công nhân cùng với chế độ bóc lột Thực dân… Đảng cử nhà lãnh đạo Hạ Bá Cang (Hoàng Quốc Việt) về giác ngộ công nhân mỏ, lập cơ sở của cách mạng. Cứ thế, đến năm 1936 thì Thái Nguyên có Chi bộ Đảng đầu tiên… Cách mạng Tháng Tám, cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp 9 năm, rồi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đằng đẵng 30 năm, đất và người Thái Nguyên đã ghi tiếp vào cuốn Biên niên sử của mình những trang chói lọi, điểm tô sức sống cho những mùa xuân ấm áp và tươi đẹp mãi mãi.
Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên cũng đã qua 20 lần Đại hội. Kinh nghiệm sống, độ từng trải và khát vọng xây dựng quê hương đã góp sức cho một Thái Nguyên phát triển bền vững và hiền hòa… Tôi được đồng nghiệp tin cậy cho đóng góp ý kiến vào Báo cáo Chính trị Đại hội lần thứ XX của tỉnh Thái Nguyên để đăng báo, thấy phấn khởi vô cùng. Khó nhất của Báo cáo Chính trị là có đưa được cuộc sống vào nghị quyết hay không? Điều này tế nhị bởi chỉ có những cán bộ hòa mình vào cuộc sống, lo toan, trăn trở, vui sau dân, khổ trước dân mới hiểu cuộc sống đang cần gì. Cần gì trước và cần gì sau?
Đó chính là những điểm mới của những tư duy mới và của một thế hệ mới, họ được sinh ra trong thời bình - Thế hệ 7X, 8X… Thế hệ ấy được trang bị đầy đủ và hệ thống của nền đào tạo và giáo dục XHCN; được bổ sung tri thức nhân loại toàn diện qua công cuộc đổi mới và mở cửa 35 năm qua. Họ được nếm trải sự khổ cực của nghèo đói hậu thời kỳ bao cấp những năm 1980 và cả sự no đủ của một thời đổi mới… Trong chương trình hành động của tương lai thấy lấp lánh sự quyết liệt, của tinh thần sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Họ sẽ là động lực đẩy ra khỏi bộ máy những con người rào cản, sống dựa, nhũng nhiễu… thổi vào cuộc sống một luồng gió mới…
Thành phố Thái Nguyên, Thủ phủ và là niềm tự hào của vùng Việt Bắc mấy năm rồi như được khoác lên tấm áo mới. Nhưng hôm nay tấm áo mới ấy đã quá hẹp. Tắc đường không khác Hà Nội… Vậy là phải thay đổi tư duy cho phù hợp thời đại. Giải quyết những việc như đô thị nhếch nhác, đường xá chật trội, trông chờ vào những quyết đáp của lớp trẻ hôm nay…
Ngày 1/1/1964, về thăm Thái Nguyên lần cuối, Bác Hồ dạy: “Thái Nguyên vốn có truyền thống cách mạng, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc phải đoàn kết cố gắng xây dựng tỉnh Thái Nguyên trở thành một trong những tỉnh giầu có nhất miền Bắc”.
Nếu đó là ước mơ xa thì những gì Thái Nguyên đã và đang làm chính là những bước đi gần hơn tới đích. Có phai vậy không?