Cỏ ven đường của Natsume Sōseki

15:38, 26/05/2021

Hình như tiểu thuyết nào vào giai đoạn cuối sự nghiệp của Natsume Sōseki cũng có bầu không khí bình lặng với những nhân vật thật trầm tư. “Cỏ ven đường” cũng vậy, không có cao trào, không mở không thắt, chỉ từ tốn đi sâu vào thế giới nội tâm nhiều suy tư của con người, mà cụ thể ở đây là người trí thức thời Meiji. Khó đọc thì không, nhưng cũng không dễ để hiểu, để thích như Botchan hay Ngày 210... 

Nhân vật chính Kenzō, một giảng viên từng du học tại Anh quốc, là người chỉ luôn muốn dành toàn bộ thời gian yên tĩnh một mình để đọc và viết trong thư phòng. Đó là khoảng thời gian anh được hoàn toàn là chính mình, dù là lúc trầm ngâm thư thả hay khi đang bận rộn với công việc cần hoàn thành gấp.

Thế nhưng sự phức tạp của cuộc sống và lòng người lại không để cho Kenzō được bình lặng trong thế giới của riêng mình:

Cuộc hôn nhân thiếu đi sự đồng cảm với người vợ không cùng trình độ và quan điểm sống. Đem đến những bất đồng, khó chịu, như con sóng ngầm luôn thường trực trong lòng.

Chị gái, anh trai và cả người cha nuôi (đã cắt đứt quan hệ hàng chục năm), tất cả đều tự cho mình cái quyền đặt lên vai anh quá nhiều trách nhiệm. Đôi khi vô lý đến khó chấp nhận. Họ nghĩ rằng, một người ưu tú, có địa vị nghiễm nhiên phải “đứng ra”, phải “lo toan” cho họ - Một tư tưởng cực kỳ thất bại nhưng không hề hiếm gặp, ngay cả ở hiện tại chứ không phải chỉ có ở thời đại mà Natsume Sōseki viết tiểu thuyết này. 

Nếu rơi vào tình huống như thế, chắc nhiều bạn đọc cũng như tôi, sẽ không chần chừ cắt đứt quan hệ ngay lập tức. Nhưng Kenzō thì giằng xé hơn nhiều. Sự thẳng thắn trong anh không ngừng đấu tranh với mong muốn cư xử vẹn toàn, có trước có sau. Tâm lý này cũng hoàn toàn dễ hiểu trong bối cảnh thời bấy giờ, khi con người ta vẫn mang trong mình ít nhiều tư tưởng Nho giáo xưa cũ khác hẳn kiểu self help hiện đại như Đắc Nhân Tâm.

Natsume Sōseki, bằng thứ văn chương chừng mực, khiêm nhường nhất, đã truyền tải đầy đủ từng góc nhỏ trong ưu/khuyết điểm tính cách cũng như diễn biến tâm trạng của người trí thức. Từ đó, như dịch giả Lam Anh nhận xét, giúp người đọc hiểu được một người trí thức vừa mong manh lại vừa mạnh mẽ như thế nào.

“Cỏ ven đường” gần như là tự truyện của Natsume Sōseki vì dùng rất nhiều chất liệu từ cuộc đời thật của ông để khắc hoạ nhân vật. Đọc tác phẩm càng thấu hiểu hơn tác giả mình yêu thích. Có những đoạn thấy như văn hào đang trút hết những tâm tình chất chứa với mình, trong lòng bỗng dâng lên nỗi xúc động cùng niềm thương cảm sâu sắc. Một thoáng chốc “kết nối” bất chợt ấy khiến khoảng cách trăm năm giữa mình và tác phẩm như không còn tồn tại.. Và đó là lý do khiến tôi yêu mến cuốn sách này hơn một chút.

Một số trích dẫn yêu thích:

* Một mặt, con người anh gần như ngay thẳng đến cứng nhắc, nhưng mặt khác, tính cách ấy lại càng khiến cho anh quá ư nhạy cảm.

* Chẳng thể nào thật sự đồng cảm với một người buồn vì hám lợi.

* Có khi anh tức giận nhiều hơn là đau khổ, muốn cố tình im lặng chứ không đưa ra câu trả lời mà đối phương muốn nghe.

* Đối với Kenzō, việc lãng phí thời gian quý báu chỉ vì những lần gặp gỡ chuyện trò không cần thiết đã trở thành một kiểu phiền muộn sâu sắc hơn mức người ta cảm nhận thông thường.

* Bản thân tôi dù bị ép buộc cũng không thể tôn trọng một người chỉ bởi người đó đơn giản được gọi là chồng. Nếu muốn được tôn trọng, người đó cần xuất hiện trước mặt tôi khi đã là người thực sự có phẩm chất xứng đáng được tôn trọng.

* Dẫu có là người ưu tú đến đâu, hay thành đạt thế nào, nhưng nếu đối xử ở trong nhà không tốt thì chẳng có ý nghĩa gì với tôi cả.

* Nhưng anh còn chưa biết chán chường. Sức sống của anh, trong cơ thể đang lúc trưởng thành, dù có bị đè nén bao nhiêu vẫn lồm cồm ngóc dậy. Anh vẫn cứ vượt qua mọi chuyện mà không bị rơi vào trầm uất.

* Anh cũng chẳng đòi quyền lợi của mình, mà cũng không yêu cầu giải thích. Chỉ cạn hết tình cảm trong im lặng.

* Trên đời hầu như không có chuyện gọi là thanh toán. Một khi chuyện đã xảy ra thì vẫn còn đó mãi.

Xem thêm những bài review sách hay tại Reviewsach.net