Vẽ Người bằng cả trái tim

07:54, 20/06/2021

Bức ảnh “Bác Hồ đọc báo Nhân Dân” đã trở nên quen thuộc với nhiều người, nhất là với những người làm báo. Cũng bởi sự nổi tiếng của bức ảnh mà không ít hoạ sĩ, nhiếp ảnh đã chụp hoặc vẽ lại chân dung của Bác. Bức tranh vẽ Bác ngồi đọc báo Nhân Dân của họa sĩ Thanh Hạnh, Phòng Thư ký -Tòa soạn (Báo Thái Nguyên) là một trong những bức vẽ để lại ấn tượng sâu sắc trong tôi.

Họa sĩ Hoàng Báu, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật thành phố Thái Nguyên đã nhận xét: Bức tranh của họa sĩ Thanh Hạnh vẽ “Bác Hồ đọc báo" được thể hiện theo bút pháp "thâm diễn, đặc tả" với lối vẽ tả thực, bằng chất liệu sơn dầu, họa sĩ đã kỳ công thể hiện, diễn tả chân thực từng nét bút, khéo léo, sắc sảo, đưa những "họa tiết" cực nhỏ đến từng chi tiết, mà không hề phá vỡ những mảng miếng, mầu sắc, bố cục của sự hài hòa trong tổng quan của tranh, ánh sáng, mầu sắc, đậm nhạt được xử lý thật nhuần nhuyễn. Với gam mầu nâu trầm, tạo sức lôi cuốn cảm xúc, thị giác vào trọng tâm của tranh. Bức tranh đã biểu đạt được tâm hồn, nhân cách, tư tưởng của Bác, mặc dù Bác bận trăm công nghìn việc, nhưng ngày nào Bác cũng đọc báo. Tấm gương Bác đáng để cho chúng ta suy ngẫm về sự rèn luyện, ham học tập, đọc sách, báo như một nhu cầu, nếp quen trong sinh hoạt hàng ngày không thể thiếu của Bác Hồ”.

Đó là dưới con mắt của người có nghề, còn dưới góc độ của một người làm báo như tôi, ngoài những giá trị được nêu ở trên thì bức tranh ấy càng có ý nghĩa hơn nhờ cách hoạ sĩ Thanh Hạnh thực hiện và thời điểm anh hoàn thành tác phẩm. Nguyên mẫu Bác ngồi đọc báo là một bức ảnh đen trắng. Song bằng sự tài hoa của mình, anh đã đưa màu, cảm xúc vào tranh càng làm tôn lên cái hồn của bức vẽ. Không chỉ chú ý đến màu sắc của râu, tóc, quần áo Bác, hoạ sĩ còn thể hiện sự công phu, tỷ mỉ và nhạy cảm của một người có kinh nghiệm làm báo lâu năm trong việc thận trọng tìm hiểu và biểu đạt chân thực từ màu sắc, hình hài của những chi tiết tưởng chừng như ít ai để ý. Ví như, những chiếc quân hàm của nhân vật trong số báo Bác cầm đọc, chiếc chăn sau lưng Bác hay bức liếp …

Họa sĩ Thanh Hạnh vẽ tranh "Bác Hồ đọc Báo Nhân Dân".

Trò chuyện cùng anh về quá trình thực hiện bức tranh, anh trải lòng: Hơn 20 năm làm báo đã cho tôi cơ hội được đi nhiều và nhìn thấy rất nhiều những bức tranh khác nhau vẽ lại chân dung Bác ngồi đọc báo bằng tất cả sự tôn kính Bác, vị cha già của dân tộc, người thầy của nền Báo chí cách mạng Việt Nam. Trong bức ảnh Báo Nhân Dân mà Bác đang xem cũng là đại diện cho nền Báo chí Cách mạng.

Là một người dân Việt Nam, cũng là một người làm báo, với tôi bức ảnh đã hội tụ những giá trị cao cả và lộng lẫy nhất. Từ đó, tôi đã ấp ủ để chuyển thể bức ảnh này thành một tác phẩm hội họa thực thụ của riêng mình. Cho đến một ngày của năm 2021, những ấp ủ ấy trào dâng, thôi thúc tôi cầm cọ vẽ. Trước khi thực hiện bức tranh, nhiều buổi tối liền, khi công việc ở Toà soạn đã xong, về nhà, tôi lên gác hai vào phòng vẽ của mình, đứng hàng tiếng đồng hồ nhưng chỉ để ngắm, để mường tượng, tư duy bức ảnh chụp đen trắng bản gốc và bức phác thảo mầu của mình chứ chưa cầm cọ.

Và đến khi chính thức vẽ thì như thể cảm xúc điều khiển đôi tay của mình trong từng nét vẽ. Trong suốt quá trình khoảng hơn 2 tuần thể hiện bức tranh, tôi không có cảm giác phải gồng lên hay phải cố gắng trong bất kỳ công đoạn nào. Có lẽ, điều khiến tôi hài lòng nhất đó là tôi đã đưa được hết tình cảm tôn kính Bác, lòng tự hào vì được làm nghề vào bức vẽ và tác phẩm đã được hoàn thành vào đúng dịp kỷ niệm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21-6.

Ngắm nhìn bức tranh có kích thước 70 x100cm của hoạ hoạ sĩ Thanh Hạnh, dễ dàng nhận ra bức tranh đã khắc họa được sự giản dị mà thanh cao của Bác, giúp người xem phần nào hiểu được những thói quen gắn liền với cuộc sống đời thường của Người. Còn với riêng mình, mỗi lần ngắm nhìn bức vẽ này, tôi lại có cảm giác như được thấy Bác bằng xương bằng thịt gần gũi và ấm áp lạ thường.