Thứ 7, 11/01/2025, 17:47

Vĩ thanh (Bài 5)

18:03, 13/06/2021

Với di vật khai quật được từ Mái Đá Ngườm và hang Phiêng Tung tại xã Thần Sa, huyện Võ Nhai, chúng ta đã có kết luận rằng từ 21.000 năm đến 10.000 năm trước, Thái Nguyên đã là nơi sinh sống của người Việt cổ.

Thời tiền Lý, năm 544, Lý Bí, quê Tiên Phong, TX Phổ Yên khởi nghĩa đánh đuổi giặc Lương, xưng Đế, lập Nhà nước Vạn Xuân. Thời hậu Lý có Phò mã lang Dương Tự Minh, anh hùng trấn ải miền biên viễn. Thời hậu Lê có Tể tướng Lưu Nhân Chú chiến công lẫy lừng…đã làm nên một Thái Nguyên địa linh,nhân kiệt. Suốt chiều dài lịch sử mấy nghìn năm ấy địa chí, cương vực và tên gọi khác nhau. Cho mãi cách nay 190 năm, ngày 4/11/1831 Thái Nguyên mới mang tên tỉnh. Lại nữa, trong câu chuyện chép sử, không phải thời kỳ nào cũng thuận lợi, nhất là thời chưa định hình ngôn ngữ… Cho nên các mảnh ghép của lịch sử có thể rời rạc, đứt quãng…
       
Trong suốt quá trình đến với mảnh đất Mê Linh và nhiều địa phương, với những nỗ lực sưu tầm, tìm về với những địa danh gắn liền với cuộc Khởi nghĩa Hai Bà Trưng và nữ tướng Hồ Đề, một điều chắc chắn mà chúng tôi có được về Hai Bà, tướng Hồ Đề, Hồ Hác là sự thật, có cả trong chính sử và huyền sử, đền miếu thờ và sinh hoạt văn hoá. Duy chỉ có địa danh Động Lão Mai, Thiên Sớ là vùng Thái Nguyên - Nơi Hồ Đề và quân sĩ khởi binh, mặc dù được các nhà nghiên cứu lịch sử khẳng định, các câu chuyện dã sử có đề cập nhưng chúng tôi nghĩ còn chờ thêm…

Trong các câu chuyện về địa danh Động Lão Mai, Thiên Sớ, cũng có tài liệu đoán đó là vùng núi chân Tam Đảo thuộc Vĩnh Phúc, nhưng không thuyết phục vì có sách chép “… Bà Đặng Thị Phương sai con trai là Hồ Hắc mở con đường vượt qua dẫy Tam Đảo về xuôi tìm muối…” Dãy Tam Đảo cao 1.143m, chạy từ Tây sang Đông, ranh giới hai tỉnh Thái Nguyên (phía Đông) và Vĩnh Phúc (phía Tây - xuôi về đồng bằng), Hồ Hắc mở đường vượt qua thì chỉ có thể là từ Thái Nguyên… Do khoảng cách thời gian quá xa, cách đây gần 2000 năm khiến không ít những cứ liệu được trình bày trong bài báo này cố gắng trung thành với sử sách và câu chuyện dã sử đã được in ấn,phổ biến.  

Ngày nay, lễ kỷ niệm cuộc Khởi nghĩa Hai Bà Trưng được tổ chức theo nghi lễ cấp Nhà nước để toàn dân tộc tôn vinh chiến thắng - một trong những cuộc khởi nghĩa đầu tiên trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc. 97 nữ tướng thời Hai Bà Trưng được dân gian thờ phụng gắn với những lễ hội linh thiêng, đậm đà bản sắc dân tộc cũng được nhiều địa phương tổ chức cả ngàn năm nay. Hai Bà Trưng là một quận và con đường lớn ở nội thành Thủ đô Hà Nội, tên của nữ tướng Lê Chân được đặt cho 1 quận lớn ở T.P Hải Phòng. Nữ tướng Hồ Đề cũng xứng đáng được người đời nay nhớ đến bằng những việc làm cụ thể như thế.

Trong khi tìm hiểu về vùng đất Thiên Sớ, chúng tôi đến với Viện Hán Nôm, Viện Sử học Việt Nam. Lần giở những tài liệu lịch sử về thời kỳ Âu Lạc, về cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, về vùng đất Bạch Hạc – nơi diễn ra cuộc khởi nghĩa oanh liệt của Hai Bà Trưng chống quân Hán; về lịch sử Đất và Người Thái Nguyên… đều cho thấy: Thái Nguyên xưa thường được xem như nét gạch nối giữa vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng và vùng đại ngàn Việt Bắc. Vừa có một miền núi rừng hùng vĩ phía Bắc, một miền trung du, đồi gò “bát úp” phía Nam và những dải đồng bằng hẹp vùng trung lưu sông Cầu. Thời kỳ đầu dựng nước – thời các vua Hùng, vùng đất Thái Nguyên thuộc Bộ Vũ Định, là một trong 15 bộ của Nhà nước Văn Lang. Năm 40, Hai Bà Trưng khởi nghĩa, Thái Nguyên lúc đó nằm trong huyện Long Biên, quận Giao Chỉ (vùng Bắc Bộ ngày nay), một phần tiếp giáp với Bắc Giang, Bắc Ninh và Cổ Loa (Hà Nội) – một vùng đất rộng thuộc chiến trường Lãng Bạc, nơi đã diễn ra cuộc giao tranh ác liệt giữa quân Hai Bà Trưng và đạo quân xâm lược của Mã Viện. Tuy nhiên, những dấu vết, cứ liệu về nữ tướng Hồ Đề tại Thái Nguyên đến nay ngoài  những câu chuyện dân gian truyền lại mang màu sắc thần thoại, huyền bí; những tìm hiểu qua đọc các gia phả, thần phá để viết cuốn Nữ tướng thời Trưng Vương của Nhà văn hoá Nguyễn Khắc Xương mà mô tả trong đó rõ ràng mang đặc trưng vùng Võ Nhai, Đồng Hỷ của Thái Nguyên. Hay khẳng định của Nhà sử học Lê Văn Lan cũng đồng nhất như vậy.

Trong suốt 10 năm qua, dù đã bỏ rất nhiều công sức để tìm hiểu các tư liệu lịch sử về nữ tướng Hồ Đề gắn với sự nghiệp chống ách đô hộ nhà Đông Hán của nhân dân Thái Nguyên, gắn với khởi nghĩa Hai Bà Trưng gần 2.000 năm trước. Mặc dù đến nay chưa được cơ quan chức năng khẳng định địa danh Thiên Sớ, động Lão Mai ở địa phương nào của tỉnh Thái Nguyên, hay có kế hoạch hội thảo khoa học, khảo cứu,chứng minh về “Một góc khuất của lịch sử\ “ nhưng hành trình trở về với cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, những nữ tướng thời Trưng Vương, đặc biệt là nữ tướng Hồ Đề - người con anh hùng của mảnh đất Thái Nguyên của chúng ta, chí ít đã góp phần nhắc nhớ việc bồi đắp thêm cho thế hệ hôm nay và mai sau niềm tự hào dân tộc, sự tri ân đối với Hai Bà Trưng, các bậc tiền nhân, các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì độc lập tự do của đất nước. Để từ đó tiếp tục noi gương, phát huy truyền thống yêu nước, quyết tâm bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và xây dựng nước Việt ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.