Xuống sân bay, lấy đồ đạc xong, Tuấn gọi taxi để về nhà ngay. Hàng tuần nay, khi còn ở nước ngoài, Tuấn mong mỏi từng ngày cho chuyến về quê lần này. Đã 5 năm nay, Tuấn mới có điều kiện về quê.
Tuấn háo hức với chuyến về quê lần này còn có một lí do: Ngày mai giỗ bà nội của Tuấn. Mỗi lần nghĩ đến bà nội, lòng Tuấn lại thấy bồi hồi. Ở cái làng vùng bán sơn địa quê Tuấn, mỗi gia đình có một hoàn cảnh khác nhau, nhưng có lẽ hoàn cảnh như gia đình Tuấn là trường hợp đặc biệt.
Ba anh em Tuấn mồ côi cả cha lẫn mẹ rất sớm. Tuấn là em út, bố mẹ mất cách nhau chỉ hơn 1 năm, khi đó Tuấn mới được trên 3 tuổi. Đến bây giờ, Tuấn cũng không nhớ nổi khuôn mặt của bố mẹ. Ba anh em Tuấn ở với bà nội. Có lẽ trời cũng thương tình, phú cho bà sức chịu đựng, ít thấy bà ốm đau. Nhà khó khăn, nhưng bà vẫn động viên anh em Tuấn đến trường học hành. Cảm nhận được lòng thương yêu, sự vất vả của bà, ba anh em Tuấn bảo ban nhau làm những việc đồng áng, trong nhà có thể làm được để đỡ đần bà. Cố gắng bao nhiêu ba anh em Tuấn cũng chỉ học hết Trung học cơ sở, rồi nghỉ học để đi làm nuôi thân. Có đợt lấy người xuất khẩu đi nước ngoài lao động, xét hoàn cảnh gia đình, chính quyền địa phương làm thủ tục cho Tuấn đi.
Tuấn ra nước ngoài được 2 năm thì ở nhà bà mất. Khi đó Tuấn cũng không được biết tin, mãi 3 tháng sau người anh của Tuấn mới điện cho biết. Anh của Tuấn nói trước khi mất, bà dặn là không được báo cho Tuấn ngay, sợ Tuấn về vất vả. Biết vậy, Tuấn càng thương bà. Khi biết tin bà mất, mấy tuần liền đi làm về đêm nằm nghĩ đến bà Tuấn lại khóc. Tuấn chỉ biết tự nhủ lòng: Chăm chỉ lao động, có thu nhập để khi về nước cùng với anh em xây lại ngôi mộ cho bà khang trang và có vốn làm ăn, thoát cảnh nghèo, điều mà suốt cả cuộc đời bà mong mỏi ở các cháu.
Mâm cơm cúng được người anh cung kính đặt lên bàn thờ. Tuấn đem quần áo, nón, giày, tràng hạt và cả cối giã trầu… mà chiều hôm qua trên đường về nhà, Tuấn đã nói với lái xe rẽ vào cửa hàng mã để mua. Tuấn nghe người ta nói: Trần sao âm vậy. Tuấn muốn “hóa” những thứ này để gửi xuống cho bà. Nhìn mâm cơm cúng, Tuấn chợt thấy bát cá trê kho, khúc cá được kho vàng ngậy với tương và gia vị tỏa mùi thơm, vị thơm mà lâu lắm rồi Tuấn mới gặp lại. Mùi thơm gợi cho Tuấn một quãng đời gian khổ trước đây. Nhưng Tuấn lại chợt nhớ lúc còn ở nhà nghe nói bà không ăn cá da trơn. Vậy mâm cơm cúng bát cá trê có trái với sinh hoạt của bà khi còn sống không? Có thất lễ với bà không? Tuấn đem điều thắc mắc hỏi anh cả. Anh cả nhìn Tuấn trìu mến, đứa em mà khi bố mẹ mất mới được 3 tuổi nhưng chưa biết đi, gầy yếu, hàng ngày anh phải cõng trên vai đi bắt cóc về lấy hai cái đùi làm ruốc cho em, vì anh nghe nói thịt cóc rất tốt cho trẻ em bị còi xương, mãi hơn 4 tuổi Tuấn mới biết đi. Giờ đây người em đã là một chàng trai vạm vỡ. Anh mỉm cười:
- Chuyện không phải thế đâu, tối nay anh sẽ kể cho em nghe.
Buổi tối, công việc cúng giỗ bà xong, mấy anh em Tuấn ra ngồi trên bộ bàn ghế đã được kê sẵn dưới gốc cây sấu già góc sân. Cầm chén nước đang tỏa khói trên tay, anh cả của Tuấn trầm ngâm:
- Khi sáng, chú Tuấn hỏi anh về bát cá trê kho trên mâm cơm cúng bà, điều chú nhớ là đúng, nhưng sự thật không phải như thế.
Nghe người anh nói đến bà, lòng Tuấn lại bồi hồi. Tuấn nhìn người anh như chờ đợi điều gì linh thiêng ở bà. Người anh dõi mắt nhìn ra xa cố nén xúc động:
- Ngày ấy nhà mình nghèo lắm, khi anh khoảng 12, 13 tuổi, hàng ngày buổi sáng đi học về, buổi chiều anh ra đồng bắt cua hoặc đánh dậm kiếm con cua, con cá để làm thức ăn cho cả nhà. Có thời gian anh theo người ta ra câu cá ở cái đầm đầu làng, cái đầm khi ấy tập thể thả cá, vài năm mới thu hoạch một lần. Anh theo người ta đi câu cá trê thôi, vì cá trê tập thể không nuôi thả. Anh câu có hôm được dăm bảy con, cá trê dưới đầm béo lắm, có con nặng tới dăm bảy lạng. Hai hôm đầu đem cá về, bà không biết anh câu cá ở đâu, đến hôm thứ ba bà hỏi, anh thật thà nói với bà câu cá ở đầm tập thể. Nghe vậy nét mặt bà nghiêm lại: Sao con lại đi câu cá ở đầm tập thể, nơi người ta đã thả cá? Anh nói với bà: Tập thể chỉ thả cá chép, mè, trôi… không thả cá trê. Nói vậy, hôm sau anh vẫn đi câu cá ở đầm tập thể. Khi đem cá về, bà bảo: Cá trắng hay đen đã ở đầm tập thể đều là của chung, đi câu là ăn cắp. Gia đình mình từ xưa đến nay đói thì đi làm mà ăn, không có ai đi ăn cắp bao giờ. Bà còn nói thêm “Đói cho sạch”. Nghe bà nói vậy, nhưng khi ấy anh không nghĩ được những lời bà nói. Hôm sau, anh vẫn đi câu cá ở cái đầm ấy. Khi đem cá về, bà lẳng lặng không nói gì. Đến bữa ăn, bà không đụng đũa đến bát cá. Mặc dù khi ấy ngoài bát cá ra, trên mâm chỉ còn đĩa rau và bát tương. Bà bảo: Bà không ăn cá da trơn. Cứ như vậy đến hàng tháng sau, đến bữa bà chỉ ăn rau, nước tương hoặc bát canh cua, đĩa cá con mà bà bắt được ngoài đồng. Mặc dù cá trê anh đem rán hoặc kho rất ngon. Khi đó, các em còn nhỏ không biết đâu. Mấy tháng sau, tập thể cũng không cho ai câu cá ở cái đầm ấy nữa. Sau này, dù anh bắt ở đâu được cá trê, bà cũng không ăn nữa. Khi lớn lên, va chạm với cuộc sống, anh càng thấm thía câu nói của bà “Đói cho sạch” và ân hận với việc làm của mình. Cúng giỗ bà hàng năm, anh đều nấu bát cá trê để tưởng nhớ tới bà và cũng để tự răn bảo mình.
Nói xong, người anh lặng đi, không gian như chùng xuống. Tuấn hít một hơi thở dài và từ từ nhắm mắt lại. Câu nói của bà mà người anh vừa nhắc lại văng vẳng bên tai Tuấn “Đói cho sạch”. Hình ảnh của bà lại hiện ra với khuôn mặt hiền từ bao dung, độ lượng.