Miền xanh xưa

19:21, 10/10/2021

Mỗi lần mẹ về, không cần mẹ lê tiếng, chúng tôi cũng nhận ra nhờ tiếng kêu lốc khốc từ chiếc xe đạp cũ. Bánh xích xe khô dầu cọ vào hộp sắt hoen gỉ tạo ra thứ âm thanh khô khốc đều đều.

Bố tôi không may mất sớm nên một mình mẹ bươn chải nuôi ba chị em tôi ăn học. Năm tôi học lớp 4, mẹ quyết định mua chiếc xe đạp. Chiếc xe khung nam đã cũ mẹ mua của người bạn cùng chiến đấu với bác cả nhà tôi nên được giá ưu đãi. Mặc dù xe tróc gần hết lớp sơn, chi chít những vết xước, nhưng yên xe vẫn còn nguyên, mới tinh vì gia chủ trước đó bọc vải kỹ càng. Chiếc xe là tài sản quý của gia đình tôi, mở ra một “trang lịch sử” mới trong cuộc sống của mẹ.

Những ngày sau đó, mẹ bắt đầu công việc buôn bán hai đầu chợ của mình bằng chiếc xe đạp mới mua. Sáng mang đồ quê lên chợ thành phố bán, trưa lại chở cá, tôm biển về bán cho người dân trong xã vào buổi chợ chiều. Chẳng lúc nào chúng tôi thấy mẹ ngơi nghỉ, ngày nào cũng đều đều gò mình trên chiếc xe đạp hơn 20 cây số lên trên chợ trung tâm. Ngày mùa, từ 3 giờ sáng mẹ đã ra đồng gặt, khi trời tang tảng sáng, chúng tôi dậy chuẩn bị đi học đã thấy sân xếp đầy lúa. Rồi mẹ lại tất tả chuẩn bị hàng để kịp chuyến chợ sáng trên tỉnh. Mùa dưa chuột, mẹ dậy vặt sớm, chở cả đằng trước và sau 3 bao dưa nặng hơn một tạ. “Đặc sản” quê tôi khi đó là những con đường đất đỏ, ngày nắng bụi bám làm cả người và xe của mẹ đỏ ngầu. Còn ngày mưa, đường lầy lội, trơn trượt, ai không cẩn thận cả xe và người ngã xuống đường đầy ổ trâu, gà.

Hồi nhỏ, chỉ cần nghe âm thanh quen thuộc từ chiếc xe đạp của mẹ, cả ba chị em tôi ở trong nhà ào ra cổng. Chỉ có chị cả hỏi mẹ hôm nay có mệt không, bán có lãi không, còn tôi và chị hai xúm vào xung quanh ghi đông, xem trên xe hôm nay có treo lủng lẳng những món đồ ăn hay vài thứ đồ chơi mới lạ trên phố mẹ mua cho chúng tôi không. Mẹ cười, ngả nón ra sau. Nhìn mẹ cười biết hôm nay mẹ bán hàng suôn sẻ, chúng tôi cũng sẽ thêm nhiều niềm vui khi có bữa ăn ngon, vài món quà phố nhỏ bé. Dù chỉ là cái kẹo mút hay chiếc ô đồ chơi bé xíu mà mẹ dành tiền lãi ra mua cũng là niềm hạnh phúc vô bờ. Dắt chiếc xe đạp dựng cẩn thận vào góc sân, mẹ nhắc chị cả mang bát bánh đúc vào buồng cho bà nội ăn, còn tôi và chị hai chia nhau phần chè bưởi hay chè thập cẩm. Bữa cơm nhà tôi hôm ấy cũng sang hơn thường ngày với xương băm rang muối hay cá biển kho cà chua.

Thời điểm chị cả thi tốt nghiệp cấp 3, phải nộp tiền học phí nhưng mấy buổi chợ trước trời mưa tầm tã, buôn bán ế nên mẹ đã không gom được đủ tiền để chị đóng học như đã hứa. Bởi vậy mà hôm đó trời đen sầm sì báo hiệu sẽ có cơn mưa giông nhưng sáng sớm mẹ vẫn dắt xe đạp lên chợ trên tỉnh. Tôi vẫn nhớ như in trưa hôm ấy, bữa cơm chỉ có một bát canh rau khoai lang và nồi cơm trộn sắn. Gần 1 giờ chiều chị em chúng tôi chờ mãi vẫn không thấy mẹ đâu. Ngoài trời, mưa mỗi lúc một to kèm theo giông và tiếng sấm làm tôi ngồi trong nhà sợ hãi. Chị cả, chị hai lo tôi đói nên đã đơm cho tôi một chút cơm ăn trước. Nhìn bát cơm trộn rau khoai lang, tôi nói hôm nay không có đồ gì ngon em không muốn ăn. Chị hai cứ ấn bát cơm vào tay, tôi gạt ra làm đổ hết cơm xuống nền nhà. Chị tức giận tát tôi một cái nổ đom đóm mắt và quát: “Cái đồ bướng bỉnh, có cơm ăn sướng quá rồi đấy, nhiều nhà còn không có mà ăn kia kìa. Mẹ thì chưa về không biết mưa gió thế nào, đi đường có bị ướt bị ngã hay không. Em không thương mẹ à”. Lời chị hai nói với con bé học lớp 4 như tôi chả lọt tai tý nào. Tôi nhất quyết không chịu ăn cứ gào tướng lên mặc cho chị cả và bà nội dỗ dành.

Đúng lúc tôi đang gào khóc thì nghe tiếng chị cả reo lên: Mẹ về! Mẹ nhảy vội xuống xe, giải thích: “Mưa to quá, xe bị thủng lốp phải dắt một đoạn dài mới tìm được quán vá săm nên mẹ về nhà muộn”. Chị em tôi nhìn chiếc áo mưa mẹ khoác trên người rách tơi tả, còn chiếc xe đạp loang lổ đầy vết bùn và đất sét. Đằng sau gác ba ga xe có một lồng hàng bị ế, mấy chú chó con lông ướt sũng sủa inh ỏi, mấy con vịt nhỏ đang kêu quang quác. Mẹ hạ nón, cởi áo mưa bước vào nhà và hỏi chị em tôi đã nấu, ăn cơm chưa. Nén tiếng thở dài, trên mặt mẹ nước mưa cùng những giọt nước mắt đã hòa lẫn bỗng hé nụ cười. Mẹ gọi chị cả ra đưa cho một xấp tiền lẻ ướt nước mưa bảo: Tiền đóng học của con đây, mai mang nộp cho cô giáo…

Rất hiếm khi chị em tôi được mẹ chở trên xe đạp đi chơi hay tới trường. Thường ngày, chị em tôi vẫn dậy sớm cuốc bộ tới lớp. Mẹ nói, chiếc xe đạp là "cần câu cơm" của cả nhà nên hứa khi nào mua xe mới sẽ chở chúng tôi đến trường.

Thấm thoắt hai chị tôi ra trường đi làm, giờ chị cả đã có xe máy đẹp, chị hai đã có ô tô riêng. Mẹ tôi cũng cao tuổi, chứng bệnh xương khớp hành hạ nên ít đi lại bằng xe đạp. Chiếc xe khung giờ trở thành kỷ vật của mẹ và cả gia đình. Mẹ để một góc trong buồng, như lưu giữ những hồi ức chẳng thể nào quên về một thời gian khó. Mỗi lần nhìn chiếc xe, tôi lại nhớ về miền xanh xưa, nơi ấy có dáng mẹ nhấp nhổm oằn lưng chở hàng đi chợ trên chiếc xe đạp cũ. Âm thanh gắn với cả tuổi thơ tôi là tiếng bánh xích xe khô dầu cọ vào hộp sắt hoen gỉ khiến nó phát ra những tiếng lốc khốc đều đều…