Khi cơ hội hội nhập quốc tế ngày càng rộng mở, văn hóa dân gian truyền thống không chỉ để lưu giữ, bảo vệ mà trên chính nền tảng dân gian truyền thống ấy, nhiều dự án, ý tưởng văn hóa sáng tạo mới lạ tiếp tục ra đời...
Tìm trong vốn cổ
Từ câu chuyện cổ tích "Tấm Cám", ca khúc “Bống Bống Bang Bang” khi vừa ra mắt đã lập tức được khán thính giả đón nhận nồng nhiệt, đặc biệt là thiếu nhi. Giai điệu vui nhộn, dễ thuộc dễ hát, ca từ giản dị, phù hợp với mọi lứa tuổi, “Bống Bống Bang Bang” vang lên trong mọi chương trình biểu diễn ở các trường mầm non. Ở lứa tuổi ấy, nhiều em nhỏ có thể còn chưa được nghe, chưa nhớ truyện cổ tích "Tấm Cám", nhưng ca khúc “Bống Bống Bang Bang” thì đã thuộc nằm lòng.
Sau “Bống Bống Bang Bang”, đã có nhiều ca khúc mới được sáng tạo từ nền văn hóa dân gian truyền thống, nổi nhất không thể không kể đến “Để Mỵ nói cho mà nghe”. Ca khúc thổi một làn gió Tây Bắc đầy mới lạ vào thị trường nhạc Việt, nhanh chóng thu hút đông đảo người hâm mộ và trở thành "hiện tượng của năm".
Vẫn là những cốt truyện, nhân vật quen thuộc đó thôi nhưng khi được “dỡ” ra khỏi khuôn mẫu cũ, xếp đặt vào “không gian” hiện đại, sự quen thuộc đầy mới lạ ấy đã mang lại sức hút bất ngờ. Điều này không chỉ trong âm nhạc. Theo Tiến sĩ Trần Thanh Việt (Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội), văn hóa dân gian đang có mặt ở hầu hết các lĩnh vực trong nền công nghiệp văn hóa, từ âm nhạc đến điện ảnh, mỹ thuật, kiến trúc, nhiếp ảnh, thời trang, xuất bản, trò chơi điện tử... Điển hình như sự thành công vang dội về doanh thu của bộ phim điện ảnh "Tấm Cám: Chuyện chưa kể" đã mở hướng làm phim khai thác các câu chuyện truyền thuyết, cổ tích, thần thoại. Để rồi, sau đó là “Trạng Quỳnh”, là “Trạng Tí phiêu lưu ký” sẽ ra mắt dịp Tết Nguyên đán 2022.
Cách đây chưa lâu, đạo diễn Ngô Thanh Vân cùng ê kíp của mình đã thông tin về kế hoạch chuyển thể bộ phim điện ảnh hành động lịch sử mang tên “Lê Nhật Lan”, đồng thời “bật mí” ý tưởng về một số dự án phim “hiện đại hóa” các yếu tố dân gian với các nhân vật "Thằng Bờm", "Thánh Gióng", "Thạch Sanh", "Sơn Tinh - Thủy Tinh”... Phim “Trạng Tí phiêu lưu ký” hay “Lê Nhật Lan” đều được chuyển thể từ những bộ truyện tranh hiện đại được giới trẻ yêu thích là “Thần Đồng đất Việt”, “Long Thần Tướng”. Trên một thị trường tràn ngập sản phẩm du nhập từ nước ngoài mà cả độc giả và tác giả Việt đều ít nhiều chịu ảnh hưởng, thì những tác phẩm truyện tranh với câu chuyện, hình tượng, chi tiết quen thuộc, gần gũi mang yếu tố dân tộc đã tạo nên sức hút “khó có thể cưỡng” với những độc giả đam mê truyện tranh.
Ngoài truyện tranh, thời gian qua nhiều ấn phẩm xuất bản mới được sáng tạo trên nền vốn cổ đã chào đời, mang lại góc nhìn mới cho độc giả về lịch sử, văn chương. “Lĩnh Nam chích quái” của NXB Kim Đồng là một ví dụ. 200 bức vẽ của họa sĩ Tạ Huy Long đã làm nên một “quá khứ sống động”, mang lại giá trị mới cho tác phẩm cũ, góp phần thu hút và tạo cơ hội để giới trẻ được tiếp cận với văn hóa dân gian nhiều hơn. Giờ đây, làm mới tác phẩm bằng tranh minh họa, đặc biệt là minh họa mang “chất” dân gian, đã trở thành một xu hướng được yêu thích. Ở nhiều tác phẩm mới xuất bản lần đầu, như sách Tết cũng rất chú trọng kết hợp truyền thống và hiện đại để văn hóa dân gian được sống trong đời sống đương đại đầy tươi mới và cuốn hút.
Tương tự, ở các ngành thời trang, thủ công mỹ nghệ, trò chơi giải trí, không gian sáng tạo... đều đã có thành công trong việc "tái sinh truyền thống". Có thể kể đến việc phục dựng cổ phục của Đại Việt Cổ Phong hay Ỷ Vân Hiên, áo dài với kiểu dáng và họa tiết cổ của Ngọc Hân boutique hay Xéo Xọ, trang phục của Kilomet 109 hay Chula, tranh gỗ Lucky Art, game Thần tích, bộ bài Tarot Kiều, không gian tĩnh tại Colective Sòn Sòn, hay Tò he Việt của nghệ nhân Đặng Văn Hậu... Có thể nói, những hình ảnh biểu tượng, chi tiết, màu sắc quen thuộc của dân gian truyền thống đã được tiếp nối sáng tạo một cách hài hòa và cuốn hút trong các sản phẩm đương đại, tạo thành dòng chảy văn hóa Việt liên tục và bất tận.
Kho tàng tài nguyên chờ khai phá
Với cộng đồng 54 dân tộc mà mỗi dân tộc đều có bản sắc văn hóa độc đáo riêng, nền văn hóa dân gian đa dạng của Việt Nam là cả một kho tàng để các thế hệ sau tìm tòi và sáng tạo. Theo ông Lê Bá Ngọc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam (Vietcraft), Việt Nam có nhiều lợi thế từ thiết kế truyền thống.
Âm hưởng dân gian trong các sản phẩm đương đại có thể được khai thác chỉ từ những chi tiết rất nhỏ, như các thành viên của Colective Sòn Sòn đã chia sẻ: “Đôi lúc không cần đi đâu xa mà chỉ cần để ý và quan tâm xung quanh mình một chút thôi sẽ thấy có nhiều góc để sáng tạo”.
Lựa chọn những đồ vật quen thuộc, gắn liền với cuộc sống người Việt, nhưng sự biến tấu của bình phong, bàn trà và chiếu mà Colective Sòn Sòn lấy cảm hứng từ những bức tranh tứ bình, mâm cơm đồng, chiếu cói đã khoác cho những vật dụng tưởng xưa cũ, bình thường và quá quen thuộc ấy một góc nhìn mới mẻ và đặc biệt. Những chất liệu truyền thống có khi đã được “in” sẵn trong tâm tưởng của mỗi người Việt trong quá trình sinh trưởng, điều quan trọng là nắm bắt và bóc tách thế nào để “thổi” vào đó sinh khí mới.
“Làm mới” những điều xưa cũ chính là cách để tái sinh giá trị văn hóa dân gian. Chỉ từ những họa tiết trong các bức tranh Hàng Trống, dự án Họa Sắc Việt của tác giả Trịnh Thu Trang và cộng sự S-River team đã lập ra cả một kho nguyên liệu dành cho ngành Thiết kế. Các họa tiết hoa văn, màu sắc được ứng dụng để tạo ra sản phẩm mang đậm bản sắc Việt như sổ tay, bìa vở, bao lì xì, khăn lụa, túi xách, tranh vải, vỏ hộp...
Đang ngày càng có nhiều sản phẩm “made in Việt Nam” được các doanh nghiệp lựa chọn bao bì, nhãn mác mang yếu tố dân gian truyền thống. Thời gian vừa qua, nhiều buổi tọa đàm, hội thảo trực tuyến đã được tổ chức nhằm “đánh thức truyền thống”, khẳng định sức sống của văn hóa dân gian trong đời sống đương đại.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Hà (Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam) bày tỏ: “Mong muốn thay đổi tư duy của các nhà thiết kế, mong muốn mọi người chú ý đến truyền thống, khai thác, làm mới truyền thống để hướng tới xu thế phát triển bền vững ở các lĩnh vực như đồ nội thất, trang phục, vật dụng trang trí, thiết kế công cộng...”. Bởi văn hóa dân gian truyền thống có thể trở thành nguồn dữ liệu quan trọng trong sự phát triển.
Nhiều con giống bột đã được nghệ nhân tò he Đặng Văn Hậu khôi phục.
Để giới trẻ tiếp cận văn hóa dân gian
Một trong những kinh nghiệm về phát triển văn hóa dân gian truyền thống một cách sáng tạo mà ông Song Honggyu, Ban Văn hóa - Văn phòng UNESCO tại Hà Nội, chia sẻ, đó là nâng cao nhận thức của người dân về văn hóa dân gian truyền thống. Đây cũng là điều mà nhiều nhà nghiên cứu quan tâm. Chỉ khi người dân có nhận thức đúng đắn về giá trị của văn hóa dân gian, biết giữ gìn và trân trọng, biết sử dụng và khai thác yếu tố văn hóa dân gian thì sức sống của văn hóa dân gian truyền thống mới càng thêm lâu bền.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thị Thanh Tú (Trường Đại học Việt Nhật, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, hiện nay, trong chương trình giáo dục cho trẻ nhỏ chưa rõ yếu tố văn hóa dân gian. Trẻ được tiếp cận với văn hóa dân gian chủ yếu là nhờ sự chủ động của một số gia đình. Không được “tắm mình” trong văn hóa dân gian thì trẻ không hiểu về văn hóa dân gian, từ đó không quan tâm và không yêu thích. Để văn hóa dân gian được lưu giữ và phát triển một cách bền vững, cần bắt đầu từ yếu tố con người. Sự kết hợp giữa chương trình giáo dục với các nghệ nhân, các làng nghề truyền thống vừa cho học sinh được thực hành văn hóa dân gian vừa có thể giúp các nghề truyền thống thêm “sống khỏe” trong cơ chế thị trường.
Theo nghệ nhân tò he Đặng Văn Hậu, học sinh khi được trải nghiệm nặn tò he đều rất thích thú. Qua những buổi học mà chơi như thế, văn hóa dân gian truyền thống được thấm vào mỗi đứa trẻ một cách tự nhiên.