Tết cơm mới - di sản văn hóa đặc sắc của người Tày

06:10, 31/01/2022

Đã thành phong tục, sau khi kết thúc mùa thu hoạch lúa, các gia đình người dân tộc Tày lại sửa soạn lễ cúng trời đất, tổ tiên và muôn loài để cầu mong mưa thuận gió hòa, bình an, may mắn trong lao động, sản xuất và cuộc sống. 

Nét văn hóa được bảo tồn trong dân gian 

Theo tác phẩm Địa chí Thái Nguyên, trong văn hóa người dân tộc Tày ở Thái Nguyên, Tết cơm mới là một trong 6 dịp Tết quan trọng trong năm, gồm: Nguyên đán, Rằm tháng Giêng, 3-3 tảo mộ, 5-5 diệt sâu bọ, Rằm tháng 7 và 10-10 cúng cơm mới (lúa mới). Tết cơm mới không chỉ có ý nghĩa đối với đời sống sinh hoạt, mang ý nghĩa tâm linh mà còn giáo dục đạo đức, lối sống cho các thế hệ; đồng thời bảo tồn, phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc Tày. 

Theo phong tục, vào đúng ngày 10-10 Âm lịch, sau khi kết thúc mùa thu hoạch lúa trong năm, các gia đình sẽ sửa soạn những mâm cơm đủ màu sắc, các loại bánh thơm ngon nhất làm từ nông sản mới thu hoạch để dâng lễ tạ ơn trời đất, tổ tiên. Đây cũng là dịp để người Tày tỏ lòng biết ơn những công cụ sản xuất, loại cây cho họ thức ăn và lương thực và cầu mong trời đất cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng tốt tươi. 

Theo các chuyên gia văn hóa, hầu hết các gia đình người dân tộc Tày trên địa bàn tỉnh đều còn duy trì phong tục này. Ngay cả đối với các gia đình hiện không còn làm nông nghiệp, Tết cơm mới 10-10 vẫn được duy trì như một nghi lễ tâm linh, tạ ơn trời đất ban cho cuộc sống ấm no và tưởng nhớ tổ tiên.

Ông Nguyễn Việt Hưng, Trưởng phòng Dân tộc huyện Võ Nhai chia sẻ: Cộng đồng người Tày hiện chiếm hơn 20% dân số toàn huyện và Tết cơm mới 10-10 được bà con bảo tồn, gìn giữ đã góp phần làm phong phú đời sống văn hóa trong cộng đồng người dân tộc trên địa bàn.

Còn ông Hoàng Văn Hải, thầy Then Tày (thầy tâm linh) ở xã Nghinh Tường (Võ Nhai) nói: Trên thực tế, Tết cơm mới của người Tày có tới 2 ngày khác nhau, trong đó phổ biến là cúng lễ vào ngày 10-10 Âm lịch. Trước đó, khoảng trung tuần tháng 8 Âm lịch, người Tày chọn một ngày đẹp khi bông lúa non còn ngậm sữa để sửa soạn lễ cúng lúa mới. Trong mâm lễ cúng có các món ăn, bánh truyền thống, phổ biến và đặc biệt không thể thiếu những bông lúa non còn ngậm sữa để cúng thần linh, tổ tiên. Nếu nghi lễ cúng cơm mới ngày 10-10 Âm lịch mang hàm ý cảm ơn trời đất, tổ tiên đã ban cho mùa màng bội thu thì nghi lễ lúa mới vào trung tuần tháng 8 mang hàm ý cầu mong vụ mùa bội thu nhiều hơn. 

Tết cơm mới là sản phẩm du lịch độc đáo thu hút đông đảo khách du lịch trong nước, quốc tế đến với bản làng Thái Hải trong những năm gần đây.

Tiềm năng phát triển du lịch

Từ nhiều năm nay, bà con người dân tộc Tày sinh sống tại Khu bảo tồn làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải đều tổ chức Tết cơm mới vào đúng ngày 10-10 Âm lịch theo truyền thống nhưng với quy mô cộng đồng làng, song song với việc thờ cúng trong mỗi gia đình. 

Trong ngày Tết cơm mới, đông đảo bà con trong Khu bảo tồn tề tựu về khoảng sân lễ hội của làng để cùng nhau chuẩn bị lễ cúng thần linh, tổ tiên là các sản vật nông nghiệp, thực phẩm được chế biến khéo léo qua đôi tay người phụ nữ Tày, như: Xôi ngũ sắc, bánh chưng, bánh khảo, bỏng gạo, lợn quay….

Bà Nguyễn Thị Thanh Hải, Giám đốc Khu bảo tồn làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải: "Mục đích chính của chúng tôi khi phục dựng Tết cơm mới nhằm bảo tồn văn hóa truyền thống, đồng thời tạo sản phẩm du lịch độc đáo cho Khu bảo tồn."

Trưởng làng và cũng là người thầy tâm linh được nhân dân kính trọng dâng hương tế lễ thần linh, tổ tiên sau đó dẫn đầu đoàn người cầm thanh la, chiêng, mõ đi vòng quanh cây nêu lớn để tạ ơn trời đất, thần linh, đồng thời gửi gắm ước nguyện đến thần linh, trời đất. Song song với các nghi lễ, bà con người Tày ở đây còn trình diễn các tiết mục Then cổ cầu an, cầu phúc cho tất cả các thành viên trong làng và đông đảo người dân dự Tết cơm mới. Nghi lễ độc đáo này đã thu hút đông đảo khách du lịch trong nước, quốc tế đến với bản làng Thái Hải trong những năm gần đây.

Từng tham gia vào các Lễ hội cơm mới tại Khu du lịch sinh thái Thái Hải, PGS.TS Đỗ Văn Trụ, Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam cho biết: Tết Cơm mới được người Tày coi trọng và giữ gìn từ đời này sang đời khác, bởi nó vừa phản ánh tín ngưỡng tâm linh, vừa biểu hiện nét văn hóa truyền thống đặc trưng, mang tính nhân văn sâu sắc. Chính vì thế, nghi lễ này đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo du khách gần xa và nếu được nhân rộng, đây sẽ là một sản phẩm du lịch đặc sắc của Thái Nguyên, thu hút đông đảo khách du lịch đến với mảnh đất giàu truyền thống và đậm đà bản sắc văn hóa này.