Hiên, toàn tỉnh đã có 550 di sản văn hóa phi vật thể (PVT) được ngành Văn hóa kiểm đếm, lập danh mục theo quy định của Cục Di sản văn hóa. Đặc biệt, có 17 di sản được đưa vào danh mục Di sản văn hóa PVT cấp Quốc gia. Trong đó, Thực hành Then của đồng bào Tày, Nùng, Thái Việt Nam (bao gồm cả Thái Nguyên) được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa PVT đại diện của nhân loại từ năm 2019.
Thái Nguyên là “ngôi nhà chung” của 51 dân tộc, trong đó 8 dân tộc có số dân từ 2.000 người trở lên, gồm: Kinh, Tày, Nùng, Sán Dìu, Sán Chay, Dao, Mông, Hoa. Nét đặc trưng riêng biệt của từng dân tộc được thể hiện qua ngôn ngữ, trang phục. Rõ ràng nhất là những nét đẹp văn hóa dân gian truyền thống. Chính vì thế, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm, khuyến khích đồng bào phục dựng, gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa PVT thông qua hoạt động văn hóa lễ hội và đời sống hằng ngày.
Để “níu giữ” hồn cốt văn hóa PVT cho đồng bào, cũng như các địa phương khác trên cả nước, tỉnh đã có nhiều hoạt động tích cực nhằm bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá tinh hoa của các dân tộc thiểu số, như việc triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về: “Xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc”; Đề án “Bảo tồn, phát triển văn hoá các dân tộc thiểu số Việt Nam” của Thủ tướng Chính phủ; Nghị quyết Trung ương 7 (khóa IX) về Công tác dân tộc.
Chúng tôi còn được biết: Từ năm 2014, tỉnh đã ban hành Đề án “Bảo tồn, phát triển văn hoá các dân tộc thiểu số tỉnh Thái Nguyên đến năm 2020”. Đề án huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị với mục đích bảo tồn, phát phát huy giá trị văn hoá truyền thống; tôn vinh giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số; khích lệ sáng tạo giá trị văn hoá mới. Sang giai đoạn 2021- 2025, tỉnh tiếp tục triển khai Đề án “Hỗ trợ hoạt động quản lý, đầu tư bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh”.
Cũng từ nhiều năm nay, ngành Văn hóa đã đẩy mạnh công tác bảo tồn văn hoá, trong đó, công tác bảo tồn và phát triển văn hoá các dân tộc thiểu số được coi trọng. Ông Nguyễn Minh Tuân, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Nghệ thuật tỉnh cho biết: Trong thời gian 10 năm gần đây, Trung tâm đã xây dựng được gần 100 mô hình, mẫu hình hoạt động văn hóa tại các xóm, bản có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Các mô hình, mẫu hình đã tập hợp được đông đảo đội ngũ nghệ nhân trong dân gian tham gia các hoạt động sưu tầm, trình diễn, khôi phục các làn điệu dân ca, dân vũ, phong tục tập quán đẹp của đồng bào dân tộc thiểu số.
Thổi – múa khèn, một nét đẹp văn hóa của đồng bào người Mông.
Bằng nguồn vốn sự nghiệp của tỉnh và kinh phí chương trình mục tiêu do Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cấp, những năm gần đây, Ngành đã triển khai, thực hiện được một số đề tài khoa học, tiêu biểu là các hoạt động sưu tầm, nghiên cứu, bảo tồn âm nhạc dân gian các dân tộc Thái Nguyên; phục dựng đám cưới của người Tày ở xã Lam Vĩ (Định Hoá); Lễ cầu mùa của dân tộc Sán Dìu, xã Tức Tranh (Phú Lương). Riêng xã Nam Hòa (Đồng Hỷ) được phục dựng đám cưới và Lễ cấp sắc của người dân tộc Sán Dìu.
Trò chuyện với chúng tôi, Nghệ nhân Ưu tú Diệp Minh Tài, xóm Tam Thái, xã Hóa Thượng (Đồng Hỷ), tự hào nói: Dân tộc Sán Dìu Thái Nguyên đã có 2 di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia: 1 là nghi lễ cấp sắc Đại Phan, 2 là dân ca Soọng Cô…
Cùng ở huyện Đồng Hỷ, Nghệ nhân Ưu tú Miêu Thị Nguyệt, xóm Na Quán, xã Nam Hòa, đã sưu tầm, chép lại gần 7.000 bài hát Soọng Cô để truyền đạt lại cho bà con. Bà cho biết: Tôi sẽ tiếp tục sưu tầm những bài hát quý của dân tộc mình, vì đó là linh hồn của một dân tộc.
Hiện, toàn tỉnh có khoảng 20 nghệ nhân ưu tú được Nhà nước vinh danh. Họ được ví như những người giữ lửa, truyền lửa và là pho sử sống trong dân gian. Nghệ nhân về Lễ cấp sắc, Tết nhảy lửa của người Dao, ông Bàn Văn Thanh, xã Phú Xuyên (Đại Từ), chia sẻ: Việc tôi làm không phải mê tín đâu nhé, mà là di sản văn hóa PVT của người dân tộc Dao được Nhà nước công nhận.
Còn nghệ nhân Nguyễn Thị Xuyến, phường Quang Trung (T.P Thái Nguyên), đúc kết: Phải có lòng say mê mới chung thủy được với cây đàn tính, câu then. Cũng biết là đặc sắc, độc đáo song phải thật sự tâm huyết mới vượt lên nỗi lo áo cơm đời thường để gìn giữ tinh hoa dân tộc mình.
Để bảo tồn, gìn giữ, phát huy những nét đẹp văn hóa tinh hoa truyền thống của đồng bào các dân tộc, thiết nghĩ: Các cấp, ngành, địa phương cần tiếp tục tăng cường hỗ trợ về vật chất, khuyến khích cộng đồng dân cư tích cực triển khai những hoạt động văn hóa, văn nghệ, tổ chức phục dựng các lễ hội truyền thống dân tộc; vận động các địa phương thành lập câu lạc bộ gìn giữ bản sắc văn hóa; duy trì hoạt động các mô hình, mẫu hình văn hóa, văn nghệ; tổ chức cho thành viên nòng cốt câu lạc bộ được tham gia giao lưu và trình diễn văn hóa dân gian, đồng thời mở lớp truyền dạy dân ca, dân vũ cho thế hệ trẻ, trong đó nghệ nhân là nòng cốt; từng bước tạo dựng trong đồng bào một đức tin, niềm kiêu hãnh với nét đẹp văn hóa đặc sắc của di sản văn hóa PVT.
Để từ đó, mỗi người tự nguyện gắn bó, và thấy được trách nhiệm của mình trước những tài sản tinh thần vô giá.