Cảnh báo nạn tham nhũng, nhưng ở góc độ sâu hơn là sự tha hóa, biến chất về đạo đức ở một bộ phận cán bộ và lối sống thực dụng, trọng vật chất ở không ít người trẻ, vở Nhân thế (tác giả: Lê Mạnh Hùng, đạo diễn: Nghệ sĩ Ưu tú Kiều Minh Hiếu) vừa ra mắt trên sân khấu Nhà hát Kịch Việt Nam đã thu hút sự chú ý của dư luận và công chúng.
Vở Nhân thế phản ánh chân thực những góc khuất xã hội trong mối quan hệ đan xen, phức tạp giữa quyền lực, tham vọng, tiền bạc và sự trả giá như một vòng quay đời người hợp lý mà dân gian vẫn thường bảo “gieo nhân nào gặt quả nấy”.
Ngọc, một cô gái trẻ đẹp, sau khi trải qua nhiều tủi nhục, bị thôi thúc bởi lòng căm hận kẻ đã khiến gia đình cô tan nát, quyết định chọn con đường tiếp cận với quyền lực và tiền bạc để trả thù. Cô đồng ý kết hôn với một thanh niên khiếm khuyết trí tuệ, song lại là con của ông Đạt, một cán bộ lãnh đạo cấp cao của tỉnh với mong muốn thực hiện được mục tiêu của mình. Về làm dâu trong gia đình ông Đạt, đã có nhiều biến cố không lường trước, Ngọc ngày càng sa đà, đi quá giới hạn của mình, bất chấp dư luận, đạo đức và luân lý. Cuối cùng, cô gái trẻ cùng bố chồng và cũng là người tình của mình phải trả giá cho các hệ lụy mà họ gây ra.
Đạo diễn Kiều Minh Hiếu rất tâm đắc với những vấn đề xã hội đặt ra trong vở diễn mặc dù nó được đề cập khá gai góc, cảnh báo nạn tham nhũng, sự thoái hóa, biến chất của một bộ phận cán bộ có chức quyền và lối sống thực dụng, dễ bị cám dỗ, sa ngã của không ít người trẻ hôm nay. Họ khao khát vươn lên, song lại có những lựa chọn đường đi sai lầm, hướng tới tiền tài, vật chất, muốn đạt được mục tiêu một cách nhanh nhất mà không bằng chính nội lực bản thân.
Cuộc sống không trải toàn hoa hồng và luôn là hành trình nhọc nhằn, thử thách bản lĩnh. Có những trắc trở, thậm chí là bất hạnh, nhưng không phải vì thế mà mỗi người được cho phép mình “vượt qua ranh giới của ánh sáng để đi vào bóng tối và rồi bị nhấn chìm vào nó”. Chỉ đến khi trả cái giá rất đắt trên hành trình ấy họ mới nhận ra các giá trị tốt đẹp, mới thấy được cuộc đời này còn nhiều điều đáng sống hơn.
Vở Nhân thế nói về nạn tham nhũng, nhưng chỉ song hành, chứ không đi vào cụ thể. Khía cạnh thực chất mà đạo diễn Kiều Minh Hiếu muốn xoáy sâu là sự biến chất, tha hóa của con người về đạo đức, nhân cách trong nỗi cuồng loạn trả thù và tham vọng quyền lực, tiền bạc. Nếu dựng vở như kịch bản nguyên gốc thì sẽ chỉ nhìn thấy mảng đời sống xã hội xám xịt, những thân phận con người đi vào ngõ cụt, song Kiều Minh Hiếu đã khơi dậy được điểm sáng tích cực, cho thấy những điều tốt đẹp vẫn còn trong thẳm sâu tâm khảm của nhân vật, biết nhận ra điều sai trái để đứng dậy làm lại từ đầu như Ngọc.
Không quá hoành tráng và rườm rà, thiết kế sân khấu đã góp phần vào thành công của vở diễn với đạo cụ đơn giản, mang nhiều tính tượng trưng. Quyền lực đến từ chức vụ, từ tiền bạc, lòng tham, sự cám dỗ, nỗi sợ hãi, khuất phục và hận thù đều xoay quanh chiếc ghế to, đồ sộ trên sân khấu trong suốt vở diễn. Ngay cả bản thân nó cũng được đạo diễn dụng công cài đặt vào đó những suy tưởng sâu xa khi có thể quay đều hai mặt như một tính cách đa diện. Nhân vật vở diễn có lúc hể hả, chễm chệ trên nó, tự thỏa mãn với quyền sinh, sát họ có trong tay, buông thả trong những đam mê nhục dục, có lúc lại co ro nằm trọn trong vòng ôm của nó để được thứ quyền lực khó nhìn ấy chở che, bảo vệ.
Ở nhiều cảnh diễn, trong từng bối cảnh, chiếc ghế lại như một thứ xiềng xích, một chiếc còng lao lý đang chờ đón, cho thấy một kết cục khó tránh với các cán bộ đang sa vào con đường phạm pháp. Và hơn hết, cũng giống như những sự thật được che đậy, mặt sau chiếc ghế là những mặt người đã tha hóa, biến chất được đội trong cái lốt, cái vỏ đạo đức mà họ thường hay diễn giảng.
Cùng chiếc ghế tượng trưng quyền lực, từng cảnh diễn được tăng thêm sức nặng mà không cần quá nhiều lời thoại qua những chiếc mặt nạ được giăng mắc trong không gian sân khấu, tung tẩy trên tay mỗi người. Nó không còn là thứ tưởng như đồ chơi của một thanh niên bị thiểu năng trí tuệ vẫn còn sống trong thế giới của trẻ thơ mà tham gia vào những màn tự sự nội tâm, nhắc nhở về những cái xấu xa ẩn chứa phía sau hay một chút le lói của lương tâm, sự xấu hổ, dằn vặt còn sót lại ở các nhân vật khi bỏ đi chiếc mặt nạ đời người.
Bên cạnh thiết kế sân khấu, phải kể thêm hiệu ứng của âm nhạc được nhạc sĩ, Nghệ sĩ Ưu tú Phùng Tiến Minh sáng tác riêng cho vở diễn, góp phần thúc đẩy cao trào ở các xung đột kịch và cả những khoảng lắng sâu cần thiết cho nhân vật cũng như cả người xem.
Mặc dù không có nhiều nhân vật, câu chuyện kịch chỉ tập trung vào một số mối quan hệ, nhưng với những vấn đề nóng bỏng tính thời sự, phản ánh phần nào hiện trạng xã hội cần cảnh báo cùng yếu tố kịch tính, hấp dẫn, vở Nhân thế của Nhà hát Kịch Việt Nam sau khi công diễn đã thu hút được khán giả đến rạp, hứa hẹn đưa hoạt động sân khấu Thủ đô trở lại sôi động.