Ký giả xưa tâm sự về nghề báo

09:33, 19/06/2022

Trên trường ngôn luận, tờ báo và nhà báo đại diện cho thiên chức thông tin, phản ánh tình cảm, dư luận xã hội. Trong bài viết này, chúng tôi xin gửi tới độc giả quan điểm, lối nghĩ của các ký giả xưa về chức nghiệp thiêng liêng cao cả của nghề báo và của người làm báo.

Chức nghiệp tờ báo

Nói về mối quan hệ của báo và dư luận, chủ bút Phạm Quỳnh của Nam Phong tạp chí cho rằng báo chí ra đời là bởi dư luận, dư luận tức là lòng dân, và báo chí cũng có sức biến cải dư luận được khi khơi gợi, định hướng dư luận.

Bởi vậy, “nước Nam ta sau này hay hay dở, các nhà báo cũng có phần vào đấy. Nếu ta biết khéo dùng cái động lực rất mạnh là tờ báo, ngọn bút kia, mà gây thành được dư luận sáng suốt khôn ngoan, thông hiểu tình thế, giúp được cho cái công tiến hóa về chính trị của quốc dân, thì mới thực là xứng đáng với lương tâm cùng thiên chức của nhà nghề vậy” (trích “Thượng Chi văn tập”).

Ký giả Dương Bá Trạc quan niệm rằng, “muốn cho nước trở nên phú cường bằng người thì phải làm thế nào cho dân trí khai thông đã”, và ông xem báo chí chính là phương tiện làm việc ấy. Do vậy, sau khi được ân xá đầu năm 1917, Dương Bá Trạc quay sang viết báo, làm bỉnh bút cho tờ Nam Phong, rồi viết bài cho Trung Bắc Tân văn. Những bài viết đa phần là xã thuyết về chính trị, kinh tế và xã hội.

Viết báo khắp Bắc - Trung - Nam, nhà yêu nước Phan Bội Châu trình bày quan điểm về vai trò, vị trí của nghề báo trong bài “Một mối cảm tưởng về báo giới nước ta”, đăng trên báo Tân văn số 1 ra ngày 4-8-1934: “Người trong một nước tất phải có báo giới, báo giới có trách nhiệm rất to, và nghĩa vụ rất lớn. Cớ sao vậy? Bởi vì dư luận ở trong một nước, tất phải có tờ báo, mà có dư luận mới thành ra có cơ quan, dân tình ở trong một nước, tất cũng phải nhờ các nhà báo mới có thể thở hết những điều oan khổ. Trách nhiệm và nghĩa vụ của báo giới, thiệt lớn lao không biết chừng nào! Đêm trường mù mịt, mà may có ngọn đèn soi đường, giấc mộng say mê, mà may có tiếng chuông thức tỉnh. Chẳng nhờ báo giới thời biết nhờ vào ai?”.

“Ở nước Nam mình, các nhà làm báo quốc văn không được phóng bút như các bậc đàn anh tân tiến, nhưng đối với quốc dân, không phải không giúp ích được nhiều. Việc nâng cao trí thức đám bình dân, việc truyền bá tư tưởng Âu tây trong dân gian, việc thức tỉnh đồng bào trong cơn mê mộng, một phần lớn lại chả phải là công của báo, chí quốc văn ư”.

Đó là lời ông Vũ Công Định, quản lý Tiểu thuyết tuần san, về vai trò của báo chí quốc văn đối với quốc dân trong bài “Nghề làm báo ở nước ta, lâu tiến bộ, lỗi tại ai?” trên Tiểu thuyết tuần san số 52 (ra ngày 22 đến 29-7-1934).

Còn Chủ nhiệm báo Tin mới Mai Văn Hàm khi nói về sức mạnh của báo chí đối với quần chúng thì nêu: “Tôi nhận thấy báo chí có một sức mạnh tuyệt đối để giác ngộ quần chúng mà tất cả chúng ta đoàn kết chặt chẽ lại thì sức mạnh đó lại càng gấp bội”.

Đầu thế kỷ XX, khi chiếu bóng, truyền thanh còn chưa thịnh, báo chí có công lớn trong việc thông tin tin tức trong và ngoài nước, truyền bá tư tưởng... và cổ động các hoạt động, phong trào.

Đáng kể nhất phải nói đến công lao của báo chí đối với quốc ngữ, như học giả Đào Duy Anh nhận xét trong Việt Nam văn hóa sử cương: “Nhưng có công bồi đắp và cổ lệ cho Việt ngữ nhất, khiến cho quốc dân sinh lòng tự tín đối với ngôn ngữ nước nhà, thì chính là ông Phạm Quỳnh chủ trương tạp chí Nam Phong và ông Nguyễn Văn Vĩnh chủ trương tập Âu tây tư tưởng”.

Trước tháng 8-1945, những người cộng sản đã dùng báo chí làm vũ khí đấu tranh với chính quyền thực dân, phong kiến. Nhà cách mạng Hoàng Quốc Việt trong “Nhân dân ta rất anh hùng” kể rằng từ năm 1936 báo công khai của Đảng Cộng sản Đông Dương được xuất bản, phát hành công khai ngay tại Hà Nội và do Trường Chinh làm “giám đốc chính trị tất cả các cơ quan ngôn luận của Đảng ở Bắc Kỳ” từ mùa thu năm 1937. Đây là “lần đầu tiên, lao động Việt Nam có tiếng nói của mình trên mặt trận báo chí công khai” với những nội dung đòi quyền tự do dân chủ.

Vị trí của nhà báo

Nói về nghề của mình, “ngự sử trên văn đàn” Phan Khôi xem đó là “nghề thần thánh”. Vũ Bằng thì chia sẻ trong “Bốn mươi năm nói láo” về việc làm báo, rằng cứ phải làm bỉnh bút cho một tờ nhật báo nào đó mới đúng nghĩa nhà báo. Ngược lại, làm báo cho tạp chí, hay tuần báo thì... chưa phải làm báo. Mà bước chân vào cái nghề này, Vũ Ngọc Phan trong “Trên đường nghệ thuật” cho rằng, sự ham chuộng đối với nghề là nằm ở những tay trí thức.

Nghề này dạo ấy là một nghề thậm vất vả, phải "giật gấu vá vai" đắp đổi qua ngày. Mà thường thấy khi ấy, những Nhất Linh, Hoàng Đạo, Thạch Lam... của Tự lực văn đoàn (báo Phong hóa, Ngày nay) hay Nguyễn Văn Tố, Nguyễn Tường Phượng, Trần Huy Bá... của Tri tân; Vũ Đình Hòe, Đinh Gia Trinh, Đỗ Đức Dục... của Thanh nghị thường “đứng hai chân”.

Họ làm nhà báo, cũng đồng thời là nhà văn, nhà thơ hay nhà khảo cứu. Hai cái nghề văn, thơ - báo ấy dính liền với nhau như không tách rời được. Chẳng nói đâu xa, như Thạch Lam viết báo Phong hóa, Ngày nay, nhưng cũng đồng thời là tác giả của “Gió đầu mùa” (1937), “Nắng trong vườn” (1938), “Ngày mới” (1939)... Vũ Trọng Phụng viết báo nhưng cũng là tác giả của “Số đỏ”, “Giông tố”, “Làm đĩ”...

Viết đến thế, mà phận nghèo vẫn hoàn nghèo. Những nhà văn, nhà báo khi thành danh vẫn “đứng hai chân”, một bên báo, một bên nhà xuất bản. Song như vậy vẫn còn may chán. Với những người chập chững bước vào làng viết lách, để nên được cái chân viết báo, cực khổ trăm bề. Viết “Chuyện Hà Nội”, Vũ Ngọc Phan chia sẻ, nhiều thanh niên bước chân vào nghề, vẫn còn cái cảm giác của kẻ được đăng bài như cung phi nhớ vua:

“Trên chín bệ có hay chăng nhẽ?

Khách quần thoa mà để lạnh lùng!”

Nghề viết không đủ sống, hoặc sống lay lắt qua ngày, sống tạm bợ với những đồng nhuận bút còm cõi, phải ứng trước viết sau, lại thêm nhiều khi các báo gặp bao lý do nào là thiếu vốn, nào bị đình bản... dẫn đến chết bất đắc kỳ tử, thế nên không ngạc nhiên khi nhiều nhà báo "nhảy việc" như con thoi. Lấy Vũ Bằng là một dẫn chứng.

Trong đời làm báo của mình, tác giả của “Thương nhớ mười hai”, “Bốn mươi năm nói láo” đã kinh qua biết bao nhiêu tòa soạn, bao nhiêu tờ báo, có lẽ kể không hết được những tên báo Việt nữ, Vịt đực, Tiểu thuyết thứ bảy, Trung Việt Tân văn... Một người họ Vũ khác, nhưng là Vũ Trọng Phụng, viết miệt mài là thế nhưng vẫn phải lo chạy ăn từng bữa, đến khi mất đi, vợ trẻ con thơ và mẹ già, gia cảnh vẫn bần hàn lắm.

Đến như những ông chủ làm báo, cũng chẳng sung sướng gì, suốt ngày phải lo việc xoay tiền cho báo tồn tại, để trả nhuận bút, để lấy báo từ nhà in... Thế nên khi biết Vũ Bằng đi theo nghề báo, mẹ ông vốn bán sách, bán giấy lo lắng, dẫn chứng sự bạc bẽo của nghề từ những gì mình tai nghe mắt thấy, nào ông Thực nghiệp mua giấy in thì chịu đến 3 tháng chưa trả một xu; nào ông Khai hóa méo mặt vì tiền; lại ông Bạn dân “đi ăn mày vì làm báo”. Bà cho rằng “nghề báo là một nghề bạc bẽo, không nuôi sống được người làm nghề”.

Dẫu nghề báo vất vả, khổ ải là thế, nhưng những ai đã đam mê, dấn thân vào nghiệp báo lại yêu và gắn với nghề thật lâu. Và trong lĩnh vực này, nhiều tay hào kiệt của làng báo theo dòng thời gian đã khẳng định được mình, như Trương Vĩnh Ký, Nguyễn Văn Vĩnh, Phan Khôi, Hoàng Tích Chu..., những người lịch sử báo chí đã ghi danh trong sách “Lịch trình tiến hóa sách báo quốc ngữ” (Nhà in Tân dân, 1942).