Ngay sau khi hai chiếc Cầu Vàng ở Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) được đưa vào khai thác cách đây hai năm, các mạng xã hội đã “nóng ran” vì nhiều bạn trẻ đua nhau đến chụp ảnh check-in. Với nhiều người, đây là điểm đến mới khi đi du lịch ở “thành phố mộng mơ”. Sẽ không có gì đáng nói, nếu những chiếc Cầu Vàng này là một ý tưởng mới về sản phẩm du lịch. Song, thực tế, hai chiếc Cầu Vàng ở Đà Lạt đã sao y bản chính chiếc Cầu Vàng nổi tiếng ở Đà Nẵng, cũng chiếc cầu uốn cong, cũng “bàn tay Phật” đỡ chiếc cầu, nhưng với kích thước nhỏ hơn.
Phải nói, nhiều địa phương, nhiều cơ sở kinh doanh du lịch của Việt Nam “bắt sóng” rất nhanh với những trào lưu du lịch, nhất là những khách du lịch có sở thích chụp ảnh. Sau khi hình ảnh chiếc “cổng thiên đường” ở Bali (Indonesia) trở nên nổi tiếng, thì ở Việt Nam, lập tức mọc lên những “cổng thiên đường” ở khắp nơi. Tuy không sao y bản chính 100%, nhưng cung cách thiết kế cũng tương tự, với cấu trúc như một tòa tháp “tách đôi”. Một trong những “cổng thiên đường” nổi tiếng nhất Việt Nam nằm ở Sa Pa (tỉnh Lào Cai). Sa Pa vốn là một trong những trung tâm du lịch nổi tiếng nhất vùng núi phía bắc.
Nhưng hiện nay cũng là một địa danh nổi tiếng về khả năng sao chép. Một đơn vị kinh doanh du lịch tại đây “mượn” luôn chiếc cổng Torii truyền thống của Nhật Bản về làm nơi “check-in”. Kết quả là, rất nhiều khách du lịch khi đến Sa Pa, đã quảng bá cho văn hóa truyền thống của… nước Nhật. Có những địa phương, thấy hoa tam giác mạch của Hà Giang hấp dẫn, lập tức nhập về trồng hàng loạt…
Nhờ khả năng sao chép ấy, mà chỉ loanh quanh du lịch tại Việt Nam, khách du lịch cũng được “sống ảo” khi thì vườn Nhật, khi thì làng biệt thự Pháp, khi thì “tiểu Bali” hay “thành phố nổi Venice” của Italia… Về ngắn hạn, những kiểu sao chép các biểu tượng, sao chép văn hóa để tạo ra sản phẩm du lịch thường đem lại sức hút ngay tức thì, khi một bộ phận khách du lịch chú trọng chụp ảnh. Nhưng về dài hạn, lại là một câu chuyện khác. Sao chép, trước hết, triệt tiêu khả năng sáng tạo của các đơn vị làm du lịch. Điều đáng lo hơn là việc đánh mất bản sắc văn hóa trong xây dựng, thiết kế sản phẩm du lịch.
Mỗi vùng đất luôn có những đặc trưng riêng về văn hóa. Một nền du lịch bền vững, cần được xây dựng, phát triển dựa trên bản sắc của chính những vùng đất đó, đem lại những trải nghiệm cho khách du lịch bằng sự khác biệt về văn hóa. Điều này càng quan trọng hơn với khách du lịch quốc tế. Khách quốc tế đến Việt Nam đâu phải vì những bản sao chép cổng Nhật, “tiểu Bali” hay làng Pháp? Chất lượng sản phẩm, bản sắc văn hóa là thứ tạo nên sức hút, là thứ kéo người ta quay trở lại. Ở đây rất cần đặt vấn đề có hay không ý thức bảo vệ bản quyền sáng tạo của một cá nhân, tổ chức, đơn vị, địa phương? Những “sản phẩm” dựa trên sự sao chép thô kệch phần lớn, chỉ có giá trị một lần, khi nó không được xây dựng trên nền tảng văn hóa của khu vực. Lợi trước mắt, nhưng hại lâu dài.
Một nền mỹ thuật sẽ không thể dựa trên tranh chép và hàng nhái. Bộ mặt kiến trúc đô thị sẽ trở nên nhếch nhác, thiếu thẩm mỹ nếu cứ dễ dãi, lai căng và lổn nhổn các phong cách Á, Âu... mạnh ai nấy làm, thậm chí bê nguyên những chóp “nghìn lẻ một đêm” về gắn lên nóc những ngôi nhà ống trên phố xá. Phát triển du lịch bền vững là sự tổng hòa của nhiều yếu tố, song chắc chắn không thể dựa trên những sản phẩm du lịch nghèo nàn, kém tính sáng tạo, thậm chí là những bản sao chép nhạt nhòa.