Bản làng Thái Hải, hay còn gọi là “Khu bảo tồn Làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải”, ở xóm Mỹ Hào, xã Thịnh Đức (TP. Thái Nguyên). Với sự mộc mạc, đậm chất văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Tày, bản làng Thái Hải đã tạo sức hấp dẫn diệu kỳ, thu hút đông đảo du khách tìm về. Thái Hải cũng dần trở thành một điểm đến hấp dẫn của du lịch Thái Nguyên.
Đàn Tính, hát Then là nét đẹp văn hóa được bản làng Thái Hải gìn giữ, trao truyền cho con cháu. |
Nhàn tản đầu Xuân Quý Mão 2023, chúng tôi có dịp gặp gỡ, nghe Trưởng làng Thái Hải - bà Nguyễn Thị Thanh Hải chia sẻ về việc gìn giữ, phát huy giá trị những nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Tày Thái Nguyên trong nhiều năm qua.
P.V: Trưởng làng có thể cho bạn đọc biết về cuộc sống thường ngày của bà con ở bản làng Thái Hải?
Bà Nguyễn Thị Thanh Hải: Một ngày mới thường bắt đầu từ 5 giờ sáng. Sau một hồi mõ báo hiệu bình minh, các nhà thúc nhau dậy. Đàn ông cời bếp, thổi lửa, mài dao chuẩn bị cho một ngày lao động. Đàn bà, con gái ra giếng làng gánh nước về đổ chum, nấu nước pha trà.
Sau khi ăn sáng, bà con mỗi người một việc: lấy củi, trồng rau, chăn nuôi gà lợn, đánh bắt cá, trẻ nhỏ đến lớp học; một nhóm khác vào vị trí đón tiếp khách tham quan. Đại gia đình chúng tôi ăn chung một nồi cơm, uống chung một dòng nước. Ai nấy đều biết thương yêu nhau.
Đặc biệt vào các ngày mùng Một, ngày Rằm, Tết cơm mới, đầu Xuân… bản làng thực hiện một số nghi thức truyền thống.
P.V: Bà còn nhớ những ngày đầu về đất này lập bản làng không?
Bà Nguyễn Thị Thanh Hải: Nhớ lắm chứ, bấy giờ là năm 2002, tôi thế chấp nhà cửa, tài sản ở TP. Sông Công để về đây mua gom đất. Tôi mua đất với mục đích trồng rừng và làm nơi bảo tồn nhà sàn truyền thống của dân tộc Tày. Bởi thời điểm đó nhiều bà con vùng ngược theo nhau bán nhà sàn lấy tiền.
Nhiều “mạnh thường quân” không cam tâm nhìn “nhà sàn chảy máu”, động viên tôi đứng ra đi mua gom nhà sàn, thuê thợ vận chuyển về đây dựng lại theo nguyên mẫu cũ. Đến cuối năm 2003, tôi dựng lại hoàn chỉnh 28 nếp nhà sàn cổ (đến nay có 30 nếp nhà sàn - P.V). Nhà dựng theo kiến trúc xuyên toang, tứ trụ, kín đáo, thoáng mát và gói ghém ở đó là triết lý âm dương ngũ hành.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hải (giữa), Trưởng bản làng Thái Hải trò chuyện về nền nếp gia phong trong gia đình người dân tộc Tày. |
P.V: Làm bảo tồn các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của dân tộc Tày bằng tư cách cá nhân, bà gặp khó khăn gì?
Bà Nguyễn Thị Thanh Hải: Bây giờ thì thuận nhiều… nhưng mất mấy năm đầu quá vất vả. Năm 2005, tôi hiến lại toàn bộ tài sản của mình cho Trung tâm Bảo trợ văn hóa kỹ thuật truyền thống. Nhưng nửa năm sau đó, Trung tâm giao trả lại cho tôi...
Rồi hơn 2 năm gần đây, đại dịch COVID-19 làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống của bản làng, tôi đã cho bán hơn 10 chiếc ô tô để mua lương thực, thực phẩm duy trì cuộc sống hằng ngày cho bà con. Vì khó khăn, 50 thành viên đã bỏ ra ngoài tìm cho mình cuộc sống riêng. Còn lại với bản làng hiện nay là 150 công dân, có gia đình 4 thế hệ cùng ở. Ngoài dân tộc Tày còn có một số hộ người dân tộc khác đến sinh sống là: Nùng, Kinh, Sán Chay và dân tộc Dao.
P.V: Bà có nhớ bản làng Thái Hải mở cửa đón du khách từ thời điểm nào?
Bà Nguyễn Thị Thanh Hải: Khoảng năm 2014, một số người đưa nhau đến bản làng vãn cảnh. Họ đưa tiền bảo nấu giúp mâm cơm, cho nghỉ nhờ. Họ bảo ở đây có khung cảnh thanh tịnh, nhiều món ăn truyền thống ngon miệng nên tự truyền miệng, bảo nhau về thăm ngày càng đông đúc.
Các dịch vụ của bản làng chủ yếu là ẩm thực và trải nghiệm cuộc sống cũng dần được định hình theo yêu cầu của du khách. Tôi không nhớ chính xác thời điểm nào bản làng chính thức bắt tay vào làm du lịch, nhưng tôi nhớ đã có du khách của hơn 40 quốc gia trên thế giới về đây tham quan, trải nghiệm. Và hiện bản làng có năng lực tiếp đón, phục vụ ăn, uống, ngủ, nghỉ cùng lúc hơn 1.200 khách.
P.V: Bà có thể cho bạn đọc biết về những sản phẩm được bản làng bảo tồn, phát huy giá trị thông qua hoạt động du lịch?
Bà Nguyễn Thị Thanh Hải: Bản làng thực hiện bảo tồn, phát huy tất cả các giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của người dân tộc Tày Thái Nguyên. Về phát huy giá trị thông qua phục vụ khách du lịch, bản làng có 3 sản phẩm chủ lực là: kiến trúc nhà sàn, ẩm thực và văn hóa truyền thống của dân tộc Tày. Văn hóa vật thể có 30 nếp nhà sàn cổ; các đồ dùng, vật dụng trong nhà như cối xay thóc, cối giã gạo dùng nước; mâm ăn cơm bằng gỗ; rổ rá, chậng, bồ đan bằng tre, nứa để đựng đồ đạc.
Cùng đó là trang phục truyền thống được bà con mặc, mang mỗi ngày. Rồi thuốc nam chữa bệnh, bồi bổ sức khỏe và các loại ẩm thực như: bánh chưng, bánh gai, chè lam, thịt treo gác bếp và rượu men lá trưng cất theo phương pháp truyền thống.
Về văn hóa phi vật thể được bản làng cực kỳ coi trọng. Đặc biệt là ngôn ngữ. Mọi công dân của bản làng nói chuyện, giao tiếp với nhau bằng tiếng dân tộc; hằng ngày cùng tập luyện, trao truyền hát Then, đàn Tính; từng gia đình thực hiện gìn giữ tôn ti trật tự, nếp sống truyền thống gia đình. Đặc biệt là nét đẹp văn hóa tâm linh tín ngưỡng như: Lễ hội Lồng tồng, lễ mừng thọ, cúng mụ và các nghi thức thờ cúng tổ tiên được duy trì theo phong tục.
P.V: Để gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị những nét đẹp văn hóa của bản làng Thái Hải, Trưởng làng có dự định gì ở những năm tiếp theo?
Bà Nguyễn Thị Thanh Hải: Bản làng Thái Hải luôn dang rộng vòng tay chào đón nhân dân, du khách trong nước, quốc tế đến tham quan, tìm hiểu về những nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc Tày. Song về lâu dài bản làng chúng tôi mong nhận được sự quan tâm đầu tư hỗ trợ của tỉnh; sự hợp tác của các doanh nhân và mong muốn nhận được sự sẻ chia của mọi người trong cộng đồng xã hội.
P.V: Cảm ơn Trưởng làng đã chia sẻ với bạn đọc Báo Thái Nguyên!
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin