Từ TP. Thái Nguyên ngược lên ATK Định Hóa, tôi cũng như bao người con đất Việt chợt xốn xang trong lòng bởi cảm nhận rõ nét những đổi thay từng ngày ở một vùng đất anh hùng mang nặng sử xanh đất nước… Nhưng vẫn còn đây rừng cọ, đồi chè, câu lượn, lời sli gợi nhắc bước chân tôi không lạc đường: “Qua Đu, tới Đuổm lên Trào/Rẽ qua phố Ngữ thì vào Chợ Chu”.
Anh Nguyễn Thế Hảo, Giám đốc Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng Thái Nguyên (ngoài cùng bên trái) tại Di tích Quốc gia - Địa điểm khai sinh ngành Điện ảnh và Nhiếp ảnh cách mạng Việt Nam, ở xã Điềm Mặc (Định Hóa). |
Nhưng chuyến đi này tôi không vào Chợ Chu như câu ca trong dân gian, mà về khu đồi Cọ, xóm Bản Bắc, xã Điềm Mặc - nơi khai sinh ngành chép sử và truyền sử bằng hình ảnh Việt Nam. Nói chính xác thì đó là nơi ra đời, đồng thời đào tạo, rèn dạy nên đội ngũ chiếu bóng và chụp ảnh cách mạng Việt Nam đầu tiên trên chiến khu Việt Bắc.
Mải nghĩ miên man, chúng tôi đã đứng trước một rừng cọ đầy gốc xù xì từ khi nào. Chợt một bàn tay vỗ nhẹ vào vai, bảo: Thân cọ xù xì sắc như bàn chông, nhưng trên thân nó mang từng buồng quả bùi thơm hương vị rừng núi. Hơn nữa, rừng cọ này từng chở che, đùm bọc đội ngũ cán bộ làm văn hóa trong những năm đất nước kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
“Người quen cũ!”, tôi reo lên khi nhận ra anh Nông Đình Khiết, công chức Văn hóa - Xã hội xã Điềm Mặc. Anh biết tôi lên đây bao giờ cũng là vì công việc, nên chẳng cần chào hỏi khách sáo. Anh Khiết nói: Hằng năm, Di tích vẫn đón các đoàn văn nghệ sĩ điện ảnh, nhiếp ảnh Việt Nam và học sinh, sinh viên về nguồn. Nhiều nghệ sĩ nhiếp ảnh không chuyên cũng về đây, nán lại, cẩn trọng đọc dòng chữ ghi trên bia đá: “Di tích lịch sử, nơi khai sinh ngành Điện ảnh và Nhiếp ảnh Việt Nam”.
Nét chữ đã mờ, bia đã cũ, rêu phong bao phủ bởi màu thời gian, nhưng nhà bia, phía trên mái uốn cong vút có hình song hạc chầu vào biểu tượng cuốn phim còn rõ nét. Chính tại nơi đây, đồi Cọ, xóm Bản Bắc, xã Điềm Mặc, ngày 18/3/1953 đã diễn ra Lễ công bố Sắc lệnh số 147/SL của Chủ tịch Hồ Chí Minh về việc thành lập Doanh nghiệp Quốc gia Chiếu bóng và Chụp ảnh Việt Nam - tiền thân của ngành Điện ảnh và Nhiếp ảnh Việt Nam.
Vâng! Sắc lệnh số 147/SL được Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ngày 15/3/1953, tức ngay sau 3 ngày ký, một Sắc lệnh quan trọng đối với đội ngũ những người chiếu bóng, chụp ảnh được công bố rộng rãi trước nhân dân, đồng bào và cộng đồng quốc tế.
Mới đó đã 70 năm trôi qua (1953-2023), Điện ảnh cách mạng Việt Nam luôn đồng hành với dòng sử đất nước. Các thế hệ quay phim, chiếu bóng, nhiếp ảnh lớp sau theo lớp trước, khắc ghi lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vẹn toàn nhiệm vụ ghi chép lại lịch sử thăng trầm của đất nước bằng những hình ảnh sống động, để từ đó tuyên truyền, cổ vũ các phong trào thi đua yêu nước trong nhân dân.
Đội Chiếu bóng lưu động (Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng Thái Nguyên) trong một buổi đi chiếu phim phục vụ nhân dân vùng sâu, vùng xa của tỉnh (thời kỳ còn sử dụng phim nhựa). |
Không dừng lại ở đó, Điện ảnh cách mạng Việt Nam còn được giới thiệu đến bạn bè thế giới bằng những tác phẩm nghệ thuật, phản ánh sinh động đời sống xã hội Việt Nam qua các thời kỳ kháng chiến, xây dựng, bảo vệ đất nước và đổi mới, hội nhập quốc tế. Thông qua Điện ảnh cách mạng Việt Nam, bạn bè thế giới biết đến một Việt Nam với truyền thống đấu tranh bất khuất, không cúi đầu trước cường quyền bạo lực; nhưng có lòng bao dung, nhân ái, vị tha, yêu chuộng hòa bình. Tất cả được xuất phát từ nền tảng văn hóa truyền thống có tự ngàn đời của dân tộc Việt Nam.
Trở lại câu chuyện bên đồi Cọ, nhiều cao lão trong vùng còn nhớ như in những năm tháng kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, rừng cọ bạt ngàn phủ xanh núi đồi Định Hóa, cũng là lá ngụy trang che chở cán bộ, bộ đội và nhân dân làm việc, tập luyện và… xem chiếu bóng. Hồi bấy giờ, đi xem chiếu bóng, đồng thời được xem trưng bày ảnh, nghe tuyên truyền về phong trào “đánh Tây, đuổi giặc”. Xem phim, ảnh mà ai nấy khí thế ngút trời. Đặc biệt từ đồi Cọ, đội ngũ cán bộ chiếu phim, chụp ảnh sau khi được đào tạo đã trưởng thành không ngừng trên thực tế các mặt trận. Thế hệ tiền bối ấy đã "ghi chép" được những hình ảnh sinh động về một thời “đất nước gian nan”.
Chia sẻ với chúng tôi, anh Nguyễn Thế Hảo, Giám đốc Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng (Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Thái Nguyên), tự hào: Phát huy truyền thống của Ngành, đội ngũ phát hành phim và chiếu bóng chúng tôi không ngừng rèn luyện, trau dồi đạo đức, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, “vì nhân dân phục vụ”. Chính vì thế, Trung tâm đã nhận được nhiều phần thưởng của các cấp, ngành và sự ủng hộ, yêu mến của nhân dân.
Còn anh Đào Minh Tuân, Phó Giám đốc Trung tâm, chia sẻ: Theo dòng chảy sử xanh đất nước, đơn vị chúng tôi đã nhiều lần “thay tên đổi họ”. Khởi đầu là “Quốc doanh chiếu bóng Bắc Thái”, rồi “Công ty Điện ảnh Bắc Thái”, “Trung tâm Điện ảnh Thái Nguyên” và từ năm 2016 đến nay đổi tên thành “Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng Thái Nguyên”. Tên đơn vị có thay đổi, nhưng các thế hệ chiếu bóng, điện ảnh chúng tôi luôn xác định rõ nhiệm vụ là phục vụ Đảng, Nhà nước và phục vụ nhân dân tận tụy.
Các nghệ sĩ nhiếp ảnh Thái Nguyên tác nghiệp sáng tạo (Ảnh: C.T.V). |
Chợt từ phía ngoài một làn gió ùa vào mang theo nồng nàn hương cọ. Tôi quay lại thì bắt gặp anh Nguyễn Đức Trung, Đội trưởng Đội Chiếu bóng lưu động của Trung tâm. Anh đang cùng đồng nghiệp - những người chiếu bóng Thái Nguyên - mang phim về một số xóm, bản khó khăn của tỉnh để phục vụ đồng bào các dân tộc nhân đợt phim kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về Văn hóa Việt Nam. Anh Trung dí dỏm: Công việc của chúng tôi ngày nào cũng vui như hội. Vì chúng tôi là đội ngũ những người góp phần mang ánh sáng văn hóa đến với nhân dân, đồng bào.
Anh dừng lời trong giây lát như để nén giấu xúc động, rồi tiếp tục câu chuyện: Đời chiếu bóng của mình, tôi đã cùng đồng nghiệp phục vụ nhân dân, đồng bào hàng nghìn buổi chiếu. Ngay như năm 2022 vừa rồi cũng có hơn 400 buổi chiếu phim. Các bộ phim chúng tôi phục vụ mang đề tài, chủ đề về văn hóa Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh, về đất nước, con người Việt Nam. Thông qua đó tạo không khí tươi vui, phấn chấn, củng cố, bồi đắp niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước; nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân, đồng bào ở các xã vùng 2, vùng 3 đặc biệt khó khăn và đối tượng chính sách thuộc các xã vùng 1.
Chợt lời anh Trung nghẹn lại: Ít năm trước, giao thông đến các vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh mới thực sự là thử thách. Đội chiếu bóng chúng tôi phải đi liền cả tuần, chiếu phim hết “một quệt” xóm bản mới về cơ quan. Mỗi lần chuyển địa điểm chiếu phim đều nhờ trai tráng trong xóm mang ngựa ra thồ máy phát điện, máy chiếu phim nhựa và đồ đoàn phục vụ buổi chiếu. Cực vô cùng, nhưng cũng vui vô cùng. Vì chúng tôi được sống trong lòng nhân dân, đồng bào. Hiện, Thái Nguyên đã “xóa” xong đường đá tai mèo và thay thế bằng đường bê tông, giao thông trở nên thuận tiện. Thiết bị chiếu phim cũng hiện đại, nhỏ gọn, nhưng mỗi lần đi chiếu phim, chúng tôi thường đến từ đầu giờ chiều để tuyên truyền, phổ biến một số chính sách pháp luật của Nhà nước, đến tối là bật máy chiếu. Nhiều lần đã hết buổi chiếu, một số bà con đề nghị chiếu tiếp, chúng tôi sẵn sàng phục vụ. Khi tắt máy đã nửa đêm, về đến nhà con gà đã eo óc gọi ngày mới.
Đang những ngày tháng Ba, nắng xuân đã ấm hơn cho vạn vật sinh sôi. Cả một vùng đất ATK Định Hóa cũng trở nên sống động. Thiên nhiên hữu tình, lòng người thảnh thơi, thỏa sức thả lời then vào réo rắt cây đàn tính. Bơi ngụp giữa dòng hoan ca của đại ngàn, lòng đắm đuối bởi những hoài tưởng qua từng trang sách sử hay hình ảnh Bác Hồ “Ung dung yên ngựa trên đường suối reo”; hình ảnh khắc họa cảnh cán bộ, nhân dân sẵn sàng chiến đấu; hăng hái lao động, tinh thần lạc quan vào ngày đất nước chiến thắng còn lưu lại ở các bảo tàng, nhà trưng bày bây giờ cũng đều do thế hệ tiền bối của Điện ảnh và Nhiếp ảnh cách mạng bấm máy, lưu hình.
Đặc biệt, vào tháng 5/1954, ngôi nhà lợp mái cọ của “gia đình” điện ảnh, nhiếp ảnh Việt Nam đã đón tiếp một nhóm các nhà quay phim của Liên Xô, gồm: Vladimir Yeshurin, Yevgeny Mukhin, do đồng chí Roman Karmen dẫn đầu. Đoàn làm phim đã gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh và cùng với các nhà làm phim cách mạng Việt Nam là Phạm Văn Khoa, Mai Lộc, Nguyễn Tiến Lợi, Quang Huy, Hồng Nghi và nhà văn Nguyễn Đình Thi để phối hợp hoàn thiện bộ phim "Việt Nam trên đường thắng lợi". Phim quay trong 8 tháng, tổng cộng quay được hơn 40.000 mét phim màu.
Từ đồi Cọ, xóm Bản Bắc, đã có bao thế hệ theo nhau xông pha nơi "hòn tên mũi đạn", qua hai cuộc kháng chiến, rồi chiến tranh bảo vệ bờ cõi biên cương của Tổ quốc, đã có nhiều người trong đội ngũ điện ảnh, nhiếp ảnh Việt Nam hy sinh khi đang bấm máy. Tổ quốc ghi công, nhân dân đời đời ghi nhớ, biết ơn các anh hùng liệt sĩ. Và nối tiếp mạch nguồn điện ảnh, nhiếp ảnh cách mạng Việt Nam, đội ngũ những người cầm máy không ngừng đổi mới, sáng tạo, nâng tầm giá trị cho từng khuôn hình khi đăng đàn quốc tế.
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Đỗ Anh Tuấn, Chi hội trưởng Chi hội Nhiếp ảnh (Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên), cho biết: Hiện Chi hội có 43 hội viên, trong đó có 14 người là hội viên Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam. Hàng năm, Chi hội tổ chức cho hội viên tham gia nhiều hoạt động sáng tác; hỗ trợ sáng tác cho hội viên và tổ chức các cuộc triển lãm, trưng bày, tạo khí thế thi đua sáng tác sôi động. Qua đó khơi dậy được những khả năng đặc biệt về nghệ thuật vốn có của người nghệ sĩ.
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trịnh Việt Hùng thì bảo: Thời đại công nghệ 4.0, để có một khuôn hình đẹp, độc, lạ, ngoài yếu tố góc nhìn nghệ thuật, đòi hỏi người bấm máy phải biết sử dụng thành thạo công nghệ…
Trong làng nhiếp ảnh Thái Nguyên, các anh Trịnh Việt Hùng, Khánh Vân, Ngọc Hải, Kim Khoa… từng giành nhiều giải thưởng cao tại các cuộc thi ảnh nghệ thuật của tỉnh và khu vực miền núi phía Bắc. Trên địa bàn tỉnh, ngoài đội ngũ nghệ sĩ nhiếp ảnh tham gia sinh hoạt tại Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh và Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam, còn có rất nhiều câu lạc bộ ảnh đang hoạt động hiệu quả, như: Câu lạc bộ Nhiếp ảnh trẻ Thái Nguyên, Câu lạc bộ Mỹ thuật - Nhiếp ảnh Thái Nguyên, Câu lạc bộ Nhiếp ảnh báo chí Thái Nguyên…
Thời của công nghệ số, mọi người dân đều có thể quay phim, chụp ảnh mà không sợ phim, ảnh thiếu nét, thiếu sáng, phim bị lộ sáng. Càng không phải ngồi buồng tối đếm thời gian cho một bức ảnh đủ độ chín trong chậu dung dịch. Nhưng đấy là phim ảnh phong trào, quay, chụp ngẫu hứng. Còn với đội ngũ những người chiếu phim và chụp ảnh làm việc trong tổ chức cơ quan Nhà nước, hoặc tự nguyện đứng trong tổ chức Hội, họ là những nghệ sĩ, chiến sĩ trong đội quân tiên phong của Đảng trên mặt trận tư tưởng, văn hóa.
Nhất là ở thời đại xã hội số, nhiều cơ hội lớn được mở ra, song cũng có không ít thách thức, đòi hỏi đội ngũ chiếu bóng và nhiếp ảnh Việt Nam, trong đó có Thái Nguyên, không ngừng trau dồi đạo đức, chịu khó học hỏi, chủ động tiếp cận với những công nghệ mới để hoàn thành xuất sắc sứ mệnh của những người chép sử, truyền sử bằng hình ảnh.
- Năm 2004, địa điểm Di tích nơi khai sinh ngành Điện ảnh - Nhiếp ảnh cách mạng Việt Nam tại đồi Cọ, xóm Bản Bắc, xã Điềm Mặc (Định Hóa) được UBND tỉnh Thái Nguyên ra quyết định xếp hạng Di tích lịch sử - văn hoá cấp tỉnh. - Năm 2009, Nhà nước chính thức công nhận lấy ngày 15-3 hằng năm là ngày Điện ảnh cách mạng Việt Nam. - Năm 2020, Di tích được Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch ký quyết định cấp Bằng xếp hạng Di tích Quốc gia. |
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin