Phát huy giá trị văn hóa qua các công trình kiến trúc

KTS. Nguyễn Văn Cường (Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Thái Nguyên) 09:35, 20/06/2023

Kiến trúc là bộ phận cấu thành quan trọng của một nền văn hóa. Trong dòng chảy văn hóa, kiến trúc là tấm gương phản chiếu trung thực nền văn minh, thành tựu, trình độ của cư dân trong môi trường cư trú, phù hợp với điều kiện tự nhiên của từng khu vực. Cùng với sự phát triển chung của nền văn hóa, kiến trúc góp phần kiến tạo nên hồn cốt của cộng đồng và dân tộc. 

Một góc trung tâm TP. Thái Nguyên. Ảnh: T.L
Một góc trung tâm TP. Thái Nguyên. Ảnh: T.L

Mùa Thu năm 1945, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã chọn đình Hàng Phố ở trung tâm thị xã Thái Nguyên (nay là TP. Thái Nguyên) làm nơi hội tụ đoàn quân tiến về Thủ đô Hà Nội ngày 19/8/1945. Sự lựa chọn này mang ý nghĩa to lớn về giá trị văn hóa, góp phần tạo nên khí thế hào hùng cho đoàn quân giải phóng.

Sau Cách mạng Tháng Tám thành công, năm 1946, một lần nữa cả dân tộc lại bước vào cuộc trường kỳ kháng chiến kéo dài 9 năm. Tháng 4/1948, mặc dù trong giai đoạn kháng chiến chống thực dân Pháp đầy khó khăn và khốc liệt, Đảng và Chính phủ vẫn quan tâm đặc biệt đến mặt trận văn hóa, trong đó có việc kiến tạo kiến trúc. 

Đoàn Kiến trúc sư (KTS) Việt Nam (nay là Hội KTS Việt Nam) - tổ chức văn nghệ đầu tiên trong Liên hiệp Văn học nghệ thuật (VHNT) Việt Nam - đã được thành lập và tổ chức đại hội lần đầu tại chiến khu Việt Bắc. Từ lán Khuôn Tát, Định Hóa - Thái Nguyên, Bác Hồ đã gửi thư động viên và căn dặn, Bác viết:

 “…Tôi lại mong Hội nghị chú trọng đặc biệt tới vấn đề nhà ở tại thôn quê, tìm ra những kiểu nhà giản dị và cao ráo, sáng sủa và rẻ tiền”. 

Thư của Bác chứa đựng tư tưởng lớn mang tính chiến lược, định hướng cho sự nghiệp phát triển kiến trúc với tinh thần hiện đại và dân tộc. Vì thế, kiến trúc được coi là công việc của toàn dân, toàn xã hội, của những người làm xây dựng, mà KTS là chủ thể sáng tạo.

Vấn đề nóng hổi của tính hiện đại, tính dân tộc trong kiến trúc; của quy hoạch xây dựng và kiến trúc nông thôn; nhà ở cho người thu nhập thấp mà chúng ta đang quan tâm hôm nay cũng đã được Bác nhắc đến. 

Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam (TP. Thái Nguyên) được thành lập từ năm 
1960, đạt giải thưởng Hồ Chí Minh đầu tiên về kiến trúc. Ảnh: T.L
Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam (TP. Thái Nguyên) được thành lập từ năm 1960, đạt Giải thưởng Hồ Chí Minh đầu tiên về kiến trúc. Ảnh: T.L

Trong mỗi giai đoạn lịch sử, kiến trúc Thái Nguyên cũng có những bước phát triển phù hợp với thực tiễn. Nhiều công trình đã để lại dấu ấn sâu đậm trong tâm khảm người Thái Nguyên qua các thời kỳ phát triển.

Đó là: Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam, Trụ sở Tỉnh ủy Thái Nguyên, Trụ sở Ủy ban Hành chính tỉnh Thái Nguyên, Trụ sở Liên đoàn Lao động tỉnh, Rạp chiếu bóng Thái Nguyên…

Cùng với đó là hình ảnh kiến trúc công nghiệp, những nhà máy vươn cao; những khu nhà ở công nhân; hình ảnh các khu chức năng đô thị là biểu tượng của sự phát triển công nghiệp và kinh tế trên đất Thái Nguyên cả một thời kỳ.

Sự phát triển của kiến trúc, xây dựng đã tạo nên một lớp người mới, có nếp sống công nghiệp, hòa vào nhịp sống đô thị, tạo nền tảng bắt nhịp hướng tới sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. 

Với lợi thế về vị trí, địa hình và các lợi thế khác, cùng với đó là cơ chế, chính sách, chủ trương của Đảng bộ, chính quyền tỉnh qua các thời kỳ đã có sức hút cho vùng đất Thái Nguyên và tạo nên sự bứt phá mạnh mẽ của kinh tế khu vực, mở ra cho kiến trúc cơ hội phát triển.

Quảng trường Vạn Xun
Một góc Quảng trường Vạn Xuân (TP. Phổ Yên). Ảnh: T.L

Những bộ mặt tươi mới của các thành phố: Thái Nguyên, Sông Công, Phổ Yên hay các thị trấn trung tâm, khu đô thị mới, những khu chức năng, khu công nghiệp ở khu vực Sông Công, Phổ Yên, Phú Bình… với rất nhiều công trình kiến trúc mới mọc lên phản ánh sức phát triển vùng đất Thái Nguyên giàu tiềm năng.

Nhiều khu đô thị, khu chức năng, nhiều công trình kiến trúc được sáng tác trong giai đoạn này đã có sự chuyển biến mạnh mẽ tạo nên giá trị mới, phù hợp với xu thế toàn cầu, hiện đại hóa trong nhịp điệu đô thị hóa. Với tinh thần của “Đề cương về Văn hóa Việt Nam” năm 1943; Nghị quyết số 06/NQ-TW về xây dựng và phát triển đô thị bền vững đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; của Luật Kiến trúc số 40/2019/QH14 đã dần đi vào cuộc sống, kiến trúc Thái Nguyên có thời cơ và sứ mệnh cùng xã hội xây dựng và phát huy giá trị, góp phần kiến tạo nên những kiến trúc cho miền đất giàu truyền thống này. 

Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, chính là cơ sở để hiện thực hóa khát vọng, vươn tới mục tiêu “Xây dựng tỉnh Thái Nguyên bình yên, hạnh phúc, sung túc và thân thiện”. Nhìn lại hành trình 80 năm từ khi “Đề cương về Văn hóa Việt Nam” ra đời, những giá trị về “dân tộc”, “đại chúng” và “khoa học”… của Đề cương vẫn còn nguyên giá trị, là cẩm nang dẫn hướng cho sự phát triển văn hóa, trong đó có kiến trúc.