Với mục đích đem “văn hóa làng” ra phố, thu hẹp khoảng cách địa lý và giúp những làng nghề truyền thống tiếp cận cuộc sống đương đại, một nhóm sinh viên trẻ đã sáng lập dự án “Trường làng trong phố” và tổ chức thành công nhiều buổi chia sẻ, trải nghiệm với nghệ nhân vào các dịp cuối tuần trong khu vực Phố cổ Hà Nội.
Sự kiện “Một trường trăng trong” dịp Tết Trung thu 2023 đã giới thiệu các làng nghề làm đồ chơi dân gian. |
Lấy cảm hứng từ những làng nghề truyền thống Hà Nội, đem đến không gian để thế hệ trẻ cũng như du khách trong và ngoài nước có thể tiếp cận gần hơn với các nhiều nét đẹp tinh hoa của văn hoá Việt, "Trường làng trong phố" là dự án cộng đồng, phi lợi nhuận của các bạn trẻ độ tuổi 20 có chung đam mê, lý tưởng.
Sau chung kết cuộc thi "Ý tưởng xã hội - Twenties' Projects For Social Innovation 2023" diễn ra vào tháng 4/2023, dự án “Trường làng trong phố” là 1 trong số 3 dự án xã hội xuất sắc trong số hơn 100 dự án trên toàn quốc dự thi, và đã được cấp quỹ 50 triệu đồng để triển khai vào thực tế. Mô hình lớp học chia sẻ kiến thức và trải nghiệm, kết hợp với tọa đàm - đối thoại trực tiếp cùng nghệ nhân và trưng bày sản phẩm được nhóm thực hiện liên tục và có hiệu quả, đem đến những sự kiện ý nghĩa và thú vị cho người tham gia.
Nữ sinh Lê Thị Phương Linh, một trong ba tác giả của dự án. |
Khi được hỏi về những khó khăn trong quá trình tìm kiếm và trưng bày những tư liệu về nghề thủ công truyền thống, trong đó có nhiều làng nghề khá xa xôi và đang đứng trước nguy cơ mai một, bạn Lê Thị Phương Linh, thành viên sáng lập dự án “Trường làng trong phố” chia sẻ:
“Trước sự kiện chúng em phải đi thực tế, khảo sát tìm chọn làng nghề và nghệ nhân phù hợp theo đúng tinh thần, ưu tiên các làng nghề truyền thống gắn với từng mốc thời gian trong năm. Chẳng hạn như tháng 8 có dịp Tết Trung thu... Trong quá trình ấy, phải tìm hiểu về nghệ nhân, đồng thời trong khâu chọn lựa sản phẩm trải nghiệm, chúng em cũng phải xin ý kiến của nghệ nhân để thực hiện sao cho hợp lý nhất. Tiếp đó là khó khăn trong sự kiện, nhóm chúng em luôn cố gắng chuẩn bị kỹ lưỡng những tình huống phát sinh trong quá trình sự kiện diễn ra để có thể đem đến trải nghiệm tối ưu cho người tham gia nên xuyên suốt sự kiện chúng em luôn sẵn sàng “chạy” để hỗ trợ được tất cả mọi người.”
Thời gian qua, không ít dự án tôn vinh và bảo tồn văn hoá được cộng đồng giới trẻ quan tâm và phát triển độc lập, với nhiều cách làm và truyền thông mới mẻ. Dự án “Trường làng trong phố” cũng quy tụ các thành viên trẻ trung, tâm huyết, đồng thời có điểm khác biệt là có sự phối hợp, hỗ trợ từ phía các cơ quan Nhà nước, chính quyền địa phương. Nhóm nhận được sự bảo trợ từ Ban Quản lý Hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội, Câu lạc bộ Đình Làng Việt cùng với nhà tài trợ chính là chương trình "Tôi 20" để thực hiện trong việc tổ chức sự kiện.
Tiến sĩ Trần Đoàn Lâm là thành viên Câu lạc bộ Đình làng Việt và là một chuyên gia quan tâm, đánh giá cao dự án "Trường làng trong phố". |
Chia sẻ về xu hướng người trẻ có ý thức và trách nhiệm gìn giữ các giá trị truyền thống văn hóa nói chung và về dự án “Trường làng trong phố” nói riêng, Tiến sĩ Trần Đoàn Lâm, Chủ tịch Hội đồng biên tập Chuyên khảo nghiên cứu Việt Nam của Nhà xuất bản Thế giới nói: “Theo dõi dự án từ ngày đầu buổi khai mạc đến hiện tại, tôi cho rằng các bạn đã hoàn toàn thành công. Dự án rất thú vị, thể hiện sự khát khao của các bạn trẻ tìm về truyền thống, về bản sắc văn hóa của dân tộc. Phải có quyết tâm và mong muốn kết nối giữa quá khứ đến tương lai thì các bạn trẻ thế hệ hiện đại mới có thể truyền tải được những kinh nghiệm và tình yêu đối với truyền thống văn hóa Việt thế hệ sau".
Còn với Chủ nhiệm Câu lạc bộ Đình làng Việt - hoạ sĩ Nguyễn Đức Bình thì: “Khi các bạn trẻ chọn phố để kể câu chuyện về làng, đặc biệt là các làng nghề truyền thống với mong muốn truyền tải nghề tinh hoa của người xưa để lại, khiến chúng tôi nhận thấy rõ ràng sự cố gắng của nhóm trong dự án. Bên cạnh đó là sự cố gắng trong việc tìm hiểu cho phù hợp với bối cảnh và khả năng của nhóm.
Đặc biệt là kinh phí, chúng tôi không hỗ trợ nhiều mà chỉ tư vấn, còn có sự hỗ trợ của Ban Quản lý Hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội. Các bạn cũng rất thông minh trong việc lựa chọn vị trí trung tâm thủ đô quận Hoàn Kiếm là Đình Kim Ngân (42-44 phố Hàng Bạc), cũng như sự phối hợp với các cơ quan quản lý để triển khai”.
Hoạ sĩ, nhà nghiên cứu mỹ thuật Nguyễn Đức Bình cùng Câu lạc bộ Đình làng Việt ủng hộ và phối hợp dự án "Trường làng trong phố" tại một số sự kiện. |
Chỉ sau gần 6 tháng ra đời, "Trường làng trong phố" đã tái hiện được 5 "lớp học" đặc biệt qua các sự kiện: Hoa cài tre đan (nghề mây tre đan làng Phú Vinh), Nghiêng vành nón Chuông (nghề làm nón làng Chuông), Ghép đèn sáng sao (nghề làm đồ chơi Trung thu làng Đàn Viên), Một trường trăng trong (nón lá làng Chuông và mặt nạ giấy bồi Ông Hảo)...
Đây cũng là dịp kết nối các làng nghề truyền thống tới gần hơn công chúng tại Thủ đô.
Những câu chuyện về làng, về nghề, về hành trình làm nghề của các nghệ nhân có thâm niên nhiều thập kỷ, hay ý nghĩa của sản phẩm trong đời sống người Việt xưa và nay... đã thu hút rất đông học viên là các bạn trẻ, các em thiếu nhi cùng phụ huynh, cũng như các vị khách quốc tế. Không chỉ được "sống" trong một không gian thu nhỏ của làng quê Bắc Bộ, người tham gia lớp học còn được tự tay làm ra các món đồ độc đáo và mang về, ghi dấu những kỷ niệm đáng nhớ.
Chuỗi hoạt động hè - thu của dự án “Trường làng trong phố” đã khép lại trọn vẹn và là tiền đề cho giai đoạn tiếp theo. Có thể nói, dự án đã góp phần tích cực trong việc quảng bá, giới thiệu, lan tỏa những giá trị văn hóa Việt Nam đến với cộng đồng trong nước và quốc tế.
Đây cũng là dịp kết nối các làng nghề truyền thống tới gần hơn công chúng tại Thủ đô, đồng thời cũng là dịp để các cá nhân/đơn vị đang hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu - thực hành, bảo tồn văn hóa sẽ giới thiệu và chia sẻ thành quả, thúc đẩy hợp tác, thổi hồn những giá trị tươi mới cho các di sản truyền thống; tạo ra môi trường giao lưu giữa những người có chung niềm đam mê với văn hóa truyền thống.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin