“Chứng nhân lịch sử” là tập sách đầu tiên của GS, TS Tạ Ngọc Tấn viết về chân dung một số nhà báo cách mạng Việt Nam tiêu biểu, trên cơ sở tổng hợp những nghiên cứu của ông từ những năm 1990 đến nay.
Cuốn sách "Chứng nhân lịch sử" (tập 1) của GS, TS Tạ Ngọc Tấn vừa được Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật ấn hành. |
Nhằm cung cấp thêm tài liệu cho các nhà nghiên cứu, phóng viên, biên tập viên, cán bộ, nhân viên trong các cơ quan hoạch định chính sách, quản lý báo chí, truyền thông và bạn đọc có nhu cầu tìm hiểu về nền báo chí cách mạng Việt Nam, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản cuốn sách Chứng nhân lịch sử (tập 1) của GS, TS Tạ Ngọc Tấn - Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương.
GS, TS Tạ Ngọc Tấn là nhà chính trị, nhà quản lý, nhà giáo, nhà khoa học trong nhiều lĩnh vực, và nhà báo kỳ cựu của làng báo chí cách mạng nước ta.
Dành tình cảm và tâm huyết cho nghề làm báo, GS, TS Tạ Ngọc Tấn từ lâu đã nung nấu ý định và bắt tay vào việc viết về chân dung một số nhà báo cách mạng Việt Nam tiêu biểu. Trong đó, Chứng nhân lịch sử là tập sách đầu tiên hiện thực hóa ý tưởng này, trên cơ sở tổng hợp những nghiên cứu của ông từ những năm 1990 đến nay.
Hầu hết các bài viết về các nhà báo cách mạng đã được đăng tải trên các tạp chí: Báo chí và Tuyên truyền (từ năm 2007 được đổi tên là Lý luận chính trị và Truyền thông), Người làm báo và một số báo, tạp chí khác, đồng thời có chỉnh sửa những chi tiết không còn phù hợp, cập nhật, bổ sung một số tư liệu mới.
Bác Hồ - nhà báo Hồ Chí Minh, người khai sinh nền báo chí cách mạng Việt Nam, là chân dung nhà báo Việt Nam đầu tiên được giới thiệu trong tập sách này.
Các nhà báo tiếp theo được sắp xếp theo ngày, tháng, năm sinh để thuận lợi cho bạn đọc theo dõi dòng chảy của lịch sử, lần lượt là các nhà báo: Huỳnh Thúc Kháng, Ngô Tất Tố, Nguyễn An Ninh, Trần Huy Liệu, Trường Chinh, Phan Thanh, Hải Triều, Võ Nguyên Giáp, Xuân Thủy, Huỳnh Tấn Phát, Quang Đạm, Dương Tử Giang, Lưu Quý Kỳ, Hoàng Tùng, Trần Lâm, Thép Mới, Trần Bạch Đằng.
Chia sẻ về cuốn sách, GS, TS Tạ Ngọc Tấn cho biết: “Viết về các nhà báo, nhất là những người thuộc các thế hệ tiền bối, là công việc không đơn giản, dễ dàng. Cái khó trước hết là tư liệu, tài liệu, nhất là các bộ sưu tập báo không dễ tìm thấy một cách đầy đủ. Chưa kể, các nhà báo thường sử dụng nhiều bút danh và cộng tác đồng thời với một số tờ báo khác nhau. Khó hơn chính là đánh giá, nhận định về chuyên môn, nghề nghiệp, sự đóng góp của mỗi nhà báo”.
GS, TS Tạ Ngọc Tấn mong muốn nhận được những góp ý của các nhà báo lão thành, các nhà nghiên cứu, bạn bè, đồng nghiệp cùng độc giả để có thể tiếp tục công việc giới thiệu chân dung các nhà báo Việt Nam trong các tập sách tiếp theo.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin