Một cõi ăn chay

Xuân Anh 10:22, 10/03/2024
Rằm tháng Giêng năm nay đúng vào ngày thứ Bẩy nên cô bạn tôi gọi điện mời đi thưởng thức buffet chay. Vậy là tôi đã có một buổi trải nghiệm buffet chay nên có ý định tìm hiểu về ăn chay, rồi nhận ra, chỉ việc ăn chay cũng khơi gợi bao điều.
Không gian Nhà hàng chay Sen trên đường Phan Đình Phùng, TP. Thái Nguyên.
Không gian nhà hàng chay Sen trên đường Phan Đình Phùng, TP. Thái Nguyên.

Có một không gian thiền

Theo định vị của người bạn gửi trên điện thoại, tôi đến nhà hàng chay Sen trên đường Phan Đình Phùng  (TP. Thái Nguyên) vào 10 giờ ngày Rằm tháng Giêng. Tới chay Sen, tôi được hòa mình vào một không gian khác, với nhiều liên tưởng về chốn thiền môn. Đón tôi ở sảnh nhà hàng là nhân viên lễ tân trong trang phục nâu sồng với giọng nói nhẹ như không thể nhẹ hơn: - Chị đi mấy người ạ? Tôi chưa kịp trả lời thì cô bạn đã xuất hiện giải thích: - Đây là bạn mà chị đang chờ đấy.

Vẫn giữ nụ cười tươi tắn trên môi, nhân viên lễ tân đưa cho tôi mảnh ruy băng mầu vàng trên có dòng chữ nâu ghi địa chỉ nhà hàng và hướng dẫn: - Hai chị ngồi ở tầng một hay tầng hai đều được. Bên em sẽ lên đồ ngay bây giờ.

Không phải lần đầu tiên đến nơi này nên bạn tôi khá thông thạo, dẫn tôi lên tầng hai để có thể “ngắm cả không gian tầng 1”. Đặt chân lên tầng hai, mắt tôi đã chạm ngay vào một giá sách, với rất nhiều sách về đạo Phật. Đôi ba quyển đã sờn có lẽ bởi nhiều bàn tay lật giở.

Ở chay Sen, tôi được thưởng thức khá nhiều món sơn hào hải vị, chế biến từ rau, củ, quả, chẳng những hương vị không khác gì món mặn, mà hình thức trình bày cũng bắt mắt vô cùng. Từ những nguyên liệu thực vật bình dị và đơn giản, người làm thức ăn chay với trí tưởng tượng phong phú và tài nghệ đôi tay đã sáng tạo nên hàng chục món ăn ngon, hấp dẫn… món nào cũng đậm đà gia vị, hài hòa màu sắc để ai đó dù chỉ một lần thưởng thức cũng khó có thể quên. Trước, nhà hàng chỉ phục vụ buffet vào ngày Rằm và mùng một với khoảng 30 món ăn, nhưng nay do nhu cầu của khách, nhà hàng phục vụ thêm buffet vào thứ 6 hàng tuần, với khoảng 15 món.

Trong lúc thong thả cùng bạn thưởng thức các món chay, tôi lặng lẽ quan sát, hình như khách đến đây đều rất trầm tĩnh và an yên. Thong thả đặt đồ lên bàn, từng thực khách nhẹ chân đến khu vực để đồ lựa chọn, người nọ nhường người kia nếu một món ăn có quá đông người muốn lấy. Ngay cả tiếng va chạm của cốc chén, bát đũa ở đây cũng nhẹ nhàng, có vẻ như thực khách không muốn làm đau những chén, cốc. Và bên những bàn ăn giữa tiếng nhạc thiền là những câu chuyện rủ rỉ tâm tình như muốn kéo thời gian chậm lại. Phải chăng chính không gian thiền môn này đã khiến thực khách tìm đến chay Sen ngày một nhiều hơn.

 

Ăn chay bắt nguồn từ đâu?

Đi tìm tài liệu về an chay tôi mới phát hiện ra nhiều điều thú vị. Theo quan điểm của đạo Phật, ăn gì không quan trọng, miễn là có đủ sức khỏe để hành đạo. Nhưng theo Tứ Diệu đế, cuộc sống của chúng sinh chủ yếu là khổ (chân lý về khổ); nguyên nhân của khổ là do chúng sinh bị ràng buộc quá nhiều vào những ham muốn bình thường (chân lý về tập).

Do đó, muốn khỏi khổ, chúng sinh phải diệt trừ tận gốc các ham muốn thái quá (chân lý về diệt); để diệt được các ham muốn, chúng sinh phải thực hành đạo (chân lý về đạo). Ăn chay cũng là một trong những phương thức để người đời thực hiện các “chân lý” của Phật giáo.  

Ăn chay là con đường để giác ngộ, nuôi dưỡng lòng từ bi và tránh thêm những đau khổ cho thế gian qua việc sát sinh. Điều này cũng được quy định trong Ngũ giới - năm điều răn không được làm mà Đức Phật đã đề ra, sát sinh là giới cấm thứ nhất. Đó cũng là lý do có những phật tử thực hành ăn mỗi tháng 2 ngày, 4 ngày cho đến ăn 10 ngày, hoặc ăn trọn một số tháng trong năm…

Chuyện ăn chay, Đại đức Thích Quảng Thái, Trụ trì chùa Kim Long (TP. Thái Nguyên), nói với chúng tôi rằng: Ngày nay kinh tế đã khá hơn, miếng ăn đã ngon hơn, nhưng cũng vì cái ăn, vì sự dư thừa mà sinh ra bao bệnh tật, nên câu “bệnh vào từ miệng” bây giờ thấy càng đúng. Ăn nhiều thịt là tự đầu độc, con người tự sát ngấm ngầm mà không hay. Thế nên, từ lâu, người Nhật Bản đã thực hiện phương pháp dưỡng sinh Ohsawa để đẩy lùi bệnh tật. Ngày nay, khoa học hiện đại đã chứng minh, nhờ ăn chay mà con người khỏe mạnh, sống lâu, tránh được các chứng nan y. Bởi thế thầy khuyên: Nếu có thể hãy thực hành ăn chay.

Chữ chay kia cũng có ba bẩy đường

Những năm gần đây, ăn chay trở thành một trào lưu mới trong đời sống xã hội. Có cầu ắt có cung, trên địa bàn TP. Thái Nguyên cũng vì thế mà xuất hiện nhiều quán ăn chay. Nổi tiếng và đông khách tìm tới có thể kể đến nhà hàng chay Sen trên đường Phan Đình Phùng, nhà hàng chay Buông khu vực Kho bạc tỉnh; chay Thiện Duyên đường Đồng Bẩm…

Hình thức phục vụ khách ở các nhà hàng chay khá đa dạng: Khách có thể đến thưởng thức món chay tại quán, mua mang về. Thậm chí khách có nhu cầu, nhà hàng có thể cung cấp nguyên liệu để khách mua về tự nấu.

Người ta tìm đến ăn chay với nhiều lý do khác nhau, như chị Thu Nga ở tổ 13, phường Cam Giá: Một tháng tôi  ăn chay vào ngày rằm và mùng một. Ở nhà nấu cũng được nhưng tôi muốn đến quán để có thêm không gian tĩnh tại, ăn và ngẫm nghĩ để thanh lọc tâm hồn.

Còn chị Dương Thu Hường, ở tổ 7, phường Trưng Vương, thì đến với ăn chay đơn giản là để cải thiện sức khỏe. Chị bảo: Đọc nhiều sách báo thấy ăn chay có lợi cho sức khỏe nên một tháng tôi dành ra 5 ngày ăn chay. Vì không có điều kiện nấu tại nhà nên tôi ra quán mua cơm chay theo suất ăn trưa tại chỗ làm.

Đa phần người ta tìm đến ăn chay bởi mục đích tốt đẹp: Nuôi dưỡng lòng từ bi, bảo vệ môi trường, cải thiện sức khỏe. Có người ăn chay vì là phật tử hoặc đơn giản chỉ là sở thích. Nhưng cũng có người ăn chay theo phong trào, kiểu thấy thiên hạ ăn mình cũng… ăn.

Hôm tôi đến chay Buông bắt gặp ngồi trên một bàn thiết kế dáng tòa sen là 4 thực khách. Mặc dù không gian ở đây khá thanh tịnh nhưng 4 thực khách vừa ăn vừa trò chuyện khá ồn ào, khiến nhiều ánh mắt ở các bàn bên cạnh chú ý. Có người ngồi bàn kế bên tỏ vẻ không hài lòng nhưng chỉ nhìn về phía họ nhẹ lắc đầu.

Khi kết thúc bài viết này tôi nhớ mấy câu thơ Đại đức Thích Quảng Thái đọc trong một buổi thuyết pháp: Trăm năm trước ta còn chưa gặp/Trăm năm sau biết gặp lại không?/Cuộc đời sắc sắc không không/Thôi thì hãy sống hết lòng với nhau. Nghĩa rằng cuộc đời này cần lắm những tấm lòng nhân hậu, vị tha vì mọi người và điều này có thể bắt đầu từ những bữa cơm chay.



Tổng kho tủ nấu cơm Quang Huy Plazacông ty dịch vụ nấu ăn ngon