Đọc sách được ví là một trong những “con đường” nhanh nhất để mỗi người tiếp cận với thông tin, văn hóa và tri thức. Duy trì thói quen đọc sách và xây dựng được văn hóa đọc không chỉ giúp chúng ta nâng tầm hiểu biết mà còn góp phần hoàn thiện kỹ năng, nhân cách con người. Tuy nhiên, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, không ít người ưu tiên tìm kiếm thông tin trên các thiết bị hiện đại như máy vi tính, điện thoại thông minh... Để văn hóa đọc truyền thống không bị “lép vế” đã có nhiều giải pháp được thực hiện nhằm đưa văn hóa đọc bắt nhịp với xu thế trong thời đại 4.0.
Trường THPT Điềm Thụy (Phú Bình) xây dựng thêm thư viện di động phục vụ nhu cầu đọc của học sinh. |
Sách, báo điện tử "lên ngôi"
Với sự bùng nổ mạnh mẽ của công nghệ thông tin, đọc sách báo điện tử và mạng xã hội ngày càng nở rộ, trở thành thói quen của một bộ phận không nhỏ độc giả, đặc biệt là giới trẻ. Có mặt tại một quán cà phê trên đường Bắc Sơn, chúng tôi dễ dàng bắt gặp nhiều khách hàng vừa ngồi nhâm nhi đồ uống, vừa chăm chú sử dụng điện thoại di động để đọc thông tin. Anh Trần Mạnh Khôi, ở địa chỉ 252, đường Việt Bắc (TP. Thái Nguyên) cho biết: Tôi thường xuyên xem tin tức trên báo điện tử bởi cập nhật rất nhanh chóng và đa chiều.
Đúng như chia sẻ của anh Khôi, với sách báo điện tử, người đọc chỉ cần có thiết bị thông minh như điện thoại di động, máy tính bảng... có kết nối mạng internet là có thể đọc mọi loại sách, báo ở bất kỳ địa điểm nào, từ trường học, công sở hay đến những quán cà phê. Nó giống như một “thư viện di động” vừa giúp người đọc tiết kiệm được cả thời gian và kinh phí. Thay vì phải bỏ công tìm mua, lựa chọn những cuốn sách, báo phù hợp với nhu cầu, người đọc chỉ cần tìm kiếm trên các ứng dụng của thiết bị thông minh là đã có hàng loạt thông tin liên quan để lựa chọn.
Không chỉ đọc sách, báo điện tử bằng mắt, nhiều người còn có xu thế cập nhật thông tin qua sách nói hay bản tin podcast bởi những ưu điểm như: Khả năng tải xuống và nghe bất cứ lúc nào, ở bất cứ đâu và tua đi tua lại; có thể rảnh tay vừa nghe vừa làm việc khác, hạn chế ảnh hưởng thị lực khi phải nhìn màn hình trong thời gian dài... Anh Nguyễn Huy Quang, ở tổ 10, phường Hoàng Văn Thụ (TP. Thái Nguyên) cho biết: Là một người khá bận rộn nên tôi ít có thời gian đọc sách báo in. Những lúc rảnh rỗi tôi thường đọc thông tin qua điện thoại di động hoặc nghe bản tin podcast. Tôi thấy việc nghe, đọc báo qua internet rất tiện lợi và thông tin phong phú.
Quán cà phê sách thu hút nhiều bạn trẻ quan tâm. |
Không để văn hóa đọc truyền thống bị “lép vế”
Không thể phủ nhận những ưu điểm của sách, báo điện tử trong thời đại công nghệ 4.0. Nhất là khi có những thông tin vừa được phát hiện hay những cuốn sách in bán chạy mới xuất bản thì sách, báo điện tử đã nhanh chóng cập nhật và đa số được chia sẻ miễn phí. Tuy nhiên, sau hàng chục năm sách, báo điện tử ra đời thì đến nay việc đọc theo cách truyền thống vẫn là một nét đẹp văn hóa được gìn giữ và có những vị thế nhất định.
“Bất luận làm công việc gì cũng cần phải đọc. Người mới học chữ cần đọc để không mù lại, người làm công an cần đọc để nắm tình hình. Những người làm công việc chuyên môn cần phải đọc để nâng cao trình độ. Người làm quản lý lãnh đạo cần phải đọc để quản lý, lãnh đạo tốt hơn. Làm nhà báo, nhà văn lại càng phải đọc...” - Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Đến thăm phòng đọc sách của PGS. TS Trần Thị Việt Trung, Phó Chủ tịch Hội Nữ trí thức tỉnh Thái Nguyên, chúng tôi thực sự bất ngờ và thích thú trước “gia tài” của bà. Trong căn phòng nhỏ chưa đầy 10m2 là những tủ sách với hàng nghìn cuốn được sắp xếp, phân loại khoa học và ngăn nắp. PGS. TS Trần Thị Việt Trung cho biết: Phòng đọc sách chính là không gian thư giãn tuyệt vời của gia đình. Những cuốn sách không chỉ giúp tôi và các thành viên trong gia đình được gắn kết tình cảm, nuôi dưỡng tâm hồn mà còn trang bị cho mỗi người một vốn sống phong phú để tự tin khi bước ra trường đời.
PGS.TS TRẦN THỊ VIỆT TRUNG, Phó Chủ tịch Hội Nữ trí thức tỉnh Thái Nguyên: Trong mỗi cuốn sách, không chỉ là những trải nghiệm của người viết mà nó còn gợi mở ra nhiều điều mới mẻ, tốt đẹp, giá trị nhân văn. Bởi vậy, không phương tiện gì có thể thay thế được sở thích, thói quen đọc sách in của tôi... |
Việc giữ gìn văn hóa đọc không chỉ tại các gia đình mà ngay trong các trường học cũng rất chú trọng. Để khơi dậy và bồi đắp niềm ham thích đọc sách cho học sinh, nhiều nhà trường đã chú trọng triển khai các hoạt động phong phú, đa dạng. Có thể kể đến các hoạt động nổi bật như: Tuyên truyền về vai trò của sách trong cuộc sống; huy động học sinh quyên góp sách, xây dựng tủ sách lớp học; tổ chức ngày hội sách và văn hóa đọc; xây dựng thư viện di động... Bà Chu Thị Diễm, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Điềm Thụy (Phú Bình) cho biết: Ngoài tổ chức các hoạt động liên quan đến sách, Nhà trường còn thường xuyên quán triệt đội ngũ giáo viên tuyên truyền để học sinh nâng cao ý thức bảo vệ, giữ gìn sách và hình thành cho mình thói quen đọc sách mỗi ngày; giáo dục học sinh tích cực “làm bạn” với sách để tăng thêm tri thức cho bản thân.
Tìm hiểu thêm ở những nơi khác, chúng tôi càng hiểu rõ vì sao văn hóa đọc truyền thống vẫn giữ được một vị thế riêng. Nhất là khi chúng tôi có dịp được trải nghiệm, gặp gỡ nhiều người yêu sách ở một số quán cà phê sách trên địa bàn tỉnh. Trong không gian yên tĩnh, mọi người đều đắm chìm vào thế giới của những con chữ đầy thuyết phục. Khách hàng chủ yếu là sinh viên, nhân viên văn phòng. Điều đó cho thấy một tín hiệu vui, đó là còn nhiều người trẻ yêu sách trong thời buổi công nghệ lên ngôi hiện nay. Chị Trần Thị Hường, ở tổ 10, phường Thịnh Đán (TP. Thái Nguyên) cho biết: Vào những ngày cuối tuần, tôi thường đến những quán cà phê sách tìm đọc hoặc mua cho mình một vài cuốn sách yêu thích. Đọc sách không chỉ thư giãn, có nhiều kiến thức bổ ích mà còn giúp tôi rèn luyện tính kiên trì, nhẫn nại trong công việc và cuộc sống.
Sinh viên ĐÀM THỊ QUỲNH TRANG, Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên: Hệ thống thư viện cần số hóa sách - tài liệu, sử dụng Internet; thường xuyên cập nhật sách hay lên hệ thống website để độc giả có thể đọc trực tiếp bằng điện thoại, máy tính, thì sẽ tạo hiệu ứng tốt và thu hút nhiều bạn đọc hơn... |
Kết hợp để bắt nhịp xu thế
Từ khi bùng nổ công nghệ thông tin cùng sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, con người dần thay đổi phương thức tiếp nhận thông tin từ sách, báo truyền thống sang các phương tiện nghe nhìn hiện đại. Điều này khiến văn hóa đọc truyền thống dần kém hấp dẫn hơn. Nhiều giải pháp đã được thực hiện nhằm giúp cho văn hóa đọc bắt nhịp được với xu thế mới.
Có một thực tế là để xây dựng được văn hóa đọc trong cộng đồng, ngoài việc tuyên truyền, vận động thì mỗi người cần phải được rèn luyện ngay từ nhỏ và trường học chính là môi trường lý tưởng để hình thành thói quen đọc sách. Bởi vậy, thư viện luôn được coi là “trái tim” của mỗi trường học. Trong thời đại công nghệ thông tin phát triển, nhiều nhà trường đã và đang đầu tư cho “trái tim” của mình bằng cách đẩy mạnh chuyển đổi số, tích hợp công nghệ cho thư viện để học sinh và giáo viên có thể nghiên cứu, tìm kiếm tài liệu bằng cả cách truyền thống và hiện đại. Điển hình như ở Trường THPT Chuyên Thái Nguyên, bên cạnh thường xuyên bổ sung các đầu sách, báo in tại thư viện, đơn vị còn xây dựng thêm thư viện điện tử. Chị Trần Thị Gái, cán bộ thư viện của Trường THPT Chuyên Thái Nguyên cho biết: Nhà trường đã đầu tư cho thư viện 10 máy tính mới có kết nối mạng và cấp tài khoản cho tất cả giáo viên, học sinh. Người dùng không nhất thiết phải có mặt ở thư viện mà chỉ cần có máy tính hoặc điện thoại kết nối internet là có để đọc các tài liệu của nhà trường khi cần thiết.
Đối với Thư viện tỉnh, nơi có chức năng giữ gìn di sản thư tịch của dân tộc; thu thập, tàng trữ, tổ chức việc khai thác và sử dụng chung vốn tài liệu trong xã hội nhằm truyền bá tri thức, cung cấp thông tin phục vụ nhu cầu học tập, nghiên cứu và giải trí của mọi tầng lớp nhân dân... thì công tác chuyển đổi số lại càng được quan tâm. Theo đó, Thư viện tỉnh đã tham mưu cho Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch trình UBND tỉnh ban hành kế hoạch về việc triển khai thực hiện “Chương trình chuyển đổi số ngành thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh. Bám sát kế hoạch để thực hiện, đơn vị đã bước đầu đạt được một số kết quả như: Trang thiết bị về công nghệ thông tin tương đối hoàn chỉnh; số hóa gần 69.000 trang tài liệu địa chí Thái Nguyên và xây dựng 1 bộ sưu tập số hóa các thư tịch cổ trên địa bàn tỉnh với tổng số 150 đơn vị tài liệu là các đạo sắc phong... Ông Phạm Minh Tuấn, Phó Giám đốc Thư viện tỉnh cho biết: Hiện tại, chúng tôi đang triển khai xây dựng thư viện số tỉnh Thái Nguyên theo mô hình liên kết Thư viện tỉnh với các thư viện cấp huyện. Mỗi đơn vị cấp huyện sẽ được cung cấp đường dẫn truy cập, tài khoản và mật khẩu để thực hiện thao tác với hệ thống này.
Có thể thấy, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, sách điện tử đã và đang trở thành xu hướng của thời đại nhưng sách in truyền thống vẫn tồn tại như một phương tiện không thể thiếu để truyền bá thông tin, kiến thức. Để văn hóa đọc truyền thống ngày càng phát triển, trở thành nét đẹp trong cộng đồng, bên cạnh sự nỗ lực của các cấp, ngành thì mỗi người cần tập thói quen đọc sách để nâng cao kiến thức, rèn luyện tư duy và kỹ năng cho bản thân.
Mục tiêu cơ bản đến năm 2025 của tỉnh Thái Nguyên về chương trình chuyển đổi số ngành thư viện trên địa bàn: - 100% thư viện công lập hoàn thiện và phát triển hạ tầng số, dữ liệu số. - 80% thư viện chuyên ngành và thư viện đại học khác; 60% thư viện huyện, thành phố, thị xã, thư viện cơ sở giáo dục khác có trang thông tin điện tử. -70% tài liệu cổ, quý hiếm và bộ sưu tập tài liệu có giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa, khoa học; tài liệu nội sinh, các công trình nghiên cứu khoa học được số hóa. - 100% người làm công tác thư viện được đào tạo, cập nhật kiến thức, kỹ năng vận hành thư viện hiện đại, đảm bảo theo yêu cầu. - 60% thư viện trên địa bàn tỉnh được kiểm tra, quản lý thông qua hệ thống quản lý thông tin |
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin