Các cuộc vận động văn hóa mới

TNĐT 07:46, 31/03/2024

1. Cuộc vận động xây dựng đời sống mới

Ra đời đầu năm 1946, Cuộc vận động được người dân hưởng ứng thực hiện. Trong vùng đồng bào dân tộc, các hủ tục như cúng ma chữa bệnh, để người chết trong nhà nhiều ngày, cưỡng ép hôn nhân, thách cưới nặng đã giảm nhiều. Nhiều gia đình chuyển chuồng trâu, chuồng lợn khỏi gầm sàn nhà để giữ vệ sinh; ở vùng nông thôn đã có nhiều đám cưới tổ chức kiểu đời sống mới.

2. Phong trào “Tiếng hát át tiếng bom”

Ra đời trong những năm tháng ác liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Phong trào đã góp phần quan trọng tạo ra một không khí sôi động, tự tin, giúp mỗi người dân tăng cường bản lĩnh, hăng say lao động sản xuất, chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu, thôi thúc lớp lớp thanh niên Thái Nguyên tình nguyện nhập ngũ ra chiến trường đánh giặc.

3. Phong trào đọc sách có hướng dẫn

Còn gọi là phong trào đọc và làm theo sách, đã phát triển mạnh ở Thái Nguyên trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Dù trong điều kiện chiến tranh, Phong trào đã thu hút được hàng chục vạn người tham gia. Không chỉ có trí thức, học sinh, sinh viên mà cả công nhân, nông dân, người già, trẻ em cùng say mê đọc sách. Những quyển sách viết về những người anh hùng đã góp phần thôi thúc họ học tập, lao động, tình nguyện lên đường chiến đấu, góp sức vào thắng lợi của cuộc kháng chiến vĩ đại.

4. Cuộc vận động xây dựng nếp sống mới

Trong những năm 70-80 của thế kỷ XX, Cuộc vận động với nội dung chủ yếu là xây dựng nếp sống lao động mới, xóa bỏ các tập tục lạc hậu, các tệ nạn xã hội, xây dựng nếp sống văn minh, chống các tệ nạn xã hội, xây dựng gia đình văn hóa mới đã đi vào cuộc sống của mọi tầng lớp nhân dân trong tỉnh.

5. Cuộc vận động xây dựng làng văn hóa, gia đình văn hóa

Được triển khai ở Thái Nguyên từ những năm 1992-1997, Cuộc vận động có bước chuyển biến, với nhiều xã, phường, thị trấn triển khai tốt. Nhờ đó đã có nhiều thôn, xóm ở các huyện, thành trở thành những điển hình tiên tiến về xây dựng đời sống văn hóa.

6. Cuộc vận động xây dựng làng - phố văn hóa

Cuộc vận động đã thu được nhiều kết quả và trở thành một phong trào phát triển mạnh mẽ từ năm 1997 đến những năm 2000. Mỗi năm lại xuất hiện nhiều làng, phố, tổ dân cư văn hóa tiêu biểu ở các cấp. Cuộc vận động đã góp phần giúp hàng chục nghìn hộ gia đình thoát nghèo, hàng nghìn hộ vươn lên giàu có, nhiều hộ được công nhận “Hộ nông dân làm kinh tế giỏi”.