“Có một nơi để về, đó là nhà. Có những người để yêu thương, đó là gia đình. Có được cả hai, đó là hạnh phúc”. Một đúc kết sâu sắc về hạnh phúc gia đình gần gũi đến mức như “cầm nắm được”. Nhưng để giữ được luôn cần sự hợp tác tích cực từ chính các thành viên trong gia đình. Nhất là ở thời cơ chế thị trường, mọi thứ - kể cả tình cảm con người cũng có thể được “đặt lên bàn cân”.
Niềm vui của mẹ. |
Tôi từng dự khá nhiều hội thi cấp tỉnh, cấp huyện có chủ đề về gia đình do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với các cấp, ngành tổ chức. Hội thi nào cũng có các tiết mục lấy đi nhiều nước mắt của khán giả. Các chi tiết đắt trong tiểu phẩm luôn là những câu nói rất đời thường. Đại loại như con cái mong ước được bố mẹ gần gũi, chứ không phải cần bố mẹ cho nhiều tiền. Vợ chồng cần ở nhau một câu nói nhẹ nhàng sau mỗi ngày làm việc; ông bà cần con cháu một lời động viên… Có thế thôi, mà sao cuộc sống đời thường lại không dễ thực hiện.
Không thể phủ nhận là trong cuộc sống số, bên cạnh nhiều tiện ích cũng còn có không ít tiêu cực tác động vào tâm lý con người. Nhiều gia đình mà các thành viên nghiện thiết bị điện tử, ngồi bên nhau nhưng mỗi người lại theo đuổi một dòng sự kiện khác, nên trong nhà không có tiếng nói chung.
Người xưa bảo: “Đồng sàng dị mộng”. Rồi vì bận rộn lo toan làm giàu, cha mẹ đi làm từ sớm đến khuya muộn mới trở về, con cái phó mặc cho người giúp việc trông nom. Bằng trải nghiệm cả đời mình, cụ Đồng Minh Tôn (92 tuổi, tổ dân phố 13, phường Quang Trung, TP. Thái Nguyên) chia sẻ: Cha mẹ mải lo kiếm tiền mà con cái hư hỏng thì cũng chẳng nên cố gắng làm ra nhiều tiền làm gì. Vì con cái mới là tài sản quý giá nhất của cha mẹ.
Đành là phải đi làm thì mới có kinh tế để duy trì cho hạnh phúc gia đình. Nhưng lắm khi tiền nhiều quá cũng làm cho gia đình đổ vỡ. Ngay ở TP. Thái Nguyên, không ít người có có địa vị xã hội, có nhiều bổng lộc nhưng khi về nghỉ hưu lại phải từ bỏ một gia đình từng duy trì, gìn giữ suốt “mấy mươi năm cuộc đời” để sống gá nghĩa với một cô nhân tình. Có những trường hợp con cái gá bạc hàng tỷ đồng cũng vì cha mẹ trước đó mải lo kiếm tiền bằng mọi giá.
Ông Ma Đình Được (73 tuổi, ở xóm Hoàng Hà, xã Phú Đình, Định Hóa) hướng dẫn cháu nội cách sử dụng đàn Tính. |
Chuyện về gia đình, ông Ma Đình Được (73 tuổi, xóm Hoàng Hà, xã Phú Đình, Định Hóa) nói: Một gia đình có nền nếp, có truyền thống văn hóa, có lối sống tích cực, biết yêu thương, biết chia sẻ thì con cháu trong nhà không bao giờ bị lây nhiễm thói hư, tật xấu.
Không thể đổi lỗi cho mặt trái của cơ chế thị trường. Bởi thời nào cũng có người mắc “thói hư, tật xấu”. Nhưng đến mức phải dùng hung khí lấy đi mạng sống của người ruột thịt như đã từng xảy ra trên địa bàn tỉnh trong những năm gần đây thì quả là một cảnh báo về sự xuống cấp của gia đình.
Đặc biệt, trong xã hội hiện đại, quan niệm về gia đình cũng cởi mở hơn, như mô hình gia đình không cần hôn thú; mô hình gia đình đơn thân nuôi con, thậm chí là gia đình đồng giới. Chẳng sao, pháp luật không can thiệp, song có những biến dạng nhất định về quan niệm gia đình, làm ảnh hưởng ít nhiều đến mô hình gia đình truyền thống.
Ai cũng biết rất rõ gia đình là cái nôi nuôi dưỡng, hình thành nhân cách, phẩm chất con người, chính vì thế trong gia đình ông bà, cha mẹ chính là tấm gương để con trẻ soi vào mỗi ngày. Trí tuệ, thẩm mỹ, lối sống của một công dân tương lai được ảnh hưởng, hình thành từ cử chỉ, hành động của chính ông bà, cha mẹ.
Như một chân lý cuộc sống: Hạnh phúc gia đình là điều vô cùng quý giá. Đó là niềm hạnh phúc được xây đắp nên bằng tình yêu thương của các thành viên trong gia đình. Bà Hứa Thị Châu Giang, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, tâm đắc: Môi trường gia đình yêu thương, bình đẳng và trách nhiệm sẽ làm cho tất cả các thành viên trong gia đình cảm nhận được hạnh phúc rất gần. Hạnh phúc từ cách sống, lối ứng xử thân thiện từ mình mà ra. Mỗi gia đình cần biết tổ chức lối sống lành mạnh, các thành viên trong gia đình biết yêu thương, sẻ chia, gắn kết. Ông bà, cha mẹ nêu gương cho con trẻ học theo.
Năm 2023, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo công tác gia đình của tỉnh, đã tổ chức triển khai Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình trên toàn tỉnh. Nội dung Bộ tiêu chí gần gũi, thiết thực, dễ thực hành và được đông đảo nhân dân ví như "cẩm nang xây dựng tổ ấm gia đình".
Nhiều gia đình thừa nhận sau khi xem các nội dung trong Bộ tiêu chí mới giật mình nhận ra bản thân còn rất nhiều hạn chế về kỹ năng ứng xử. Bà Trần Thị Thìn (72 tuổi, xóm 11, xã Cù Vân, Đại Từ) đúc kết: Với con trẻ, gia đình cũng là một trường học lớn, mà hằng ngày, hằng giờ trẻ đều đang học. Đòn roi không dạy cho con trẻ nên người, mà trong quá trình dạy dỗ con trẻ luôn cần sự nghiêm túc, rèn luyện sống có kỷ cương, nền nếp, biết tôn trọng ông bà, cha mẹ và những người xung quanh mình.
Quan trọng là ông bà, cha mẹ làm cho con trẻ thấy gần gũi, tin tưởng, từ đó mạnh dạn chia sẻ những thứ “bí mật” để nhận được lời khuyên chân thành nhất. Qua đó giúp con trẻ biết phòng vệ trước các tệ nạn xã hội, không bị rơi vào tình trạng ức chế, trầm cảm, chán nản, thậm chí muốn tự sát.
Để làm được điều đó, bản thân ông bà, cha mẹ luôn cần có sự điều chỉnh chính hành vi của mình sao cho phù hợp với cách sống ở xã hội hiện đại. Tự “bồi bổ” kiến thức thông qua việc tham gia sinh hoạt các câu lạc bộ gia đình hạnh phúc, gia đình không có bạo lực, không tệ nạn xã hội… tích cực tham gia phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và các phong trào thi đua yêu nước.
Nhưng phải từ mỗi gia đình, các thành viên trong nhà cần biết dành cho nhau khoảnh khắc yêu thương, giản đơn là cùng dọn dẹp, vào bếp, nấu ăn và ngồi quây quần quanh mâm cơm với những câu chuyện bình dị của cuộc sống đời thường.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin