Điện ảnh về đề tài nông thôn thời hiện đại: Cần đột phá, sáng tạo hơn

08:30, 27/07/2021

Sau thành công của những bộ phim về đời sống đô thị, công sở hay hôn nhân, gia đình thì gần đây, đề tài nông thôn đang xuất hiện trở lại trong điện ảnh Việt Nam, tạo thêm sắc màu mới cho khán giả. Các tác phẩm này không khai thác vấn đề xưa cũ, mà nói đến câu chuyện thời hiện đại ở nông thôn một cách sinh động, lôi cuốn. Tuy nhiên, để tạo nên một dòng phim mang dấu ấn, khai thác trúng những vấn đề xã hội đang quan tâm, cần những đột phá, sáng tạo hơn nữa.

Nhiều cảnh trong phim Cát đỏ của đạo diễn - Nghệ sĩ ưu tú Lưu Trọng Ninh được quay tại vùng nông thôn của tỉnh Bình Thuận và Phú Yên.

Trải nghiệm cuộc sống làng quê

Những tập cuối của bộ phim truyền hình về đề tài nông thôn “Mùa hoa tìm lại” của đạo diễn Vũ Minh Trí trên kênh VTV3 đang thật sự cuốn hút khán giả. Nông thôn thời hiện đại, cuộc sống của người dân khấm khá hơn, nhưng cũng nảy sinh nhiều mâu thuẫn, va chạm. Chỉ cần mỗi người có sự tử tế, trân trọng nghĩa tình và khát vọng vươn tới những điều tốt đẹp, họ sẽ được đền đáp xứng đáng. Đó chính là thông điệp mà bộ phim “Mùa hoa tìm lại” gửi gắm.

Năm 2020, bộ phim “Cô gái nhà người ta” của đạo diễn Trịnh Lê Phong cũng đem đến “làn gió” mới cho phim truyền hình, khi phản ánh về thế hệ thanh niên đầy nhiệt huyết, khát vọng khởi nghiệp ở nông thôn với cách tiếp cận hóm hỉnh. Phim chạm tới những vấn đề thời sự ở nông thôn hiện nay, như xu hướng xây dựng homestay (lưu trú tại nhà người dân địa phương), ô nhiễm môi trường, ứng dụng công nghệ, đồng thời đề cao trách nhiệm của giới trẻ với quê hương. Tương tự, bộ phim “Mùa xuân ở lại” do Nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Danh Dũng đạo diễn phát sóng trên truyền hình vẽ bức tranh nông thôn miền núi phía Bắc hoang sơ, đặc sắc. Ở đó, có đồng bào dân tộc khao khát đổi mới, có những người miền xuôi lên miền ngược xây dựng cuộc sống.

Nông thôn miền Nam cũng được tái hiện sinh động trong phim “Thương con cá rô đồng” của đạo diễn Hoàng Tuấn Cường đang chiếu trên kênh VTV3. Mượn câu chuyện về người chị tần tảo thay cha mẹ nuôi các em khôn lớn, phim đề cao sự lạc quan, nghị lực tìm ra hướng đi tốt đẹp trong cuộc sống trước khó khăn, nghịch cảnh. Trước đó, khán giả từng được trải nghiệm cuộc sống làng quê miền Nam qua các phim: “Con ông Hai Lúa”, “Cát đỏ”…

Ngoài phim truyền hình dài tập, có nhiều phim truyện điện ảnh, phim phát hành trên nền tảng số cũng khai thác đề tài nông thôn thời hiện đại với góc nhìn mới, như loạt phim: “Lật mặt”, “Đại gia chân đất”, “Cô Thắm về làng”…

Chị Nguyễn Phương Thảo (phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm) chia sẻ: “Nhiều người có xu hướng thích về làng quê, trải nghiệm cuộc sống nông thôn thoáng đãng, bình dị, nên những phim về đề tài này đang tạo sức hút với khán giả. Song, theo tôi, các bộ phim vẫn chưa tái hiện sâu sắc diện mạo nông thôn mới hiện nay”.

Một cảnh trong phim “Thương con cá rô đồng”, khắc họa sinh động cuộc sống nông thôn miền Tây Nam Bộ.

Thêm “hơi thở” xây dựng nông thôn mới

Với sự đa dạng, nhiều đổi thay ở các miền quê Việt, đề tài nông thôn luôn rộng mở với các nhà làm phim, nhưng cũng đầy thách thức để có được tác phẩm hấp dẫn. Nghệ sĩ ưu tú Đỗ Thanh Hải, Phó Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam, Giám đốc Trung tâm Sản xuất phim truyền hình (Đài Truyền hình Việt Nam) cho biết: Đề tài nông thôn đang được đơn vị thực hiện trở lại, tạo nên sự đa dạng cho phim truyền hình Việt. Các phim hiện nay đưa yếu tố mới mẻ của thời hội nhập thông qua sự “va đập” của những thanh niên nông thôn để thu hút nhiều đối tượng, nhất là khán giả trẻ.

Là đạo diễn gạo cội với nhiều phim về đề tài nông thôn để đời, như: “Gió làng kình”, “Đất và người”, “Ma làng”, Nghệ sĩ nhân dân Nguyễn Hữu Phần cho rằng, đề tài nông thôn hiện không còn khai thác vấn đề thoát đói nghèo, mà là nông thôn mới trong quá trình hội nhập. Điều này đòi hỏi người làm phim phải cập nhật những đổi mới ở nông thôn, đưa thêm “hơi thở” của công cuộc xây dựng nông thôn mới đang rất sôi nổi ở các làng quê vào phim.

Đạo diễn Trần Bình Trọng của các phim được khán giả yêu thích, như: “Đại gia chân đất”, “Làng ế vợ”…, cũng cho rằng: Làm phim về đề tài nông thôn ngoài tính giải trí, đem lại niềm vui, tiếng cười nhân văn cho khán giả, thì cần lồng ghép những thông tin tuyên truyền, những vấn đề thời sự, văn hóa lối sống thôn quê, được người dân nông thôn quan tâm chú ý…

Ở góc độ diễn xuất, diễn viên Phương Oanh đảm nhiệm vai Uyên trong phim “Cô gái nhà người ta” nhận định: Tuy vai diễn không quá phức tạp, song để tạo hình nhân vật chân thực, mộc mạc, đúng chất nông thôn, diễn viên phải tìm hiểu kỹ về lời ăn, tiếng nói, lối sống ở làng quê để tránh sự nhạt nhòa.

Còn theo Nghệ sĩ ưu tú Thanh Loan, Phó Chủ tịch phụ trách Hội Điện ảnh Hà Nội: Nông thôn là mảng đề tài được Hội khuyến khích hội viên sáng tạo, nhất là những vấn đề trong thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới hiện nay. Để các hội viên có chất liệu và cảm hứng sáng tạo, Hội Điện ảnh Hà Nội, Hội Điện ảnh Việt Nam đã tổ chức nhiều chuyến đi thực tế tới các làng quê Việt Nam. Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình hỗ trợ hoạt động sáng tạo tác phẩm, công trình văn học, nghệ thuật, báo chí ở trung ương và các hội văn học, nghệ thuật địa phương; hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao ở các hội nhà báo địa phương giai đoạn 2021-2025, trong đó có lĩnh vực điện ảnh về các đề tài đang được xã hội quan tâm, như nông nghiệp, nông dân, nông thôn; sự nghiệp xây dựng và phát triển nông thôn mới gắn với xây dựng đời sống văn hóa cơ sở. Đây là điều kiện tốt cho những người làm phim tập trung sáng tạo những tác phẩm đột phá, ấn tượng về đề tài này.