“Chỉ còn mùi hoa sữa nồng nàn, trong căn phòng nhỏ, đêm cuối thu...” - những câu hát trữ tình trong ca khúc nổi tiếng “Im lặng đêm Hà Nội” của nhạc sĩ Phú Quang được nhiều người yêu thích. Ít ai biết rằng ca khúc đó được phổ nhạc từ thơ của nữ thi sĩ Phạm Thị Ngọc Liên.
Sinh ra ở Hà Nội nhưng sống, làm việc tại thành phố Hồ Chí Minh từ nhiều năm, ký ức Hà thành trong thơ Phạm Thị Ngọc Liên là “giấc mộng hoa sữa thơm ngát”, là “không gian sương”, là “im lặng phố khuya”, là “mênh mông gương hồ”, và ẩn sâu trong đó là một bóng hình: “Chỉ còn hơi ấm mối tình đau/ Anh đi có đôi lần nhìn lại/ Chỉ còn em/ Im lặng đến tê người"...
Phạm Thị Ngọc Liên chủ yếu viết thơ tình. “Những vầng trăng chỉ mọc một mình”, “Biển đã mất”, “Em muốn giăng tay giữa trời mà hét”, “Thức đến sáng và mơ” là những tập thơ đắm say yêu, cháy bỏng khát khao và cũng đầy cô đơn, hoang hoải mà Phạm Thị Ngọc Liên đã cho ra mắt độc giả từ năm 1989 đến nay.
Những câu thơ rung động đến tận cùng của yêu thương đã được bao độc giả yêu thơ nắn nót lưu giữ trong sổ tay: “Đỏ như thế/ nồng nàn như thế/ một ngày mặt trời rụng xuống tim tôi/ Cháy bỏng những khao khát lặng im/ tôi tìm thấy tôi một nửa/ yêu tôi như chưa bao giờ”, “Mối tình anh như mái ngói đầy rêu/ Nỗi buồn đóng thành tầng/ Em dẫm vào trượt ngã/ Vết nhói đau đến lạ”, “Bất chợt tình yêu từ ngọn cỏ/ như bướm theo đàn bay nhấp nhô/ lá đợi chờ ai mà lá đỏ/ rừng đợi chờ ta, bát ngát mơ”, “Em mang mũi gai trong tim/ Hót lời yêu nồng nàn/ Cái chết không làm tuyệt vọng”…
Song, Phạm Thị Ngọc Liên không chỉ làm thơ. Chị còn có các tập truyện ngắn: “Có một nửa mặt trăng trong mặt trời”, “Người đàn bàn bí ẩn”, “Đồi hoang”, “Nụ hôn buốt giá”, “Và tháng ngày trôi đi”. Theo nhà văn Hồ Anh Thái, “những ai thích sự tìm tòi trong thơ Phạm Thị Ngọc Liên có thể sẽ hào hứng với việc chị viết văn xuôi. Chị không vô tình hoặc cố tình để lại dấu vết thơ trong văn xuôi như nhiều người đã làm. Văn là văn. Không cần nấp vào bóng thơ ca hoặc một thể loại nào khác”.
Còn nhà văn Nguyễn Đông Thức nhận xét: "Ngọc Liên là một nhà thơ nổi tiếng với những bài thơ tình, thế nhưng, đọc truyện của chị lại hiếm thấy tâm hồn thơ chen vào. Các câu chuyện được kể với giọng rất lạnh, tỉnh, bút pháp nhiều chỗ cứng cỏi...". Những nhận xét này như đã lý giải cho nhiều giải thưởng văn chương mà Phạm Thị Ngọc Liên đã được nhận, cả cho thơ và cho truyện ngắn.
Nhân vật chính trong nhiều truyện ngắn của Phạm Thị Ngọc Liên, hầu hết là nữ, và phần lớn trong số họ cuộc sống éo le, tình yêu và hôn nhân nhiều trắc trở. Dường như, chị có nhiều đồng cảm với những thân phận phụ nữ yêu và hy sinh hết thảy cho người mình yêu mà kết quả nhận về lại không phải là trái ngọt. “Tình yêu thật sự là như thế ư? Là hy sinh bản thân, nhận phần thua thiệt về mình ư?”, đưa ra câu hỏi nhưng chị cũng “không thể tìm được câu trả lời chính xác”. Phải chăng, ẩn sau mỗi câu chuyện ấy, nhà thơ mong muốn tỏ bày: “có bầy chim tự do nào xót xa giùm con chim trong lồng/ có người đàn bà được yêu nào chia sẻ giùm nỗi đau bị lừa dối/ phải tự phục sinh thôi/ đừng dày vò/ đừng luyến tiếc”.
Ở tuổi... bà nội, Phạm Thị Ngọc Liên lại gây bất ngờ khi ra mắt tập truyện dành cho thiếu nhi “Chiếc gối biết nói”. Đó là những câu chuyện nhỏ thú vị về loài vật, về cuộc sống hằng ngày, với nhiều câu hỏi xen lẫn, để từ đó các bậc phụ huynh có thể tương tác khi đọc sách cùng con, thậm chí gợi mở để con trở thành người đồng sáng tạo.
Đặc biệt, dưới mỗi câu chuyện còn có những vần thơ ngắn gọn, dễ thương để các độc giả nhỏ tuổi dễ nhớ, dễ thuộc và học theo, như: “Tạm biệt pizza nhé/ Chào luôn mấy miếng gà/ Hamburger béo ngậy/ Đừng gọi bé nữa nha”, hay “Bé thích làm bác sĩ/ Hay thích lái máy bay/ Rồi làm chú đầu bếp/ Hay thầy giáo mỗi ngày?/ Bé cứ học thật giỏi/ Lớn lên là biết ngay”... Viết tập sách này, nhà thơ Phạm Thị Ngọc Liên mong muốn kể những câu chuyện đẹp cho trẻ thơ trước giờ đi ngủ, để “Chiếc gối biết nói” và vòng tay ấm áp của ba mẹ sẽ đưa các bé vào giấc mơ thần tiên, để được “xanh biếc với bầu trời đầy sao” như câu thơ chị viết năm nào.