Không thể né tránh

Theo Hanoimoi.com.vn 10:05, 20/02/2023

Đã có rất nhiều bài báo phản ánh về tình trạng sử dụng tiếng Việt tối nghĩa, tiếng Việt lẫn tiếng Anh một cách bừa bãi trong nhiều ca khúc dành cho giới trẻ hiện nay, song tình trạng này vẫn tiếp diễn. Thậm chí, tác giả của một số ca khúc như muốn cổ vũ cho việc viết sai chính tả, dùng từ lóng, gây ức chế cho người nghe, làm mất đi sự trong sáng của tiếng Việt.

Mới đây, ca sĩ trẻ Tlinh tung ra ca khúc “Ghệ yêu dấu của em ơi” với những ca từ tối nghĩa, cho thấy nhiều vấn đề về thẩm mỹ âm nhạc. Việc cố ý viết không đúng chính tả nhiều từ trong bài hát như “iu”, “thik”... cùng với cách dùng từ lóng có hàm ý không hay khiến người nghe khó có thể chấp nhận. Cách viết này chỉ nên dùng ở ngôn ngữ “chat” trên mạng xã hội hay ở đâu đó chứ tuyệt nhiên không thể được vào bài hát. Bên cạnh đó hiện tượng viết ca khúc nửa Anh, nửa Việt vẫn rất phổ biến. Có ca khúc tựa đề là tên tiếng Anh nhưng trong bài hát chỉ toàn tiếng Việt và tựa đề không ăn nhập với ca khúc. Thậm chí “chơi chội” hơn là những ca khúc có tựa đề nửa Việt, nửa Anh, kiểu như “Chill cùng Tây Bắc”, “Bài này chill phết”...

Dư luận đã nhiều lần lên tiếng, các chuyên gia liên tục báo động về tình trạng giới trẻ ngày càng cẩu thả trong việc sử dụng ngôn ngữ, tùy tiện trong cách viết, cố tình viết sai chính tả... Hiện tượng này dường như đã trở nên “vô phương cứu chữa” trên các nền tảng mạng xã hội. Tuy nhiên, để sự cẩu thả, tùy tiện đó lây lan sang các loại hình văn bản có tính chính thống khác, đặc biệt là các văn bản có tính đại chúng cao như ca từ trong ca khúc là điều khó có thể chấp nhận. Chúng ta không thể né tránh hay im lặng nhìn việc tồi tệ diễn ra. Âm nhạc phải mang đến cho người nghe giá trị thẩm mỹ tốt đẹp. Góp phần bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt cũng là trách nhiệm của mỗi người, trong đó có các nghệ sĩ.