Gió đồng vẫn thổi

15:26, 31/03/2014

Nhà ông Thạch và nhà tôi chỉ cách nhau khoảng hơn trăm mét và cùng nằm trên một con đường nhỏ ở ngoại vi thành phố. Nhà tôi suốt ngày người vào ra tấp nập vì vợ tôi mở cửa hiệu thời trang.

Nhà ông Thạch như một thế giới biệt lập lặng lẽ khuất lấp giữa vườn cây xum xuê với nhiều kiểu dáng ấn tượng. Khi chuyển về đây sinh sống, tôi biết ông là cán bộ nghỉ hưu và rất yêu thích sinh vật cảnh. Nhiều lần đứng trên sân thượng, nhìn khu vườn của ông như một ốc đảo xanh bên cánh đồng vào mùa vàng óng ánh, tôi không khỏi thán phục và mơ ước được sống trong khung cảnh thần tiên đó. Tuy nhiên vì tuổi tác vào hàng con cháu và công việc, tôi ít có dịp tiếp xúc với ông.

 

Mấy năm trước khi bà Lý vợ ông mất, sang giúp gia đình lo việc tang lễ, tôi mới biết ông nguyên là bộ đội chống Pháp, đã trực tiếp chiến đấu trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Bà Lý là vợ của đồng đội ông đã hy sinh. Từ đó tôi thường xuyên sang chơi và thấy ông thật gần gũi. Là hàng xóm lại có thú đam mê thần thái các loại cây thế, tôi nghiễm nhiên được ông coi như bạn.

 

Bạn bè ông kể: Ông Thạch và ông Hạ - chồng trước của bà Lý là chiến sĩ trong tiểu đội trinh sát, hai người thân nhau lắm. Khi chiến dịch mở màn, tiểu đội của ông được lệnh điều nghiên nắm tình hình bố phòng của địch và biên chế chiến đấu trong đội hình Đại đoàn 312. Các trận đánh diễn ra ác liệt. Bộ đội vừa đào giao thông hào bao quanh các cứ điểm, vừa dùng bộc phá mở hàng rào dây thép gai giành giật với địch từng thước đất. Khi tiến công tiêu diệt cứ điểm đồi A1, ông Hạ không may trúng đạn. Vết thương quá nặng biết mình không thể qua khỏi, ông Hạ trăng trối nhờ ông Thạch về làng thăm vợ con ông. Qua người làng đi dân công hỏa tuyến, ông Hạ cũng mới biết tin vợ vừa sinh con gái. Hòa bình lập lại, ông Thạch về quê ông Hạ thăm bà Lý. Không rõ do duyên số hay sự sắp đặt của số phận, hai người đến với nhau và có thêm một cô con gái. Hiện cả hai người con đã trưởng thành và xây dựng gia đình riêng. Cô chị là bác sĩ làm việc tại T.P Hồ chí Minh, cô em tốt nghiệp Đại học An ninh và làm việc ở Hà Nội.

 

Những lần vợ chồng hai cô con gái về thăm, ông lại mời mấy người bạn chiến đấu năm xưa và hàng xóm sang cùng ông vui cảnh điền viên. Tết năm ngoái, chỉ một mình cô em về thăm bố. Sang nhà tôi, cô nhăn nhó: -  Anh chị xem có cách nào động viên ông giúp chúng em với. Ông đã cao tuổi rồi mà ở một mình, bọn em không yên tâm tý nào. Ông nhất quyết không ở với ai…

 

Một tối cùng ông thưởng trà và ngắm vườn cây cảnh phiêu diêu trong sương, ánh trăng như dải lụa mềm mại vắt qua mơ màng non nõn, gió đồng mang men cỏ nội thổi về mát rượi cay nồng. Tôi đánh bạo hỏi: - Ông có cơ ngơi thật tuyệt vời, nhưng ông cao tuổi rồi sao không ở với các anh chị ấy để có người chăm sóc?

 

Ông yên lặng hồi lâu rồi khề khà: - Ai chẳng muốn ở bên con cháu, nhưng ngôi nhà này hương hồn đồng đội ngã xuống ngoài mặt trận và bà nó nhà tôi vẫn đi về, rồi vườn cây này nữa, bỏ đấy sao được. Con cái nó cũng có công việc, mấy lần đến chơi thấy vợ chồng con cái chúng đi suốt ngày, tối về cơm nước xong đứa lên phòng học, đứa thì ôm máy vi tính. Mình lạ nước, lạ cái giữa phố phường biết chơi với ai? Bao nhiêu năm mình ở đây, lúc này lúc kia có anh em bạn bè, bà con lối xóm… Rồi thì Hội Cựu chiến binh, bạn chiến đấu Đại đoàn 312, Ban liên lạc chiến sĩ Điện Biên… lại còn các tổ chức đoàn thể, có đơn độc đâu? Tuổi này gần đất xa trời rồi, không phải muốn vui thú mà cốt cần cái tình. Đồng đội cùng nhau ra trận đánh giặc, vào sống ra chết không nề hà, bây giờ lần lượt ra đi, chẳng lẽ cũng không ném cho nhau được nắm đất?...

 

Không đón được ông vào ở cùng, vợ chồng cô chị gửi tiền nhờ tôi tìm cho ông người giúp việc, biết chuyện ông giãy nảy: - Mình còn khỏe còn tự lo được, không nên làm phiền ai. Cây phải tự chăm mới theo ý mình được, cây của mình nó mang hồn mình.

 

Gần tám mươi tuổi, ông vẫn hàng ngày cắt tỉa chăm sóc vườn cây cảnh cây thế, nhiều cây chắc có độ tuổi vài chục năm. Thấy tôi thích thú với cây si, cây lộc vừng cổ thụ bên cửa, ông cười hóm hỉnh: - Tôi “đánh dậm” từ đồ bỏ đi đấy. Cây lộc vừng mình vô tình nhìn thấy lúc ngồi giở cơm nắm ra ăn trên đoạn đèo kéo pháo vào trận Điện Biên, lúc đó chỉ biết vậy, ai nghĩ cây cối gì. Sau này thăm lại chiến trường vẫn thấy nó ở đấy mình mua lại của chủ rừng mang về. Còn cây si dạo đó nằm chỏng trơ cạnh hố bom Mỹ ở Quảng Bình, mình mua rồi nhờ xe chở hàng của Gang thép chuyển về cho. Thời bao cấp mà chơi cây cảnh nhiều người bảo khùng. Cũng có lần bị “cạo” vì ai đó bảo mình không toàn tâm toàn ý với công việc cơ quan, chỉ chăm chăm cắt xén cây cảnh, không hăng hái tham gia phong trào của các đoàn thể. Nhưng mình thích thì mình cứ làm, ai nói kệ họ nói rồi thì cũng qua… Còn cái cây sanh kia, chú có biết thế cây nói điều gì không?

 

Nhìn cây sanh với bộ gốc rễ sần sùi, mấy cành tựa và nhau vươn cao khỏe khoắn, tôi gật gù: - Cháu không rõ ý đồ của tác giả, nhưng thế cây này cháu gọi là “Huynh đệ nghinh phong” nghĩa là anh em trước gió?

 

Ông Thạch cười lớn: - Cậu quả là người có đầu óc văn nghệ sĩ… Thằng Khánh con trai lớn của cô con gái thứ thể hiện đấy. Để ít hôm nữa nó về chú cháu hàn huyên xem sao. Nó học đại học ở Hà Nội nhưng năm nào nghỉ hè cũng về mấy tháng với ông học làm sinh vật cảnh. Tôi chỉ cho phôi để nó tự làm. Nó gọi là cây phúc, lộc, thọ…

 

Vừa rót rượu, cô con gái ông Thạch vừa xởi lởi: - Em đưa cháu nó lên nhận việc ở nhà máy điện tử Sam Sung. Thôi thì từ nay em gửi gắm cháu nó nhờ ông bà cô bác bảo ban hộ. Vợ chồng em chạy đi chạy lại với ông chứ chưa chuyển về hẳn đây được. Cháu nó bảo làm việc ở đó phù hợp với ngành học, lại có điều kiện giúp đỡ ông. Ông không đi với bố mẹ thì nó về với ông.

 

Nhìn cây si trên xe cẩu tự hành nằm trong sân, tôi ngạc nhiên: - Cây si cổ thụ đẹp nhất vườn, ông mang đi trưng bày ở đâu hay ai mua thế?

 

- Cháu nó xin cái cây này mang lên tặng cho Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên…

 

Khánh ngồi cạnh tôi trầm tư: - Cháu luôn mơ ước có ngày được lên thắp hương cho đồng đội ông đã chiến đấu hy sinh… May quá, sắp tới kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên, biết ông cùng đoàn cựu chiến binh về thăm chiến trường xưa, cháu nhờ mẹ xin cho đi cùng… Cháu muốn trước khi kiếm sống phải học cách sống. Một thời thế hệ của ông đã sống là bài học lớn nhất…!