Cầu ngầm

14:35, 06/04/2014

Ông Trung theo đoàn cựu chiến binh thành phố Vũng Tầu ra thăm Lăng Bác và Khu di tích cách mạng ATK Định Hóa. Trong lúc đoàn ở nhà nghỉ của UBND tỉnh ông xin phép đi thăm mộ của người đồng đội cũ ở nghĩa trang liệt sĩ Dốc Lim. 

Người quản trang dẫn ông đến ngôi mộ nằm khiêm tốn trong dãy mộ thẳng tắp như hàng quân. Họ tên ghi trên bia rõ ràng là Nguyễn Văn Thái…. mà mắt ông như nhòa đi. Nước mắt ông ứa ra chảy trên gò má đã sạm đen của tuổi già. Người lính trẻ hy sinh lúc mới hơn 20 tuổi, ngay trước ngày Đại thắng mùa Xuân năm 1975. Thắp nén hương cắm lên mộ, ông đứng nghiêm như người chỉ huy trước hàng quân, khung cảnh chiến tranh năm xưa hiện lên mồn một.

 

Đầu năm 1975, đơn vị công binh được lệnh củng cố lực lượng cho trận đánh lớn. Trung đội của ông Trung được bổ sung thêm mấy anh lính trẻ trong đó có Thái. Thái chỉ trên 20 tuổi, trắng trẻo thư sinh nói ít nhưng là người có ý thức tổ chức kỷ luật cao, một số việc thể hiện có sáng kiến, sống chan hoà cởi mở nên ai cũng quý. Thái học giỏi, thi đỗ vào Trường Đại học giao thông thủy lợi, học hết năm thứ nhất được chọn đi học tại Liên Xô nhưng cậu không đi mà xung phong vào bộ đội. Thái được biên chế vào binh chủng công binh hơn hai năm, nay được về đơn vị này để cùng tham gia chiến dịch lớn nên phấn khởi lắm. Lời Chính ủy mặt trận hôm nào Thái nhớ rất rõ: Chúng ta đã hy sinh quá nhiều, càng gần chiến thắng, sự gian nan và hy sinh càng cao. Lời Bác Hồ dạy “Miền Nam trong trái tim tôi” luôn vang lên thúc giục chúng ta. Các đồng chí hãy anh dũng xông lên.

 

Mấy hôm đầu Thái sốt rét nặng nhưng mang vác hành quân không chịu cho người khác giúp đỡ. Đến lúc sốt quá cao mới để Trung giúp. Chưa khỏi Thái đã xung phong cùng một số anh em vào bản phát rẫy trồng sắn giúp đỡ bà con, lấy rau rừng về cho đơn vị.

 

Một hôm đơn vị được lệnh hành quân gấp rút bám sát đi dọc theo con đường 14. Đến cách cầu Phượng Hoàng mấy cây số thì đơn vị dừng lại ém vào trong rừng giữ tuyệt đối bí mật. Trung phổ biến: Đơn vị ta vừa bảo vệ cầu cũ vừa có phương án cầu tạm. Trong bất cứ tình huống nào cũng phải thông xe. Bây giờ tốc độ chiến trường tính bằng giây bằng phút để rút ngắn sự đổ máu, rút ngắn chiến tranh. Trung trải tấm bản đồ tác chiến ra phổ biến phương án chiến đấu và làm cầu tạm, đường ngầm qua suối. Cần có người đi khảo sát thực địa. Thái xung phong đi vì có chút kiến thức học ở trường đại học. Trung ngại sức khoẻ nhưng Thái kiên quyết xin đi.

 

Hôm sau Trung và Thái cùng mấy chiến sĩ cải trang đi tắt rừng đến một điểm cao quan sát bố phòng của địch. Rõ ràng địch cũng rất coi trọng cầu này. Nếu quân ta đến đây chắc chắn bị đánh chặn ác liệt. Nếu không giữ được chúng sẽ phá bỏ để giảm tốc độ bước tiến của quân ta. Mọi người đi dọc suối phía Nam cầu và cùng nhau xác định đoạn Bắc cầu ngầm. Đây là con suối nước chảy mạnh, nếu làm cầu không chắc thì xe khó qua nổi. Thái đề xuất sẽ khơi một đoạn phía trên chỗ đường ngầm để giảm bớt tốc độ của nước chảy qua đường ngầm. Khi xe qua hết dù nước chảy xiết thì đã hoàn thành. Tuy làm thêm việc này tốn thêm ít công nhưng ai cũng công nhận đây là sáng kiến.

 

Thái nói đây là kiến thức học để đổ móng các công trình thủy lợi gọi là “phân thủy”. Thái cùng Trung tính toán độ dốc lên xuống hai bên cầu ngầm và ước lượng số cây, đất đá làm cầu. Sau khi phương án đã được cấp trên duyệt, Trung và đơn vị bí mật chuẩn bị mọi thứ cần thiết, công việc tiến hành gấp rút ngày đêm không nghỉ.

 

Càng vào chiến dịch, tinh thần chiến sĩ càng bừng bừng sẵn sàng xung trận, ai cũng ngứa ngáy chân tay. Chiếc đài bán dẫn thông báo chiến thắng Buôn Mê Thuột làm nức lòng anh em. Rồi cuộc chiến cũng lan tới. Anh Trung được truyền lệnh: Đơn vị chủ lực sẽ thần tốc trên đường 14, bằng giá nào cầu Phượng Hoàng cũng phải thông xe. Sáng hôm sau địch tăng cường quân, đắp thêm mấy ụ súng đại liên đầu cầu.

 

Pháo bắn dữ dội, máy bay địch quần đảo gần chốt. Những đôi mắt sáng lấp lánh, ai cũng biết giờ G đã điểm.

 

Ngày hôm sau là một ngày nhớ suốt đời. Từ sáng sớm, tiếng súng ầm ĩ từ xa vọng lại. Không bao giờ súng lại vang rền như thế. Phải là đội quân đông đảo với nhiều loại súng khác nhau mới có âm thanh như vậy. Tiếng súng càng ngày càng gần rồi bất ngờ nổ chát chúa ngay trên đường 14. Chỉ huy thông báo: Ta đã phá được bố phòng bên này cầu, các đồng chí cho anh em tập kết vào cầu ngầm. Chỉ chờ có thế, tất cả đơn vị xốc lại trang bị, theo sự phân công, mọi người vác gỗ tre cuốc xẻng và vũ khí lao về phía đường ngầm. Bỗng một tiếng nổ chát chúa như ngay trên đầu, anh em khựng lại. Chỉ huy thông báo: Cầu đã bị địch đánh sập trước khi rút chạy, các đồng chí cho thực hiện ngay phương án đã chuẩn bị. Tất cả lại lao ngay vào việc làm cầu ngầm, người xếp đá, người san đất, người lao gỗ, tre. Tất cả hiểu ý nghĩa việc làm của đơn vị công binh, càng nhanh thì xe tăng qua nhanh, mục tiêu chiến dịch sẽ đến nhanh hơn, miền Nam sẽ được giải phóng nhanh hơn.

 

Công trình sắp hoàn thành thì có tiếng máy bay gầm rú, bắn hàng loạt rốc két vào khu vực đơn vị rồi pháo tầm xa cũng bắn tới hàng loạt dữ dội. Lệnh chỉ huy: Địch đã đoán ra hướng đi qua ngầm, các đồng chí hãy dũng cảm làm và bảo vệ ngầm bằng bất cứ giá nào. Thái và mấy chiến sĩ chạy ngược lên phía nguồn thực hiện phương án “phân thủy” thì một quả pháo rơi trúng chỗ Thái và mấy chiến sĩ. Trung thấy Thái lảo đảo rồi ngã xuống. Thái bị đạn pháo phá một mảng lớn ở bụng, máu chảy đầm đìa, thấy Trung, Thái cố gượng chỉ tay vào túi áo. Trung sợ Thái chảy máu nhiều sẽ làm ướt giấy tờ gì đó nên mở túi lấy ra một cái phong bì chưa kịp dán, anh cho vào xắc cốt. Thái và một chiến sĩ khác hy sinh ngay trên chiến trường lúc mới hai mươi tuổi. Trung không muốn khóc nhưng mắt nhòe đi. Sực nhớ nhiệm vụ Trung báo cáo, đường ngầm đã xong, rồi cho mấy chiến sĩ lên cắm cờ đầu đường rẽ để hướng dẫn người và xe. Tạm để hai thi thể chiến sĩ vào chỗ kín đáo, Trung cùng các chiến sĩ ra ngầm chờ quân ta đi qua và kịp gia cố nếu ngầm bị vỡ. Hàng ngàn quân rầm rập qua ngầm, tiếng xích sắt xe tăng nghiến vào đất đá vào cây vượt qua dốc vun vút.

 

Chiếc xe tăng cuối cùng qua ngầm. Trung đưa Thái và Toản lên một ô ruộng gần đó, các chiến sĩ đào đất vội đặt hai thi thể xuống rồi lấy đá đánh dấu, mộ ngoài là Thái, mộ trong là Toản. Cẩn thận Trung lại vẽ và đánh dấu trên tấm bản đồ tác chiến.

 

Hết chiến dịch hai tháng, Trung và một số chiến sĩ trở lại cầu Phượng Hoàng, tìm đến mộ hai người lính, đắp lại cẩn thận và đục tôn làm bia cắm lên mộ.

 

Sau này cũng do đã đánh dấu rõ ràng nên khi được quy tập mộ về nghĩa trang Buôn Mê Thuột không bị nhầm lẫn. Chính vì vậy gia đình đã tìm và chuyển hài cốt anh Thái về Thái Nguyên thuận lợi.

 

Ông Trung giật mình khi tiếng người quản trang gọi vì thấy ông đứng lâu quá. Ông nhớ thương, luyến tiếc người lính trẻ. Ông sẽ chuyển lại cho gia đình tờ giấy để trong phong bì hôm nào Thái gửi ông. Đó là lá đơn của Thái xin trở lại trường đại học sau khi đất nước thống nhất. Miền Nam đã giải phóng, toàn thắng đã về ta nhưng Thái không còn để thực hiện mơ ước học tập và phục vụ cho Tổ quốc như bao nhiêu người thanh niên khác.