Tôi có ông bạn vong niên cùng cơ quan, làm việc với nhau đến vài chục năm nhưng mỗi người mỗi việc. Thỉnh thoảng vào lúc trao đổi công việc hoặc rỗi rãi, khi đi công tác họp hành ở xa trên cùng một xe có thời gian là lại nói chuyện.
Ông ấy có tính xởi lởi, vui tính lại biết bao nhiêu chuyện trên trời, dưới đất, cười nói rất vô tư, đặc biệt ông có tài bắt chước phương ngôn các vùng miền, chuyện tiếu lâm hiện đại nên nhiều lúc đi trên xe được nghe chuyện của ông mọi người cứ cười nghiêng ngả. Những người làm cùng thuộc thế hệ trước bảo ông là người có thâm niên làm việc lâu nhất ở cơ quan này. Thấy ông già và làm công việc quản lý căng thẳng, bận bịu suốt ngày, sắp đến kỳ nghỉ hưu lãnh đạo quan tâm cho chuyển ông sang làm một công việc khác vừa để ông có thời gian nhàn rỗi đôi chút với lại làm cái công việc mà cả cơ quan chả ai làm và biết làm. Việc mới của ông thì cấp dưới chả thèm để ý, cấp trên không cần quan tâm, có nghĩa là cứ mặc cho ông làm được đến đâu thì làm, ông có thể ngồi chơi xơi nước cũng được, chờ đủ năm đủ tháng thì nghỉ hưu theo chế độ Nhà nước quy định. Nhưng với ông thì ông lại không phải là con người như thế.
Ông bảo: Cả cuộc đời làm việc cần cù chịu khó, chịu khổ theo trật tư, nội quy và nền nếp của Nhà nước nó quen rồi, mình cầm tinh con lạc đà, càng già lại càng thích làm việc. Bây giờ có cho tôi ngồi không ăn lương cũng chẳng chịu được, tự mình xấu hổ! Vậy là ông vẫn đến cơ quan đều đặn, sáng đi sớm, chiều về muộn, rất ít khi thấy ông đau ốm.
- Có lúc tôi hỏi đùa ông: Ông không việc gì để làm ở nhà hay sao mà đến cơ quan sớm cho tốn điện, tốn nước?
Tưởng ông tự ái, nhưng ông bảo: Tôi nhiều tuổi rồi, đi làm hàng mấy chục năm nếu có lợi dụng được của nhà nước cái gì thì đã lấy xong rồi! Bây giờ ăn uống được bao nhiêu, phòng làm việc có mỗi cái máy điều hòa nhiệt độ cũ được trang bị gần mười năm rồi là to tiền nhất, tôi đến sớm một tiếng nhưng không bao giờ bật trước, vả lại cơ quan quy định chỉ cho nhân viên bật, tắt đúng giờ thì tự mình có muốn làm mát cũng chả được!
Hôm rồi, tôi qua phòng của ông ngồi làm việc thấy ông viết liên tục trên máy, trước mắt là nhiều tập giấy A4 được ông in ra biết bao nhiêu là chữ. Tôi không hiểu ông viết gì mà lắm thế, lúc nào cũng thấy ông viết, viết mải miết, cả ngày ít khi thấy ông đứng lên đi ra ngoài, cũng chả có ai đến làm phiền ông và cũng không người nào cần xin chữ ký của ông nữa vì bây giờ nó còn giá trị gì? Đặc biệt là người gọi điện đến trao đổi công việc, mua bán vật tư văn phòng, xin quảng cáo, đăng ký gặp lãnh đạo thì thưa hẳn, có đôi ba người cũ lâu không liên lạc và thiếu thông tin thì vẫn gọi nhưng khi nghe được câu trả lời của ông “Xin lỗi! Tôi không còn làm việc ấy nữa”, thế là đối tác dập máy ngay lập tức. Cứ có tý thời gian nào là ông lại tranh thủ viết, viết từ sáng đến trưa, trưa đến chiều, có hôm ăn cơm trưa xong lại thấy ông về ngồi miệt mài trên máy tính. Tôi nghĩ: cái ông này càng về già càng có vấn đề, viết gì mà cứ như người chưa bao giờ được viết, không khéo mắc bệnh ngộ chữ! Mà bây giờ có còn mấy người đọc nữa đâu mà viết?
- Tôi tò mò: Ông viết cái gì thế?
Dừng tay, nhìn tôi ông bảo: Tôi có còn quỹ thời gian lâu nữa đâu, những điều mình biết về cơ quan, đơn vị mình ghi lại để sau khi về nghỉ thì chuyển lại cho anh em. Còn một số chuyện kể về các anh em bạn cũ đã nghỉ trước có kỷ niệm với mình thì viết lại cho nhớ, sau này khi về già có mắc phải bệnh “mất trí nhớ”(Alzheimer) thì mang ra đọc lại, chuyện nào vui thì tự sướng, chuyện nào buồn thì bảo bạn bè, con cháu rút kinh nghiệm mà tránh cho khỏi xấu hổ, mất danh dự, uy tín!
- Tôi lại bảo: Sao ông không viết lấy một cuốn hồi ký dày dày để kể về công việc, chức vụ đã làm và đảm trách cùng các mối quan hệ trên dưới cho nó oách rồi in đẹp làm tài sản riêng, dùng làm quà tặng và cũng để tự đánh bóng mình trước khi nghỉ?
- Ông phản ứng ngay: “ Ông hỏi thế và bảo tôi thế mà cũng là hỏi, bảo hay sao? Tôi đâu có làm vương tướng, phẩm hàm, chức tước gì ra hồn mà hồi với ký, anh kỹ sư quèn đi làm ngày nào thì hưởng lương ngày ấy, tài cán hơn người gì mà dám tự phụ cao đạo lên mặt.
- Vậy thì cái chủ đề chính để ông viết là gì vậy?
- Tôi chỉ viết về phần cuối của cuộc đời, tức là điểm dừng, nên chỉ có đề cập chuyện đã xẩy ra chứ không bình luận mà chỉ để cung cấp thông tin còn bạn đọc tự hiểu!
- Ông cho tôi đọc trước một vài chuyện được không?
Ông bảo: Sẵn sàng, nhưng ông là người cũng sắp nghỉ chế độ thì nên đọc tập này! Tôi mang tập chuyện ông đã viết về đọc thì thấy đại loại là như thế này: Chuyện A: Tôi được giám đốc phân công làm công tác tổ chức cho cuộc chia tay anh Như Nguyễn, cán bộ lãnh đạo cấp trên nghỉ hưu. Khi nói về tiểu sử và thời gian công tác, công lao cống hiến của anh với ngành mình đã gắn bó trên 40 năm… anh Nguyễn gặp tôi vỗ vai và bảo “ Không phải tớ sinh năm 194… ấy đâu, đấy là do “mấy đứa” tổ chức có tội, nó làm sai tuổi trong hồ sơ khi mình đang làm giám đốc mà chính mình lại quan liêu và chủ quan không để ý điều chỉnh, em trai và em gái tớ về hưu từ mấy năm nay rồi, tớ quả là thiệt thòi vì phải hy sinh và phấn đấu làm việc thêm mất 5 năm trời mới được nghỉ mà lương chả được tăng thêm bậc nào, hết bậc cuối cùng từ lâu rồi…thật quá khổ và thiệt thòi!”…
Chuyện B: Ông Trần Xi nghỉ hưu vào tuổi 63, bộ chủ quản yêu cầu ông sắp xếp chuyển giao công việc cho giám đốc kế nhiệm, ông này còn trẻ, du học ở bên Tây về rất giỏi chuyên môn lại là người thông minh hay chữ. Khi được thông báo nhận nhiệm vụ, ông đã chuẩn bị đề án cụ thể cùng kế hoạch điều hành theo phong cách mới. Nhưng ông Trần Xi vẫn không muốn nghỉ, chỉ muốn cống hiến và tiếp tục làm việc nên tìm mọi cách để không chịu bàn giao. Khi bộ có quyết định chính thức ông đành phải nghỉ nhưng lại yêu cầu bộ phải cho được ở lại để làm cố vấn cho giám đốc mới. Nhưng ông tân giám đốc nói với tôi “Tôi không cần cố vấn. Nếu anh Xi vẫn thích làm việc thì sắp xếp một phòng để có chỗ cho anh ấy ngồi”'.
+ Chuyện C: Ông Quốc chả có tài cán gì, học hành và kiến thức hiểu biết vào loại thường (nếu không nói là quá tầm thường) nhưng chẳng hiểu sao mà ông cứ được thăng tiến liên tục trên “quan lộ”. Ông có cái tính hơi khác người là rất ghét, thậm chí ghét cay, ghét đắng những cán bộ dưới quyền mà được mọi người công nhận và khen là giỏi, đặc biệt là những cán bộ đã từng làm việc với cán bộ lãnh đạo cũ còn ở lại làm và giúp việc cho ông. Chức vụ cao thì đồng nghĩa với nhiều quyền, nhiều tiền và bổng lộc. Vì thế ông không muốn nghỉ hưu, mà chỉ muốn làm việc và “chiến đấu” đến hơi thở cuối cùng...
Chuyện của ông bạn tôi thì còn nhiều nhưng tôi tuổi cao, mắt kém nên chỉ đọc được có vài chuyện… Ngồi lại với ông, tôi chủ động hỏi trước: - Này ông! Sao chuyện của ông đọc và xem tôi thấy chả ra làm sao cả, lẩm cẩm, lẩn thẩn thế nào ấy!
Ông nói: -Thì tôi đã nói trước với ông rồi, tôi có phải viết truyện tình cảm, truyện trinh thám hay tiểu thuyết đâu! Toàn là chuyện thật cả đấy, cuộc đời con người là một chuyến đi, dài hay ngắn là do số mệnh, nhưng có điều là có đi thì cũng phải biết có điểm dừng. Ở đời cái quan trọng là biết dừng lại đúng lúc, đừng vì lòng tham danh, lợi mà làm thay đổi trật tự và quy luật thì mình phải trả giá mà có khi cái giá ấy nó quá đắt mất hết cả chữ “ tín” mà mình phải cố gắng tạo dựng cả cuộc đời mới có được. Khi đã mất lòng tin rồi thì không bao giờ lấy lại và không còn có cơ hội nào mà sửa lại đươc! Ông có nghe các cụ ngày xưa nói “Tiếng lành đồn xa, tiếng dữ đồn ba ngày đường” không? Mà khi đã có tiếng đồn việc làm không hay của mình thì nó giao thoa lớn và rộng lắm, không có cái gì ngăn được. Tôi thấy ông cũng cao tuổi, cũng sắp đến giai đoạn phải nghỉ, quy luật là thế, ai chả phải nghỉ, ông chỉ sau tôi vài ba năm, tôi chả dám khuyên ông vì tôi có là mẫu mực tài cán gì đâu mà dám khuyên, chỉ nói là: Những năm cuối đời, ông cố gắng mà tích lấy tý đức cho con cháu, đừng nên ham muốn và lộng quyền làm hại và khổ cho người khác, sau về cuối đời lại ân hận.