Sáng hôm ấy, ở trụ sở xã Mỹ Thanh, nhiều người sầm sì bàn chuyện, ông Cương năm nay làm giỗ bố rất to vì rất nhiều cán bộ của xã được mời dự. Ông Cương là cán bộ công đoàn ngành Giáo dục về nghỉ hưu cả chục năm nay, bỗng dưng lại đứng ra làm một lễ giỗ bố là cụ Kỷ mất đã hơn 20 năm được coi là một sự lạ.
Tôi không phải là cán bộ của xã, tôi chỉ là một cán bộ tuyên giáo huyện được tháp tùng các đồng chí lãnh đạo về xã Mỹ Thanh hội thảo mấy lần về cuốn Lịch sử Đảng bộ xã 1947-2010, tôi nghĩ, chắc là không được mời. Nhưng trong bữa cơm trưa ở xã, tôi được cô văn thư đưa cho một phong bì, trong đó là một tờ giấy mời: Nhân dịp xã công bố cuốn Lịch sử đảng bộ xã Mỹ Thanh, gia đình chúng tôi trân trọng kính mời… đến dự lễ giỗ của cha, ông, cụ chúng tôi là cụ Dương Xuân Kỷ vào ngày… tức là ngày 16 tháng Tư âm lịch. Một câu hỏi xuất hiện trong óc tôi, cuốn Lịch sử đảng bộ xã có liên quan gì đến đám giỗ của cụ Kỷ?
Do đã được phân công là người theo dõi việc biên tập lịch sử đảng bộ xã Mỹ Thanh những năm 1947-2010 tôi được biết, ông Dương Xuân Kỷ, cha của ông Dương Xuân Cương là bí thư chi bộ đầu tiên của xã, lúc mới thành lập chi bộ (tháng 4-1947), chi bộ xã Mỹ Thanh chỉ có 3 đảng viên: 2 nam, 1 nữ do ông Kỷ làm bí thư. Dưới sự lãnh đạo của chi bộ, xã Mỹ Thanh đã huy động nhân dân trong xã làm tốt mọi công tác của tỉnh, huyện giao. Xã huy động người và của trong xã cho cuộc kháng chiến chống Pháp có rất nhiều thành tích.
Trong cải cách ruộng đất, ông Dương Xuân Kỷ bị quy là địa chủ, bị khai trừ ra khỏi Đảng, phải đi tập trung cải tạo 3 tháng. Về sau ông được sửa thành phần xuống còn là trung nông. Ông có 6 người con, 4 trai, 2 gái. Các con cháu của ông đều được ông bà nuôi nấng học hành đến nơi đến chốn, ai cũng tốt nghiệp đại học, người ta gọi đó là một gia đình nông dân trí thức của xã. Các con ông đều thoát ly đi công tác, có người là liệt sĩ trong cuộc chiến tranh chống Mỹ ở miền Nam.
Mặc dầu ở ngoài Đảng nhưng ông rất có ý thức trong mọi công việc của địa phương. Ông vẫn tham gia công tác mặt trận, Hội Nông dân nhưng chỉ làm cấp phó hoặc ủy viên trong Ban Chấp hành với lý do rất đơn giản: ông không phải là đảng viên. Ông khuyên các con, nếu muốn vào Đảng, phải sống cho tử tế và trung thực. Gia đình ông có một nếp sinh hoạt chẳng giống ai. Hàng năm, vào ngày Tết, các con ông từ cơ quan nghỉ tết về quê, ông bắt các con phải báo lại cho ông kết quả công tác trong năm, chi bộ, cơ quan đánh giá ưu, khuyết điểm gì. Nghe xong, ông nhận xét từng người như thủ trưởng cơ quan đánh giá nhân viên của mình hàng năm.
Ông lên một danh sách mấy gia đình nghèo, gia đình thương binh, liệt sĩ quanh chòm xóm, nhắc từng người con đến thăm, tặng quà, dù chỉ là cân đường hộp sữa hoặc một tờ tranh Tết. Ông Kỷ từ trần, mang theo một nếp sống tưởng như đã thành quen của con cái ông. Xã Mỹ Thanh đã thay đổi thực sự, đường sá thênh thang, nhà cửa khang trang, đời sống nhân dân tăng cao, những người cao tuổi vẫn còn nhắc đến tên các cán bộ thời kỳ sơ khai ban đầu như một huyền thoại
Cuối buổi họp, tôi nhận được một cuộc gọi với số điện thoại lạ. Người gọi điện tự giới thiệu tên là Cương, hỏi tôi đã nhận được giấy mời ngày giỗ ông cụ của ông chưa. Tôi nói lời cảm ơn. Ông mời tôi trên đường về cơ quan ghé nhà ông chơi, cho biết nhà. Ông bảo ông nghe đến tên tôi bấy lâu nay, muốn gặp, tôi nhận lời ngay.
Ông Cương lớn tuổi hơn tôi, ông gọi tôi là chú xưng anh không chút dè dặt. Ông nói, cảm ơn các chú đã ghi tên, đưa ảnh ông cụ nhà anh lên trang đầu của mục phụ lục với chú thích: Đồng chí Dương Xuân Kỷ - Sinh năm… Quê quán… Bí thư chi bộ đầu tiên của xã (1947…).
Ông còn nói, ông để ý ông cụ nhà ông chỉ xuất hiện một lần trong nhiệm kỳ đầu. Sau cải cách ruộng đất, sau khi phục hồi đảng tịch, cụ xin ra khỏi Đảng. Tôi biết sự kiện này, tôi nói với ông Cương rằng tôi cứ băn khoăn tại sao cụ lại xin ra khỏi Đảng mặc dù cụ vẫn công tác liên tục và rèn luyện con cái thành những đảng viên trung thành.
Trầm tư một lát, ông Cương nói, sau khi ông cụ anh mất dễ đến 10 năm, mẹ anh mới kể lại câu chuyện cha anh xin ra khỏi Đảng. Sau khi nhận các quyết định phục hồi đảng tịch, cha nói với mẹ anh, ông sẽ xin ra khỏi Đảng. Mẹ anh gặng hỏi, ông nói, làm một dân thường mà trong sạch còn hơn làm một đảng viên tì vết, dù đó là một tì vết được giấu kín.
Trong cuộc họp chi bộ ở nhà ông Khanh (thời kỳ đó chưa có trụ sở riêng, các cuộc họp thường họp trong nhà các đảng viên), cha anh nộp đơn và phát biểu xin ra khỏi Đảng. Ông Cương xác nhận đúng là cha ông có nói câu tôi lo làm ăn không thể đi làm cách mạng thế giới được. Thời kỳ đó hình như những người đảng viên được giáo dục nhiệm vụ giải phóng giai cấp cần lao trên toàn thế giới.
Ông Cương nhắc lại với một lời mời đầy thân thiện. Sự việc ông Cương kể lại ấy cứ như có một hòn than đốt cháy không khí trong lồng ngực tôi. Thì ra trong mỗi nếp nhà, mỗi con người, trên chặng đường mưu sinh và cách mạng có biết bao tấn bi kịch đã từng xảy ra.
Ngày giỗ cụ Kỷ, tôi cùng các đồng chí trong Đảng ủy xã Mỹ Thanh hẹn nhau đến cùng một giờ. Trên bàn thờ nhà ông Cương, cuốn Lịch sử Đảng bộ xã Mỹ Thanh (1947-2010) bìa cứng màu hồng cam được đặt vào một vị trí trang trọng dưới chân đèn. Sách mở đúng trang Phụ lục, có lẽ cả Ban Chỉ đạo và những người biên tập như chúng tôi không thể tưởng tượng được cuốn lịch sử lại được cả một dòng họ trân trọng đến như vậy. Nhìn những dòng chữ trong trang phụ lục, nhiều lớp trẻ của dòng họ Dương Xuân như sực tỉnh, tiền nhân của họ vừa là người khai sơn phá thạch lập nên cái làng này, vừa là hạt giống cộng sản đầu tiên trên mảnh đất giàu truyền thống cách mạng để có cuộc sống hạnh phúc như hôm nay.
Khi hóa vàng, tôi còn nhìn thấy ngoài vàng, hương, tiền âm phủ còn có cả tập bản photocopy in hình ông Dương Xuân Kỷ và những dòng chữ đáng trân trọng được hóa và bay lất phất trong tàn tro. Tiễn chúng tôi ra về đến tận cổng. Khi bắt tay, ông nhìn vào mắt tôi, tôi thấy đôi mắt của ông vẫn còn sáng lắm, nó ánh lên một nét nhìn bình yên và ấm áp.
Tôi xúc động, thì ra việc làm của các đồng chí trong Đảng ủy ở Mỹ Thanh đã khơi dậy niềm tự hào của con cháu người bí thư chi bộ đầu tiên của xã trong cuộc đời và cả trong sâu thẳm tâm linh, cho dù đó chỉ là những dòng chữ ngắn ngủi trên trang “Phụ lục” trong cuốn Lịch sử của đảng bộ xã.