Máy giặt di động

09:01, 04/02/2015

Những người thân thiết cùng cơ quan thường gọi đùa anh là “cái máy giặt di động”. Không phải vì người anh chỉ cao 1m50 nhưng nặng tới bảy mươi lăm cân, ục ịch, vuông vức như cái… máy giặt mà chính là bởi cái tính chăm giặt giũ của anh.

Vợ anh người mảnh dẻ, yếu đuối, giếng nước lại sâu nên anh đã tình nguyện đảm nhiệm việc giặt quần áo cho cả gia đình. Cứ sáng sáng sau khi vệ sinh cá nhân anh lại xăm xắn thu dọn cả đống quần áo rếch từ ngày hôm trước mang ra giếng phăm phăm vò, xát, giũ, kéo nước, xả nước ầm ầm. Chỉ khoảng nửa giờ, quần áo đã tươm tất phơi phóng đầy sân. Chưa một lần anh tỏ ý kêu ca với ai về cái “sứ mệnh” có vẻ hơi thiếu tính nam nhi ấy. Trái lại, anh đã thực hiện mọi việc bằng niềm say mê thực sự. Anh còn có một thói quen rất… nghệ sĩ là mỗi khi xong xuôi công việc giặt giũ, anh lại đứng ngẩn người nhìn dây quần áo vừa phơi giống như tâm trạng của một họa sĩ ngắm nghía bức tranh công phu mà mình mới hoàn thành.

 

Cái biệt danh “máy giặt di động” cũng không hề làm anh phật ý. Anh thường vui vẻ nói với một ai đó:  - Có người chồng như tớ, vợ con cũng đỡ dăm bảy triệu mua máy giặt… Mà máy giặt dù hiện đại đến mấy cũng không thể vò sạch bằng bàn tay này của tớ.

 

Do bản tính xuề xòa và chăm chỉ nên anh luôn được vợ con yêu quý.

 

Dạo ấy, nạn bồ bịch cũng đã khá tràn lan nhưng anh thì đúng là một người chồng chung thủy đến độ mẫu mực. Không có một cô gái nào trong cơ quan, dù đẹp, dù xấu, có thể phàn nàn nửa câu về sự thiếu đứng đắn của anh. Đặc biệt anh được cơ quan nể phục về đức tính không đố kỵ, bon chen. Anh luôn được thủ trưởng đánh giá cao về tinh thần cần cù, vượt khó. Có thể coi anh như một con người hoàn hảo.

 

 Mấy năm sau đó, không rõ vì mục đích đổi mới ban lãnh đạo hay xuất phát từ lòng cảm mến mà bỗng anh được cấp trên đề bạt từ phó phòng lên phó giám đốc công ty.

 

Vậy là “cái máy giặt di động” đã bắt đầu đi lại bằng ô tô con chứ không bằng chiếc xe máy cũ gỉ nữa. Dĩ nhiên, nhân viên trong công ty từ đó không còn dám suồng sã với vị phó giám đốc. Cái biệt danh “máy giặt di động” không bao giờ được nhắc tới vào những lúc anh có mặt. Tai anh bắt đầu quen nghe những tiếng “báo cáo sếp”, “thưa thủ trưởng”. Khi nhận xét về dáng vóc phó giám đốc, hai từ “ lùn tịt” đã được thay bằng từ “bệ vệ”.

 

Nhưng đấy là ở cơ quan, chứ ở gia đình thì mọi sự vẫn chưa có gì thay đổi. Dù có bận thêm nhiều việc trong chức vụ mới nhưng trước vợ con, anh vẫn là cái “máy giặt di động”. Chỉ có khác là sau đó ít lâu, anh cho xây bao quanh khu giếng một ô tường kín đáo. Sáng sáng anh vẫn giặt giũ một cách… quên mình trong ấy.

 

Cô phó phòng hành chính nói với anh bằng vẻ chân thành: - Sao sếp không mua một cái máy giặt. Đường đường là phó giám đốc một công ty lại còm cõm làm những công việc như vậy.

 

Cô kế toán trưởng cũng cười cười bảo anh:  - Thôi, hay sếp cứ thuê em hai triệu một tháng em làm thay cho.

 

Mỗi lần nghe những lời “đùa như thật” ấy, anh chỉ cười dễ dãi:

 

- Quen rồi! Với lại bà xã tôi không được khỏe. Chuyện vặt ấy mà. Tôi làm ào một cái là xong.

 

Anh xuề xòa thế nhưng sự thực thì cũng không thể nói là không bất tiện. Một buổi sáng, khi anh còn đang “hành nghề” trong cái ô tường kín đáo kia thì cô trưởng phòng hành chính lù lù dẫn đến một đối tác. Công việc kinh doanh vẫn thường xảy ra những chuyện gấp gáp, không kể thời gian như vậy. Thế là, mình trần trùng trục anh ngật ngưỡng bước ra miệng cười gượng gạo: - Xin lỗi, xin lỗi! Đang định tắm ù một cái.

 

 Anh thừa biết cô trưởng phòng hành chính khẽ quay đi kín đáo giấu nụ cười.

 

Những sự việc đại loại như thế đã diễn ra không hiếm lắm làm anh khó xử và buộc phải giả dối ít nhiều. Bởi vì, anh bây giờ là bộ mặt của công ty. Người đời thông qua anh để nhìn công ty. Thật khó chấp nhận khi khách khứa của anh toàn những người lên xe xuống ngựa, bản lĩnh đầy mình lại biết đối tác của họ là cái “máy giặt di động”.

 

Rồi, không phải ai khác, chính vợ anh cũng thấy bất tiện, đã đề nghị anh chuyển công việc giặt giũ cho chị. Để giải tỏa nhiều đường, anh đã quyết định mua một cái máy giặt.

 

Từ  ngày có cái máy giặt cố định trong nhà, cái “máy giặt di động” quả là được thảnh thơi hẳn lên. Mỗi buổi sáng, vợ anh chỉ cần gom quần áo cả nhà, nhét vào máy, bấm nút xoe xoe chừng hơn nửa giờ đồng hồ là đâu ra đấy. Khoa học kỹ thuật hiện đại thật tuyệt vời làm sao!

 

Ông giám đốc đã vào tuổi nghỉ hưu nên càng ngày anh càng bận rộn công việc cơ quan. Từ mờ sáng anh đã phải cắp cặp đi, sâm sẩm tối mới về. Và một việc tất yếu đã đến: anh là người được thế chỗ ông giám đốc.

 

*          *

 

Bây giờ, nếu ông tân giám đốc có suồng sã nói rằng: “Ngày xưa mình là cái máy giặt cho bà xã đấy” thì mọi người cũng chỉ cười gượng. Những nhân viên trẻ không được biết lịch sử cái “máy giặt di động” cũng chỉ coi đó là chuyện sếp bịa ra cho thêm phần khôi hài. Còn vợ anh tất nhiên là rất mừng trước sự thăng tiến của chồng. Ngôi nhà của gia đình được xây cất lại, tiện nghi ngày một đầy đủ. Chỉ có điều, từ ngày có máy giặt dường như như chị bị mất dần cái cảm giác mà nhiều năm qua đã trở nên quá quen thuộc với mình. Đó là việc mỗi lần mặc những chiếc áo do chính tay anh giặt lòng chị luôn thổn thức một niềm thương cảm và biết ơn vô hạn. Những tấm áo tuy chẳng đắt tiền nhưng lúc nào cũng được vò kỹ lưỡng, thơm tho, được nắng. Khoác nó trên người, chị luôn tưởng tượng ra hơi ấm từ bàn tay thân thiết của anh thấm trong từng sợi vải. Chị đã từng bao lần rơi nước mắt vì tình vợ chồng. Nhưng đấy là nói trên ý nghĩa tình cảm, chứ thực ra cái máy giặt hiện đại đã trở thành vị cứu tinh cho một người nội trợ vốn thiếu sức khỏe như chị.

 

Tuy vậy, không phải không có những lúc cái máy giặt đã làm chị buồn phiền.

 

Một lần:  - Sao cái cổ áo trắng của anh lại còn loang vết bẩn thế này?

 

Nhìn chiếc áo anh đưa ra trước mặt, chị thấy như người mắc lỗi. Quả là máy giặt vẫn có những sự cố như vậy.

 

- Chết! Để em giặt lại. Anh lấy cái áo xanh mặc tạm.

 

Giọng anh hơi xẵng:  - Em lạ thật! Hôm nay anh tiếp khách Nhật Bản, sơ mi xanh không hợp với phong thái của họ.

 

Nói rồi, anh hầm hầm mặc chiếc áo trắng không được giặt sạch đi ra ngoài.

 

Chuyện ấy đã làm chị buồn mất mấy ngày. Chị trách sự vô tâm của mình và trách cả cái “gót A sin” của chiếc máy giặt đắt tiền.  Nhưng cái “gót A sin” của chiếc máy giặt không chỉ ở chỗ ấy. Ít lâu sau, chị phong thanh nghe tin cô thư kí công ty chân dài như hoa hậu đã tình nguyện bỏ qua cái tuổi bốn tám và độ dài 1m50 của cái “máy giặt di động” để sát cánh kề vai cùng giám đốc trong mọi việc, kể cả việc trong quán karaoke. Biết thì biết vậy, nhưng chị còn làm gì được ngoài những tiếng thở dài nén lại.

                                                   

*          *

 

  Ở công ty, công việc của anh vẫn trôi trẩy. Ở nhà, chiếc máy giặt sáng nào cũng cần mẫn quay một cách vô tư. Những người am hiểu ít nhiều về vật lí học chợt nhận ra rằng khi chế tạo máy giặt các kĩ sư đã ứng dụng một lực chuyển động, gọi là lực li tâm.