Những bức tranh gợi nhớ, gợi thương

10:22, 11/02/2015

Dù ai buôn bán trăm nghề Nhớ đến tháng Chạp thì về buôn tranh...

Câu thơ trên đã phần nào nói lên được nhu cầu thưởng ngoạn tranh trong dịp Tết của nhân dân ta.

 

Tết đến, xuân về, không thể bỏ qua thú chơi tranh. Bởi "Nhất chữ, nhì tranh, tam sành, tứ mộc" đó là 4 thú chơi tao nhã của người Việt xưa. Tranh Tết, không phải chỉ người lớn mà cả trẻ em cũng rất thích. Không biết thú chơi tranh Tết có tự bao giờ nhưng khi còn bé mỗi dịp Tết về tôi thường được mẹ cho đi chợ Tết, đó là phiên chợ 24 tháng Chạp và phiên chợ 29 tháng Chạp (chợ Đu quê tôi). Sự háo hức của tôi khi đó thật khó tả tôi vô cùng thích thú, cầm mấy đồng bạc tích cóp cả năm để đi chợ Tết, với những dự định đã sắp sẵn trong đầu, đó là mua tranh treo Tết, mua câu đối và mua hoa. Ngoài ra nếu như còn tiền tôi sẽ tìm đến hiệu sách để mua vài quyển truyện về đọc trong dịp nghỉ Tết. Lòng tôi cứ rạo rực như thế cho đến khi mình được đi chợ và mua được các thứ mà mình đã dự định.

 

Tết quê ngày ấy mọi thứ giản dị nhưng cũng không kém sự hấp dẫn đối với lũ trẻ chúng tôi. Những người bán tranh thường bày tranh ngay trên mặt đất, hoặc treo dăm bảy bức lên những chiếc dây quây xung quanh chỗ bán, vậy là thành quầy tranh Tết, tuy giản đơn nhưng quầy tranh luôn đông khách, thú chơi tranh của bà con khi đó theo tôi cũng không mấy cầu kỳ, tranh chủ yếu vẽ phong cảnh như cây cối, núi non, sông suối... hay tranh đôi chim hòa bình, hoặc là tranh về các loại hoa, loài vật... vậy mà trẻ con, người lớn đua nhau mua, giá mỗi tờ tranh vẽ trên bìa cứng cũng chỉ từ 5- 7 hào, đắt lắm cũng chỉ 2 -3 đồng là cùng, người mua, người bán đều vui vẻ bình phẩm về những bức tranh vui vẻ chia tay nhau, mang về những niềm vui nho nhỏ. Những bức tranh mới màu tươi tắn sẽ được treo ngay ngắn trên tường nhà, làm bừng lên không khí xuân. Vật chất có thể thiếu thốn nhưng tranh trang trí trong mọi nhà thì không thể thiếu, đó cũng là vốn văn hóa truyền thống của người Việt đã được lưu truyền bao thế hệ.

 

Ngày nay, thú chơi “thứ nhì” này có phần khác xưa. Khác về cả cách chơi và loại tranh chọn chơi. Tuy nhiên, đối với những người có chút am hiểu về nghệ thuật tranh thì mỗi khi Tết đến, xuân về họ vẫn tìm mua dăm bức tranh Đông Hồ về treo lấy “may”. Tranh Đông Hồ đa dạng về chủng loại và mẫu mã nhưng rất nhiều người thích treo các tranh như: “Lợn âm dương”, “Tranh lợn nái”, “Tranh gà” bộ 7 tranh... với mong ước cuộc sống trong năm mới sẽ no đủ, sung túc, con cháu đầy đàn, hạnh phúc bền lâu. Ngoài những tranh như trên người ta còn cầu mong sự vinh hoa, phú quý, con cháu học hành tiến tới với những bộ tranh như: “Vinh hoa, phú quý”, “Lễ tri”. “Đức trí”... rồi những tranh phong cảnh đồng quê như : “Chăn trâu thổi sáo”, “Chăn trâu thả diều”... tranh lễ hội như “Múa lân”, “Đánh vật” ... là những tranh được rất nhiều người ưa chuộng và chọn mua trong dịp Tết này. Do nhu cầu thưởng thức nghệ thuật ngày càng cao của công chúng trong và ngoài nước, những nghệ nhân Đông Hồ đã khéo léo đưa tranh của mình vào các bộ lịch Tết để hồn quê, hồn dân tộc càng có dịp được đề cao và quảng bá rộng rãi. Những bức tranh tôn vinh giá trị văn hóa của người Việt, góp thêm một tiếng nói về đất nước và con người Việt Nam. Tranh treo Tết ở nhiều làng quê vẫn được bà con lưu giữ như một nét văn hóa riêng của dân tộc ta.

 

Mặc dù tháng năm đã qua đi nhưng kỷ niệm tuổi thơ của tôi về những bức tranh Tết vẫn còn lưu giữ mãi, mùa xuân nay đã về, những bức tranh dân gian mang hồn cốt dân tộc luôn gợi nhắc trong tôi một tình yêu nồng nàn đối với làng quê thân yêu chợt xốn xang câu thơ nổi tiếng của thi sĩ Hoàng Cầm:

 

Quê hương ta lúa nếp thơm nồng

Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong

Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp.

    Những bức tranh dân gian Đông Hồ, cùng với những tranh treo Tết khác hẳn sẽ còn là những dấu ấn riêng biệt, sống mãi với người dân Việt gợi thương gợi nhớ mỗi khi Tết đến, xuân về.