Ông Lâm mở cả hai cánh cửa chính. Nắng sớm ùa vào tràn trề cả gian nhà. Bước ra cửa trước mặt ông, một bãi chè xanh ngắt thoai thoải chạy xuống chân đồi. Nắng lấp lóa trải khắp một vùng.
Ngôi nhà ngói đỏ mới lợp lại của ông như một con thuyền nằm giữa biển chè mênh mông. Hít một hơi thở sâu không khí trong lành, lòng thư thái. Ông Lâm vốn là cán bộ ngành Y tế, về hưu chưa được một năm. Cuộc đời công tác dù có chút thăng trầm nhưng ông tự hào là đã giữ được trong sạch và cái sung sướng nhất là lại về nghỉ ngơi ở quê hương, một vùng chè có tiếng, nơi vợ con ông đã bao năm gắn bó, tần tảo chăm lo gia đình cho ông cống hiến.
Nghĩ đến nồi chè sao hôm qua, ông quay vào xúc ấm pha để thưởng thức, vừa uống hết chén, vị ngọt mơn man ở đầu lưỡi lâng lâng thì có tiếng gọi ở chân đồi: bác Lâm có ở nhà không đấy.
Đi xuống ngõ, ông nhận ra ngay gia đình cô Chuyên, y tá, nhân viên cũ, ông vồn vã:
- Ái chà, đi đâu cả nhà thế này. Xem nào, chú chả già đi mấy, còn con Phương thì lớn quá, xinh gái, chững chạc thế này, nếu gặp ngoài đường chắc bác không nhận ra. Mọi người cùng cười vui.
Cô Chuyên nhìn ông Lâm, cung kính:
- Dạ thưa bác, cũng những ngày này, tháng này vợ chồng em lại bồn chồn nhớ đến bác, nếu không gặp được bác thì không sao yên được nỗi lòng, nhất là từ lúc về hưu, chúng em bàn nhau từ năm nay, cứ đến dịp này thể nào gia đình em cũng phải lên thăm bác và gia đình.
- Ôi dào. Quan hệ cộng tác, nhất là ở ngành mình nó sâu nặng lắm nhưng nói cho cùng cũng là ân nghĩa nghề nghiệp, không nên ân huệ cá nhân với nhau nó mất cái vô tư đi cô chú ạ.
Ông Lâm nhớ rất rõ chuyện xảy ra đã mấy chục năm. Vào thời kỳ đó, ngành Y tế còn nghèo, cả huyện chỉ có một trạm y tế, ông Lâm chỉ là một y sĩ. Vì đã qua một số năm tham gia quân đội nên khi chuyển ngành về, ông được huyện giao cho làm Trưởng phòng y tế kiêm luôn trưởng trạm. Vừa làm trưởng Ban bảo vệ sức khỏe cho lãnh đạo huyện. Công việc bận túi bụi nhưng do có bà vợ làm nông nghiệp, mới có một con nên ông cứ phó thác việc nhà cho vợ, còn mải mê vào công tác chuyên môn.
Trong trạm y tế có cô Chuyên, ít hơn ông vài tuổi, làm y tá. Hoàn cảnh cô éo le. Chồng làm thợ mộc, có một con nhỏ, lại yếu. Đặc biệt là anh chồng hay rượu chè, có lúc say đánh đập vợ không tiếc tay. Bà mẹ chồng lại khó tính nên cô vừa đi làm vừa lựa tính mẹ chồng lại tất bật chăm sóc con nhỏ. Ông Lâm rất cảm thông nhưng công việc không thể miễn trừ ai, nếu thiên vị sẽ gây ra sự đố kỵ. Là người đã từng qua quân đội nên càng phải duy trì kỷ luật chặt chẽ. Bản thân ông chẳng có ai trong họ hàng có quyền chức mà nhờ cậy. Bởi vậy khẩu hiệu của ông là : Muốn tấn công địch thì trước hết phải tích cực bảo vệ ta. Do đó từng việc, từng việc ông sắp xếp cặn kẽ, lường trước mọi sơ hở. Tuy nhiên vẫn không tránh khỏi số phận dù có rào dậu kín mấy vẫn không ngăn tên rơi đạn lạc.
Đó là một đêm đông. Trời rét lại rí rách mưa. Ông vừa định khoác áo về nhà vì đêm nay không phải ca trực. Bỗng có ca cấp cứu. Đó là một người đàn ông làm nghề sơn tràng (tức là khai thác gỗ) bị cưa cắt vào bắp chân. Tuy vết thương không nặng lắm nhưng vì đi đường xa, lại không được sơ cứu nên mất máu nhiều. Đi theo bệnh nhân chỉ có mấy người cùng làm. Sau này ông mới biết họ đều là thợ chuyên trộm gỗ (lâm tặc). Không cần hỏi nhiều, ông tiêm thuốc và làm mọi kỹ thuật rồi băng lại. Thấy bệnh nhân yếu, mặt trắng bệch, ông kê dịch truyền hỗ trợ và gọi cô Chuyên là người trực y tá sang dặn dò theo dõi rồi ông đạp xe về nhà nghỉ, nhìn đồng hồ đã gần 12h đêm.
Do làm việc cả ngày và phải giải quyết ca cấp cứu đột xuất, ông ngủ thiếp đi. Bỗng có tiếng chuông điện thoại réo liên tục. Đầu dây bên kia có tiếng cô Chuyên: Bác lên ngay, cấp cứu, bệnh nhân bị sốc.
Giật mình, ông vơ vội chiếc xe đạp. May quá, trời tạnh mưa. Lên đến nơi, nhìn bệnh nhân người tím tái, thở dốc như sắp lên cơn co giật. Ông đoán ngay đây là phản ứng sốc của người bị bệnh tim. Với kinh nghiệm, ông vừa xử lý kỹ thuật vừa cho y tá làm hô hấp nhân tạo nên bệnh nhân sớm trở lại bình thường. Ông và mọi người thở phào. Nhìn cô Chuyên mặt tái không còn giọt máu mà thương cảm, chắc là cô ta sợ lắm. Hỏi ra mới biết sự việc: truyền dịch hỗ trợ cho bệnh nhân khoảng trên tiếng đồng hồ thì cô Chuyên có nhận được điện của mẹ chồng là về ngay, chồng cô say rượu đang đánh con đau lắm và chửi cả bà. Cô vội chạy sang khoa bên cạnh nhờ cô y tá bên đó sang trông dùm rồi lấy xe đạp vội về nhà. Giải quyết xong, vừa định đi thì cô bạn điện yêu cầu lên ngay vì bệnh nhân bị sốc, cô ấy lại đang có ca cấp cứu đẻ. Việc tưởng chỉ rút kinh nghiệm ở cơ quan.
Ông Lâm nghĩ đây chỉ là tai nạn nghề nghiệp. Với cái vốn kiến thức học được và kinh nghiệm qua quá trình công tác chuyên môn ông tự nhận thấy đó hoàn toàn không phải do ông chỉ định sai mà do cơ địa bệnh nhân và do theo dõi kỹ thuật chưa đúng qui trình. Ông Lâm định sẽ phê bình gay gắt cô Chuyên để làm bài học. Không ngờ trưa hôm sau, Phó Giám đốc Sở Y tế xuống, ông ấy nghe thông tin ai đó biết hết sự việc. Sau này ông Lâm mới vỡ lẽ vì bệnh nhân là cháu họ xa ông chủ tịch huyện. Phó Giám đốc sở yêu cầu kiểm điểm để xử lý. Nghĩ đến cô Chuyên hoàn cảnh éo le như thế, cô lại đang mang bầu đứa con thứ hai mấy tháng, nếu xét đúng tình huống bỏ cơ quan, vô trách nhiệm của cán bộ ngành Y thì cô sẽ bị đuổi việc là cái chắc. Ông thấy cần phải giúp đỡ nhận trách nhiệm chính về mình. Bởi vậy khi cô Chuyên nộp kiểm điểm ông bảo: Cô cứ ghi thêm là trước khi về nhà có điện hỏi tôi và tôi đã đồng ý cho về. Vì quá sợ hãi, thấy ông trưởng phòng nói vậy, cô bằng lòng ghi thêm.
Hội đồng kỷ luật ngành Y tế kỷ luật cách chức, cảnh cáo ông Lâm và điều đi lên huyện miền núi xa nhà trên 50km, cô Chuyên bị phê bình được ở lại trạm y tế.
Ông Lâm lên huyện miền núi mấy năm, vừa làm ông vừa học chuyên tu nên ông được xóa án xóa kỷ luật và được sở chuyển về làm trưởng một phòng. Còn cô Chuyên sau đó đẻ thêm cháu gái. Mang ơn ông, vợ chồng cô bảo nhau làm ăn, chồng cô bỏ nghiện rượu, nuôi hai con đều tốt nghiệp đại học.
Thấm thoát bấy nhiêu năm, nay vợ chồng cô và đứa con gái đến chơi. Cô Chuyên nói làm ông trở về hiện tại:
- Bác đang nghĩ gì mà ngẩn ra đấy. Chúng em đến báo tin vui cho bác là cháu Phương đây đã được gọi vào làm ở bệnh viện tỉnh. Các anh ưu tiên cho em nguyên là cán bộ ngành. Đấy, nếu hồi đó em bị thôi việc thì bây giờ có hạnh phúc này không. Vì chúng em mà bác chịu thiệt thòi mấy năm xa nhà, mất chức.
- Ôi dào. Tai nạn nghề nghiệp nhất là với ngành ta luôn có thể xảy ra. Mình quản lý sinh mạng, sức khỏe con người, ai cũng muốn họ chóng khỏe, chóng lành nhưng trình độ của mình có phải đâu là siêu phàm, kỹ thuật của chúng ta đâu đã là tinh xảo. Chỉ cần ta làm tròn trách nhiệm, tâm lực và hết lòng chăm sóc họ sẽ hạn chế tối đa rủi ro tức là hạn chế mức độ giảm lòng tin và đối với ta tránh được sự hối hận, sự đau khổ. Tôi được về hưu an toàn thế này là đại hạnh phúc rồi, cô chú và cháu thấy có đúng không. Còn cháu, hãy lấy bài học của người đi trước làm lời răn đe. Dù có tâm trong sáng nhưng lại phải có tri thức. Nhất là sự hiểu biết về cấu trúc, sự chuyển hóa của cơ thể con người là không bao giờ đủ.
Mọi người cười vui. Ngôi nhà xinh xắn giữa bãi chè xanh ngát ấm áp như ân tình người mẹ hiền của ngành Y tế.