Cứ có dịp ngồi tư lự tôi lại nhớ cái thời mình cón bé thơ. Thời gian có một mãnh lực trong guồng quay của nó, như con cờ trong bàn tay cuộc sống, bị cuộc sống sai khiến, chèn lấp khiến những nấc thang cuộc đời, bước này đè bước kia, khiến con người quên đi nhiều kí ức.
Nhưng rồi, vào một lúc nào đó, có một ai đó, hay một lẽ nào đó, gõ một tiếng nhẹ vào tâm trí thì bờ tim lại rung lên những cảm xúc bồi hồi, nghe sao mà mãnh liệt, dẫu cũng rất dịu êm.
Ngày ấy, bố mẹ tôi rong ruổi theo những con tàu. Những người con của biển, phó mặc mình cho những ngày trời trở sóng, nên hai chị em tôi lớn lên trong vòng tay của ngoại. Quê ngoại khi ấy trong tôi là cả một chân trời tuổi thơ đầy mơ ước với những câu chuyện cổ tích và những dải đồng thẳng cánh cò bay. Những ô ruộng cứ như những mảng màu chắp nối nhau, tạo thành những bức tranh một màu xanh tít tắp, ảo mờ màu thực. Nhưng cánh đồng hoa cải vàng rực rỡ dưới ánh nắng mặt trời cứ như những con bướm nhỏ tung bay múa xòe đủ kiểu. Ở làng quê yên tĩnh ấy, tôi thức dậy trước cả khi chú gà cất những tiếng gáy đầu tiên, quét vội mảnh sân nhỏ và lau thật sạch mái hiên chờ những người trong nhà bắt đầu ra đồng.
Mải miên man suy nghĩ, tôi thấy bà đương lục tục sửa lại quang gánh nặng trĩu. Bà tôi bán bánh canh trong chợ, quang gánh của bà chưa khi nào thôi kêu kẽo kẹt khiến người ta cảm thấy cái sự nặng dường như đang oằn lên trên đôi vai gầy của bà. Thế nhưng bước chân của bà vẫn thoăn thoắt, bà lúc nào cũng tỏ ra thật khỏe khoắn cho tôi khỏi lo. Quang gánh nặng trĩu của bà nuôi nấng tôi suốt cả quang thời gian thơ bé cho đến khi chân tôi chập chững những bước đầu tiên vào cồng trường đại học. Trong kí ức của tôi, bên những cánh diều ngập bóng tuổi thơ, những triền cát trắng phau phau bên bờ biển, cả những kí ức nghe sao thật ngốc nghếch khi xuống biển tắm đề nước biển mặn làm hỏng cái đồng hồ đeo tay khóc lấy khóc để… Còn có những lúc túi quần chứa đầy những nhánh chùm ruột chua lè, chấm muối ớt cay xè rất ngon, những hôm hái trộm vải ở vườn nhà ông Lạc rồi bị đuổi ù té chạy. Đặc biệt, tôi không thể nào quên được món bánh canh của bà. Tôi trưởng thành trong niêu bánh canh nghi ngút khói ấy, cứ mỗi sáng, bà sẽ múc cho tôi một bát thật to, bên trong đầy những riêu, những miếng chả chiên và những cọng bánh canh trắng phau phau dài dài thích mắt. Mùa lạnh, chỉ một bát đó thôi cũng đủ khiến lòng ấm trở lại. Tôi còn nhớ có những lần bà bán bánh canh trước cồng trường tôi, cái thuở bồng bột nông nổi, bị mấy đứa bạn trêu ghẹo: - Cháu bà bán bánh canh! Cháu bà bán bánh canh!
Tự nhiên tôi thấy xấu hổ, đi thẳng một đường. Và chẳng bao giờ tôi quên được ánh mắt của bà, đọng lại một nỗi buồn đã đi cùng tôi suốt quãng đường còn lại của cuộc đời. Tôi thấy việc bà làm chẳng có gì là xấu cả, ngược lại, nó còn nuôi tôi cả thời thơ bé ấy bằng những đồng tiền còm cõi của mình. Chẳng thế, những lúc rảnh rỗi, tôi đi học sớm, tôi vẫn hay phụ bà bưng bê bánh canh cho khách. Có lần, những đứa bạn trêu chọc tôi ngày ấy lại tới ăn, rồi tới nói với tôi: -Bánh canh bà mày ngon lắm!
Làm tôi vô cùng hãnh diện. Cũng quang gánh ấy đưa tôi vào giảng đường đại học, cũng là những năm tháng tôi xa bà lên phố. Vì cảnh nghèo, tôi ít có dịp về quê, nhiều lúc đi trên đường nhìn những hàng bán bánh canh với những nồi nước nghi ngút khói, tôi chợt nhớ về bà, nhớ hình ảnh người bà với quang gánh kẽo kẹt dong ruổi trên con đường quê không ngừng rao bán bánh canh. Thi thoảng có vài bức thư viết tay gửi vội lên, bà kể bà làm việc này việc kia ra điều hãy còn khỏe khoắn, khuyên tôi cố học cho tốt, rồi hãy về, lại còn dặn đừng ăn cái này, đừng nhịn cái kia mà kiếm tiền về. Ông bà vẫn khỏe. Nước mắt tôi rơi theo bức thư đến nỗi đứa bạn cùng phòng chốc chốc lại quay sang: - Sao mà khóc? Cái con khờ. Nhớ nhà đấy hả?
Rồi hai đứa ôm nhau mà rưng rức.
- Tao nhớ bà tao quá mày ạ.
- Bao lâu rồi chưa gặp nhỉ?
- Cũng hai ba năm rồi đấy mày, cứ lễ Tết tao lại lo đi làm đâu về được, tao nhớ bà, nhớ vườn với những con gà con loắt choắt chạy theo mẹ. Tao nhớ thằng cu tí hay tự phong là hiệp sĩ đuổi gà nữa cơ. Cả ông và cậu luôn dậy từ sáng sớm, lúc nào cũng nắm cơm để lại cho tao. Và tao nhớ bà với gánh bánh canh ngon. Tôi còn nhớ cánh đồng hoa cải vàng trước mặt nhà tôi, nơi tôi, con Ngọc, con Thu vẫn hay chơi trò đuổi bắt. Cả những rung động đầu đời, khi ánh nắng xuyên qua những giọt đầu tiên chiếu xen kẽ qua những cành hoa, tôi và anh bắt đầu thấy tim mình lỗi nhịp. Chưa dám gọi là tình yêu, chỉ là những rung động đâù tiên. Tối, tôi điện thoại cho ngoại:
- Sao giọng nghẹt nghẹt thế?
Con bị đau đó ngoại.
- Sao đau? Con nhỏ này, không nghe lời ngoại cái gì hết, ăn chưa… uống chưa…
Mắt tôi lại nhòe ngấn lệ.
- Hôm nào về mua cho ngoại cái gậy bằng vàng và xây cho ngoại cái tòa lâu đài đây hả? Ngoại nói rồi cười vang khiến tôi chợt sững lại. Ngày ấy, khi tôi còn bé thấy mái tranh sau nhà bị bong sau cơn bão lớn, tôi đã nói với ngoại: - Sau này con sẽ xây một lâu đài thật lớn cho ngoại ở, như thế ngoại sẽ không thấy nhà mình bị dột nữa! Rồi lại thấy ông Vang bên nhà chống gậy bước ra:
- Mua cả cây gậy bằng vàng cho ngoại chống nữa!
- Sao lại bằng vàng?
- Vì vàng là quý nhất mà ngoại. Ngoại cười: -Vàng nặng lắm, ngoại không mang nổi đâu! Cháu mua gì cho ngoại ngoại cũng thích hết. Lời ngoại ngày nào cũng văng vẳng bên tai. Ước muốn về thăm ngoại cồn cào như sóng dữ, tôi lên xe về thăm lại miền quê xưa. Bước xuống xe, đi ngang qua ngôi nhà mái ngói đỏ au ngày nào, thấy có người quảy gánh, là bà ngoại. Mái tóc ngoại đã trắng phau phau, bước chân chừng chậm rãi lắm, không còn thoăn thoắt như ngày xưa nhưng vẫn bám trụ vững chãi trước cuộc đời. Bỗng có cơn mưa rào rơi nhẹ xuống, trong đầu tôi là cả một chân trời kí ức, một mảnh áo mưa, người phụ nữ già, chân mang đôi dép tổ ong quảy gánh bánh canh, còn vươn đôi tay thật rộng che cho đứa nhỏ loắt choắt đi bên cạnh. Nước mắt lưng tròng, tôi cất tiếng gọi:
- Ngoại ơi, con đã về…