Bản lĩnh người lính

16:54, 06/04/2015

Sáng sớm ở trước cửa nhà hội trường của xã Vĩnh An đã thấy đông đảo các cụ trong Hội Cựu chiến binh của xã, ai cũng lỉnh kỉnh đồ đạc chuẩn bị cho một chuyến đi xa.

Theo giấy mời, các cụ được xã mời đi thăm chiến trường xưa. Ai cũng mặt mày phấn khởi, vì đã lâu rồi các cụ chẳng được đi thăm thú nơi này nơi kia, bởi sức khỏe ngày một yếu. Chuyến này nghe đâu Ủy ban nhân xã Vĩnh An bỏ kinh phí ra mời hơn hai mươi cụ đi thăm quan một chuyến dài ngày. Thôi già thì già, yếu thì yếu, cứ đi một chuyến dối già vậy. Ở sân ủy ban chiếc xe ca mới cứng đã chờ sẵn, ông chủ tịch Toan ăn mặc lịch sự, với giọng trầm ấm:

-           Cháu xin mời các cụ vào hội trường để cháu thưa mấy lời rồi xuất phát ạ!

Khi mọi người đã ngồi yên vị trên các chiếc ghế, Chủ tịch Toan cất tiếng:

-           Kính thưa các cụ, hôm nay ủy ban nhân dân xã mời hai mươi năm cụ, là những cựu chiến binh, thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng, tiêu biểu trong sản xuất và là tấm gương sáng của xã ta đi thăm quan một chuyến. Tuy hơi xa nhưng Ủy ban đã chuẩn bị đầy đủ về mọi mặt, miễn sao các cụ khỏe mạnh, đi về an toàn.

Ông trung tá Bình, vốn là người mau mồm mau miệng nhất, liền đứng lên:

-           Thưa đồng chí chủ tịch, chúng tôi cảm ơn thịnh tình của ủy ban nhưng tôi xin hỏi khí không phải là: kinh phí cho chúng tôi đi thăm quan lần này lấy ở đâu ra!

Cả hội trường nổi lên những tiếng xì xào, bàn tán... đến lượt ông thiếu tá Đức, thương binh loại một, cụt một chân, mất một tay, tay còn lại tay vịn vào mép bàn, đứng lên:

-           Tôi cũng nhất trí với  câu hỏi của ông Bình, xin đồng chí chủ tịch nói cho rõ, chúng tôi đi thăm quan mới yên tâm.

Thấy hai ông có ý kiến như vậy, Chủ tịch Toan tự tin:

-           Thưa các cụ, Xin nói rõ cho các cụ biết, đây là số tiền mà doanh nghiệp Lợi Lộc đang thực hiện dự án trên đất của xã ta bỏ ra mời các cụ ạ!

Vừa nghe hết câu trả lời của ông chủ tịch, ông thiếu tá Tuấn bật dậy như chiếc lò xo:

-           Thế thì không được rồi! Nói thẳng với ông chủ tịch nhé, doanh nghiệp Lợi Lộc này được xã ưu ái cho thuê gần ba mươi ha đất nông nghiệp để xây nhà dưỡng lão và trường mẫu giáo, nhưng bốn năm qua họ chẳng xây dựng gì cả, chỉ xây nơi đó làm nơi vui chơi giải trí, nhà nghỉ. Họp bao nhiêu lần chất vấn chủ tịch mà chủ tịch vẫn không giải quyết, đơn chúng tôi gửi lên xã, lên huyện cũng không giải quyết. Như thế chúng tôi đi sao được.

Ông Tuấn vừa ngồi xuống, ông Tú lại đứng lên:

-           Xin thưa với ông chủ tịch và các đồng chí, tưởng Ủy ban xã dư dật đồng tiền, mời chúng ta đi thăm chiến trường xưa, không ngờ đây lại là tiền của người khác! Chúng tôi không phải là những người đi ăn xin, chúng tôi có lương, được nhà nước đãi ngộ đàng hoàng. Ai đi thì đi, còn tôi, tôi ở nhà.

 Nói xong, ông Tú cầm đồ đạc, ra khỏi hội trường. Thế là hơn mười ông khác cũng bảo nhau ra về.

   Cực chẳng đã, nhưng để tỏ ra cái oai của mình, chủ tịch Toan vẫn cố mời bằng được số các cụ còn lại lên xe. Xe chuyển bánh, nhưng không khí trên xe trầm lắng, chẳng ai bắt chuyện với ai. Xe chạy được vài cây số, ông Đạt thương binh cụt tay ngồi cạnh ông Phú, bảo:

-           Ông Phú ơi, tôi thấy nó thế nào ấy, mình đi chuyến này là không phải với bà con trong làng ngoài xã. Tôi xuống xe về nhà thôi!

Rồi ông kêu toáng lên yêu cầu xe dừng. Chiếc xe vừa ép vào lề đường, ông Đạt  xuống xe và bảo:

-           Tôi thấy đi chuyến này không ổn! họ xin tiền để cho anh em mình đi ăn chơi, tôi về đây.

Nghe ông Đạt nói vậy, ông Phú và hơn mười người trên xe chẳng ai bảo ai, cùng nhau xuống xe vẫy xe khác về nhà. Chiếc xe trở lên rỗng không, chỉ còn trơ lại ông chủ tịch Toan và vài ba người của ủy ban nhân xã.

          Làng quê của xã Vĩnh An vốn yên tĩnh, thanh bình bao nhiêu năm nay, bỗng sôi lên sùng sục bởi cái dự án của doanh nghiệp Lợi Lộc. Ban đầu doanh nghiệp xây dựng dự án lấy gần ba mươi ha đất nông nghiệp của xã xây dựng khu dưỡng lão và xây dựng nhà mẫu giáo. Nhưng, lấy đất xong, doanh nghiệp xây luôn khu vui chơi giải trí, hát hò suốt ngày suốt tháng, rồi khu ăn uống đặc sản, khách  các nơi đổ về đông như đi hội. Trẻ con, thanh niên trong làng, làm được đồng nào là đến tiêu vào đó cả. Ông Bình là hội trưởng Hội Cựu chiến binh xã, vốn là một người vào sinh ra tử ở chiến trường, cùng Ban Chấp hành Hội đã nhiều lần phản ảnh trực tiếp với lãnh đạo xã, rồi ông lên cả huyện, nhưng chuyện đâu vẫn đó. Lần này ông lại quyết định lên huyện.

   Sáng sớm, ông Bình cùng ông Đức đèo nhau bằng chiếc xe máy cà tàng đến Hội Cựu chiến binh huyện. Hai ông vào phòng ông Chủ tịch Hội, may quá ông Thạch có nhà:

-           Chào hai ông, hai ông đi đâu mà sớm vậy?

-           Đi đâu thì ông biết rồi, chúng tôi lên xem ông và lãnh đạo huyện giải quyết đề nghị của bà con chúng tôi ra sao!

Ông Thạch mời hai ông ngồi, rồi cầm ấm đi pha chè: - Chè ngon Thái Nguyên, ông bạn cùng đơn vị ngày xưa với tôi vừa gửi cho một ít, hai ông uống chén nước đã.

-           Nước với nôi gì, bà con nóng lòng mong các ông giải quyết thì các ông cứ đủng đỉnh, ngày xưa ở mặt trận mà như vậy thì chết cả nút chứ chẳng bỡn.

-           Uống nước đi tôi báo tin vui cho hai ông huyện vừa biết là hôm nọ các ông tẩy chay chuyến đi thăm quan do doanh nghiệp Lợi Lộc chi tiền phải không?

-           Ờ thì anh em người ta không ai đồng ý với cách hành xử của doanh nghiệp Lợi Lộc, chúng tôi cũng vì bà con, hơn nữa bản lĩnh của người lính chúng ta không cho phép chúng tôi cúi đầu trước những sai trái làm thiệt hại đến lợi ích của nhân dân. 

-           Thôi nào, hai ông ở đây ăn cơm trưa với tôi, lâu rồi chúng ta không gặp nhau hàn huyên nhắc lại những ngày ở chiến trường. Chú Tư, chủ tịch ủy ban nhân huyện vừa cho tôi biết là huyện ủy đã có nghị quyết giải quyết dứt điểm dự án ở xã hai ông, không thể để lần khất mãi, dân người ta kêu. Phải sử dụng đúng mục đích để phát huy hiệu quả hai ông ạ.

-           Thế thì dân xã tôi vui quá rồi!

Nói xong cả hai ông cầm mũ đội lên đầu, chào ông Thạch:

-           Chúng tôi về thôi! Để báo tin vui cho bà con, hôm nào huyện về giải quyết, ông về thăm chúng tôi, lúc đó mời ông thưởng thức toàn thực phẩm tự sản tự tiêu của nhà quê. 

Nói xong hai ông bước vội ra khỏi phòng.

Ngày ủy ban nhân dân huyện công bố quyết định  cưỡng chế doanh nghiệp Lợi Lộc bà con trong xã Vĩnh An quần áo chỉnh tề, tận mắt chứng kiến lãnh đạo huyện, đọc quyết định cưỡng chế doanh nghiệp Lợi Lộc thuê đất sử dụng sai mục đích. Ông Tư thay mặt Ủy ban nhân huyện vừa đọc xong quyết định cả hội trường vỗ tay rầm rầm.

Xã Vĩnh An đã trở lại thanh bình như thuở nào, khu đất ấy  do Ủy ban nhân huyện Bảo Hòa đầu tư, bây giờ mọc lên nhà dưỡng lão khang trang, bên cạnh đó là nhà mẫu giáo đạt chuẩn cũng hiện diện, giờ ra chơi tiếng bọn trẻ bi ba bi bô vang động khắp cả một vùng. Các cụ cựu chiến binh, các ông lão thương binh, bệnh binh, người cao tuổi vuốt chòm râu bạc, đứng nhìn, lòng tự hào của người lính dâng lên, các cụ mỉm cười tràn trề niềm vui. 

Kể từ ngày ấy, các cụ cựu chiến binh, thương binh, bệnh binh và người cao tuổi của xã Vĩnh An đi đến đâu cũng được người già, trẻ nhỏ tỏ ra tôn kính và thán phục. Đúng lả bản lĩnh của người lính không bao giờ nguội trong lòng các cụ.