Ngày cuối tuần tôi đang chuẩn bị lau cánh cửa, kê dọn lại phòng khách thì có tiếng chuông điện thoại. Đầu bên kia là giọng nói quen thuộc của ông Lục, hàng xóm:
- Chú Xuân hả. Chú sang ngay. Anh có tin vui đây.
- Vâng.
Ông Lục lúc còn trẻ cùng làm nghề dạy cấp 1 với tôi nhưng ông xung phong vào quân đội, chiến đấu ở miền Nam mười mấy năm, bị thương, trở thành thương binh hạng hai. Sau khi giải phóng miền Nam ông về trở lại ngành, nhưng vì sức khỏe nên ông được bố trí làm công tác hành chính ở một trường trung cấp chuyên nghiệp, rồi ông nghỉ hưu, mua nhà ở gần nhà tôi. Trông ông vừa có tác phong lịch thiệp, sâu sắc của nhà giáo lại vừa có tính thẳng thắn cương trực dứt khoát của người lính. Ấy vậy mà gia đình ông chẳng có gì khá giả, ông bà về hưu lương lại thấp nên ông tuy tuổi quá bẩy mươi vẫn phải túc tắc chạy xe ôm. Tôi thích tính tình cởi mở với bạn bè hàng xóm và sự cống hiến vô tư cho bà con của người cựu chiến binh ấy. Ông có đến gần hai chục năm làm công tác tổ dân phố, với tôi, có gì vui buồn, ông đều tâm sự.
Thấy tôi sang, ông ra tận hè kéo tôi vào nhà. Đưa cho tôi một tờ giấy gấp tư ông dục:
- Chú đọc đi, để chia vui với anh.
Đọc một mạch lá thư viết chỉ vừa kín một trang giấy học trò. Đây là lá thư một người cùng chiến đấu với ông ở miền Nam.
Đọc lá thư tôi biết người lính này có sự cảm phục, có sự hàm ơn ông Lục. Thấy tôi ngồi thừ ra suy nghĩ, ông vỗ vai kể:
Vào khoảng đầu năm 1973, bộ đội ta đã vào sâu nhiều vùng xen kẽ ta và địch. Chuẩn bị cho trận đánh lớn có tính chiến lược nên một số trận được tổ chức khá bất ngờ để thăm dò phản ứng và cũng là đánh lạc hướng, nếu có cơ hội là tiêu hao lực lượng của chúng. Tuy nhiên, các trận đánh này thường rất quyết liệt. Vào một đêm trung đội tôi được lệnh di chuyển đến một ngọn núi cách đường I Sài Gòn - Gia Định khoảng vài cây số. Tôi cùng 25 anh em, toàn người nhanh nhẹ, đến lưng chừng núi thì dừng lại đào hầm. Tôi thăm dò thì đất quả núi này cứng khủng khiếp, lia xẻng vào tóe lửa. Không thể không đào vì có hầm mới đảm bảo sinh mạng và mới tổ chức được chiến đấu. Tôi bảo Tuấn, người Hải Dương là một thanh niên trẻ nhất, đào thử. Mặc dù là con nhà nông nhưng Tuấn cũng chị ghẹ được ít một. Cả đơn vị theo định vị mà tôi đào. Tôi và Tuấn cùng chung một hầm. Thấy Tuấn thở dốc tôi cầm xẻng đào thay. Là người miền núi có kinh nghiệm hơn nhưng tôi cũng cảm thấy đất sỏi cơm ở đây sao lại đặc biệt đến thế. Gần sáng mà người đào sâu nhất cũng chỉ được 40cm. Đã sắp đến giở nổ súng, tôi động viên anh em vừa đào tiếp vừa ngụy trang. May quá, qua lớp đất đá cứng ấy lại là lớp đất mềm hơn, nên khoảng 6 giờ thì cơ bản hoàn thành. Tôi bảo Tuấn: Vị trí này tuy dễ quan sát nhưng dễ là mục tiêu của địch, nhất là tầm pháo xe tăng nên phải cẩn trọng, vừa bắn vừa ẩn cho hợp lý. Đúng 7 giờ thì thấy có nhiều xe tăng của địch từ Sài Gòn đi ra và một số ngược theo núi đi lên. Một số đơn vị bạn đã nổ súng. Thấy lực lượng ta mạnh nên chúng huy động ngay phản lực, cánh bằng, trực thăng hỗ trợ. mấy cái cán gáo, cá nẹp bay sát mặt đường vòng qua vòng lại uy hiếp. Trận đánh trở nên quyết liệt. Trong đất đá, khói đạn bay trong mù mịt, chúng tôi chiến đấu anh dũng. Địch bị bắn cháy mấy xe tăng làm anh em phấn chấn. Bất ngờ hàng loạt đạn pháo tăng và đạn cối của địch bắn vào đội hình. Một số anh em bị thương. Tôi đang nằm giữa đội hình thì có tiếng ai báo cáo Tuấn bị thương nặng. Tôi chạy lại thấy Tuấn nằm im bất tỉnh trong hầm, mặt tái ngắt. Thấy đầu, chân, tay không việc gì, tôi luồn tay vào trong, giật mình vì hơi máu nóng xối vào bàn tay. Tôi biết Tuấn bị vào vùng bụng và ngực. Tôi thông báo cho cứu thương để chuyển Tuấn xuống chân núi cấp cứu. Vừa lúc đó, pháo của ta bắn cấp tập và thấy địch có biểu hiện giảm phản kích. Đoán được chiến thuật của ta là yêu cầu trận đánh đã đến đích đề ta, cũng là lúc chúng tôi được lệnh rút lui. Một số đơn vị bạn ở lại kìm chân địch. Trung đội tôi ba người hy sinh và năm người bị thương. Tôi kéo mấy anh em đến trạm xá tiền phương thì bác sĩ bảo: Tuấn bị thương cả ngực và bụng vì đạn cối, vết ở ngực nhẹ hơn. Phần ở bụng bị băm nát cả đoạn ruột, mất quá nhiều máu, mà máu loại này đang khan. Tôi và anh em xin hiến máu luôn. May quá tôi và một cậu nhóm máu với Tuấn. Bác sĩ lấy máu của tôi xong, khi chuẩn bị lấy máu cậu lính trẻ kia thì tôi thấy da mặt cậu xanh xao yếu ớt, dáng mảnh dẻ. Tôi nghĩ chắc mới qua sốt rét nên tôi bảo bác sĩ là tôi khỏe, lấy máu tiếp của tôi cho đủ. Bác sĩ tỏ ra ngần ngại. Tôi bảo: Tôi là người miền núi, khỏe như voi, đồng chí cứ lấy thêm máu không sao. Thật may. Tuấn bị cắt mất 40cm ruột và sau khi mổ được chuyển về bệnh viện tuyến ngoài điều trị. Từ đó, do phải di chuyển đơn vị nên tôi không gặp lại Tuấn. Đến cuối năm 1974 tôi cũng bị thương nặng và chuyển ra hậu phương. Anh em cũng chẳng có lúc nào nghĩ đến nhau. Chuyện cứu chữa cho nhau trong triến trường là chuyện hết sức bình thường chẳng có gì đáng kể, thế mà cậu ấy viết thư nói ơn huệ có vẻ nghiêm trọng lắm. Chuyện của tôi hoặc tương tự có mà hàng vạn, hàng triệu ấy chứ.
Nghe ông kể, tôi thực sự cảm động nhiều lúc người ta giúp nhau vô tư nhưng người được giúp thì lại thấy sâu nặng nghĩa tình. Tôi thắc mắc:
- Thế sau bao nhiêu năm sao ông ta biết bác ở đây mà liên lạc.
Ông cười đôn hậu, chậm rãi:
- Đấy là cái duyên. Lại vẫn chuyện tiếp máu. Năm ngoái tôi tham gia vào đội xe ôm nhân đạo để giúp đỡ hỗ trợ người thương tật, tai nạn giao thông. Ai nghĩ ra việc này phải là người có tâm lắm. Hôm đó cách đây khoảng nửa năm đang đứng ở ngã từ chờ khách thì có mấy người đi xe máy qua kêu có tai nạn, tôi phi xe đến thì thấy một cảnh đáng sợ: Một xe ô tô đâm vào xe máy. Chiếc xe bẹp dúm văng sang bên kia đường, người thanh niên nằm sấp bất tỉnh, máu ở đùi chảy ra lênh láng. Tôi lập tức gọi tắc xi bế ngay người đó lên xe đưa vào viện. Thấy cần cứu người nên tôi nhận luôn là người nhà, ứng tiền nộp viện phí. Bác sĩ bảo là không nặng lắm nhưng bị gẫy xương hở và vào động mạch đùi nên chảy mất quá nhiều máu cần tiếp để mổ ghép xương, nối mạch nhưng nhóm máu này kho đang bị thiếu quá. Thấy lại đúng nhóm máu của mình nên tôi đồng ý cho máu. Bác sĩ ngần ngại vì thấy tôi tuổi cao, những tôi bảo: “Quý nhất lúc này là cứu người, lấy được bao nhiêu máu xin bác sĩ cứ lấy, tôi tình nguyện”.
Sau đó có người nhà anh ta đến nên tôi ra về, không kịp hỏi han gì thêm.
Bẵng đi mấy tháng sau, một hôm bố con người thanh niên bị nạn hỏi thăm đến nhà tôi cảm ơn.
Ông chỉ kém tôi vài tuổi, cũng từng đi bộ đội, tham gia chiến dịch giải phóng Sài Gòn, đã nghỉ hưu. Cậu con trai út đang học đại học nhưng có thói quen phóng xe nhanh. Chúng tôi cùng nhau cảm thông.
Chuyện chỉ có thế, nhưng việc làm vô tư của tôi đã được hệ thống camera của bệnh viện ghi lại, họ biết tôi không phải là người nhà của người thanh niên kia nên đã đưa lên truyền hình mục “người tốt việc tốt”. Tuấn xem truyền hình và nhận ra tôi tìm hỏi địa chỉ rồi viết thư, gửi quà, hẹn sẽ ra thăm tôi sau. Mình giúp người vô tư nhưng những người được mình giúp cứ coi trọng như thế, làm sao được.
Nói rồi ông Lục bưng hộp giấy nặng ra đưa cho tôi. Ông thò tay bốc một nắm kẹo lạc để ra bàn mời:
- Chú ăn kẹo đi. Đây là kẹo Sóc Trăng đấy. Chú Tuấn gửi quà cho tôi. Tuy mẫu mã không đẹp nhưng là nhà chú ấy làm để ăn. Ngon lắm, thơm lắm! Cốt ở tấm lòng chúạ. Tôi sẽ mời cả tổ thưởng thức kẹo của Tuấn.
Cầm cái kẹo, tôi chưa ăn vội. Xoay xoay như một món đồ quý, bóc ra đưa lên để thưởng thức hương thơm mùi lạc, mùi quả chín trong Nam. Nhìn khuôn mặt rạng ngời của ông Lục, bấy giờ mới hiểu lời lẽ trong bức thư của ông Tuấn: “Bác là ân nhân đời đời của chúng em. Bởi vì bác và các con em đều cùng nhóm máu. Bác đã cứu em trong lúc nguy cấp nhất giữa cái sống cái chết. Chúng ta có cùng dòng máu người chiến sĩ, người bộ đội cụ Hồ”.
Nắm bàn tay ấm áp của ông Lục, ngắm nhìn ông tôi chợt nghĩ, dân tộc ta thắng hai đế quốc to là bởi vì có những con người như ông Lục, ông Tuấn.