Kỷ vật của cha tôi

09:20, 01/04/2015

Từ sáng sớm, cha tôi đã mở cửa nhà trưng bày và cùng cả nhà chuẩn bị cho buổi liên hoan. Hôm nay, những người bạn chiến đấu của ông trong chiến dịch lịch sử mùa Xuân năm 1975 họp mặt kỷ niệm ngày truyền thống.

Chục năm nay, khi xây xong ngôi nhà mới khang trang hơn, cha tôi cho cải tạo căn nhà cũ làm nơi trưng bày hiện vật của đồng đội trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

 

Khi chuyển ngành về làm công nhân nhà máy cơ khí, gia tài của cha chỉ là chiếc ba lô con cóc đựng mấy bộ quần áo, chiếc bi đông và cái bát sắt tráng men đã sứt sẹo. Cha giữ gìn cẩn thận như món đồ quý giá.

 

Một lần mở tủ lấy ra phơi, cha tôi kể: Bộ quần áo có vết rách và thâm đen là vết đạn và máu đồng đội đã hy sinh, ông mặc khi cùng sư đoàn trên đường tiến quân giải phóng Sài Gòn. Bộ mới hơn ông mặc sáng 29- 4. Hôm đó nhận lệnh của chỉ huy đúng giờ D sẽ đồng loạt nổ súng và tiến vào thành phố, không ai bảo ai, những người lính đều lấy bộ quần áo mới nhất để mặc. Thời khắc lịch sử của dân tộc, cũng là giờ phút sinh tử của người lính trong trận đánh cuối cùng, giả sử có chết thì cũng chết cho đàng hoàng, còn nếu vào được thành phố thì khỏi nói… Bộ quần áo cũ mặc hơn chục ngày thay ra được anh em đút vào ba lô. Mọi người đùa nhau: “Vào Sài Gòn tha hồ tắm giặt, sạch sẽ mà đánh đấm chả ra gì cũng vứt.” Còn cái bát và bi đông nước, cha bảo những người lính coi đó là vật bất ly thân. Hành quân chiến dịch hoặc giữ chốt, không có cái bi đông thì chỉ còn cách chụm tay múc nước ruộng uống. Nhưng bi đông cũng chẳng mấy khi đựng nước đun sôi để nguội, có nước giếng đổ vào đã là tốt, còn thì chỉ cần nước suối, nước sông, thế mà bụng dạ chẳng ai bị làm sao.

 

 Nhiều lần cha tôi được đơn vị cũ liên hệ triệu tập đi tìm và quy tập hài cốt liệt sĩ, vì ông là người trực tiếp chôn cất nhiều chiến sỹ hy sinh. Trận mạc liên miên, hy sinh ở đâu chôn ngay ở đó, chỉ lấy gốc cây mô đá làm dấu, không thể có sơ đồ mộ chí như trong nghĩa trang. Lần nào cha tôi cũng mang về một số hiện vật còn lại trên các chiến hào, hoặc dưới mộ chí đồng đội như: Cây súng AK đã bị dập nát, đôi dép cao su, chiếc hăng gô, chiếc lược làm từ xác máy bay giặc… Một đêm mùi khói hương tỏa khắp căn nhà, tôi tỉnh giấc thấy cha ngồi trước ban thờ chắp tay lầm rầm khấn vái. Tôi lại gần, ông nhỏ nhẹ: “Bố mơ thấy đồng đội trở về. Cái đầu đạn này bố nhặt từ hài cốt chú Phác, mảnh đạn pháo kia trong hộp sọ chú Đông… Có rất nhiều đầu đạn, mảnh đạn pháo, mảnh bom nằm trong các hài cốt liệt sĩ, cái có tên, cái vô danh được cha cẩn thận bọc trong các túi ni lông. Để giúp ông lưu giữ những hiện vật, tôi đóng mấy chiếc tủ kính và đặt lên trân trọng. Cha lặng đi nhìn tôi không nói nhưng tỏ vẻ hết sức vui mừng.

 

Một lần đi thăm người cháu xây dựng kinh tế mới tại Lâm Đồng, cha tình cờ phát hiện chiếc xe Zép của Mỹ đắp chiếu bên trái bếp nhà người hàng xóm. Nhìn vết đạn găm trên góc nắp ca bô, ông bất ngờ nhận ra chiếc xe chiến lợi phẩm, tiểu đội ông đã cắm cờ giải phóng và sử dụng trong các cuộc tiến quân đánh chiếm mấy thị trấn, thành phố. Giữa đường xe hết xăng, tiểu đội phải bỏ lại và tiếp tục lên xe tăng trong đội hình hành tiến. Người chủ khi biết sự tích chiếc xe và lúc ông đặt vấn đề mua liền niềm nở: “ Xe hỏng lâu rồi chờ bán sắt thép vụn, nếu bác lấy, thôi thì chẳng tiền nong gì, chỉ làm một bữa tươi, tươi.” Sau bữa nhậu say “bê xê lết” sang đổi chủ, ông kỳ cạch chữa nhưng không được, đành thuê xe kéo ra quốc lộ, rồi lại thuê xe chở hàng kéo ra Bắc.

 

Qua vài buổi họp mặt, số hiện vật của cha tôi ngày càng nhiều do đồng đội góp lại, để mỗi lần gặp nhau cùng nhớ về một thời chiến đấu. Không biết ai liên hệ, nhiều đồng đội cũ của ông cư trú tại phía Nam cũng gửi ra những hiện vật lưu giữ, sưu tầm được. Từ chiếc máy bộ đàm lỗ chỗ vết đạn, đến khẩu B40 bom phạt gãy đôi, chiếc ống nhòm bị đạn xuyên thủng… Chính vì vậy khi có chút vốn liếng tích cóp, cha tôi quyết định dành toàn bộ căn nhà cũ làm nơi trưng bày các hiện vật và lấy chỗ cho đồng đội gặp gỡ sinh hoạt thường niên. Nhiều năm nay, căn nhà như một bảo tàng thu nhỏ, không chỉ cựu chiến binh mà cả các cháu học sinh cũng được thầy cô đưa tới tham quan trong các tiết học ngoại khóa… Hàng tuần, đồng đội của cha thay phiên nhau tới dọn dẹp nhà trưng bày, cắt tỉa vườn cây cảnh…

                                                *

Tôi đang chuẩn bị mở máy chiếu cho đồng đội của cha, những người trực tiếp cầm súng trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy nùa Xuân năm 1975 xem lại bộ phim tài liệu về chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử thì một chiếc xe con đỗ xịch ngoài cổng. Xuống xe là một sĩ quan mang quân hàm đại tá, ngực lấp lánh huy hiệu cựu chiến binh và huân huy chương. Cha tôi và những người đồng đội chạy ùa tới ôm lấy ông mừng rỡ:

 

- Trời ơi! Thủ trưởng Hiếu. Bọn em nghe nói thủ trưởng ở trong Nam, vẫn nhận quà của thủ trưởng mà không có điều kiện vào thăm.

 

Người thủ trưởng cũ của cha cười tươi nhưng nước mắt giàn giụa:

 

- Anh em mình bên nhau giữa bom đạn, giờ mỗi người một nơi, gặp được nhau thế này thì còn gì bằng. Sau giải phóng, tớ lại tiếp tục cùng đơn vị bảo vệ biên giới Tây Nam, sang cả Campuchia giúp bạn… Lần này ra Bắc dự hội nghị, tớ liền bảo thằng cháu đưa xe lên đây. May quá được gặp anh em!

 

Tôi thực sự ngạc nhiên khi đã bốn mươi năm, người thủ trưởng của cha vẫn nhớ và gọi tên từng người có mặt ở đó. Ông đi một vòng, rưng rưng ngắm nhìn từng hiện vật trong căn nhà trưng bày. Đứng trước tủ kính đặt đầu đạn lấy từ  hài cốt liệt sĩ Phác, ông bất chợt hỏi:

 

- Cậu Phác kết nạp Đảng cùng ông Thạch tại trận địa cầu An Thới cũng tìm thấy hài cốt rồi ư? Tôi không ngờ vừa kết nạp Đảng, ba mươi phút sau cậu ấy đã hy sinh.

 

- Vâng! Cha tôi ngậm ngùi: - Em chôn cất cậu ấy dưới gốc cây long não, chỉ kịp đặt hòn đá làm dấu. Cây long não không còn nên mất nhiều ngày mới tìm thấy mộ. Em vẫn còn giữ được mảnh giấy của thủ trưởng kết nạp cậu ấy vào Đảng đây ạ! Vừa nói, cha tôi vừa mở chiếc xà cột trong ngăn tủ lấy ra mảnh giấy nhỏ như được xé vội từ sổ tay cha tôi ép giấy bóng kính, mảnh giấy chỉ vỏn vẹn mấy dòng chữ: “Chi bộ đại đội 2, tiểu đoàn 4 trung đoàn 633… Kết nạp đồng chí Trần Văn Phác và Phan Ngọc Thạch vào Đảng tại trận địa An Thới ngày 25-4-1975. Thay mặt chi bộ: Bí thư, chính trị viên: Vũ Ngọc Hiếu.”

 

Tôi chưa bao giờ nhìn thấy mảnh giấy nhỏ này và cũng chưa bao giờ được cha kể về chuyện được kết nạp đảng trên trận địa. Thấy tôi đứng bên cạnh chăm chú, người thủ trưởng vỗ vai tôi:

 

- Con trai ông Thạch giống bố như đúc! Rồi ông nói chậm rãi: - Trong trận đánh căn cứ và cầu An Thới, đại đội trưởng hy sinh, bác được cấp trên giao chỉ huy đơn vị chốt chặn địch phản công phá cầu cản đường tiến quân của ta. Đại đội thiếu quân số chưa được bổ sung chỉ còn mấy chục chiến si, nhưng toàn đơn vị vẫn chiến đấu kiên cường, đẩy lui tất cả các đợt tấn công của địch. Chi bộ lúc đó chỉ còn mình bác và một đồng chí nữa đã bị thương. Sau khi hội ý chớp nhoáng, bác quyết định kết nạp hai đồng chí vào Đảng. Lúc đó toàn đơn vị ai cũng xứng đáng, nhưng bác chọn hai đồng chí tiêu biểu nhất. Ngay tại vị trí chiến đấu, chỉ với lá cờ cách mạng cắm trên điểm chốt, bác tuyên bố kết nạp hai đồng chí vào Đảng. Lúc đó, bác chỉ kịp xé vội sổ tay viết tờ giấy này, đề phòng trường hợp bác hy sinh, tổ chức có cơ sở ra quyết định. Chỉ ít phút sau, địch lại đưa xe tăng, xe bọc thép phản kích dữ dội. Đồng chí Phác và bố cháu đã tuyên thệ bằng máu của mình. Cũng may bố cháu chỉ bị thương nhẹ và tiếp tục chiến đấu. Tôi lặng người xúc động, chưa kịp nói câu gì thì người thủ trưởng đã quay sang cha tôi: - Đây cũng là một hiện vật có ý nghĩa, sao anh không đưa ra trưng bày?

 

  Cha tôi gãi đầu, lúng túng:

 

  - Dạ! Em luôn coi mảnh giấy này là một kỷ vật. Nhưng mỗi chiến công đều có xương máu của bao nhiêu người. Em không dám trưng bày kỷ vật của riêng mình thủ trưởng ạ!

 

Không khí căn phòng trầm hẳn lại. Mọi người ngỡ ngàng khi biết cha tôi bấy lâu nay chỉ trưng bày kỷ vật thuộc về đồng đội, nhưng lại giữ kín kỷ vật của ông.

 

Tôi cảm thấy mình thật nhỏ bé và không thể hình dung nổi năm tháng ấy, những người lính có một động lực mạnh mẽ đến nhường nào mà họ sẵn sàng dâng hiến cả cuộc đời cho Tổ quốc nhẹ nhàng đến vậy?... Nhìn những gương mặt đồng đội của cha, lòng tôi bất chợt trào lên một cảm xúc thật kỳ lạ. Không để vuột mất hình ảnh sống động, tôi vội vã bấm máy ảnh, mong muốn ghi lại những khoảnh khắc đẹp làm kỷ vật cho mình…