Ông là giáo sư của một trường đại học danh tiếng. Suốt mấy tháng nay ông cất công nghiên cứu một công trình khoa học lớn. Công trình này không chỉ có giá trị học thuật mà còn là một đòn đánh thẳng vào một nhóm học giả đang có ý đồ bóp méo một hiện tượng văn học xa xưa của lịch sử văn học nước nhà.
Đúng vậy! Họ có thể lừa ai chứ với một chuyên gia dày dạn kinh nghiệm cùng những kiến thức uyên bác về văn học trung đại như ông thì sao có thể che mắt được.
Sáng hôm nay có cuộc hội thảo mà bản tham luận của ông khi đọc lên sẽ nhằm đập tan ý đồ lừa đảo của nhóm nghiên cứu nọ.
Ông đĩnh đạc xách cặp ra cổng, rút điện thoại gọi taxi.
Kế bên nhà ông, người láng giềng đang cắm cúi bên chiếc xe máy đờ- rem bóng nhẫy với vẻ mặt cau có. Ngón tay anh ta cứ vuốt vuốt mãi vào một vết sơn bị xước trên ghi đông xe, tỏ vẻ rất xót xa.
Giáo sư gọi tới ba lần mà không có cái taxi nào bắt lời. Ông đưa tay xem đồng hồ. Chỉ còn chừng năm phút nữa là đến giờ khai mạc hội nghị. Nguy cơ cái tham luận của ông sẽ bị phá sản, không còn dịp tốt nào để công bố nữa. Lòng giáo sư như có lửa đốt. Vẻ nôn nóng mỗi lúc một hiện rõ trên gương mặt ông.
Những cử chỉ của giáo sư không lọt khỏi cặp mắt tinh đời của người hàng xóm. Anh ta ngẫm nghĩ một lúc rồi khẽ gật gù, hình như nghĩ ra một kế hiểm. Anh ta ngó sang nhà bên, cất tiếng bằng một giọng đầy quan tâm:
- Mưa gió thế này, taxi nó đông khách nên không thích chạy đường ngắn đâu cụ ơi. Thôi, để con gọi thằng Thắng còi đưa cụ đi. Nó rỗi rãi, suốt ngày ngồi đánh tá lả, đưa cụ đi chỉ một loáng là xong thôi mà.
- Vậy thì phiền chú quá!
- Dào ôi! Hàng xóm không giúp nhau lúc này thì còn lúc nào nữa hả cụ. Con biết mỗi phút đối với cụ là quý lắm, quý hơn cả vàng bạc ấy chứ.
Chà! Sao cậu ta biết thì giờ đối với mình quả là còn quý hơn vàng bạc. “Cụ” giáo sư cảm động nhìn người hàng xóm. Ồ! Hóa ra ở đời này còn có nhiều người tốt, biết quan tâm đến người khác. Giáo sư nhìn người hàng xóm, chợt lòng dấy lên chút áy náy vì lâu nay quá mải mê với công việc mà ông đã chểnh mảng trong việc quan hệ với láng giềng. Vậy mà những người hàng xóm không vì thế mà nỡ bỏ rơi ông trong những lúc nước sôi lửa bỏng. Ông nói một cách ái ngại:
- Chú tốt quá! Tôi bận, suốt ngày ru rú trong phòng nên đã chuyển nhà đến đây cả tháng trời mà chưa có dịp nào sang nhà chú hàn huyên. Có gì chú thông cảm nhé!
- Chuyện nhỏ như con thỏ mà cụ.
Nói rồi, người hàng xóm cất tiếng gọi anh Thắng còi nào đó.
Thắng còi nhưng không còi. Cao tới một mét tám mươi, nặng trên bẩy mươi ki lô. Hình như anh ta “còi” thứ khác.
- Mày lấy xe của tao đưa cụ giáo sư đi một lát nhé. Cụ gọi taxi nhưng không được.
- Okê! Nhưng anh chi mấy sọi?- Câu nói ráo hoảnh của Thắng còi khá to nhưng “cụ” giáo sư không nghe tiếng. Tai cụ vốn hơi ngễnh ngãng.
- Suỵt! Khe khẽ cái mồm. Rồi đâu có đó. Cứ đi đi, không sợ thiệt đâu.
Lập tức, “cụ” giáo sư đã ngất ngưởng trên chiếc đờ- rem của người hàng xóm tốt bụng. Rất may, hôm ấy giáo sư không bị muộn họp. Và đúng là cái tham luận nảy lửa của ông đã dẹp tan được mưu toan xấu xa của nhóm học giả lưu manh nọ.
Chuyện khoa học thì thành công là vậy, nhưng chuyện hàng xóm thì kể từ hôm diễn ra hội nghị đến hôm nay giáo sư cứ áy náy mãi không nguôi về hành động tốt đẹp của những người hàng xóm. Cuối cùng, ông quyết định ngầm tìm cách trả ơn. Tất nhiên giáo sư thừa hiểu, với những người có tấm lòng như họ thì việc trả ơn đâu có cần thiết. Nhưng về phía mình, giáo sư không sao tránh khỏi băn khoăn.
Hôm sau, lúc từ trường về đến cổng nhà, giáo sư vô tình nghe được cuộc đối thoại giữa hai người láng giềng sau dàn hoa giấy rậm um tùm.
- Cái xe mới mà lại bị sứt sơn thế này là mất giá lắm đấy Thắng còi ạ.
- Em xin lỗi! Hôm đưa ông giáo sư đi họp, lúc về em trót va quệt vào một bà gánh rau mới nên nông nỗi ấy. Cho em xin lỗi! Khi nào có tiền, em sẽ ra hiệu “mông” lại cho anh ngay.
- Thôi đi! “mông” lại cái vết xước này cũng cả triệu bạc chứ có ít đâu. Mày lại vô nghề nghiệp, ăn bám bố mẹ thì lấy đâu ra tiền. Thôi! Lỗi ấy cũng là do tao gọi mày chở ông giáo sư đi.
Giáo sư nghe thủng câu chuyện vội bước nhanh vào trong nhà, sợ hai người hàng xóm biết sự có mặt của ông lúc này thì bất tiện. Có thể vì cận thị, cũng có thể vì vội mà giáo sư không nhìn thấy những cái liếc mắt gian giảo và những cái nháy mắt đầy ý nghĩa của hai người hàng xóm khi họ trao đổi với nhau.
Buổi tối, giáo sư sang nhà người láng giềng vui vẻ hàn huyên. Lúc ra về, giáo sư rút chiếc phong bì, bên trong đựng hai triệu, dứt khoát bắt người láng giềng phải nhận, nếu không “làm sao tôi có thể yên lòng trước nghĩa cử của các chú”. Giáo sư nói một cách đầy văn chương, chữ nghĩa, “đấy không phải là sự trả giá cho một chuyến đi mà là sự đáp đền những tấm lòng cao cả”.
Vị giáo sư có đủ năng lực lật mặt cả một nhóm học giả kiến thức đầy mình mà lại bị một quả lừa ngoạn mục của hai tên hàng xóm lưu manh. Đời lắm khi hay thật!