Đã được báo trước nên khi nghe thấy tiếng ù ù như xay lúa âm vang trên bầu trời, chúng tôi đã nhảy xuống hầm. Tiếng nổ không dữ dội lắm nhưng đất rung lên như một trận động đất lớn.
Cách một trảng nhỏ trước mặt, cánh rừng chìm trong khói đen mù mịt. Đất đá văng khắp bốn xung quanh căn hầm tôi.
B52….
Chúng tôi biết sẽ còn phải chịu đựng hai trận nữa, nhưng có phần yên tâm vì bom nó thả tiến chứ ít khi thả lùi. Lại chứng kiến những trận động đất đến tắc thở, bom càng dội xa tiếng nổ càng lớn như xé màng tai. Rồi pháo mặt dất dồn dập trút xuống khu vực chúng tôi đóng quân. Rồi máy bay trực thăng bắn rốc két như băm nhừ cây cỏ. Mỹ bắt đầu đổ quân xuống nơi chúng vừa hủy diệt bằng B52.
Đến chiều, biết bộ binh Mỹ đã tiến khá xa về phía trước, chúng tôi liền bám vào khu vực đổ quân ban sáng. Không còn nhận ra một cánh rừng nhiệt đới, cây cối bị đào bới quăng quật ngổn ngang. Đang lom khom đi, tôi chợt nhận thấy một cái gì động đậy dưới một chùm rễ cây chằng chịt. Một con vật. Chúng tôi đoán đó là một ổ chồn cáo bị bom hất tung lên, nhưng nhìn kỹ lại không phải. Đó là một con mèo. Tôi thò tay vào, móc con vật còn ấm nóng ra ngoài ánh sáng. Con vật thoi thóp thở. Con hổ.
Lúc còn nhỏ, chúng tôi nuôi hổ con bằng nước cơm và đường sữa. Lớn lên, chúng tôi cho hổ con ăn thịt những con thú rừng mà chúng tôi săn được. Cũng may ngày đó ở rừng Trường Sơn cũng còn nhiều thú, gài bẫy và săn bắn đều dễ dàng. Nhưng con hổ con có đặc biệt không bao giờ ăn những miếng thịt thú có máu tươi. Chúng tôi phải rửa sạch máu nó mới chịu ăn.
Hổ con lớn rất nhanh. Ban đầu chúng tôi còn buộc sợi dây ở cổ, về sau chúng tôi cởi cả dây cho cậu được tự do. Chúng tôi quyết định “phóng thích” cho hổ con vào rừng. Một lần đi công tác khá xa trong rừng, tôi buộc dây dắt nó đi. Đến một khu rừng vắng tôi cởi dây, nói với nó lời từ biệt, quật vào mông nó một cái khá mạnh, nó đau quá phóng vào rừng. Đến khuya, chúng tôi trở về nơi đóng quân đã thấy nó nằm rạp trong bếp, mặt buồn như hối lỗi. Tôi không nỡ mắng nó, tôi vò đầu nó an ủi. Thì ra nó sợ bị cô đơn. Người ta có thể chịu được đói khổ và ác liệt, cả đau đớn nữa. Nhưng không thể chịu đựng nổi sự cô đơn. Chẳng lẽ hổ con này cũng vậy sao?
Một đêm sáng trăng, rừng núi khá yên tĩnh. Chắc đã quá nửa đêm vì tôi căn cứ vào giấc ngủ để tính thời gian, thì hổ con cào cào rất mạnh vào võng của tôi. Tôi nhỏm dậy, nó còn đứng hẳn lên dùng chân trước cào mạnh vào áo nơi bụng tôi. Tôi biết có chuyện, quơ tay cầm bao đạn và khẩu súng. Thấy tôi đã sẵn sàng, nó khom lưng đi về phía trước trong tư thế rình mồi. Tôi cũng lom khom đi sau, vừa đi vừa thắt lại bao đạn. Sau đó tôi bật chốt an toàn. Tự nhiên hổ con nằm bẹp xuống bò về phía gốc cây. Tôi cũng tiến về phía ấy. Một mùi gì là lạ bay trong không khí khen khét. Tôi chột dạ. Biệt kích Mỹ. Nhìn kỹ thấy có những nhánh cây run rẩy. Dưới ánh trăng, mũ sắt của chúng lóe lên ánh phản quang. Tôi biết bọn biệt kích dựa vào yếu tố bất ngờ. Chúng rất sợ phục kích. Tôi đè đầu con hổ xuống rồi lập tức bóp cò về phía những chiếc mũ đang chuyển động. Tôi phải lăn mình để tránh bị phát hiện lửa đầu nòng. Theo đúng phương án tác chiến, chúng tôi hợp đồng theo tiếng súng. Chỉ một lát sau cả một dàn ngang hai phía tôi các tay súng của ta đều phát hỏa và có cả tiếng lựu đạn nổ. Pháo từ xa bắt đầu bắn tọa độ, chúng tôi nhanh chóng chạy về hầm trú ẩn chịu một trận pháo kích. Nhưng chúng tôi biết địch đã rút ra xa. Về sau được tin đại đội biệt kích của địch có gián điệp dẫn đường đã bị chúng tôi diệt trên 20 tên.
Hổ con được mọi người yêu quý. Hình như nó biết sự khen ngợi của chúng tôi dành cho nó. Chỉ có điều chúng tôi không biết được tại sao nó lại biết điều nguy hiểm mà báo cho chủ, hay trong óc nó ghi nhớ cái mùi của lính Mỹ, nó phân biệt người nào làm việc tốt, người nào làm việc ác bằng khứu giác chăng?
Sài Gòn giải phóng ngày 30-4. Hổ con không chịu vào rừng, chúng tôi buộc phải đưa nó lên xe hành quân về thành phố. Ban chỉ huy quyết định giao hổ con cho Thảo Cầm Viên. Tôi được giao nhiệm vụ này.
Tôi gặp anh Hai Thắng là giám đốc Thảo Cầm Viên Sài Gòn. Sau khi nghe chuyện về hổ con, anh mừng lắm, cứ xuýt xoa về câu chuyện tưởng như là chuyện cổ tích ở đâu mà lại là con hổ trước mặt đây. Tôi buộc sợi dây dù vào cổ hổ con và dắt nó vừa đi vừa kể chuyện với anh Hai Thắng. Mọi người vào chơi Thảo Cầm Viên đều xúm lại quanh chúng tôi. Tôi nói với mấy bé trai cứ vào sờ đầu hổ con, nó không cắn cào gì đâu. Mấy đứa trẻ lúc đầu còn rụt rè, sau dạn dần cứ quấn quýt với hổ con.
Khi bàn giao xong, tôi dắt hổ con vào chuồng thú. Tôi cởi sợi dây ở cổ cho nó, vỗ đầu nó an ủi. Hình như nó biết tôi phải chia tay nó, mặt nó buồn so. Nó lo gì nhỉ, hay nó lo ở đây không có được lòng tin yêu như chúng tôi đã dành cho nó. Tôi cũng chạnh lòng, cũng sợ rồi nó sẽ không được âu yếm vỗ về như chúng tôi đã từng chăm sóc nó. Trước khi ra về, tôi không quên dặn anh Thắng phải nhớ rửa sạch máu thức ăn cho nó. Hình như nó bị ám ảnh về cái chết thảm thương của mẹ hổ do bị bom đạn.
Sau sự kiện ấy, tôi còn nhớ có một bài thơ đăng trên báo Văn nghệ thành phố. Ý của bài báo đó là hoan hô anh anh giải phóng quân tài giỏi vừa đánh thắng Mỹ, vừa cảm hóa cả Chúa Sơn lâm trở thành người bạn của trẻ em thành phố, Chúa Sơn lâm sao mà hiền dịu như con mèo. Đại ý bài thơ là như vậy.
Khi hổ con đã lớn, tôi đến thăm, anh Thắng không cho dẫn hổ ra ngoài. Tôi xin được ưu tiên vào chuồng và viết giấy cam đoan nếu bị hổ cắn cũng tự chịu trách nhiệm. Hình như chiếu cố tôi và chiếu cố cả con hổ nữa nên anh cho tôi vào. Khi nhìn thấy tôi, con hổ chồm từ trong chuồng. Người chăn thú vội vàng bấm dùi cui điện. Tôi bảo không cần đâu, nó mừng tôi đấy. Quả thật vậy, nó co bốn chân lăn tròn dưới đất cho thỏa cái phút gặp lại chủ cũ. Vừa lúc ấy, một tốp cựu binh Mỹ đi đến gần chuồng thú. Con hổ bỗng chồm dậy, mắt mở to cảnh giác, bờm gáy dựng ngược, đuôi ngoe nguẩy như lấy đà. Tôi vỗ vỗ lên đầu nó, ôn tồn: Trường Sơn - Nó có tên là Trường Sơn mà – Họ không phải là lính Mỹ ngày xưa nữa rồi, họ đến để xin chúng ta tha lỗi cho họ đấy. Mặc dầu vậy, con hổ vẫn nằm ép xuống trong tư thế chồm về phía trước. Nghe tôi nói, không biết nó có hiểu không, mắt nó nhìn tôi như nghi ngờ, như tôi đã quên những việc làm của phía kẻ thù trong đó có cái chết của hổ mẹ.
Tôi tiến về phía những người cựu chiến binh Mỹ phía ngoài chuồng thú. Tôi kể cho họ nghe về lai lịch của con hổ Trường Sơn. Họ tỏ vẻ thán phục, họ tranh luận điều gì đó với nhau. Họ chụp rất nhiều ảnh. Con hổ hết nhìn tôi lại nhìn những người Mỹ. Hình như nó nhận ra họ ở cái mùi mồ hôi Mỹ, cái mùi mồ hôi đặc trưng của đàn ông phương Tây hơi khen khét như mùi tóc bị cháy nhẹ trong lửa. Tôi thấy trong con mắt của nó có một câu hỏi không thể giải đáp được, một cuộc độc thoại dữ dội đang xảy ra trong cái đầu của nó được phát ra từ đôi mắt. Nó muốn hỏi tôi điều gì nhỉ. Hay nó hỏi tôi vì sao không hạ lệnh cho nó xông về phía trước hay không nổ súng như ngày ở Trường Sơn. Mấy chục năm rồi, con mắt rực nóng của con hổ ấy còn ám ảnh tâm trí tôi. Nó chứa đựng cả một cuộc độc thoại của Chúa Sơn lâm rất cường tráng ở tuổi trưởng thành.