Tổ dân phố 15 có hơn 100 hộ, hầu hết là dân buôn bán nhỏ. Tổ lại chia làm 11 nhóm, mỗi nhóm gia đình có một nhóm trưởng. Quản lý theo kiểu này thật là chặt chẽ.
Bởi vậy mỗi nhóm là một tập thể đoàn kết, an toàn. Nhóm của bà Phong được suy tôn là nhóm lá cờ đầu trong tổ. Đó là chuyện mấy năm trước. Sang năm nay nhóm có vấn đề. Cứ đà này cuối năm nhóm mất tiên tiến là cái chắc. Tất cả là do nhà cái anh Dũng.
Nhóm có 9 nhà, đều có cuộc sống tầm tầm. Riêng nhà anh Dũng còn khó khăn. Chồng làm thợ nề, vợ buôn bán vài ba mớ rau hành ngoài chợ. Hai đứa con đang học bậc THCS. Căn nhà nhỏ lợp prôximăng. Kể ra cũng vào diện hộ nghèo nhưng anh Dũng không hề bao giờ nói đến chữ nghèo. Anh bảo: Nghèo là hèn, ai nghèo mãi, phải vươn lên làm giàu chính đáng. Cách lý giải ấy được lòng bà con. Ai cũng quý, cũng thương, bằng mọi cách họ đều thể hiện sự quan tâm hỗ trợ, nhưng xem ra chỉ như muối bỏ bể. Cũng chính vì có hộ anh Dũng mà nhóm gia đình có dịp xích lại gần nhau hơn. Anh chị Dũng cũng luôn đáp lại tình thân ấy, luôn đến thăm hỏi giúp đỡ những việc trong khả năng như sửa cái nền nhà bị mấy viên gạch lát nứt vỡ, xây đoạn cống thoát nước… không lấy tiền công. Xem ra nhóm gia đình của bà Phong thật là đầm ấm.
Thế mà mấy tháng nay lại xẩy ra chuyện. Đầu tiên là cái xe cải tiến kéo bằng xe máy chở 2 cái giường gỗ kiểu mới bóng loáng, gỗ thơm phức vào thay thế hai cái giường cũ ọp ẹp cót ka cót két. Tính ra cũng hàng chục triệu. Quái lạ, còn đói bỏ cha, sắm giường làm gì. Còn nằm được thì cứ để đấy. Vừa mua giường tháng trước, tháng sau người ta thấy hai đứa con diện quần áo mới tinh đi học, lại còn cưỡi cái xe đạp Nhật bãi thải mới ghê chứ. Bà con trố mắt. Đời thứ ấy mọi người có từ lâu rồi chả sao, chứ nghèo như anh Dũng mà có được dù có sau bao nhiêu nhà cũng sẽ là đề tài bàn ra tán vào. Họ bảo: Chắc là trúng con đề hay mách chỉ công trình nào chứ vợ chồng nó lấy đâu ra. Mấy nhà kháo nhau: Thời buổi này khó nói lắm. Đói ăn vụng, túng làm càn. Tưởng nó khó khăn, mình cứ bơ gạo, cái bánh, vỉ thuốc, biết đâu nó lại có tiền mua sắm như thế. Bà Phong thì tỏ ra có kinh nghiệm bảo: Ta cứ từ từ xem sao. Bà nói nhưng chính bà cũng bị bất ngờ. Bởi lẽ tự dưng vợ chồng Dũng thuê chuyến ô tô mười mấy chỗ, lịch sự. Xe đỗ sát vào cửa, mấy cậu thợ nề cùng đội chờ sẵn ra bốc hàng giúp. Mấy kiện hòm được khiêng đưa vào nhà. Xem ra toàn nguyên đai, hàng xịn. Hôm sau cậu thợ nề gần nhà bà Phong sang khoe: Anh Dũng mua toàn đồ có hạng: điều hòa, nóng lạnh, ti vi nhưng chưa lắp. Lên nhanh quá. Lại túm năm tụm ba bàn tán: chưa có của ăn mà lại có của để, lạ thật. Tự dưng mọi người mọi nhà xa cách thêm. Bà Phong cũng muốn sang chơi nhưng ngại mang tiếng tò mò. Người ta khá lên là mừng chứ ghen tị làm gì. Định này mai sang thì có tin ở đâu đó đàm tiếu ở chợ: con vợ thằng Dũng nó ở hàng rau hãnh diện lắm: - Kỳ này nhà cháu xây lại nhà hẳn 2 tầng, tầng trên ở, tầng dưới làm hàng, không ngồi ở chợ nữa.
Bà Phong giật mình, cả các hộ khác trong nhóm cũng giật mình. Cả chợ nghe mà giật mình. Mấy nhà bên kia đường ở tổ khác cũng giật mình. Thế là một xê ri vỉa hè tuôn ra: - Kỳ này khỉ tiều lên thiên nga. Thảo nào ai gọi y xin hộ nghèo nó chỉ cười tủm tỉm, vợ chồng thế mà thâm.
- Nhưng mà nó làm gì mới có chứ. Chắc mấy lần xách túi đi mấy ngày là đi giao hàng trắng cũng nên. Bây giờ cứ cặp đôi, cái túi tòng tành, nhát một, ai để ý khám xét. Của ấy siêu lãi đấy.
- Hay là lại vớ quả lãi suất cao. Góp vốn cho chủ họ nào đấy. Nhưng xem ra nó lấy đâu. Ăn còn chẳng đủ lấy đâu tích lũy.
- Thế thì của chìm, bố mẹ đẻ rơi sang bên Mỹ hay Tây tìm được gửi cho.
Chuyện càng rôm rả thì mọi người càng xa lánh vợ chồng Dũng, họ coi Dũng như một mối họa sắp ập xuống tổ. Nếu đúng như họ nói, sớm muộn công an cũng đem còng số tám đến đưa đi. Rồi ra tòa xử công khai, xử lưu động, trời ơi, thế là nhóm gia đình mất hết danh hiệu. Bà Phong nghĩ mà nẫu hết cả ruột.
* *
*
Bẵng đi thời gian, không thấy nhà Dũng xây nhà, không thấy mua sắm gì thêm. Lạ thật, hay là nó nghe thấy bị theo dõi nên tạm ngừng lại đánh lạc hướng cơ quan chức năng. Không có nhẽ.
Hôm nay, thấy nhà Dũng thuê người đến sơn lại tường nhà, thay tấm ngói vỡ từ lâu. Quái lạ, nó bảo xây lại nhà. Người ta thấy vợ Dũng ra chợ sắm vài thứ lặt vặt, mặt rạng rỡ. Mấy bạn ở quầy rau định hỏi thăm, lại sợ mang tiếng tò mò.
Tối đó, Dũng sang nhà bà Phong chơi. Dũng cứ ấp a ấp úng:
- Dạ, cháu có khách đến, cháu mời bà và bà con trong nhóm hộ gia đình chiều mai sang nhà cháu chơi uống nước.
- Ai đến thế hả bác, bà Phong hỏi theo thói quen của nhóm trưởng.
- Dạ, bà đến rồi khác biết ạ.
Dũng sang các nhà. Ai cũng nhận lời sang bởi vì ai cũng muốn biết rõ tình hình nhà Dũng, không khéo lại làm gì phạm pháp hoặc mắc công nợ nhờ người nhà và con giúp đỡ cũng nên. Thôi thì còn nước, còn tát. Cứ đến biết sự tình mới tham gia được.
Chưa đến giờ, mọi người đã có mặt đông đủ nhưng chưa ai dám hỏi. Ai cũng sợ hỏi hớ mất lòng chủ nhà. Trông anh chị và hai đứa ăn mặc tươm tất, chè ngon thơm phức, lại có mấy đĩa kẹo bánh, hoa quả. Đúng là phú quý sinh lễ nghĩa, việc từ xưa đến nay chưa hề có. Cửa buồng cũ kẹt rung bần bật, một bà già bé quắt có dễ gần bẩy chục tuổi nhưng khuôn mặt còn đầy đặn, da dẻ hồng hào. Mái tóc cũn cỡn bạc phơ. Vừa ra khỏi cửa, bà đã cất tiếng: - Dạ, xin kính chào các ông, các bà. Quý hóa quá, từ nay ta cùng một nhóm gia đình rồi.
Mọi người nghe, ngơ ngác không hiểu thì Dũng phân bua: - Dạ, thưa các bà các bác. Xin giới thiệu đây là cô ruột của cháu ở tận Quảng Ninh xuống. Từ nay cô cháu sẽ ở đây với gia đình cháu.
Bà già đỡ lời: - Chả là thế này các ông bà ạ. Tôi năm nay đã sáu tám tuổi. Tôi là người cô tức em ruột bố cháu, ông ấy mất từ lúc nó mới có mấy tháng bà ấy cũng mất sau đó hai năm. Tôi vì số phận không có chồng không có con nên trông nom dạy dỗ cháu. Cháu ngoan và chăm chỉ nhưng số nó chưa khá giả. Nó thương tôi lắm những lức tôi đau đi viện toàn vợ chồng nó chăm sóc. Nay già yếu, thằng Dũng bảo cho một đứa lên ở trông nom tôi. Tôi nghĩ kỹ rồi, bàn bạc trong họ hàng nên tôi quyết định dọn về đây. Cái nhà giữa thành phố to mà làm gì, tôi bán đi cho cháu phần chính còn gửi tiết kiệm phòng lúc cần chi phí. Mảnh đất ở quê mấy sào tôi cũng cho nó. Của một đồng, công một nén. Nó làm lại cái nhà, mua sắm tiện nghi rồi vất vả săn sóc tôi đến lúc nằm xuống đó mới là công to, chứ của cải thì đáng là bao phải không các ông các bà. Nay tôi về đây nương nhờ tổ, nhóm giúp đỡ.
Mọi người nhìn nhau ý nhị. Bây giờ ai cũng vỡ lẽ. Tuy thâm tâm ai cũng ân hận vì đã có suy nghĩ sai lệch về người hàng xóm tốt bụng. Đúng là các cụ bảo có nhân sẽ có quả. Có đạo đức như Dũng ắt sẽ có phúc có lộc. Từ nay vợ chồng nó đổi đời rồi. Bà Phong đến ngồi gần người hàng xóm mới, rổn rảng:
- Bà ơi, chúng tôi vui mừng lắm. Vợ chồng nó nghèo nhưng. Bà có thằng cháu thật dễ thương. Bà về đây chị em mình cùng sum vầy nhé.
Một bà quen thói nghề nghiệp kinh doanh hỏi thiếu tế nhị: - Dạ, khí không phải, nhà ta ở trên đó có to không, được nhiều tiền không ạ.
Bà cô của Dũng cười thật thà: - Dạ, tôi bán rồi, họ mới tạm đưa cho cháu hai tỷ, họ hẹn còn 30% trả nốt sau. Ôi dào, số tiền ấy nó làm nhà cho tôi ở, mua sắm là hết ấy mà. Nay mai sẽ chuyển cả sổ lương về cho cháu các ông bà ạ.
Chuyện của gia đình Dũng với nhóm gia đình còn rôm rả. Thế mới biết cuộc sống thật là phong phú và đa dạng. Tốt xấu nhiều khi lẫn lộn. Cốt yếu nhất là mỗi người sống có tâm, có đức, hiểu nhau, chung tay góp sức cho xã hội ngày càng tốt đẹp hơn.