Thôn Đông có lão Chóe cả làng đều nhớ, không phải nhớ đến cái tên mà người ta nhớ đến tính nết của lão. Nhiều người thắc thỏm: Tại sao lão lại là Choé nhỉ? Kệ thây, chẳng quan trọng bởi cái tên.
Ngày xưa, có ai nghĩ ra những cái tên mĩ miều như bây giờ: Hồng Nhung, Bạch Trà, Mĩ Thuận, Liên Liên,... mà người ta chỉ nghĩ làm sao có cái tên để phân biệt người này với người kia mà thôi. Nhà lão, tứ đời làm ruộng, nên khi sinh ra lũ con, bố lão cứ đặt đại: Chí, Chóe, Hát, Ca... Chóe có tính cách khác người, vừa ngoan vừa lanh lợi, sắc sảo. Lớn lên, Choé đã để ý đến cô Chũm ở làng đẹp người, đẹp nết lại giỏi giang. Hồi ấy chẳng có từ yêu mà chỉ có từ phải lòng nhau mà thôi. Chóe phai lòng cô Chũm, gặp nhau ở ngoài đường, Chóe thẽ thọt “Cô đi đâu mà tất bật thế". Chũm nhoẻn cười đáp "Em sang làng bên ăn giỗ. Có lần Chóe thăm dò “Cô Chũm ơi! Bao giờ cho tôi xơi trầu uống rượư”. Cô Chũm cũng chẳng vừa “Trầu rượu nhà anh có mang sang đâu mà đòi ăn và uống”. Cứ thế hai người đến với nhau như củ khoai, củ sắn ở làng.
Ngày ấy ở thôn Đông có HTX Đồng Lực nổi tiếng cả tỉnh. Hễ có đoàn cán bộ từ Trung ương về là tỉnh lại đưa đến Đồng Lực để khoe “Đây là HTX tiên tiến của tỉnh chúng tôi đấy!" Họ nhìn vào cơ ngơi bề thế, nhìn vào trại chăn nuôi gà công nghiệp nức tiếng. Nhìn vào những bảng số liệu đỏ chóe con số, thế là họ gật gù tán thưởng và ông chủ nhiệm Lung thế nào cũng chèo kéo khách ở lại ăn cơm với hương vị "Cây nhà lá vườn".
Hồi ấy, người nông dân đói dài đói rạc cơm chẳng đủ ăn lấy đâu ra thịt cá tầm bổ. Họa hoằn vào những kỳ đại hội xã viên mới có miếng thịt lợn luộc chấm muối, thịt gà chỉ dám mơ thôi. Thế mà Ở HTX Đồng Lực, ngày nào Ban Chủ nhiệm cũng ăn thịt gà. Ở đây có lệ, Ban Chủ nhiệm làm việc cả ngày, trưa ở lại ăn tập đoàn. Chủ nhiệm Lung chọn ngay lão Chóe làm chân dao thớt. Qủa là chủ nhiệm Lung có con mắt tinh đời, lão biết chế biến món ăn ngon lại tháo vát. Ở trại gà giống của HTX Đồng Lực nuôi toàn gà Hung lông trắng, gà được ăn ngô nên con nào con nấy béo mầm. Mấy nghìn con mà mỗi đêm chỉ thu được hơn nghìn quả trứng. Lỗ lãi chẳng biết nhưng được tiếng oai là biết làm ăn theo kiểu XHCN. Đấy là cái mỏ mà ông chủ nhiệm Lung ngày nào cũng viết giấy đưa cho lão Chóe xuống trại gà bắt về làm thịt. Nhoáng cái, mâm cỗ tú hụ đã xong, cũng là lúc ban chủ nhiệm nghỉ tay xơi cơm. Rưựu vào, mặt vị nào vị nấy đỏ phừng phừng như gà chọi. Pha trà uống nước xong lại về văn phòng nghỉ trưa có quạt máy chạy vù vù.
Nhiều hôm lão Chóe thu dọn còn thu về được một gói lá chuối to, mà lão Chóe cũng khôn ra phết, có hôm lão còn dấu được cả cái đùi gà to bằng cái giò lợn trong thùng nước gạo. Ăn mãi thịt gà cũng chán, nhiều hôm chủ nhiệm Lung lại viết giấy xuống cho thủ quỹ xuất tiền cho lão Chóe ra chợ mua bộ chễ lợn, đó là bộ phận dạ con của con lợn cái. trắng phau, giòn sần sật, chấm mắm tôm chanh thì khỏi nói. Mỗi lần như thế, lão Chóe lại thăn thiến được vài hào đút túi. Mà hồi ấy, tiền hào là to lắm. Một đồng là mười hào. Hai mươi đồng một chỉ vàng, đồng hai một cân thịt... cứ hưởng cái xái ấy mà lại được tiếng là cung cúc tận tụy. Mỗi ngày lão có một công, mưa chẳng đến mặt, nắng chẳng đến đầu. Lão là cái bông sung Ở HTX Đồng Lực ấy mà. Cái chân long tong như lão lại hóa hay. Nhà lão bao giờ cũng có chè ngon vì mỗi lần pha nước hầu ban chủ nhiệm là lão lại thó một ít cho vào túi quần nên tối về những bác nông dân ở quanh nhà lão lại kéo nhau sang nhà để uống ké. Quan điểm của lão Chóe rất rõ ràng "Ban chủ nhiệm có bát cơm thì em có bát cháo" nên chẳng dại gì mà bới móc ra những chuyện ấy. Hồi đó, đã là HTX điển hình tiên tiến của tỉnh thì đố ai dám động vào, mà có nói ra cũng chẳng ai tin vì đã chót xây dựng điển hình rồi thì tỉnh, huyện phải bao bọc nuôi dưỡng.
Thời thế đổi thay, luồng gió đổi mới đã phá tan nếp nghĩ lạc hậu, cổ hủ của người nông dân. HTX Đồng Lực phá sản. Trở về đời thường, lão Chóe vẫn là lão Chóe còn chủ nhiệm Lung sau khi HTX Đồng Lực giải thể trở về nhà làm chân hoạn lợn.
Lão Chóe khôn ranh, thuê ngay đầm của xã để thả cá, nhiều người bảo “Lão hâm, đồng trắng nước trong có mà ăn cám”. Cám chẳng ăn mà lão ăn gạo trắng. Năm đầu chưa có kinh nghiệm, từ năm sau trở đi, lão Chóe làm nên ăn ra, tiền vào như nước, chả mấy tý mà lão trở thành triệu phú. Lúc này lão Chóe mới tìm đến chủ nhiệm Lung “Chào chủ nhiệm”. “Âychết! Đừng gọi thế cứ gọi mình là Lung thôi”. “Em cứ tưởng ngày xưa bác làm chủ nhiệm cũng gặt hái được, hóa ra chẳng có gì!” “Nhắc lại làm gì. Thế chú đến tìm anh có việc gì? “Chả giấu gì bác, đầm của em rộng quá, thiếu chân bảo vệ. Em muốn đến thương thảo với bác ra làm chân trưởng ban bảo vệ hộ em”. “Chú có nhã ý, anh cảm ơn. Nhưng để anh còn bàn với chị đã”. Từ hôm chủ nhiệm Lung làm chân trưởng ban bảo vệ đầm cá, lão Chóe có thời gian để đi giao dịch, tìm hiểu thị trường tiêu thụ. Ngoài thả cá, lão còn có mấy đầm để nuôi tôm, rồi trên đồi, lão cho trồng nhãn, vải và các cây đặc sản. Dưới mỗi gốc cây lão lại đặt một thùng ong để lợi cả đôi đường nên chảy mấy tý mà lão mua được cả ô tô đông đông lạnh để đi giao tôm, cá tới tận cơ sở, chẳng phải qua trung gian. Kinh tế của lão Chóe cứ như diều gặp gió, lão đã trở thành doanh nhân thành đạt được chọn đi báo cáo điển hình.
Nhiều lúc nghĩ lại, lão Chóe lại gật gù "sông có khúc người có lúc". Thời thế đổi thay, thời kỳ đổi mới như một luồng gió mát. Càng nghĩ, lão càng biết ơn chế độ.