Nghệ sĩ thêu dệt

10:36, 08/09/2015

Cả hai bên dãy phố nhỏ này chỉ có chưa đến bốn chục mái nhà, một nửa đi làm công sở. Những lúc phố vắng thì hơn chục ông bà già làm chủ.

Họ ngồi trên vỉa hè, dưới bóng cây trứng cá xanh mát tha hồ xả láng chuyện đông tây, kim cổ. Tuổi nào có đầu bảng tuổi đó. Trẻ thì phong cho làm đại ca, già thì có anh chị cả. Phố này lại phong cho bà Tồn danh hiệu “Nghệ sĩ thêu dệt” mới lạ. Người ở xa đến tưởng bà là nghệ sĩ thật. Còn chúng tôi thì chỉ tủm tỉm cười. Những người sống lâu ở đây khẳng định bà chỉ biết buôn bán vặt vãnh, chưa bao giờ thấy bà biết thêu thùa đan lát. Về trình độ văn hóa bà cũng “tốt nghiệp” bình dân học vụ, chỉ biết mỗi chữ ký. Tiền bà kiếm chỉ đủ ăn quà vặt còn phần chính nhờ vào tài tháo vát của ông chồng. Ấy thế mà cái danh hiệu phong cho bà ở vỉa hè, góc chợ, sân ga, quán bún ốc là “nghệ sĩ thêu dệt” xem ra vẫn hợp lý. Cái tên ấy nó vừa hợp sự thật lại vừa không phạm húy tên các danh hiệu nhà nước đặt ra. Còn chúng tôi có đến 10% dân số trong phố cũng có dịp để tiêu khiển cho đỡ buồn.

 

Nói về cái tài của bà thì dài dòng lắm. Chỉ xin đơn cử như thế này. Cách đây mấy tháng, một buổi sáng ở con đường đi trước chợ xẩy ra một vụ va chạm giao thông. Có hai thanh niên đi va xe máy vào nhau, may mắn chân tay chỉ xây xước nhẹ, xe không việc gì, dân đến xem khá đông. Sau mấy phút, hai thanh niên sợ công an đến lập biên bản nên bảo nhau đi chỗ khác hòa giải. Chuyện chỉ có thế. Không ngờ bà Tồn lúc đó đi chợ về, thấy mấy bà quán ép mía hỏi, bà lập tức thao thao: Có gì đâu. Hai thanh niên đi xe đẹp, ăn mặc bò bít, chắc con nhà khá giả, vừa đi xe vừa nghênh nghênh, thế là đến cửa chợ nghe xoành một cái, hai xe văng ra hai nơi, hai đứa nằm còng queo.

 

Ai cũng xanh mắt nhưng thở phào vì thấy cả hai lồm cồm bò dậy. Chúng xô vào nhau cãi nhau đúng sai rồi định đánh nhau, thấy vậy tôi vào can khuyên can chúng vẫn không chịu. Người xem vòng trong vòng ngoài. Bỗng có tiếng la: Nhà anh kia làm gì mà đạp vào chân tôi, tuột cả dép đây. Rồi có tiếng kêu: Phải gió cái ông này, xem thì xem sao phải bá vai tôi, định ỡm ờ hả. Tôi chen ra ngoài thấy mấy nhóm đang cãi nhau vì chen lấn. Mấy bà quán còn ném ra vài câu kích bẩy: Gớm mấy thằng cha này lúc nào chẳng “máu”, chỗ chật chội dễ đụng chạm thế này thì béo bở quá ấy chứ. Đông quá. Xe tắc hàng dài mấy chục mét. Cứ đà này nếu mỗi ngày xảy ra một vụ va chạm cũng gay các bà nhỉ.

 

- Thế họ tự giải tán a? - Một bà gợi khéo

 

- Đâu có. Đó là do tôi chỉ đạo, tôi chỉ cần một động tác cỏn con là xong. Tôi giả vờ hô: Công an đến rồi, sao nhiều người thế kia. Công an, công an. Thế là ai nấy chớp mắt giải tán hết.

 

- Bà chị giỏi quá, chuyện hay quá! Ngày mai sẽ hay hơn chị nhỉ! Chị đúng là nghệ sĩ… của phố nhà.

 

Bà Tồn tít mắt vì lời khen. Thực ra bà thấy danh hiệu này cũng hay hay, khoai khoái. Xem ra còn tự hào vì phim trong tivi hay là thế, mạng hay là thế mà vẫn khối người hưởng ứng những câu chuyện vỉa hè, bịa đặt, thêu dệt của bà. Hình như bà đang cho những người rỗi hơi này những món ăn lạ mà ở chợ, cửa hàng, siêu thị không hề có. Bà có tài khi kể thường đưa các câu ca dao tục ngữ thậm chỉ còn lẩy cả Kiều nên rất hấp dẫn. Ví dụ kể về chuyện nàng dâu với mẹ chồng, có ngay câu “Con bà có thương bà đâu, để cho con rể nàng dâu nó thương cùng”. Hoặc nhà nọ dì ghẻ đánh con chồng bà ví von luôn “Mấy đời bánh đúc có xương, mấy đời dì ghẻ lại thương con chồng”… Bà có tài cóp nhạc chuyện khắp nơi, chế biến như ở chính nơi nào gần đó. Có chuyện ở báo hoặc truyền hình bà cũng bớt xén thêm thắt như chuyện ở làng trên xóm dưới vậy. Càng nghĩ càng phấn khích. Bà sẽ còn cho họ biết khả năng tiềm ẩn của bà. Bẵng đi hơn hai tuần, bà Tồn ốm. Bà buồn vì không có chuyện gì kể cho mọi người nghe. Các bà các chị cũng buồn vì không được nghe chuyện mới, chuyện lạ. Vỉa hè như vắng đi.

 

Sáng nay bà Tồn lững thững xách túi đi chợ. Mọi người mắt hấp háy nhìn theo cái dáng nhỏ nhắn, đưa đẩy của bà. Họ bảo nhau sắp xếp hàng hóa nhanh gọn. Chắc chắn hôm nay sẽ có chuyện hay.

 

Bà Tồn về. Các túi tòng teng thức ăn chắc đủ cho hai người là bà và cậu con út quá ba lăm mà vẫn lêu têu chưa chịu lấy vợ. Từ đầu tổ, mấy bà đã xô ra: Có gì không chị. Bà Tồn tủm tỉm, giơ tay ra hiệu có những bí mật. Bà vừa đi tỏ vẻ kênh kiệu, vẫy tay ra phía sau ý nói bảo: muốn nghe thì tập hợp vào trong này.

 

Hàng nước mía hôm nay thời tiết mát nên vắng khách. Mấy bà  đã ngồi chờ sẵn. Một bà đứng dậy lấy khăn lau ghế mời bà ngồi. Bà thấy họ trân trọng bà. Bà đã tưởng tưởng ra một câu chuyện hài trên cái cốt truyện vừa được chị hàng rau mớm cho có hai ba câu gì đó. Thấy các con mắt hau háu thúc giục bà bắt đầu kể:

 

- Gớm, từ ngày ngã tư phụ của ta được lắp đèn xanh đèn đỏ, hôm nay mới có chuyện gay cấn. Chả là thế này: Đèn đỏ vừa bật, xe ôtô, xe máy dồn vào chật ních. Bỗng có một cậu thanh niên tóc nửa vàng nửa đỏ rú ga định phóng sang bên kia. Tuýt tuýt, tiếng còi của anh công an cất lên cùng với chiếc gậy giơ cao. Cậu ta phanh xịch lại, mồm còn toe toét cười: Em vội quá. Anh công an chỉ gậy vào góc ngã tư. Người đến xem đông như kiến. Tôi chen đến gần thấy cậu ta chân đi dép cũ đứt cả quai, quần áo xộc xệch, gớm con nhà ai kinh quá. Cậu ta dám công khai rút ví ra định đưa tiền hối lộ, anh công an nghiêm mặt cảnh cáo. Biên bản được lập: Xe đi mượn, không mũ, không đăng ký xe, không bằng lái, mồm còn hơi rượu. Trời ơi sao lắm tội thế. Tôi mà có con như thế thì tôi…

 

Kể đến đó, chưa kịp đến đoạn bình phẩm thì bà Tồn thấy đứa nào như thằng Vinh nhà bà đang thất thểu đi bộ, tay xách cái mũ xe máy bên kia đường. Mấy bà nhìn thấy cũng chỉ tay: Ơ, như thằng Vinh chị ạ.

 

- Đúng rồi. Sai nó đi xem cái quạt để mua, sao nó về không còn đi bộ. Bà gọi: Vinh, qua đây. Vinh rẽ sang chào mọi người. Nó bảo nó nghe mẹ dặn đi nhanh ra xem cái quạt rồi về lấy tiền nên không để ý đèn đỏ, vì vượt đèn đỏ nên bị các anh công an giữ xe rồi.

 

Bà Tồn kêu lên: Thế ra là mày à. Thế mà…

 

Mấy bà hỏi dồn nó: Thế mày để đầu tóc đỏ à, mày uống rượu, đi dép rách, định hối lộ công an hả, tội to đấy.
Bà hàng mía thì bỗ bã:

 

- Mày mượn xe ai, xe mày để đâu hay lại cắm rồi…

 

Thằng Vinh như phát khùng:

 

- Trời ơi, cháu đi xe cháu chứ đi xe ai ạ.

 

Các bà đổ dồn mắt vào bà Tồn. Thằng Vinh như đã đoán ra. Nó biết tính mẹ nó nên nó chỉ còn nước kêu lên: Trời ơi, chỉ có vượt đèn đỏ, sao cháu lắm tội thế. Ai vu cho cháu để nay mai tổ dân phố đưa cháu đi cải tạo à.

 

Bà Tồn tím mặt, cúi xuống. Bà đứng dậy cầm tay con trai ngượng ngùng: Đó là mẹ quen thêu dệt, không ngờ là mày. Thôi về đi.
Tối đó bà sang các nhà xin lỗi và đề nghị các bà bỏ cho chị cái danh hiệu “Nghệ sĩ thêu dệt” cho chị nhờ, chị xin chừa. Từ đấy tuy vỉa hè đường phố có giảm bớt ồn ã nhưng trong sạch, sáng sủa hơn, lành mạnh hơn.