Ơn nghĩa cuộc đời

14:54, 04/01/2016

Buổi sáng ngủ dậy, tôi không đi bộ tập thể dục như mọi ngày. Ăn xong bát mì tôm, tôi bảo cậu con trai đưa ra bến xe bus để về quê. Tối qua chú em út ở quê điện cho tôi bảo thím Ba ốm nặng, chú em còn nói thêm thím nhắc nhiều đến tôi, tỏ ý muốn gặp tôi.

Ngồi trên xe tôi nghĩ miên man về thím, chồng thím Ba với bố tôi là con em, con anh ruột. Quê thím bên kia ngã ba sông, nơi con gà gáy ba tỉnh cùng nghe. Thím sinh ra lớn lên ở một làng quan họ, thím thuộc khá nhiều bài hát quan họ. Thuở nhỏ thím được bố mẹ cho đi học văn hóa, ở tuổi ngoài 80 như thím mà có trình độ văn hóa như vậy ở quê tôi là hiếm lắm. Lúc tôi còn nhỏ thấy thím hay đọc sách và thuộc khá nhiều đoạn trong truyện Kiều, Tống Trân Cúc Hoa, Nhị Độ Mai, Lục Vân Tiên… Nhìn thím, không ai nghĩ cuộc đời lại có nhiều gian nan đến thế: Chồng thím đi dân công tải gạo trong Chiến dịch Điện Biên Phủ rồi về làm thợ, chết trong một vụ tai nạn, hai con gái đi thanh niên xung phong làm đường chống Mỹ, mỗi cô lấy chồng ở một tỉnh xa, hoàn cảnh cũng quá khó khăn, vài năm mới về thăm thím một lần. Còn người con trai út bằng tuổi tôi. Hai anh em tôi lúc nhỏ rất thân với nhau, nhà tôi gần nhà thím, tối nào tôi cũng sang nhà thím học bài với em. Em học giỏi hơn tôi, nhất là môn hình, nhiều công thức khó, em viết thành thơ học cho dễ nhớ, đến bây giờ, tôi còn nhớ một số câu. Chiến tranh chống Mỹ, đang học cấp 3, em nhiều lần viết đơn tình nguyện xin đi bộ đội, được gần 10 năm, sau giải phóng miền Nam, em xuất ngũ về nhà, một thời gian sau mắc bệnh, khắp người mụn mọc sần sùi, em ho ra máu nhiều lần rồi mất. Sau này mọi người mới biết em bị nhiễm chất độc hóa học của Mỹ trong chiến tranh.

 

Tôi học xong đại học, công tác, lấy vợ và ở trên thành phố. Thỉnh thoảng tôi mới về thăm quê, lần nào tôi cũng sang thăm, có chút quà biếu thím. Mọi thứ thím đều vui vẻ nhận, riêng bánh kẹo bao giờ thím cũng khéo léo “Coi như thím đã nhận, thím gửi lại làm quà cho các cháu”. Trước khi tôi ra về, lần nào thím cũng ra vườn hái quả gửi cho các con tôi, khi quả na, quả ổi, lúc quả khế ngọt, chùm quả roi đỏ chót… Tôi tỏ vẻ lưỡng lự, thím bảo “Cháu chê quà nhà quê à?...”. Đã nhiều lần tôi ngồi nói chuyện cùng thím, lần nào thím cũng nhắc lại chuyện tôi và con trai út của thím lúc nhỏ thân nhau, mỗi lần nói xong, thím lại ngồi bất động, đôi mắt đượm buồn hướng về phía vô định…

 

Từ đầu năm, tôi được nghỉ hưu, nên thường xuyên về quê và được gặp thím nhiều hơn. Gần hai tháng trước, một lần hai thím cháu nói chuyện với nhau, tôi thấy thím có điều gì suy nghĩ, thím đi vào trong buồng, tôi nghe có tiếng mở khóa lách cách, khi thím quay ra, trên tay cầm một cuốn sổ, khổ rộng bằng tập giấy, ngoài bìa được đóng bằng vỏ bao xi măng, thím đưa cuốn sổ cho tôi “Cháu xem đi”. Tôi cầm cuốn sổ đã ngả màu “cuốn sổ gì đó hả thím?”. Thím nhìn tôi “Cháu cử giở ra mà xem”. Thím hạ giọng “Ngoài thím ra, cháu là người đầu tiên đọc cuốn sổ này đấy”. Tôi thận trọng lật giở từng trang, tất cả 40 trang giấy được viết kín từng dòng. Tôi chăm chú đọc ngay trang đầu. Tôi thật sự ngạc nhiên khi nhận ra đó là cuốn sổ thím ghi ngày, tháng, tên người, nội dung, số tiền, hiện vật… mọi người thăm hỏi mừng, phúng viếng khi nhà thím có người ốm đau, hoặc khi hiếu, hỷ.

 

Tôi nhẩm tính thời gian từ dòng đầu và nhận ra cuốn sổ thím đã ghi chép được gần 40 năm. Chữ thím rõ ràng, dễ đọc, đó là số tiền cách đây mấy chục năm, mệnh giá còn rất thấp, là chục cân thóc, cân gạo, chục trứng gà… Tất cả được thím ghi chép đầy đủ. Tôi cảm nhận, chỉ cần đọc cuốn sổ này, người khác có thể biết được những biến động, vui, buồn…của gia đình thím gần 40 năm qua. Tôi biết mọi gia đình đều ghi chép lại sự giúp đỡ của mọi người với mình, nhưng ghi chép tỷ mỷ, thời gian dài như thím, đây là lần đầu tiên tôi biết. Tôi hỏi thím “Sao thím cẩn thận thế?”. Thím trả lời không hề đắn đo “Khi mình có việc vui hay buồn, mà người ta đến với mình, là mình mang ơn người ta, không ai nghĩ mình phải trả ơn, nhưng mình phải biết ơn nghĩa đó, phải trả ơn khi có điều kiện”. Lặng đi một lúc rồi thím nói “Nhờ có sự giúp đỡ của mọi người, mà gia đình thím vượt qua được nhiều hoạn nạn, khó khăn”. Tôi cười bảo thím “Gần 40 năm, thím cũng đã mừng, thăm hỏi, phúng viếng với nhiều người, chắc có cả người ngoài danh sách này, sao thím không ghi lại mà biết ai mình đã trả, ai mình còn nợ?”. Nét mặt thím trầm ngâm “Mình đến với người ta khi vui, lúc buồn, là từ lương tâm mình, không nên tính toán. Những người thím ghi trong cuốn sổ này là thím ghi lại ơn nghĩa của người ta”. Giọng thím trùng xuống “Chắc cả đời thím cũng không trả được ơn nghĩa này đâu”.

 

***

Khác với mọi lần, lần này tôi không về nhà chú em trước, mà đến thẳng nhà thím. Đến cổng tôi đã gặp gần chục người làng đi ra, tôi đoán họ sang thăm thím về. Tôi vội vàng vào nhà, đến nơi thím nằm. Mới gần hai tháng mà thím gầy quá, nét mặt xanh xao, đôi mắt thím nhắm nghiền, thím thở mệt nhọc. Tôi xót xa, đặt tay lên trán thím, tôi có cảm giác một luồng khí lạnh từ thím truyền sang khắp người tôi. Tôi khẽ gọi “Thím Ba”. Tôi gọi lần thứ hai thím mới từ từ mở mắt. Thật lạ lùng khi nhận ra tôi, thím như tỉnh táo hơn, thím mấp máy môi nói nhỏ, nhưng tôi vẫn nghe rõ “Cháu mới về à?”. Tôi vội đáp “Vâng”. Thím cựa mình như muốn ngồi dậy, tôi vội ngăn “Thím cứ nằm nghỉ đi”. Thím nhẹ nhàng “Cháu cứ đỡ thím dậy”. Vì sợ thím đau tôi hết sức cẩn thận và phải khó khăn lắm mới đỡ được thím ngồi dựa vào tường. Thím nhìn tôi “Cháu lật chiếu ở dưới gối lấy cho thím”. Tôi cứ nghĩ cái áo, hoặc cái khăn thím để dưới chiếu, vội với tay lật lên, tôi giật mình khi nhận ra cuốn sổ hôm trước thím cho tôi xem.

 

Tôi lưỡng lự, thím nhắc lại “ Cháu đưa cho thím cuốn sổ”. Tôi có cảm giác một điều kỳ diệu nào đó đã làm cho thím khỏe lên nhiều so với khi tôi mới đến. Tay thím run run cầm cuốn sổ, một lúc sau mới nói chậm rãi “Thím muốn nhờ cháu một việc”. Tôi ngại thím suy nghĩ  ảnh hưởng đến sức khỏe “Có việc gì để sau, bây giờ thím nghỉ ngơi và thuốc thang cho khỏe đã”. Tôi thấy ánh mắt thím toát lên cái nhìn lạ lùng mà chưa bao giờ tôi gặp “Nếu cháu không giúp thì không bao giờ thím thanh thản cả”. Tôi cảm nhận cuốn sổ với thím có điều gì hết sức thiêng liêng, hệ trọng “Vâng cháu nghe”. Thím lại chậm rãi “Thím biết mình không còn sống được lâu nữa, thím không ân hận, nuối tiếc điều gì, khi thím mất, cháu hãy để cuốn sổ này trong quan tài cho thím, nhưng nhớ đừng để cho ai biết. Cuộc đời thím chưa trả được ơn nghĩa cho mọi người thì kiếp sau sẽ trả tiếp…” giọng thím lạc đi “Ơn nghĩa của mọi người với mình lớn lắm, cả cuộc đời thím đã cố gắng đáp đền, nhưng chưa được là bao…

 

Tôi cầm cuốn sổ, nghẹn ngào- một người sắp từ giã cõi trần như thím vẫn luôn canh cánh về ơn nghĩa của mọi người đối với cuộc đời đầy sóng gió, bất hạnh của mình.