Đất quê hương

14:46, 10/02/2016

Đang cọ cuốc, cào ở giếng để đồ vật được nghỉ mấy ngày Tết thì lão Thào đến. Từ dưới chân dốc, lão đã gọi với lên: - Ông Từng có nhà không đấy?

- Có đấy? Mời ông lên chơi.
Ông Thào vào nhà, quần áo xốc xếch, cáu bẩn như ở rừng chui ra. Khuôn mặt hốc hác, da đen xạm. Mới ngồi xuống ghế cạnh bếp lửa. Ông Từng bỏ ra bình rượu. Róc đầy hai cốc, ông nói với Thào.
- Chẳng mấy khi bác đến chơi nhà. Hôm nay rảnh rỗi ta phải uống với nhau chén rượu xuân.
- Tôi đang định đến hỏi ông một việc đây.
- Cứ đế đấy. Uống đã.

 

Bà Từng dọn mâm nhắm. Bánh chưng gạo mới gói lá dong rừng toả mùi hương ngào ngạt, chân giò lợn nấu đông thịt xào hành tây thơm nức mũi. Đôi bạn cố tri ngồi chén tạc chén thù tâm đắc lắm. Rượu vào nhời ra nô như ngô rang. Ngà ngà, ông Từng hỏi bạn.
- Lúc nãy ông bảo có việc nhờ tôi?
- Ừ! Tôi định đi nơi khác làm ăn nhưng còn phân vân quá, có người khuyên đến ông.
- Hỏi tôi?
- Thì ông chẳng từng đi làm ăn xa rồi còn gì?

 

Lời ông Thào như gáo nước lạnh dội vào gáy. Quá khứ muốn quên đi, nay câu nói của ông Thào làm nó thức dậy. Dạo ấy, bản suối Thia của ông Từng nghèo lắm, quanh năm đói ăn. Vào những ngày sau Tết, trong nhà chẳng còn lấy hạt gạo, đấu ngô. Lũ con đói réo suốt ngày. Đến tháng Ba, già trẻ trong bản phải kéo nhau vào rừng đào củ mài, hái nấm, chặt gỗ trộm để đem xuống chợ phiên đổi lấy gạo. Nhà ông sáu miệng ăn, hai vợ chồng với bốn đứa con lít nhít, quần quật suốt ngày mà nghèo vẫn nghèo, nghèo hơn cả nhà Thào bây giờ. Nghe nói dưới thành phố người ta thuê lao động trả ngày công cao, lão muốn về đó kiếm sông. Chí đã quyết, ông Từng bỏ lại vợ con, hoà vào dòng người lang thang tìm việc làm. Lão vạ vật ở bến xe, ga tàu, cửa chợ. Nhưng cái thành phố nhỏ như lòng bàn tay tìm đâu ra việc nhiều, thành ra thất nghiệp vẫn hoàn thất nghiệp. Vừa lúc đó, lão bưởng trưởng người ở dưới xuôi lên lên mộ người đào đãi vàng thế là lão tham gia vào đội quân này. Công việc vất vả không như lão tưởng, phải phơi mình dưới cái nắng thiêu đốt trầy trật vét từng túi đất, lại gùi mấy trăm mét từ lưng chừng núi xuống tận mép suối để đãi. Bữa ăn rặt gạo hẩm với cá khô. Muốn về cùng vợ con nhưng lão cũng mong kiếm được ít vẩy vàng thành ra cứ chần chừ mãi. Một hôm vừa đổ đám đất đào trong hang núi ra đãi thì mắt lão sáng lên. Một cục vàng to bằng nửa hạt ngô óng ánh trước mắt. Lão mừng hùm. Lừa lúc không có ai để ý, lão định cho vào miệng. Chưa kịp nuốt thì má lão đã bị một cái tát nổ đom đóm mắt, viên vàng rơi tõm xuống nước. Gã bưởng trưởng nhảy theo vớt. Của quý như giận kẻ bất lương lặn mất tăm. Thế là lũ đàn em đầu gấu nhẩy xổ vào nện cho lão một trận nhừ tử.

 

Lão phản ứng: - Ai cho chúng mày đánh người
- Bố mày đấy! Gã bưởng trưởng miệng phì phèo thuốc lá, mặt vênh lên như chiếc bánh đa nướng trả lời.
- Chúng mày không sợ pháp luật à?
- Pháp luật cũng chẳng bằng tiền, ông cả, bà lớn cũng cần tiền. Đến mày còn bỏ quê đi làm thuê đấy thôi.

 

Lần đầu tiên Từng thấy nhục nhã. Tưởng rằng ra đi mong làm cuộc đổi đời nào ngờ thân bèo bọt vẫn hoàn bèo bọt. Lão cũng nhận ra rằng ở đâu cũng thế, ăn được tiền của thiên hạ không phải dễ.
Để có được đồng tiền, người ta phải liều lĩnh, có kẻ phải bán cả nhân phẩm. Riêng lão, lão chưa chịu.
- Tao sẽ đi kiện chúng mày.
- Có mà kiện củ khoai! - Cho nó biết thế nào là lễ độ? Gã bưởng trưởng ra lệnh.

 

Từng lại bị một trận mưa đòn đến khi mềm ra như dưa. Sau trận ấy, lão nằm bẹp trong cái lán không người, bị bỏ rơi như một con chó ghẻ. May nhờ mấy người bạn tốt chăm bẵm, thuốc thang và đưa về nhà. Bây giờ nghe ông Thào hỏi mà lão thấy ớn lạnh, vừa tức vừa xấu hổ. Nhấp một ngụm rượu. ông Từng bảo.
- Thào à! Không nên đi đâu, cái đất khác không nuôi nổi mình đâu.
- Sao người ta đồn ông giàu lên nhờ chuyến đi ấy.
- Đúng nhưng phải nhờ cái này. Ông Từng giơ hai nằm tay dứ dứ trước mặt Thào và lão kể cho bạn nghe chuyện làm giàu.

 

Sau chuyến đi xa trở về. Từng ốm gần hai tháng trời, vợ lão phải bán hết đồ đạc để phục thuốc mới lành bệnh. Khoẻ một chút, lão vác cuốc lên nương. Bài học của chuyến đi xa đã dạy lão phải bám đất quê hương mà sông. Cái bản suối Thia này, ngôi nhà kia là ông cha để lại, mồ mả tổ tiên cũng ở đây há gì phải lang bạt chân trời góc bể. Đất quê rộng lắm, đồi núi trập trùng, đời ông cha trồng, đời cháu con chặt, đất nghèo đi, rừng cạn kiệt, đồi trơ sỏi đá. Lúc đi qua Lao Chải, ruộng bậc thang lúa chín vàng như vẽ trông mà thèm. Hỏi thăm mọi người họ đều bảo do chuyển dịch cơ cấu cây trồng và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nên bây giờ ai cũng no đủ cả, nhiều nhà giàu lên do chính vườn đất của mình. Ngẫm lại hồi anh Khuyến nông huyện đến vận động bà con trồng giống ngô lai mới mà ngượng. Hạt giống cho không, nhận về đã chẳng gieo trồng tử tế thì chớ, có người còn đem xay để ăn. Lão cũng thề, bây giờ phải làm lại.

 

Ông Từng lên huyện tìm anh cán bộ khuyến nông. Loanh quanh mãi trước cửa phòng Nông nghiệp chẳng thấy người quen, gần trưa lão đánh bạo hỏi một cô gái đi ra.
- Cho tôi gặp cán bộ?
- Dạ, bác gặp cán bộ nào ạ?
- Cái anh gì hay cười có hàng ria con kiến ấy
- À? Anh Minh. Anh ấy đi họp chiều mới về bác ạ!

 

Nghe thế, lão ra quán ăn tạm mấy bắp ngô luộc, uống chén nước chè chát. Chè quê lão thế mà ngon. Pha đến nước thứ ba mà vẫn còn xanh. Lão lo anh Minh giận. Nhưng đến khi gặp được anh Minh lão mới hết lo. May quá, anh chẳng giận mà còn tâm tình chỉ bảo lão làm thủ tục vay tiền ngân hàng để phát triền sản xuất. Từ đấy, anh Minh trở thành cứu tinh của cả bản Thia. Như để khẳng định, Từng chỉ cho Thào những túm ngô lai treo chật góc nhà. Hứng chí, lão kéo bạn rời mâm rượu đi thăm cơ ngơi của lão. Trong chuồng, những con lợn mũm mĩm, mỗi con ngót tạ rồi chỉ xuống ao nuôi cá mè hoa, quanh vườn, những con gà béo núc, lông con nào con nấy cũng mướt mượt và chỉ ra quả đồi sau nhà, những cây chè xuân đơm búp mơn mởn. ông Từng say sưa nói về dự án đồi rừng mà quên cả thời gian.

 

Mùa xuân thật lạ, thiên nhiên bừng dậy sức sống mới. Trong vườn đồi nhà ông Từng, từ những thân cành bắt đầu nảy ra bao mầm xanh. Mùa xuân gắn liền với sự sống, mùa sinh sôi nảy nở đổi thay đến kỳ diệu làm ông Thào ngơ ngẩn chẳng muốn rời chân.