Bà Miên

09:56, 30/06/2016

Bà Miên ngồi bỏm bẻm nhai trầu bên hiên nhà. Mặt trời lấp ló sau ngọn núi xa xa, trải tia nắng vàng tơ làm những đám mây xám chuyển dần sang mầu ánh bạc. Tiếng người gọi nhau đi làm đồng ý ới ngoài ngõ.

Sáng nào cũng vậy, người đi làm qua đã thấy bà ngồi đó tự bao giờ. Vì con cháu đi công tác, đi làm xa nên bà ở nhà một mình. Cái dáng chống gậy còng còng đi ra đi vào trong ngôi nhà ngói trống huơ đã trở thành hình ảnh khá quen thuộc với người dân trong làng.

 

Ngoài chín mươi tuổi bà vẫn ở một mình. Bà thường ngồi ở cái ghế bố trước hiên, đôi mắt dõi xa xăm, thong dong, chẳng biết vui hay buồn. Bọn trẻ con trong xóm thỉnh thoảng chán ngắt những trò chơi điện tử lại xúm tới vòi bà kể chuyện. Trong mắt tụi nó bà giống như một pho sách sinh động.

 

Tụi trẻ con đi hết từ bao giờ. Bà vẫn ngồi đó, miệng bỏm bẻm nhai trầu. Từ chiều qua, bà thấy cái lưng nó muốn đau trở lại. Lọc cọc chống gậy vào nhà trong, bà lần lần dưới gầm giường tìm lọ thuốc nặn, rồi chợt ngẩn người: “Có đứa nào ở nhà đâu mà nhờ chúng xoa bóp cho bà cơ chứ”.  Hôm nay hình như là thứ sáu rồi, không biết tuần này thằng Thuận có về thăm nhà không. Lần nào về nó cũng vừa nặn lưng vừa kể trường ca nghèo khổ đời sinh viên xa nhà cho bà nghe, xong đâu đấy thế nào cũng gãi đầu, gãi tai ngọt nhạt:

- Bà cho con một ít tiền, chỗ lẻ lẻ thôi, khi nào ra trường con hứa sẽ trả gấp đôi.
- Mẹ cha mày, tao ngồi nhà suốt ngày làm gì ra tiền mà đòi vay.
Nói vậy, nhưng lần nào bà cũng dúi cho nó một ít. Mỗi lần cho nó tiền bà lại thấy vui.
Ngồi mãi cũng chán, bà ngả cái lưng còng xuống giường. Mấy giờ rồi mà nắng chói chang thế này. Bà ngẩn ngơ tính toán: chắc phải đến hai tuần nay không thấy con Thắm qua.  Được mụn con gái lấy chồng gần mà cũng chẳng mấy khi nó ngồi nóng chỗ trò chuyện với bà.

Bà lại một mình đối diện với tuổi già. Hết ngày này qua ngày khác, bà cũng chỉ làm bạn với dăm bảy miếng trầu không, với chân trời xa xôi và những giấc ngủ chập chờn, nửa mơ nửa tỉnh.
Có tiếng dép lẹp kẹp ngoài sân đi vào. Bà ngoảnh lại. Thì ra chị Bưởi.
- Con mời bà dậy ăn cơm ạ.
- Mấy giờ mà đã ăn cơm? Tuần này mấy chị em, có đứa nào hẹn về chơi không?
- Không  ạ, hôm nay gặt ở đồng trên, có hai mẹ con nên cố quá bây giờ mới mang cơm cho bà được. Bà dậy ăn cho nóng, gần mười hai giờ trưa rồi ạ.

Chị Bưởi dọn bát đĩa về rồi, bà lại thấy đau lưng quá. Tai thì cứ như ù đi, bà lần lần xuống võng kẽo kẹt đưa. Ầu…ơ…  bên nhà hàng xóm, tiếng ru cháu của Bà Tình vẳng sang. Bà Miên nhổ miếng bã trầu lẩm bẩm: “Nhớ tụi trẻ quá! Hơn hai tuần rồi chưa thấy đứa nào về”.  Bà trở mình nhìn vào trong. Tấm ảnh thờ của ông nghiêng nghiêng như đang nói chuyện với bà. Nhanh thật. Thoắt cái, ông đã bỏ bà đi mười mấy năm rồi! Bà vẫn nhớ như in cái ngày ông mất. Chao ôi là đông bạn bè. Người ở đâu đâu cũng đổ về, ai cũng tỏ ra kính trọng và thương tiếc ông vô cùng. Lúc ấy mặc dù rất buồn, nhưng trước linh cữu ông, thâm tâm bà hứa sẽ thay ông nuôi dạy mấy đứa con thành người tốt.  Biết bao tủi cực, khi một mình nuôi con, bà không hề phàn nàn, kêu ca. Bây giờ, chúng nó thành đạt, mỗi đứa một nơi, bà lại một mình chống chọi với nỗi buồn. Thằng cả công tác tận trên tỉnh, thỉnh thoáng ghé qua dúi cho bà chút tiền, dặn dò thằng út ở cạnh trông nom bà cận thận rồi lại vội vã đi. Thằng hai ở tận Thủ đô, tháng nào cũng gửi thuốc bổ về cho bà đều như vắt chanh. Còn vợ chồng thằng út, mang tiếng ở nhà nhưng tham công tiếc việc, chúng nhận thêm mấy sào ruộng khoán nên cũng tít mít suốt.

Bây giờ không biết là mấy giờ rồi nhỉ, sao mãi bà chẳng ngủ được, tiếng gà vọng lại từ phía làng xa khiến bà trằn trọc. Bà nghiêng người thấy mình mẩy đau ê ẩm, cổ họng khô quá. Bà nhón dậy với tay cầm cái ấm tu ngụm nước. Bà chợt thấy nhớ ông quá! Những ký ức cứ thoắt ẩn, thoắt hiện trong đầu làm lòng bà thêm trĩu nặng. Cơn đau lưng cứ chốc chốc lại hành bà. Đau lưng quá, nhưng bà vẫn ngước lên cái ảnh ông trên ban thờ rì rầm “nói chuyện” với ông, ôn lại cái thời ông bà còn trẻ…
- Bà Miên ơi! Hôm nay có đứa nào về không? Dậy đi tập thể dục với bà cháu tôi cho vui.
Sáng sớm tinh mơ, tiếng Bà Tình đã ý ới ngoài cổng. Bà cố gượng dậy, dò dẫm một lúc mới tìm thấy cái gậy trong gầm giường. Bà lập cập ngó ra cửa. Bóng hai bà cháu bà Tình đã mất hút cuối ngõ. Khoảng sân trống tênh, chỉ có tiếng gió thổi đám lá khô bay xào xạc. Bà  buồn bã quay vào nhà.
“Lại thêm một Chủ nhật nữa không có đứa nào về”. Chỉ có mỗi cái bóng cùng bà đi đi, lại lại va vào nhau làm căn nhà năm gian đã rộng càng rộng thêm.

Sáng tháng Năm, gió từ cánh đồng lúa thổi vào mát rượi. Bà Miên lại ngồi bỏm bẻm nhai trầu ở đầu hiên. Bà thấy nhớ mấy đứa cháu quá. Lâu lắm rồi chúng không cho bọn trẻ con về chơi. Mà sao ở trên tỉnh chúng nó bắt bọn trẻ học lắm thế. Còn thằng hai nữa, đôi ba tháng mới về một lần, vội vội vàng vàng ấn cho bà bịch thuốc bổ, dặn dò vợ chồng thằng út phải làm thế này, thế kia rồi mất hút luôn. Bà thở dài, ngả lưng xuống ghế cho đỡ mỏi. Nhà bên, có tiếng cãi cọ chí chóe, tiếng bát đĩa xô nhau loảng xoảng. Chắc bọn trẻ đang tranh nhau dọn mâm bát. “Ối chà! Cứ thế lại vui, bữa nào con cháu cũng xum vầy đông đủ, chả như mình, cơm bưng nước rót chỉ có một mình…”- bà lẩm bẩm.
- Con Thanh đâu, sao giờ này vẫn chưa đứa nào cơm nước gì cho bà? Bố mẹ mày cứ tham công tiếc việc làm gì, đã bảo thiếu gì cứ gọi bác, để bà lọ mọ giờ còn chưa ăn gì à?
Tiếng anh cả oang oang từ ngoài sân làm bà giật mình. Thanh vội chạy lại đỡ bà ngồi dậy. Bà ngó trước ngó sau:
- Thế anh cả không cho đứa nào về cùng à?
- Nhà con bận đi dự hội thảo, bọn trẻ con đang chuẩn bị thi học kỳ, con đi công tác tranh thủ ghé qua thăm bà một chút thôi.
Nói xong bác cả vòng ra sân nhà bên mắng vung vẩy vợ chồng cậu út một thôi một hồi rồi vội vàng leo lên xe đi luôn. Bà thở dài lắc đầu.  
Cái Thanh đến bên bà:
- Hôm nay có canh cua đấy, bà ăn đi kẻo nguội, bố mẹ con tuốt nốt mẻ lúa rồi ăn sau.  
Bà nhìn khay cơm. Ồ! Thì ra là bữa cơm gạo mới đầu tiên. Giá có mặt đông đủ con cháu sum vầy ăn cùng thì vui biết mấy. Bà lại ăn cơm một mình. Bát cơm gạo mới dẻo thơm thế mà mồm miệng bà cứ đắng ngắt. Gió từ đồng thổi vào lành lạnh. Sao giữa mùa hè lại có gió bấc thế này. Trời tối sầm như sắp có mưa. Bà lọc cọc chống gậy vào nhà trong, người run lên cầm cập…

Sáng hôm sau, ánh nắng đã trải bừng một góc sân, cánh cửa gỗ mầu nâu sẫm vẫn đóng im ỉm. Không thấy dáng còng còng của bà ngồi trước hiên nữa. Bà ốm rồi! Tụi trẻ con buồn so thông báo.
Hàng xóm láng  giềng tranh thủ buổi trưa tới thăm bà kín cả nhà.
Một cuộc họp gia đình được triệu tập. Bác cả cho điều tra gấp xem lý do tại sao bà lại ốm.
Anh hai nhanh nhảu báo cáo:
 - Em vẫn mang thuốc bổ về cho bà theo đúng đơn kê của bác sĩ khám định kỳ.
Chị Thắm cũng đỡ lời:
- Vâng, thuốc bệnh bà cũng uống đều. Hôm giữa tháng em nặn lưng cho bà, thấy bà vẫn bình thường.
Cả nhà dồn mắt về vợ chồng cậu út. Anh cả hằm hằm nổi giận:
 - Tiền hàng tháng tôi gửi về chăm sóc bà đều đặn, thế chú thím cho bà ăn uống có đầy đủ không?
Cậu út hùng hổ đứng dậy, mặt đỏ bừng bừng như chuẩn bị cãi nhau. Chị Bưởi vội vàng kéo chồng ngồi xuống. Giọng xen lẫn nước mắt:
- Trước hôm phải cảm, bà vẫn ăn uống bình thường. Nhưng dạo này bà cứ hay lẩn thẩn nói chuyện một mình, lúc nhớ, lúc quên. Mấy hôm lại hỏi: Chủ nhật chưa, có đứa nào về không? Thỉnh thoảng lại nằm khóc một mình...  
Không ai nói thêm gì nữa. Bầu không khí nặng nề trùm kín cả nhà.
Ngồi như trời trồng một lúc lâu, bác cả ngẩng cao đầu, quả quyết:
- Từ nay, mọi người phải cơm nước, thuốc thang cho bà cẩn thận hơn, nhất là việc cho bà uống thuốc phải thật đúng giờ! Không được để bà bệnh như thế này nữa?