Cảm ơn cuộc đời

09:30, 26/08/2016

Buổi họp tổ hưu hôm nay có thêm thành viên mới. - Xin giới thiệu với các ông bà, đây là ông Vũ Thành Phát, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Lộc Phát. Ông Phát mới về đây làm nhà - tổ trưởng tổ hưu trịnh trọng giới thiệu.

Tôi quay lại nhìn người mới đứng lên, suýt buột mồm: “Tưởng ai”.

 

Người đàn ông sinh hoạt cùng tổ hưu với tôi hóa ra là người quen, dù tôi chưa một lần gặp trực tiếp. Ông Phát bé loắt nhoắt, một bên mắt trắng đục, một cánh tay không cử động được thõng thượt ép vào cạnh sườn.

 

Được cơ quan phân công viết về mảng doanh nghiệp hàng chục năm, tôi chưa bao giờ tiếp cận được công ty của ông Phát. Lần nào tôi đặt lịch làm việc ông cũng từ chối “khéo”: “Nhà báo thông cảm nhé, đơn vị chưa làm được gì nhiều đâu”.

 

Đơn vị ông thế nào chúng tôi thiếu gì kênh để biết. Con số báo cáo tôi nắm bên Thuế, bên ngân hàng không khó. Công ty có hơn một nghìn lao động, đến chín mươi phần trăm là nữ, lương công nhân khá cao, mỗi năm số tiền giúp người nghèo trong và ngoài doanh nghiệp lên đến vài tỉ đồng.

 

Trong tay những thông tin cụ thể đến thế, nhưng tôi vẫn cần gặp ông để nghe người đứng đầu doanh nghiệp nói. Cái nghề “nhìn, nghe, sờ, nếm” nó nghiệt ngã. Vậy mà lúc nào ông cũng từ chối bằng cái giọng nhỏ nhẹ: “Nhà báo thông cảm nhé, để thời điểm khác, đơn vị tôi còn phải cố gắng nhiều”.

 

Tôi đồ rằng ông có âm mưu. Chứ cái “nhân tướng học” của ông, cái cách né báo chí như ông tôi đoán chắc “có vấn đề”. Thì đấy, nhiều doanh nghiệp phá sản đến nơi vẫn hoành tráng khởi công chỗ nọ, cắt băng chỗ kia để lòe thiên hạ. Riêng cái chuyện đánh bóng tên tuổi, họ tranh thủ mọi nơi mọi lúc ấy chứ. Có “anh” lên truyền hình trực tiếp bê cái biển tài trợ dài tám, chín con số, khiến người xem lác hết cả mắt. Thế rồi “anh” lặn mất tăm, hoặc gãi đầu gãi tai “dạo này làm ăn thua lỗ, xin khất lần khác”. Lại có “anh” giúp được hơn chục triệu đồng cho người nghèo làm nhà, bắt họ gắn biển tên đơn vị to tướng lên tường, đứng cách hàng chục mét đã nhìn thấy “Nhà tình nghĩa do công ty X. tài trợ”. Tôi đã dự không biết bao nhiêu buổi khánh thành nhà tình nghĩa. Có cụ ở đầu thôn tò mò chống gậy đến xem thấy lãnh đạo áo trắng quần tây giày bóng loáng đứng cạnh chủ nhà nhỏ thó tay vàng đen nhẻm nhựa chè cùng cầm kéo cắt băng lụa đỏ chót, mới chép miệng: “Gớm, người ta may cả cái áo, mình cho mấy cái cúc áo mà rùm beng”. May mà cụ không biết, tí nữa ra thị trấn đã có dăm mâm thịnh soạn “cơ sở” mời khách. Số tiền cơm rượu có thể quy ra con nghé cho chủ nhà làm vốn. Ấy là tôi cứ hay nghĩ thơ thẩn thế. Chứ doanh nhân trong đầu họ mọc núi khôn, họ có cho không ai cái gì?

 

Vậy mà ông Phát khác hẳn. Lên truyền hình, báo chí, ông đùn cho cấp phó (chắc ông biết cái mặt mình không dễ nhìn cho lắm). Có việc cần “tháp tùng” lãnh đạo, ông kiếm cớ chuồn ra khỏi khuôn hình.

 

Rồi ông nghỉ hưu, nhường Công ty cho con. Chục năm sau tôi cũng nghỉ hưu.

 

                                                               ***

 

- Xin các ông bà cho tôi được nói đôi lời - vẫn cái giọng nhỏ nhẹ tôi từng nghe qua điện thoại - tôi lần đầu ra mắt tổ hưu xóm ta, có chén rượu nhạt, bát cơm trắng, tôi trân trọng mời các ông bà quá bộ đến nhà tôi dùng bữa.

 

- Nhất trí - mọi người vui vẻ nhận lời.

 

Tôi cười nụ: các cụ dạy chả sai, lúc “đỏ như vông, đông như tiết” thì sợ người khác cầu cạnh, giờ về vườn phải mời cả thường dân đến nhà.

 

Có trong mơ tôi cũng không bao giờ dám nghĩ mình có cái nhà đẹp như nhà ông Phát. Hai ông bà già mà ở đến gần nghìn mét vuông, sân lát gạch đỏ au, nhà ngang nhà dọc, chỗ nào cũng sạch bóng. Chúng tôi đi theo ông như người ta đi tham quan bảo tàng. Mở cửa từng phòng, ông giới thiệu: Chỗ này để các cụ tổ quy Phật của nhà tôi nghỉ ngơi mỗi lần đi lễ chùa. Đây là phòng tập văn nghệ của câu lạc bộ xe đạp. Đây là phòng họp của hội cựu doanh nhân…

 

Duy có một căn phòng cửa khóa kín ông Phát đi qua nhưng không giới thiệu với khách. Tôi định hỏi song lại thôi.

 

Bàn ăn trải khăn trắng muốt đặt dưới tán cây lựu đỏ, nhạc Pháp du dương. Thức ăn ngon, bày biện đẹp mắt, chúng tôi ăn uống trong mùi hoa nhài thoang thoảng. Cách sống quý tộc sang trọng của ông khiến tôi thêm… ghét.

 

Sau bữa ăn, tôi nấn ná xỉa răng, uống trà, lững thững đi dạo trên con đường lát sỏi nâu, ngắm khu vườn đỏ au hoa mẫu đơn. Tôi… chờ mọi người về trước. Thói quen nghề nghiệp khiến tôi bức bối.

 

Có tiếng bước chân, ông Phát đã đứng ngay cạnh tôi.

- Tôi làm nhà vườn rộng cho các cháu cuối tuần về chơi có chỗ chạy nhảy ông ạ. Hoa mẫu đơn này mẹ tôi ngày xưa thích lắm - vừa nói ông vừa vuốt ngón tay lên những đóa mẫu đơn đỏ thắm.
- Anh Phát quê ở đâu? Tôi hỏi.
- Tôi ở Thái Bình.
- Ô, thế ra anh cùng quê với tôi rồi.

 

Ông Phát thảng thốt:
   - Các cụ nhà mình vẫn khỏe chứ anh?
   - Bố mẹ tôi tha phương cầu thực lên trên này, đã mất mấy năm rồi. Còn họ hàng ở quê thì chết đói năm bốn nhăm hết anh ạ. Thế anh ở xóm, xã, huyện nào? Biết đâu tôi với anh lại là đồng hương?

 

Ông Phát bỗng im lặng. Cơ mặt ông giật giật. Ông kéo tay tôi ra hiệu đi theo ông.

 

Chúng tôi đứng trước căn phòng khóa kín lúc nãy. Ông lấy chìa, mở khóa, với tay bật điện. Trước mặt tôi, một khung cảnh thật kỳ lạ. Giữa phòng là cái chõng tre đen nhẻm, trên chõng trải manh chiếu rách, đôi guốc gót mỏng dính xếp gọn chân chõng. Góc nhà là chiếc chum sành màu nâu tía đậy mâm gỗ sứt sẹo, cái nón mê treo trên vách. Đây đích thị là đồ dùng của gia đình Việt Nam nghèo khổ. Tôi đã thấy cảnh này lần tham quan phủ Thành Chương. Ông họa sĩ giàu có đã dựng hẳn nhà chị Dậu, y thế này.

 

Khác hẳn mấy thứ đồ đạc tàn tạ, góc trong cùng căn phòng là bàn thờ sơn son thếp vàng lộng lẫy. Giữa ban thờ đặt pho tượng bán thân. Một phụ nữ chừng 60 tuổi, khuôn mặt trái xoan hiền dịu, tóc vấn, răng hạt na. Góc trái ban thờ là tấm áo nâu vá chằng chịt, gấp gọn gàng trong túi bóng kính. Góc phải ban thờ dựng một cái đòn gánh cong gập, hai mấu đòn gánh trơn nhẵn, sâu hoẳm.

 

Không đợi tôi hỏi, ông Phát cất tiếng: - Đây là khung cảnh gia đình tôi những năm năm mươi, sáu mươi. Ba mẹ con tôi nằm trên chiếc chõng tre này. Mùa Đông cũng như mùa Hè chỉ có manh chiếu rách. Cái chum này ít khi có gạo, rặt khoai lang, sắn khô. Đôi guốc này, cái nón này là tài sản của mẹ tôi…

 

Ông đến bên ban thờ, với tay cầm chiếc đòn gánh, áp lên gò má nhăn nheo, bàn tay lẩy bẩy, giọng nói cũng run run.

 

- Mẹ tôi không biết chữ, bà làm nghề gánh vã. Người ta thuê mẹ tôi gánh gạo từ thị xã đi các huyện bán, rồi lại gánh hàng từ huyện về thị xã. Mỗi ngày gánh gồng kẽo kẹt vài chục cây số mẹ tôi được trả công khi thì đấu gạo, khi thì đấu cám. Bố tôi bị thương hàn mất năm anh tôi mới ra đời. Chiếc đòn gánh này đã nuôi chúng tôi lớn lên.

 

Ông nghẹn ngào: - Lần ấy người ta gọi mẹ tôi đi từ tờ mờ. Tối mịt không thấy mẹ về, hai anh em tôi đợi mãi ngủ gục đi. Đến khuya, chúng tôi được người ta báo tin mẹ bị cảm, chết ngang đường. Họ chôn mẹ tận núi Hạt. Mãi sau này chúng tôi mới tìm được, đón xương cốt mẹ về.

 

Thì ra, ông Phát có một tuổi thơ thật khốn khổ. Tôi hỏi lảng chuyện khác cho ông bớt xúc động:- Tấm áo này cũng là kỷ vật của bà?

- Không. Người mẹ mà tôi vừa kể với ông thực ra là người đã nuôi tôi từ tấm bé. Còn tấm áo này là kỷ niệm duy nhất của người mẹ đã sinh ra tôi.

Nâng tấm áo trên bàn tay còn lại, những ngón tay ông lại run bắn lên.

- Mẹ đẻ tôi theo đoàn người từ Thái Bình lên thị xã xin ăn, bế theo tôi chưa tròn một tuổi. Đến Thái Nguyên thì mẹ kiệt sức, người chỉ còn bộ xương. Biết mình sắp chết, mẹ cố cởi áo mặc vào người đứa con trần truồng thoi thóp. Người ta quẳng những cái xác lên xe cải tiến, đổ vào hố đào sẵn, hất vôi bột lên. Không hiểu sao thằng bé khát sữa chưa đầy tuổi là tôi lại nhoi được lên. Tôi cứ nhoi lên, khóc e e như con mèo, mặt đầy vôi, một tay bị gẫy do người ta tưởng đã chết cầm ném xuống. Mẹ tôi - là người mà tôi đã cho tạc bức tượng bán thân đặt trên ban thờ - đi gánh thuê về qua nhìn thấy cảnh ấy. Bà đã lao xuống ôm lấy tôi, đưa tôi về căn lều dột nát của bà. Mẹ nuôi tôi kể cho tôi nghe chuyện ấy. Tôi bị hỏng một mắt do vôi bột, một tay gẫy thành tật không chữa được.

 

Thốt nhiên, tôi quay sang nhìn ông thật kỹ. Tôi đã đọc nhiều tài liệu về cái năm Ất Dậu khủng khiếp. Từng đoàn người. Không, những bộ xương biết đi. Họ tưởng nơi này có ăn hơn nơi kia. Họ bám víu chút hy vọng mong manh phía trước. Rồi cuối cùng, người trước, người sau đều chết vì đói. Trên đường phố, trong xó chợ, thảm cảnh bày ra trước mắt. Có người mẹ chết rồi con vẫn nhay vú. Có đứa trẻ kệ cho người ta đánh, máu xối xuống mặt, vẫn vươn cổ nuốt cho trôi miếng bánh vừa cướp được.

 

Chứng nhân năm đói ấy đứng trước mặt tôi đây. Đôi mắt, một bên mờ đục, một bên đen nhánh đều tuôn nước mắt.

 

Tôi nắm bàn tay mềm oặt của ông, dắt ông ra khỏi căn phòng, ra khỏi thác ký ức đang cuộn chảy.

 

Rời nhà ông Phát, tôi đạp xe lang thang, lang thang. Chiếc xe ì ra, nặng nhọc. Mặt đất như có triệu đôi tay mọc lên, níu lấy tôi. Từ đằng xa, một người đàn bà mặc áo cánh nâu, gánh đôi quang thúng nặng trĩu, dắt đứa trẻ cởi truồng ngơ ngác đi về phía tôi. Tôi đạp dấn xe đến gần. Người đàn bà đó là mẹ tôi. Còn đứa trẻ là tôi.

 

Cái bóng mẹ tôi lớn dần, trùm kín tôi, rồi mất hút.