Đêm. Mất điện. Lão Cự nằm trên chiếc võng bắc ngang cây nhãn. Muỗi ở đâu mà lắm thế không biết? Tay lão phát đen đét vào chân, vào mông.
- Ông Cự ơi!
Tiếng dép lẹp kẹp của vợ lão nghe mỗi lúc một gần.
- Có chuyện gì thế bà?
- Ông ra trại lợn xem thế nào. Tôi thấy nó kêu hồng hộc lên đấy. Không biết còn nóng đến bao giờ. Điện mất. Đến khổ.
Từ ngày xem trên truyền hình thông báo có dịch lợn tai xanh về tỉnh, ông bà lo cuống cuồng tìm mọi cách phòng tránh.
Ông Cự vào nhà cầm đèn pin ra trại lợn. Phân lợn bốc lên, phả vào không gian khiến ông lợm giọng khạc nhổ liên tục. Bà Cam lẽo đẽo theo sau, lẩm bẩm điều gì khó chịu lắm. Ông Cự quay phắt lại:
- Bà lẩm bẩm cái gì thế?
- Tôi đang lo con lợn nhà bà Tam bị dịch lây sang đàn lợn nhà mình ông ạ. Thật quá đáng!
Ông Cự đứng khựng lại. Thế này thì nguy hiểm thật.
Tay cầm đòn gánh, ông Cự phăm phăm sang bên nhà bà Tam. Trong nhà, ngọn đèn hoa kỳ leo lét hắt ra những luồng sáng yếu ớt. Hình như có tiếng nước chảy. Ông đứng lại một hồi lâu nghe ngóng, tủm tỉm cười một mình. Phía Đông, mặt trăng tròn to như cái nong đang từ từ mọc. Nhiều lúc ở trại lợn một mình ông cũng định sang bà Tam chơi nhưng ngại. Nghĩ lại chuyện xưa, lòng ông Cự như dịu lại. Bao nhiêu bực bội như tan biến đâu cả. Tiếng dép lẹp kẹp đi từ phía nhà tắm ra. Ông Cự vẫn đứng im. Tay ông vân vê tàu lá chuối khô mà không dám bước vào. Hương bồ kết từ mái tóc dài của bà Tam phả ra thơm dìu dịu. Lâu lắm rồi ông mới ngửi thấy mùi thôn quê thân thuộc ấy.
Ông Cự vẫn đứng ngây người bên bờ rào. Ông giật mình khi một con lợn chạy lao qua chân. Ông định cất tiếng gọi bà Tam thì nghe thấy tiếng hai chiếc xe Min nổ bành bành đỗ xịch giữa sân nhà bà Tam. Ông Cự nép người nghe ngóng.
- Nay cháu bắt 3 con yếu hơn tiêu thụ trước. Mấy con còn ăn được bà chăm tiếp đi vài hôm bọn cháu bắt.
Trong chốc lát, 3 con lợn được chằng gọn sau xe.
- Bà Tam có nhà không?
- Ô! Bác Cự đấy ạ? Mời bác vào nhà chơi.
Ông Cự khẽ vén bờ rào bước vào.
- Mất điện, nóng quá bà nhỉ?
- Vâng, thời tiết nóng quá bác ạ. Mời bác vào nhà uống nước.
Bà Tam kéo chiếc chõng tre mời ông Cự ngồi.
- Dạo này bà chăn nuôi nhiều lợn gà không?
- Cảm ơn bác, em thì chăn nuôi được cái gì. Một mình một bóng, chuồng để không suốt.
- Vậy con lợn nhà ai chạy rông ngoài vườn nhà bà thế?
Bà Tam đon đả rót nước mời ông Cự. Cốc nước vối bà hãm từ nãy tỏa mùi thơm đậm đà.
- À, con lợn ấy không hiểu từ đâu nó chạy vào vườn nhà em. Mỗi bữa, em vẫn bớt một bát cơm cho nó đấy.
- Trời! Thế này thì nguy hiểm quá!
- Có việc gì mà nghiêm trọng thế bác? Hay đó là lợn nhà bác...?
- Nhà tôi làm gì có cái giống lợn ấy. Bà chôn ngay nó đi không lây sang đàn lợn nhà tôi thì bà hoàn toàn chịu trách nhiệm đó.
- Ôi, vậy à, em đâu có biết, vậy thì nhờ bác xử lý nó giúp em.
- Được rồi, bà đi mượn cho tôi cái đèn pin.
Bà Tam tất tưởi chạy sang nhà hàng xóm mượn đèn. Ông Cự đi đi lại lại lòng như có lửa đốt. Một tay cầm gậy, một tay cầm đèn pin, ông Cự bước ra ngoài vườn. Vườn nhà bà Tam khá rộng, cây cối lại mọc um tùm. Tiếng côn trùng kêu rỉ rả. Ông Cự dùng gậy đập đập vào mấy bụi cây cạnh bờ ao. Chẳng thấy có động tĩnh gì cả. Một bóng đen lừ lừ tiến lại phía hai người. Thấp thoáng, thoắt ẩn, thoắt hiện dưới ánh trăng. Bà Tam ngẩng đầu lên.
- Trời ơi! Ma! Ma!
Bà Tam sợ quá kêu rú lên rồi bám chặt vào ông Cự. Ông Cự đang đứng ở bờ ao, thế đứng không vững nên kéo luôn cả bà Tam ngã xuống vệ ao. Bà Tam ngượng ngùng khi nhìn lại thấy mình đang nằm đè lên người ông Cự. Ông Cự người nhỏ con nên thật khó xoay xở trước người đàn bà phốp pháp đang nằm trên bụng mình. Bóng đen tiến lại gần hơn và hét lên:
- Trời ơi! Tôi biết ngay mà. Thế này mới khổ thân tôi không?
Thì ra là bà Cam. Phen này biết giải thích ra sao đây. Ông Cự, bà Tam lổm ngổm bò lên khỏi ao.
- Bà bé cái mồm chứ. Tôi đang...
- Ông còn cãi à. Chứng cứ sờ sờ ra đấy. Ông về ngay, về ngay!
Bà Cam nguýt dài nhìn bà Tam vẻ giận dỗi lắm nhưng không biết làm thế nào. Về đến nhà, bà Cam vẫn xa xả mắng ông Cự. Nào là già rồi mà vẫn có thói trăng hoa. Rồi bà lại chĩa sang phía nhà bà Tam mà chửi đổng. Ông Cự hết chịu nổi, cầm cái thau bên cạnh ném đánh xoảng ra ngoài sân. Bà Cam thấy chồng nóng lên cũng bớt lời. Mâm cơm vẫn để nguội ngắc nguội ngơ không ai động đến. Bà Tam tất tưởi ra ngoài trại lợn, xắn quần lên vào dọn dẹp chuồng lợn cho đỡ tức.
Ông Cự cầm chiếu ra đầu hè nằm. Gió từ phía ngoài đầm thổi vào phe phẩy mát như ru...
***
Trời tang tảng sáng. Con gà trống từ trên cây rơm giữa vườn cất tiếng gáy thật vang. Những tia nắng bắt đầu chiếu vào hiên nhà khiến ông muốn ngủ thêm cũng không được. Ông khẽ lật chiếc chăn mỏng. Thì ra đêm qua dọn chuồng lợn về bà Cam vẫn không quên đắp chăn cho ông. Tính bà ấy là vậy. Giận dỗi thế nào vẫn quan tâm đến chồng con. Ông lại bàn uống nước, hút điếu thuốc lào cho tỉnh táo đầu óc. Đột nhiên, ông nghe bà Cam hốt hoảng gọi từ ngoài cổng:
- Ông Cự ơi, sang nhà thằng Hưng ngay, cả nhà nó bị ngộ độc thực phẩm rồi!
Ông Cự giật mình, vơ vội đôi tông chạy sang nhà anh con cả. Con dâu và hai đứa cháu nội đang lăn lộn dưới đất. Mâm cơm với lòng lợn, tiết canh bắn tung tóe. Ông Cự nhờ người gọi xe cấp cứu đưa con dâu và hai thằng cháu vào viện. Ngồi trên xe lòng ông nóng như ran. Ông thầm trách thằng Hưng đi đâu mà để vợ con ra nông nỗi này. Điện thoại reo, ông nói như quát:
- Mày chết dí ở đâu mà không về đưa vợ con đi viện hả?
- Con đang bị đội quản lý thị trường tỉnh giữ xe và lợn, con không về ngay được, mọi việc con nhờ bố giúp ạ...
Ông Cự tắt phụt điện thoại. Con với chả cái. Đã bảo bao lần rồi, buôn bán thì phải đường hoàng. Đằng này, ham lãi buôn cái đám lợn dịch lợn bệnh người ta bắt cho là phải. Mặt mũi đâu mà ông dám về làng nữa đây...
Con dâu và cháu nội ông Cự được đưa đến viện kịp thời nên đã qua cơn nguy kịch. Mắng con trai là vậy nhưng ông cũng thấy thương chúng nó. Mới ra ở riêng, nợ nần chồng chất. Ông vẫn khuyên chúng nó làm ăn chân chính rồi trời sẽ thương. Chả hiểu ai xui khiến mà nó lại đi buôn đám lợn dịch bệnh thế không biết. Ông Cự với tay bật tivi, hình ảnh các bác sĩ đang đẩy chiếc xe cấp cứu bệnh nhân bị ngộ độc thực phẩm dọc hành lang bệnh viện. Kia đúng là ông trên tivi rồi còn gì. Thế này thì ngại với bà con dân làng quá. Hình như có cả bà Tam trên ti vi thế kia. Sao bà ấy lại chứa chấp nhiều lợn mắc dịch bệnh thế cơ chứ. Thế này thì...
***
Thấy tiếng chó sủa, ông Cự lững thững bước ra cổng.
- Bác trưởng thôn sang chơi ạ? Mời bác vào nhà xơi nước.
Ông trưởng thôn vốn tính điềm đạm bắt đầu vào câu chuyện.
- Tôi vừa bên bà Tam giúp bà ấy tiêu hủy mấy con lợn mắc bệnh tai xanh. Xóm đang thành lập đội phòng chống dịch bệnh ở gia súc, gia cầm, ông bà cùng tham gia chứ?
- Vâng! Tôi xin ủng hộ cả hai tay...
- Vậy thì tốt rồi! Tôi xin phép về thông báo tiếp trên loa để bà con cùng tham gia...
Tiếng loa từ nhà ông trưởng xóm phát ra nghe rõ mồn một. Ông Cự vác cuốc lên vai, bước ra đường cùng tham gia vào lễ phát động dọn dẹp vệ sinh đường làng ngõ xóm, phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc gia cầm. Bước đi trên con đường mới được đổ bê tông, trong lòng ông chộn rộn một niềm vui khó tả.