Mảnh ghép

14:51, 26/11/2016

Đúng 5 giờ sáng, nàng mở mắt, nhẹ tay nhấc góc chăn sang một bên, ém chăn sát thân hình to béo nóng hổi của chồng. Nhẹ thế mà chồng nàng vẫn biết, hắn lầm rầm lép bép trong mồm không rõ tiếng.

Nàng khẽ ngồi lên, búi tóc, quờ chân tìm đôi dép, xỏ tay vào tấm áo len mỏng, se sẽ mở cửa buồng bước ra ngoài.

Nàng thận trọng từng bước xuống gác. Bật đèn, bật bình nước nóng, vo gạo đặt cơm, bỏ thực phẩm trong tủ lạnh ra … Nàng thoăn thoắt làm mọi việc, chẳng vui, chẳng buồn. 15 năm rồi, từng ấy việc trong căn nhà quen.

Sáu rưỡi thì trên gác có tiếng lục cục. Chồng nàng nặng nề đi xuống. Hắn xục xạo trong toa-lét một lúc thì ngồi vào bàn ăn dọn sẵn. Hắn cắm cúi nhai, nuốt, tu ực ly cà phê nàng để sẵn, rút tăm xỉa răng tanh tách, lau miệng, xách cái cặp đen bóng nàng mang đặt ngay ngắn trên ghế xa lông.

Bẩy giờ, nàng mở cổng, ép người vào vệ tường cho xe lướt qua.

Nàng vội vàng khóa cổng, leo như bay lên gác. Nàng lập cập mở cửa sổ, xục tia mắt vào lùm lá xanh rậm rịt chi chít hoa trắng muốt. Kia rồi. Chú chim xanh thẫm đuôi dài thướt tha đã đậu ở đấy từ bao giờ. Nó mừng rỡ nhìn nàng. Nước mắt chan chứa, nàng gọi: Anh ơi.

                                                               

      ***

 

Bấy giờ là tháng Ba. Nàng mặc áo dài trắng tinh. Đi nhẹ, nói cũng nhẹ. Nàng như cánh hoa bưởi đung đưa ngoài cửa sổ. Phòng nàng ngát mùi hoa. Càng khuya hương càng đượm. Hơi thở nàng ướp mùi hoa thanh khiết.

Nhà nàng ở cuối con đường. Nơi này xưa kia là cánh đồng rau ven đô. Biệt thự lọt giữa vùng rau, lúc nào không khí cũng hăng hắc mùi hành, thoang thoảng mùi thìa-là, húng tía. Vườn có hai cây mít mật, một cây bưởi đào xòa lá vào tận giường. Tháng Ba, Nàng chải tóc, thò tay qua song cửa ngắt một nhành hoa bưởi cài lên cặp ba lá. Đóa hoa xinh xinh dịu dàng tỏa hương trên mái tóc dài như màn đêm miên man.

Sáng nào người ấy cũng đợi nàng dưới gốc bưởi. Có một con đường nhỏ dẫn vào vườn chỉ có người ấy và nàng biết. Người ấy hay mặc áo màu lá bưởi. Chiếc xe chở nữ sinh áo dài trắng như làn khói khuất ngõ nhỏ, mùi hoa vương lại.

                                                        

     ***

 

Hắn vừa lái xe vừa lẩm nhẩm đọc thơ. À không, phải nói là học thơ thì đúng hơn. Bài thơ tình hắn “đao” trên mạng xuống, nhồi cả tuần nay mà không sao lọt vào óc hắn.

 

         “Chợt giật mình đã thấy tới tháng ba
           Mùa xuân về bưởi ra hoa trắng xoá
               Tháng ba về như quen mà như lạ
                Hương bưởi ngạt ngào nhớ quá đi thôi”(*)

 

Hắn thở dài. Làm doanh nghiệp bây giờ lắm nhiêu khê. Gặp đối tác cũng phải “môn đăng hộ đối”. Phải thằng thích thơ mình phải phun thơ, gặp thằng thích hát mình phải nhả nhạc. Sao lắm thằng như làm nhầm nghề. Ngồi ghế lãnh đạo chém gió tỉnh queo mà vào cuộc rượu đọc thơ ông ổng, điển tích văn chương, nhạc họa phán như bố tướng. Thế nên hắn phải cũng tự trang bị tí chút văn học nghệ thuật cho đỡ mang tiếng trọc phú.

 

Ngày ngày tới trường anh đón anh đưa
Em biết thẹn khi tuổi vừa mới lớn
Em như hoa bưởi ngát hương buổi sớm
Anh cứ dập dờn như bướm bên hoa

 

Hắn vỗ đùi tự khen mình tìm ra giải pháp học thơ này là quá thông minh. Thế mà có dạo hắn tập tọng làm thơ. Hôm đánh xe ra đường đi làm, trời mưa to khiến mấy mảnh ruộng ngập tràn bờ, hắn bỗng nhớ ngày cởi truồng bơi thuyền thúng đi bắt cá. Thơ ở đầu hắn bỗng dưng tuôn ra:

 

Hôm nay trời lại mưa rào.
Ngày mai ta lại cắm sào đi ghe…

 

Vừa hay, hôm ấy trong cuộc nhậu, đối tác nói đến thời tiết dạo này thất thường, hắn như vớ được của “tôi cũng nghĩ nhiều về thiên tai nên có thơ”. Rồi hắn lấy giọng đọc thật truyền cảm bài thơ sáng nay “tôi vừa sáng tác”. Chẳng hiểu sao bàn ăn có 5 người thì 4 người chạy vội ra ngoài, còn đối tác chính của hắn thì mím chặt môi, mặt đỏ rần rần, xua xua tay như người cấm khẩu. Hắn biết thơ mình làm không hay rồi, thôi, cứ lấy thơ người mà đọc, đỡ tốn công nghĩ, mệt.

 

Mà cú đánh “quyết định” cho đối tác đổ gục của hắn đâu phải ở thơ ca.

\nh… cứ… dập dờn… như bướm… bên… hoa. Anh cứ… dập dờn… như… bướm bên… hoa.

Kít...ít…ít… Hắn chúi đầu vào vô lăng. Cái xe đạp cà tàng chở mụ nhà quê mông lấp hết yên ngã chúi vào vệ đường. Vút. Hắn dí ga chạy tiếp.

Mẹ kiếp. Hắn buột mồm chửi đổng. Thơ phú bay tiệt hết. Doanh nghiệp mới chả doanh nhân, thiên hạ tưởng có công ty là thành đại gia. Sẵn bốc đấy mà ăn. Cứ như con vợ mình. Ngu si hưởng thái bình.

                                                             

***

 

Hắn và nàng học chung một lớp. Nhà hắn với nhà nàng cùng xóm. Bố nàng là nhà giáo, mẹ nàng là diễn viên, gót chân nàng chưa bao giờ lấm đất. Hắn con nhà nòi làm rau. Ông hắn là “cụ tổ” mang nghề rau đến xóm. Một lần ông hắn vừa đu đưa mấy cái răng lắt lẻo trong mồm vừa kể, trước xóm này toàn mả. Trẻ con nấp sau mả chơi đi nú đi tìm, người lớn bốc quả trứng ở mộ mới ăn ngon lành, người già rờ tay lên tấm ván thiên khai quật mà tấm tắc khen gỗ tốt. Thì ma cũng từ người. Mà người rồi cũng ra ma. Giống rau xà lách ông nó mang theo gặp đất hợp lớn nhanh bất thường. Người thị xã chưa bao giờ nhìn thấy cây rau cao đến nửa mét, chỉ hai, ba lá cả nhà ăn đủ bữa. Mà ngọt, giòn ngây ngất. Rau tràn đến đâu, mồ mả lùi đến đấy. Đến một ngày ông hắn chống gậy dò dẫm, một bên tay bám chặt thằng cháu nội là hắn thì nơi này tịnh không còn ngôi mộ nào nữa. Ông nó mất, người ta đọc điếu văn, tôn vinh là ông tổ nghề rau. Chỉ tiếc không có cây xà lách cổ thụ để lưu thờ như cây chè tổ hay cây nhãn tổ cho mọi người đặt bia dụ khách đến tham quan.

 

Một buổi sáng, hắn đang oằn lưng kéo nước tưới rau thì thấy nhột nhột sau gáy. Quay lại, hắn gặp đôi mắt nàng. Cái gầu trên tay hắn rơi trong lòng giếng. Tiếng sét ái tình làm đứt cả dây gầu khiến buổi trưa hắn phải hì hục mò vớt lên.

 

Hóa ra nàng học cùng trường với hắn. Ngày ngày nàng có người đón đi đưa về. Người ấy thường mặc áo xanh. Cái lưng áo dài trắng áp vào lưng áo xanh như mũi tên hai màu xuyên thấu ngực hắn.
           

                                               
***

Trình bày xong dự án trường học dành cho trẻ khuyết tật, hắn buông tập văn bản, giọng khàn khàn:

 

- Thưa các ông các bà, là một doanh nhân chân chính, tôi đặt trái tim mình vào mỗi công trình. Nhất là công trình dành cho trẻ em không may chịu thiệt thòi này. Mọi người cũng biết, vợ tôi vô sinh, chúng tôi thiết tha có con đến vô cùng. Nhưng ông trời đã không cho chúng tôi mụn con, cũng như ông trời bắt những đứa trẻ không được lành lặn bằng chúng bằng bạn. Vì thế, công trình này với tôi có ý nghĩa vô cùng đặc biệt. Tôi mong các ông bà xem xét quyết định cho tôi được triển khai dự án.

 

Hắn ngồi xuống, bỏ kính ra lau, ngầm quan sát nét giao động trên khuôn mặt Ban thẩm định dự án.

 

Miếng đòn hiểm này giúp hắn trúng nhiều gói thầu. Điều kiện cần và đủ ư? Với hắn, cú đòn tình thương cộng với chiếc phong bì đưa kín đáo là điểm tựa cho doanh nghiệp phát triển. Bài này hắn chả cần học nhẩm mà đọc trơn mồm. Đôi khi hắn phải giả vờ nghèn nghẹn, lấy tay quệt mũi, bỏ kính ra lau.

 

Chín người Ban Thẩm định lần lượt cho ý kiến. Hắn cung kính ngồi nghe, gật gù tâm đắc, ghi chép lia lịa. Cuối cùng người chủ trì đứng lên kết luận. Bác Bí thư huyện ủy coi hắn như anh em trong nhà. Yêu cầu đồng chí giám đốc cần nghiêm túc tiếp thu, bổ sung những ý kiến Ban Thẩm định tham gia. Chúng tôi nhất trí cho đồng chí triển khai đề án. Chúng tôi tin tưởng vào cái tâm của người đứng đầu doanh nghiệp. Có tâm và có tài thì ắt có công trình tốt. Địa phương chúng tôi cần những công trình như thế.

 

Trời, gợi ý, chỉ đạo khéo đến thế là cùng. Hắn muốn nhảy lên ôm lấy cổ bác bí thư mà hôn. Hắn thở ra nhẹ dần, nhẩm nhanh con số tỷ sẽ chui vào tài khoản của hắn từ công trình này.

 

                                                                  ***

 

Nàng đắm đuối nhìn chim xanh. Người ấy sáng nào cũng về thăm nàng. Dấu chân người ấy nhẹ và thoảng mùi hoa bưởi. Dưới gốc cây này người ấy và nàng đã trao nhau nụ hôn đầu, nụ hôn cuối. Bào thai bé bỏng chưa kịp thành hình nấp trong lớp rễ cây cồn cào kia. Tai nạn giao thông đã cướp đi của nàng một lúc hai người.

 

- Anh ơi - nàng khẽ gọi.

- Chiu chiu, chíp chiu chiu - Anh đây, anh yêu em…

- Em nhớ anh và con - Nàng nghẹn ngào.

- Chiu chiu, chíp chiu chiu - Anh cũng nhớ em và con lắm.

- Chúng mình hẹn nhau ở kiếp sau anh nhé.

- Chiu chiu, chíp chiu chiu…

 

Có tiếng chuông gọi cổng. Nàng vội vàng đóng cửa sổ, xuống nhà. Câu chuyện hôm nào cũng chỉ đến đây là dừng. Đốm xanh vụt biến vào không khí.

 

Cô bé mát-xa mặt, chăm sóc da toàn thân đã đến. Công việc hàng ngày của nàng bắt đầu.

 

Chồng nàng bảo: Vợ người ta phải đi kiếm tiền, còn việc của cô là giữ nhan sắc. Vợ đẹp doanh nghiệp mới phát tài. Khuôn mặt, vóc người của vợ cũng là công trình chồng phải đầu tư.

 

Xông hơi, chuốt móng tay, ngâm chân tinh dầu, nàng như cái xác cho con bé thẩm mỹ nó “hành”.

 

***

 

Bẩy giờ tối, tiếng còi xe rít lên, nàng vội vàng nhét mảnh giấy đang đọc vào sâu góc tủ phấn, xuống mở cửa cho hắn vào.
Mảnh giấy đã nát nhầu vì hắn giấu kỹ và ngày nào nàng cũng mang ra đọc. Đó là kết quả xét nghiệm từ thời hắn chưa lấy vợ, khẳng định hắn mắc chứng vô sinh.

 

(*) Thơ Nguyễn Đình Huân;
(*) Thơ sưu tầm